22 định dạng nội dung truyền thông thiết yếu trong năm 2020 (Phần 2)

18 Thg 03

Nền tảng truyền thông xã hội nào bạn nên sử dụng? Mục đích của các bài đăng trên mạng xã hội của thương hiệu bạn là gì? Và yếu tố nào quyết định một nội dung hấp dẫn trên mạng xã hội, là yếu tố cảm xúc hay lượng tương tác với người dùng? Đó chính là những câu hỏi mà MarketingAI đã hứa hẹn sẽ giải đáp cho các bạn trong bài viết lần này. Tiếp nối chủ đề "22 định dạng nội dung truyền thông thiết yếu trong năm 2020", MarketingAI tiếp tục đưa đến độc giả bài phân tích sâu dưới đây để các bạn hiểu được, đâu là những yếu tố cần ưu tiên trong các chiến dịch truyền thông nội dung sắp tới trên các trang mạng xã hội. Triển khai thành công chiến dịch nội dung trên mạng xã hội chính là chìa khóa quan trọng giúp cho các doanh nghiệp thắng lớn trên thị trường thương mại năm 2020. Vậy thì, còn chờ đợi gì mà không tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết dưới đây của MarketingAI.

>>> Xem phần 1 tại: 22 định dạng nội dung truyền thông thiết yếu trong năm 2020 (Phần 1)

Bạn nên sử dụng những nền tảng truyền thông xã hội nào?

Khi bạn nghĩ về các phương tiện truyền thông xã hội, Facebook có thể là nền tảng đầu tiên xuất hiện trong tâm trí. Đúng là Facebook rất quan trọng. Nhưng thực tế là có ít nhất 7 nền tảng xã hội lớn có thể mang lại giá trị thực sự cho doanh nghiệp của bạn. Chiến lược nội dung truyền thông xã hội của bạn nên có sự kết hợp của hai, ba hoặc nhiều hơn nếu bạn muốn đạt được sự tương tác tối đa.

Vấn đề là tất cả chúng không hoạt động giống nhau. Mỗi nền tảng có một phân khúc nội dung riêng: định dạng, đối tượng, mô hình tương tác - và nội dung tiếp thị truyền thông xã hội của bạn sẽ phải phù hợp với thế mạnh của nền tảng đó.

Facebook

Mặc dù đã ra mắt nhiều năm, Facebook vẫn là một gã khổng lồ trong ngành Marketing. Đây là một nền tảng siêu linh hoạt vì bạn có thể đăng tất cả các dạng nội dung lên đó. Các bài đăng trên Facebook đều có thể để ở định dạng chia sẻ bài đăng từ blog, hình ảnh tùy chỉnh có logo thương hiệu, các video ngắn hấp dẫn và liên kết đến trang đích. Video là dạng nội dung đạt được sự tiếp cận nhiều nhất, tiếp theo là hình ảnh, sau đó liên kết rồi đến văn bản. Chuyên gia Marketing của Facebook, bà Mari Smith đã đưa ra các hướng dẫn này để cân bằng từng định dạng: "Tỷ lệ nội dung đăng tải trên Facebook nên là 70% video, 20% hình ảnh và 10% link liên kết. Ngoài ra, hãy tận dụng thế mạnh của tính năng Live trực tiếp của Facebook, khoảng một tuần một lần "

Nguồn: Workable

Một nghiên cứu trên 9.036.594 bài đăng video trên Facebook đã chứng minh rằng các video có mô tả khoảng 300 từ nhận nhiều tương tác nhất. Đừng quên rằng các bài đăng video và hình ảnh có thể đính kèm caption chứa các link liên kết và CTA. Lượng tương tác đem lại là vô cùng tuyệt vời, nhưng thậm chí còn tốt hơn khi khách hàng của bạn thực hiện một hành động bạn mong muốn, ví dụ như truy cập vào trang web của công ty bạn.

Instagram

Nội dung chất lượng với các hashtag phù hợp có thể duy trì lượng tương tác cao cho một bài đăng trên Instagram trong nhiều ngày. Đây là một nền tảng thiên về trải nghiệm trực quan nên rất phù hợp để chạy quảng cáo. Bạn không cần là một chuyên gia photoshop mới có thể trải nghiệm nền tảng này. Bạn chỉ cần một kho ảnh sản phẩm có độ phân giải cao, hoặc ảnh stock, kèm theo công cụ thiết kế đơn giản với các mẫu bài đăng đã làm sẵn là đã đủ "hành trang chiến đấu" trên chặng đường này.

