3 điều thương hiệu cần thuộc lòng để sử dụng Influencer hiệu quả mùa Covid

01 Thg 09

Như một lẽ tự nhiên, người tiêu dùng có xu hướng tin vào các đề xuất từ ​​bên thứ ba hơn là từ chính thương hiệu hay doanh nghiệp. Và Influencer chính là người bạn chung, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối thương hiệu với khách hàng mục tiêu. Trên thực tế, COVID-19 có ảnh hưởng lớn tới cộng đồng Influencer, bởi phần đông người dùng đến với họ do yêu thích những trải nghiệm phong phú và mới lạ, điển hình là về lĩnh vực ẩm thực, du lịch. Tình trạng này đã chặn đứng nguồn nội dung dồi dào và đình chỉ vô thời hạn những công việc và hợp đồng trước đó. Tuy nhiên chính yếu tố này lại càng làm nổi bật khả năng thích nghi của Influencer Marketing và hiệu quả truyền thông mà nó có thể mang lại cho các doanh nghiệp. Vậy nên sử dụng influencer như thế nào để khai thác thác tối đa tiềm năng của nhóm đối tượng này? 

Ảnh: Shopee

Influencer marketing là hình thức sử dụng người có ảnh hưởng để quảng bá chiến dịch/ sản phẩm - đây là hình thức phổ biến trong marketing. Tuy đạt được hiệu quả cao song đây là hình thức luôn biến thiên khác nhau theo mỗi thương hiệu, chiến dịch của nhãn hàng và không đi theo một khuôn mẫu nhất định.

Dịch COVID-19 ngày càng kéo dài, bên cạnh sự gia tăng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng còn có xu hướng yêu thích và tương tác nhiều hơn với các nội dung mang tính giải trí. Yêu cầu đặt ra cho các DN chính là phải tận dụng tốt hai xu hướng trên để thúc đẩy lượng tiêu thụ cho thương hiệu của mình. Mà Influencer Marketing chính là một trong số ít những công cụ có thể thỏa mãn đồng thời cả hai nhu cầu trên.

Việc kết hợp với những người ảnh hưởng không chỉ hưởng lợi từ fan "khủng" của họ mà còn thu hút tệp khách hàng mới từ mạng lưới bạn bè của fan nữa. Influencer có khả năng điều hướng lưu lượng truy cập webssite, tăng độ nhận diện thương hiệu hoặc bán sản phẩm dựa trên thông tin hay câu chuyện về trải nghiệm của bản thân. xu hướng Influencer marketing đang được các chuyên gia tiếp thị hàng đầu dự báo sẽ trở thành tâm điểm trong thời gian ngắn sắp tới. Tuy nhiên có thể khai thác tối đa sức mạnh của Influencer, các DN cần chú ý 3 điểm dưới đây.

Lựa chọn Influencer phù hợp

Các doanh nghiệp nên đưa ra nhiều tiêu chí chi tiết hơn khi lựa chọn Influencer như: độ nhận diện, khả năng sáng tạo nội dung, sự liên kết giữa “chuyên ngành” của Influencer với sản phẩm và thương hiệu,..và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên để từ đó đưa ra lựa chọn.

Awareness (độ nhận diện thương hiệu) là một trong những yếu tố đầu tiên để các nhãn hiệu cân nhắc có nên sử dụng influencer đó không. Thông thường nếu influencer lớn thì tỉ lệ thuận với độ phủ lớn (reach), bởi họ sở hữu hàng triệu người hâm mộ, các bài đăng về nhãn hàng, sản phẩm qua các hoạt động tương tác như like, share, comment sẽ làm tăng mức độ lan truyền thông tin. Số lượng thảo luận càng cao càng thu hút sự chú ý của cộng đồng, góp phần làm thương hiệu được nhanh chóng biết đến và ghi nhớ.

2 Influencer gây chú ý trong chiến dịch của Biti’s (Ảnh: Younetmedia)

Ngoài ra, các yếu tố cộng hưởng như chủ đề quan tâm, đối tượng fans, sự uy tín cũng là tiêu chí để lựa chọn influencer phù hợp. Người tiêu dùng chỉ quan tâm về sản phẩm khi họ có như cầu cần được đáp ứng, nhưng họ chỉ bày tỏ vấn đề với người mà họ tin tưởng hoặc đồng cảm. Nếu những sản phẩm mang tính hàn lâm, học thuật thì đối tượng khán giả hướng đến là những người có chuyên môn và uy tín cao trong ngành, đủ trình độ tư vấn và giải đáp những thắc mắc liên quan đến tính năng sản phẩm. Trong khi đó với những sản phẩm mang tính giải trí, phổ biến lại thu hút các citizen liên quan trực tiếp đến mảng này. Ví dụ các sản phẩm đặc thù như sữa em bé, tã giấy,...phù hợp với các hot mom, các mẹ bỉm sữa nổi tiếng trên cộng đồng mạng nhiều hơn là một ca sĩ, diễn viên đang hot.