Nguồn: Fuires

Các teaser về sản phẩm và các chương trình khuyến mãi với hình ảnh được thay đổi theo mùa luôn đem lại hiệu quả tốt. Mặc dù vậy, đừng chỉ giới hạn trong các hình ảnh tĩnh; bạn cũng có thể tận dụng sức mạnh của video trên Instagram thông qua các bài đăng, story, video trực tiếp hoặc IGTV (tùy thuộc vào độ dài từng video). Mỗi tùy chọn sẽ có giới hạn về độ dài cụ thể.

Bài đăng video: 3 giây đến 1 phút. Ngoài ra, bạn có thể cân nhắc quay boomerang (giống một GIF ngắn được tua đi tua lại) như một dạng nội dung thú vị và “bắt trend”.

Video cho story: Tối đa 15 giây. Những story video rất phù hợp để quay những cảnh hậu trường - không cần trau chuốt như những bài đăng bình thường. Nhưng bạn cũng không phải lo lắng quá về việc các story video đó không phù hợp với sự trau chuốt về thẩm mỹ, hình ảnh lâu dài của thương hiệu vì nó sẽ biến mất trong vòng 24h.

Video trực tiếp: Tối đa 60 phút. Các định dạng video trực tiếp rất phù hợp cho các sự kiện của công ty hoặc triển lãm thương mại. Tùy thuộc vào thị trường của bạn, bạn cũng có thể tạo các webinar hoặc buổi hỏi đáp thông qua video trực tiếp.

IGTV: 15 giây đến 10 phút (hoặc tối đa 60 phút với tài khoản đã được xác minh, với số lượng lớn người theo dõi). Đây thực chất chính là “lời đáp trả” của Instagram cho YouTube, vì vậy nó có thể được sử dụng cho các chiến lược nội dung tương tự.

Twitter

Không giống như các nền tảng khác, các nội dung trên Twitter diễn tiến nhanh và có thời gian “tồn tại” khá ngắn. Điều đó có nghĩa là bạn có thể tweet 1 nội dung tương tự nhiều lần vào những thời điểm khác nhau trong ngày, những ngày khác nhau để tiếp cận thêm đối tượng mới. Hình ảnh và video là dạng nội dung có sự tương tác cao nhất. Sau đó là đến những liên kết. Tìm các nội dung liên quan đến ngành và chia sẻ nó đến với những người theo dõi của bạn sẽ tạo status dưới dạng những nội dung cần biết.

Nội dung trên Twitter nên ưu tiên tính dễ chia sẻ (retweet). Và sự tương tác thường là ngay lập tức, vì các tweet sẽ trôi dần đi nhanh chóng. Sử dụng các hashtag độc đáo và kết hợp các nội dung tương tác cao, như quà tặng, cuộc thi, khảo sát, câu hỏi và cuộc thăm dò,... vào tường của bạn. Truyền thông hashtag là một chiến lược phổ biến được Twitter tạo ra và sau đó được lan rộng sang các mạng xã hội khác. Một số nền tảng người dùng sử dụng hashtag nhiều hơn các nền tảng khác, tùy theo văn hóa và hạn chế của từng nền tảng.

Nguồn: Social Barrel

Ví dụ: Facebook giới hạn số lượng ký tự của hashtag và Instagram có các hạn chế đối với các hashtag liên quan đến các chủ đề cụ thể (như trang web hẹn hò, các sản phẩm giảm cân, công ty người mẫu hoặc các chủ đề liên quan đến bạo lực, khiêu dâm và ma túy).

Twitter và Instagram phụ thuộc nhiều vào hashtag hơn các trang web khác. Gắn thẻ các bài viết trên hai mạng xã hội này với các xu hướng, hashtags liên quan sẽ tạo ra tương tác nhiều hơn. Việc nghiên cứu các hashtags nào đang là xu hướng cũng trở nên dễ dàng hơn với các phần mềm giám sát hashtag.

LinkedIn

Là một mạng xã hội đề cao tính chuyên nghiệp, LinkedIn thu hút các công ty B2B muốn kết nối với các chủ doanh nghiệp khác, hơn là một nền tảng tập trung vào người tiêu dùng như là Instagram.

Whitepaper (Sách trắng), Sách điện tử, báo cáo nghiên cứu, tin tức trong ngành, Webinar và các nội dung dài chứa nhiều thông tin sẽ cung cấp giá trị mà các nguồn kết nối chuyên nghiệp của bạn đang tìm kiếm. Các chủ đề hay nhận được nhiều sự quan tâm như: bài học kinh nghiệm, những phân tích dự đoán, mẹo hành động, xu hướng kinh doanh và các bài viết của những chuyên gia trong ngành khác.

Nếu bạn đăng video hướng dẫn hoặc thuyết trình, hãy dành thêm thời gian làm phụ đề! Animoto đã khảo sát 1.000 người tiêu dùng và 39% cho biết họ có sẽ xem hết một video có chứa phụ đề để họ có thể xem nó trong im lặng.

YouTube

Nhiều người quên rằng YouTube không chỉ là một nền tảng xã hội, mà là nền tảng có truy cập nhiều thứ hai trên internet - với hơn 27 tỷ lượt truy cập hàng tháng vào tháng 10 năm 2019, chỉ đứng sau Google. Nếu bạn có một phút, hãy xem biểu đồ thống kê này từ FastCompany cho thấy sự vươn lên thống trị của YouTube. Nội dung của các thương hiệu trên YouTube cũng đã tăng theo cấp số nhân kể từ khi nền tảng này vùng lên mạnh mẽ vào khoảng cuối năm ngoái. Không mất nhiều thời gian để 100 thương hiệu hàng đầu toàn cầu được đưa lên top.

(Nguồn: Learn.g2)

Thống kê về Video marketing từ những năm gần đây tiếp tục chứng minh cho xu hướng này. Ví dụ: lượt xem các video có nội dung gắn liền với thương hiệu tăng 99% trên YouTube trong giai đoạn 2016-2017. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp có thể nắm bắt cơ hội bằng cách tự tạo một kênh riêng cho mình. Các dạng nội dung video có thể phát triển như: cảm nhận từ khách hàng (rất thích hợp để xây dựng uy tín thương hiệu), bản demo, video hướng dẫn và cách dùng sản phẩm hoặc dịch vụ một cách trực tiếp. Tuy nhiên, không phải tất cả các nội dung thương hiệu cần tập trung vào doanh nghiệp của bạn, các cuộc phỏng vấn với các nhà lãnh đạo trong ngành cũng có thể là một nội dung hấp dẫn hàng đầu của kênh.

Google (công ty mẹ của YouTube) đề xuất chiến lược “ba tầng” với sự pha trộn 3 yếu tố “Hero”, “Hub” và “Help” cho nội dung video thương hiệu.

(Nguồn: Learn.g2)

Sự kết hợp này sẽ nâng cao nhận thức, nuôi dưỡng khách hàng tiềm năng và làm hài lòng đối tượng khách hàng mục tiêu của bạn. Đăng video trên kênh của bạn, nhưng đừng quên rằng bạn cũng có thể chia sẻ các video YouTube trên trang web của công ty (đây cũng là cách mà 61 trong số 100 thương hiệu hàng đầu đã làm, như Coca-Cola và Toyota).

Pinterest

Tuổi thọ của các dạng nội dung trên các nền tảng xã hội khác nhau cũng sẽ khác nhau. Trong đó, Ghim Pinterest có xu hướng tồn tại lâu hơn nội dung truyền thông trên bất kỳ trang web truyền thông xã hội lớn nào khác; ghim chất lượng cao có thể tiếp tục thu hút lượt repin và tương tác trong một năm hoặc hơn.

Giống như Instagram, đó là một nền tảng tập trung nội dung trực quan, do vậy ý định mua hàng của người dùng được tạo ra cũng cao hơn nhiều kênh khác. Tuy nhiên, do tuổi thọ của nội dung, nó không có nhiều sự lựa chọn cho các cập nhật theo thời gian hoặc các chiến dịch quảng cáo ngắn hạn.

Sự lựa chọn tốt nhất của bạn là sử dụng nội dung để thúc đẩy giai đoạn cuối cùng của phễu bán hàng như hình ảnh sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu, hoặc hình ảnh do người dùng tạo ra để minh chứng về sự hài lòng của khách hàng đang sử dụng sản phẩm/dịch vụ đó.