Đánh giá mức độ phù hợp của Soobin Hoàng Sơn đối với ngành phụ kiện (Ảnh: Younetmedia)
>> Xem thêm: Khi những nhân vật ảo trở thành một Influencer có giá trị lớn với thương hiệu

Sáng tạo trong hợp tác với Influencer

Thông thường các nhãn hàng thường sẽ chọn influencer phù hợp với sản phẩm, ngành hàng cần quảng cáo. Tuy nhiên, trong thời điểm dịch bệnh, người tiêu dùng thường sẽ hướng tới các nội dung giải trí hơn là chỉ những nội dung mang tính quảng cáo đặc thù hoặc chia sẻ chuyên môn. Do đó, các doanh nghiệp không nên quá bó hẹp trong một vài lĩnh vực nhất định mà có thể cân nhắc mở rộng sang các đối tượng lĩnh vực khác như game streamer, vlogger, comic artist...

Trong cuộc đua của các ông lớn ngành TMĐT, Tiki là cái tên dẫn đầu, thậm chí vượt qua cả Lazada với lượt truy cập website đáng kể. Để tạo nên thành công này phải kể đến hình thức marketing bằng influencer với chiến dịch "Tiki đi cùng sao Việt" khi tài trợ cho các MV ca nhạc đình đám. Tính đến nay, với sự xuất hiện dồn dập nhưng vô cùng tự nhiên trong 10 MV ca nhạc nổi tiếng, Tiki đã ghi lại dấu ấn trong trí nhớ của người dùng.

Ảnh: Abenla

Shopee cũng không ngần ngại triển khai hàng loạt chiến dịch với các KOLs khủng như Cristiano Ronaldo, BlackPink hay những đại diện của showbiz Việt như Trấn Thành, Hương Giang và Hoài Linh. TVC quảng cáo mới đây có sự xuất hiện của Chi Pu, Trấn Thành thu về lượng thảo luận lớn với hơn 41 triệu lượt xem trên Youtube.

Ảnh: SushiVid

Lazada cuối cùng cũng không thể chần chừ thêm nữa mà lập tức gia nhập đường đua, sử dụng các KOL để livestream quảng bá cho các chiến dịch khuyến mãi, như Gil Lê, Miu Lê hay các Game Streamer như PewPew, ViruSs.

Sử dụng Influencer x Livestream

Hình thức mới này đang được ngày càng nhiều các doanh nghiệp ưu chuộng. Livestream giúp nhanh chóng tăng độ nhận biết thương hiệu, tạo ra kênh tương tác riêng lan tỏa thong điệp tới khách hàng mục tiêu. Trong thời đại social media lên ngôi, tương tác sẽ trở thành đối tượng ưu tiên của mọi nội dung truyền thông thay cho hình thức marketing văn bản thuần túy. Đặc biệt giữa cơn khủng hoảng COVID-19, hàng loạt trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng đóng cửa, mua sắm trực tuyến lên ngôi. Điều này đã tạo đà đưa livestream "bứt tốc" vươn lên trong mùa dịch, hứa hẹn sẽ trở thành xu hướng truyền thông - marketing hot nhất trong năm 2020.

Một trong những hàng game lớn đầu tiên sử dụng hình thức Influencer x Livestream là VNG. Khi ra mắt chính thức phiên bản mobile của game Võ Lâm Truyền Kỳ, VNG đã mời Đan Trường làm gương mặt đại diện. Video livestream hậu trường buổi chụp hình quảng bá game trên trang cá nhân của nam ca sĩ đã thu hút gần 400.000 lượt xem và hàng chục ngàn lượt tương tác trực tiếp từ fan hâm mộ.

Ảnh chụp màn hình

Tuy nhiên, một điều mà các marketer cần chú ý là để tăng khả năng gợi nhớ brand thì cần hướng người dùng tương tác về sản phẩm/thương hiệu nhiều hơn là về KOLs. Độ lan tỏa của KOLs với các fans có thể sẽ "đè bẹp" chiến dịch marketing của bạn nếu không có chiến lược đúng đắn. Như thương hiệu dầu gội TREsemmé, nhãn hàng này đã mời KOLs sử dụng livestream hướng dẫn hoặc các video cho thấy hiệu quả của sản phẩm. Video hậu trường của hoa hậu Phạm Hương trong chiến dịch “Cuộc chiến sắc đẹp” cho thấy hiệu quả giữ nếp tóc của TREsemmé đã nhận được gần 500 ngàn tương tác, trong đó, lượng comment liên quan đến brand cao hơn hẳn so với các bài post ảnh và video khác của người đẹp.

Ảnh: TRESemmé Vietnam
Kết 

Có thể nói digital marketing là một trong những ngành thay đổi chóng mặt. Khi người xem họ không còn hứng thú với những phương thức quảng cáo rập khuân, kiểu mẫu thì việc hợp tác với các KOL hay influencer để quảng bá sản phẩm sẽ là cách hữu hiệu để truyền thông dựa trên việc xây dựng niềm tin của khách hàng. Giữa bão COVID, các marketer cần sáng suốt lựa chọn các influencer phù hợp xây dựng chiến dịch thành công.

Hải Yến - MarketingAI

>> Có thể bạn quan tâm: The Coffee House: Chấp nhận đi chậm trong cuộc đua “Delivery”. Vắng bóng trên Now, Grabfood nhưng lại có mặt trên Momo, Loship
Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.