Snapchat

Snapchat tính đến nay vẫn là mạng xã hội phổ biến nhất đối với giới trẻ Mỹ (theo số liệu được công bố từ năm 2016 - năm 2019). Số liệu được đưa ra vào quý đầu năm 2019 cho thấy thanh thiếu niên ưa thích Snapchat hơn Facebook với tỷ lệ chênh lệch đáng kinh ngạc là 41% và 6%. Nếu khách hàng mục tiêu của bạn phần lớn là giới trẻ, nền tảng này bắt buộc nên có trong chiến lược nội dung trên mạng xã hội của bạn.

Bên cạnh đó, tính năng “Story” của Snapchat (sau này cũng xuất hiện trên Instagram và Facebook) rất thích hợp cho các video hướng dẫn ngắn có phân chia thành các bước. Bạn cũng có thể gia tăng sự tương tác 1:1 thông qua các trò chơi, dự án tương tác hoặc nội dung do người dùng tạo.

Mục đích của các chiến lược nội dung trên mạng xã hội của bạn là gì?

Vì bạn đang sáng tạo nội dung truyền thông, nên mục tiêu cuối cùng cho doanh nghiệp của bạn phải rõ ràng. Bạn đang cần tạo ra nhận thức thương hiệu, nuôi dưỡng khách hàng tiềm năng và (cuối cùng) là để thúc đẩy sự mua hàng. Nhưng bạn đang cố gắng làm gì cho khán giả của mình? Hầu hết các nội dung truyền thông trên mạng xã hội được đặt ra để đạt được một trong bảy mục tiêu này:

  • Hướng dẫn
  • Giải đáp
  • Định hướng
  • Thông báo
  • Giải trí
  • Chia sẻ
  • Thảo mãn mục đích tìm kiếm

Chiến lược của bạn có thể tập trung nhiều hơn vào một vài trong số các chiến thuật này, hoặc kết hợp rất nhiều trong số chúng, tùy thuộc vào sản phẩm và thương hiệu của bạn. Trong mọi trường hợp, xác định được mục đích sẽ giúp nội dung trên mạng xã hội của bạn đạt được hiệu quả nhất.

Nguồn: Udemy

Hướng dẫn

Nội dung hướng dẫn thường mang mục đích giúp người đọc của bạn hoàn thành một nhiệm vụ cụ thể nào đó. Hướng dẫn họ qua từng bước để hoàn thành mục tiêu của họ. Hướng dẫn cách làm (thường ở định dạng blog hoặc sách điện tử) là một hình thức phổ biến của dạng nội dung này trên các kênh mạng xã hội. Những dạng bài viết này sẽ thu được rất nhiều lại lợi ích nếu được hỗ trợ từ các hình ảnh, video hoặc checklist giúp người đọc hiểu và theo dõi dễ dàng hơn cả quá trình.

Giải đáp

Mọi khách hàng luôn có trong đầu hàng vạn câu hỏi về thương hiệu của bạn. Sử dụng các bài đăng Q&A trên blog và infographics để trả lời các câu hỏi phổ biến liên quan đến chủ đề của bạn.

Để thuận tiện hơn, bạn có thể biên soạn chúng thành phần Những câu hỏi thường gặp trên trang web của mình. Liên kết mỗi câu hỏi với một trang bài viết riêng đính kèm cùng câu trả lời đầy đủ.

Định hướng (educate)

Ví dụ phổ biến cho cho các nội dung này các bài có tiêu đề “Tại sao?”. Những thông tin đó giải thích và kể các câu chuyện về một vấn đề. Nó có xu hướng là một bài nghiên cứu dài hoặc các thông tin phân nhánh thành từng nền tảng theo chủ đề. Hãy tạo các nội dung này xoay quanh một chủ đề mà khán giả của bạn có hứng thú / tò mò.

Thông báo

Một thông báo luôn được ưu tiên hàng đầu. Hãy để các khách hàng trên mạng xã hội của bạn biết về một sự kiện của thương hiệu được tài trợ hoặc một cơ hội có giới hạn thời gian. Bạn có thể gắn nhiều liên kết đính kèm dẫn đến nhiều thông tin hơn (trên trang web của bạn) và một nơi để đăng ký (có thể là các trang landing page được tối ưu hóa để cho ra tỷ lệ chuyển đổi mua hàng tối đa). Nó cũng có thể được đưa ra dưới dạng bản tin công ty hoặc thông cáo báo chí với những thông tin gây sự chú ý cho khách hàng của bạn, dù chỉ là trong vài dòng cập nhật nhanh.

Giải trí

Mạng xã hội là phương tiện truyền thông tuyệt vời để các thương hiệu thể hiện được sự hài hước của mình. Làm cho khách hàng mục tiêu của bạn cười với các dạng nội dung như: sự kết nối thú vị giữa những thứ không liên quan đến nhau, một trò đùa vô hại “bắt trend”... Tất nhiên, nó phải ngắn vì hài hước là sự tinh tế chứ không phải kể lể.

Các thương hiệu có nhiều sự lựa chọn như sử dụng các memes, tạo các gifs phổ biến hoặc các trích dẫn hài hước, sử dụng ảnh và video có thể tạo sự tương tác lớn mà không mất quá nhiều thời gian để sản xuất.

Chia sẻ

Không phải tất cả nội dung cần phải do bạn tạo ra! Trên thực tế là như vậy. Sẽ dễ dàng hơn rất nhiều để lên kế hoạch cho nội dung và duy trì hoạt động nếu bạn có thể bổ sung nó bằng các bài viết trong ngành thú vị, hữu ích, miễn là không thúc đẩy quảng bá cho các đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Các chuyên gia trong ngành cũng có thể xây dựng lòng tin với khách hàng bằng cách kết nối thương hiệu của bạn với một thương hiệu khác họ đã từng biết đến và tin tưởng trước đó.

Thỏa mãn mục đích tìm kiếm

Một nền tảng phổ biến trong tiếp thị nội dung là SEO. Nghiên cứu các từ khóa mà khách hàng đang quan tâm và viết những nội dung mà họ đang tìm kiếm. Nó phải là nội dung có thể gắn link, vì các backlink có thể giúp tăng thứ hạng tìm kiếm lên rất cao.

Tất nhiên, với mục tiêu làm tăng xếp hạng tìm kiếm trên các công cụ vốn không quan trọng đối với nội dung trên mạng xã hội, nhưng bạn có thể quảng cáo các nội dung SEO bạn đã viết bằng cách chia sẻ nó trên các mạng xã hội. Khi nhiều người quan tâm và truy cập vào thì vị trí tìm kiếm của nó cũng sẽ tăng.

Khái niệm SEO là gì

Yếu tố nào ảnh hưởng nhất đến một nội dung được cho là thành công trên mạng xã hội?

Đó là sự kết hợp của hình ảnh, cảm xúc, sự tương tác, hiệu ứng chia sẻ và sự nhân văn. Không phải mọi nội dung nào cũng đều có thể đạt được cả năm phẩm chất này, nhưng bạn sẽ đi đúng hướng nếu đang cố gắng đạt được từng phẩm chất một. Tất nhiên, với mỗi lĩnh vực khác nhau cũng sẽ có các dạng nội dung phù hợp nhất định.

1. Tính trực quan

Các nền tảng xã hội luôn được định hướng sẽ mang nhiều tính trực quan hơn mỗi năm. Tận dụng xu hướng này với các loại nội dung truyền thông trên mạng xã hội, chẳng hạn như: video, vlog, GIF, Story và nội dung hỗ trợ bằng hình ảnh.

Video

Ngày nay, mọi người dành nhiều thời gian trên smartphones hơn là xem TV và 79% lượt truy cập trang web truyền thông xã hội ở Hoa Kỳ là trên điện thoại di động . Tận dụng tối đa các video trên mạng xã hội bằng cách tối ưu hóa định dạng trên thiết bị di động. Chỉ có 15% người xem video trên Facebook có âm thanh, vì vậy phụ đề và video không có âm thanh sẽ chiếm ưu thế hơn. Một nghiên cứu về 43 triệu bài đăng trên Facebook từ 20.000 thương hiệu hàng đầu thế giới cũng cho thấy 79% người tiêu dùng sẽ chọn định dạng video dọc thay vì video ngang.

Vlogs

Các video dạng vlogs sẽ rất có ích cho các kênh Youtube về thương hiệu của bạn. Trò chuyện về cùng một chủ đề mà bạn thường đề cập trong các blog bằng văn bản, đăng video lên YouTube và chia sẻ liên kết đó trên các nền tảng mạng xã hội khác là cách làm tăng độ nhận diện thương hiệu và sự tương tác với khách hàng.

Khái niệm Vlog

GIF

Coca-Cola là một trong những thương hiệu lớn đầu tiên đầu tư lớn vào các đoạn phim (tệp GIF). Họ đã đăng chúng lên Tumblr vào tháng 8 năm 2012 và kiếm được hơn 80.000 lượt “notes” trong hai tuần đầu tiên.

(Nguồn: info.cz)

Stories

Snapchat, Instagram và Facebook đều có một tính năng gần giống nhau, đó chính là Stories. Nội dung các stories thú vị về thương hiệu nổi tiếng đang nhận được sự đón nhận vô cùng lớn với các bộ lọc, chú thích và nhãn dán được cập nhật mỗi ngày. Người dùng Instagram Stories hoạt động hàng ngày đã tăng từ 100 triệu đến 500 triệu trong vòng chưa đầy ba năm.

(Nguồn: Learn.g2.com)

Hình ảnh hỗ trợ

Ngay cả một blog “sống nhờ” các con chữ cũng có thể được hưởng lợi từ một hình ảnh và biểu đồ hay infographics. Các bài đăng hình ảnh nhận được sự tương tác cao gấp 2,3 lần so với các bài đăng văn bản trên Facebook, vì vậy hãy thêm các hình ảnh trên Facebook để thu hút lượt click cho các bài viết của bạn.

2. Cảm xúc

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự gắn kết về mặt cảm xúc là chìa khóa để lan tỏa truyền thông - và các nội dung tích cực (như một câu chuyện cảm động) sẽ dễ trở nên “viral” hơn một thông điệp tiêu cực. Nội dung gây kinh ngạc, hài hước hoặc đáng ngạc nhiên sẽ nhận được sự chia sẻ nhiều hơn.

3. Tương tác

Bạn sẽ nhận được nhiều bình luận, lượt thích và chia sẻ hơn nếu định dạng nội dung của bạn dễ dàng tạo sự tương tác, ví dụ như: câu đố, poll thăm dò ý kiến ​​và các buổi hỏi đáp. Bên cạnh đó, đây cũng là 3 định dạng nội dung cũng hứa hẹn tạo ra sự tương tác không hề kém cạnh:

Nội dung do người dùng tạo (UGC) 

Có nhiều lợi ích của nội dung do người dùng tạo, bao gồm tăng thời gian truy cập (time-on-site) và lượt truy cập trở lại. Nó cũng phương pháp giúp tiết kiệm thời gian quý báu cho nhóm sáng tạo nội dung. Hãy thử sáng tạo các cuộc thi đánh giá sản phẩm, cuộc thi kể chuyện, cuộc thi “caption”, bài viết hoặc các tác phẩm nghệ thuật từ công chúng, khách hàng hoặc người có ảnh hưởng.

Phát sóng trực tiếp (Livestream)

Chỉ 11% thương hiệu sử dụng tính năng phát trực tiếp, nhưng người dùng sẽ xem lại một video trực tiếp cao gấp 3 lần miễn là họ sẽ xem một video được quay trước. Nói cách khác, các công ty đang bỏ lỡ một cơ hội lớn với các dịch vụ như phát trực tiếp trên Facebook . Nhưng trước khi bạn phát trực tiếp, hãy nhớ có các bài viết nhắc nhở lịch phát trước đó và nhấn mạnh khoảng thời gian bạn sẽ livestream đến khách hàng của mình.

Khái niệm Live Stream

Nội dung VR 

Nội dung thực tế ảo mang tính tương tác, trải nghiệm và thúc đẩy sự tham gia lên đến mức đáng kinh ngạc. Các trang mạng xã hội như Facebook và YouTube có thể giúp người dùng tương tác với nội dung VR ngay cả khi không có tai nghe đặc biệt.

4. Hiệu ứng chia sẻ

Tạp chí Marketing (Journal of Marketing) đã phát hành một thông cáo báo chí về nghiên cứu chứng minh các tin tức tích cực sẽ tạo hiệu ứng chia sẻ nhiều hơn - vì vậy hãy cố gắng thể hiện mặt tươi sáng của doanh nghiệp mình. Các nội dung mang tính thực tế và giá trị cho người dùng cũng sẽ nhận được nhiều chia sẻ.

Các nội dung mang tính xác thực và gây dựng uy tín của thương hiệu với khách hàng mục tiêu cũng đạt được hiệu quả chia sẻ không kém. Vì vậy, hãy dành nhiều thời gian để nghiên cứu khách hàng của bạn, từ sở thích cho đến trải nghiệm hằng ngày cũng như những khó khăn của họ, để từ đó đưa ra giải pháp phù hợp.

5. Tính nhân văn

Truyền thông trên mạng xã hội là dành cho tất cả mọi người. Nó không chỉ là nội dung quảng cáo đơn thuần, khách hàng bây giờ rất giỏi trong việc phát hiện và bài trừ các bài quảng cáo "vô duyên" đó. Hãy thử các nội dung mang phong cách tự nhiên, một bài viết mang quan điểm cá nhân hay với tông giọng thân thiện, chào đón.

Sẽ tuyệt hơn nếu bạn xây dựng được giọng văn riêng cho thương hiệu của bạn. Sự hài hước cũng mang tính nhân văn. Tận dụng sự hài hước sẽ giúp cho thương hiệu của bạn trở nên thân thiện, dễ tiếp cận và vui vẻ hơn.

Kết hợp các định dạng nội dung trên mạng xã hội để đạt hiệu quả cao nhất

Sự kết hợp các dạng nội dung với nhau là cách tốt nhất để tiếp cận được phạm vi đối tượng rộng. Bạn sẽ muốn một nội dung phù hợp với tất cả các kênh, phù hợp với từng chiến dịch quảng cáo và được tối ưu hóa cho nhiều nền tảng xã hội khác nhau. Nhưng sự kết hợp không phải là ngẫu nhiên; lựa chọn có mục đích sẽ phản ánh thương hiệu và khách hàng mục tiêu của bạn.

Ví dụ: Doanh nghiệp B2B có nhiều khả năng nhận được sự đón nhận với các dạng nội dung case study, sách điện tử và whitepaper, nhưng doanh nghiệp B2C phát triển mạnh về nội dung tương tác, video, hài hước và nội dung dạng ngắn được thúc đẩy bởi một CTA đầy cảm xúc.

Ngay cả trong các thị trường cũng cần sự khác biệt về nội dung. Nếu bạn làm trong lĩnh vực Phần mềm dạng dịch vụ, các webinar hướng dẫn và các bản demos chắc chắn là cần thiết. Trong khi đó, một công ty về phụ kiện đi bộ có thể nhận được nhiều sự chú ý hơn với hình ảnh do người dùng tạo và những feedback truyền cảm hứng từ khách hàng.

Cũng đừng quên nghiên cứu các xu hướng trên các nền tảng xã hội của đối thủ cạnh tranh. Nó luôn luôn thay đổi không ngừng, và biết đâu, nội dung đang thu hút của đối thủ sẽ trở thành nội dung thu hút tiếp theo cho thương hiệu của bạn.

Tạm kết

Xu hướng trên mạng xã hội thay đổi liên tục với sự xuất hiện của nhiều nền tảng khác nhau. Các nội dung mới lạ sẽ kích thích trí tò mò của một lượng người dùng lớn, nhưng chính sự phù hợp và giá trị cao mới mang tính lâu dài và làm tăng tỷ lệ chuyển đổi. Chính vì thế, giữa "một rừng" các dạng nội dung khác nhau, các doanh nghiệp cần phải tỉnh táo và chọn ra những dạng nội dung phù hợp, các cách kết hợp đồng nhất với tiếng nói thương hiệu, cũng như xác định được đâu mới là yếu tố quyết định một bài đăng thành công trên mạng xã hội của thương hiệu. Trong bối cảnh mà người dùng ngày càng khắt khe hơn với các nội dung trên Internet, các nhãn hàng bắt buộc phải đưa ra những sự lựa chọn tinh tế và trau chuốt hơn cho các nội dung này.

Tô Linh - MarketingAI Theo G2 Learning Hub

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.