3 xu hướng công nghệ định hình ngành công nghiệp thời trang năm 2021

18 Thg 05

Trong bài viết này, hãy cùng MarketingAI tìm hiểu cách các nhà mốt và thương hiệu đang áp dụng các công nghệ mới nhất vào trong việc dự báo xu hướng thời trang và duy trì chuỗi cung ứng của họ như thế nào nhé. 

Là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất trên thế giới, với ước tính tạo ra 1,5 nghìn tỷ đô la mỗi năm, và dự kiến ​​sẽ đạt 2,25 nghìn tỷ đô la vào năm 2025, thật ngạc nhiên khi biết rằng cách thức hoạt động của thời trang ngày nay không thay đổi quá nhiều so với hai mươi năm trước.

Điều này một phần là do các thương hiệu vẫn dễ dàng tìm được nguồn lao động thủ công giá rẻ ở nhiều quốc gia và chấp nhận thuê ngoài với mức chi phí sản xuất đắt đỏ. Tuy nhiên, những lo ngại giờ đây ngày càng tăng cao khi các vấn đề như mức lương công bằng (fair wages) trả cho người lao động, ô nhiễm môi trường, cũng như việc thỏa mãn nhu cầu cho những người tiêu dùng siêu kết nối ngày nay đã lần lượt xảy ra, khiến cho phương thức hoạt động truyền thống buộc phải nhường chỗ cho những công nghệ thú vị mới.

Tuần lễ thời trang London 2020 (Ảnh: Internet)

Thật vậy, chúng ta đang sống trong 'thời đại công nghệ 4.0'. Phương tiện truyền thông xã hội đang thay đổi cách mọi người tiêu dùng thời trang và “rèn” cho khách hàng nhu cầu muốn được tiếp cận ngay với các xu hướng thời trang mới nhất, ngay khi nó chỉ mới được xuất hiện trên các sàn diễn thời trang. Đồng thời, các thế hệ trẻ, đối tượng luôn muốn nổi bật giữa đám đông, có nhu cầu cao trong việc tìm kiếm các sản phẩm phù hợp với nhu cầu và sở thích của họ. Hơn nữa, quần áo 'đại trà' hay 'thời trang nhanh' dường như đang dần mất đi sức hấp dẫn.

Khi xu hướng này tiếp tục gia tăng, việc các công ty và thương hiệu tiếp tục sản xuất số lượng lớn hàng may mặc trước nhiều tháng mà không chắc chắn về khả năng tiêu thụ của nó sẽ ngày càng ít đi. Những thương hiệu bắt kịp tốc độ và đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường sẽ là những người chiến thắng trong bối cảnh thị trường hiện đại ngày nay. 

Khi khoảng cách giữa 'cuộc sống thực' của khách hàng với thế giới kỹ thuật số ngày càng được rút ngắn đi, các nhà mốt và thương hiệu phải nắm bắt các công nghệ mới nhất để thúc đẩy giới hạn của việc chế tạo, sản xuất, marketing và khả năng mặc. Trong bài viết này, hãy cùng MarketingAI tìm hiểu về 3 xu hướng công nghệ hàng đầu đang định hình ngành công nghiệp thời trang 2021 nhé. 

Trí tuệ nhân tạo (AI)

Trong những năm gần đây, các thương hiệu đã và đang sử dụng AI để nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng, phân tích dữ liệu, thúc đẩy doanh số bán hàng, dự báo xu hướng và đưa ra các hướng dẫn liên quan đến hàng tồn kho.

Chatbots và màn hình cảm ứng đang được sử dụng trong nhiều cửa hàng thời trang để cải thiện trải nghiệm khách hàng và đề xuất các sản phẩm phù hợp với sở thích và nhu cầu của người tiêu dùng. Gần như không thể tìm thấy trang web của bất kỳ một thương hiệu nào hiện nay đang không sử dụng một số dạng công nghệ trò chuyện AI để nâng cao trải nghiệm khách hàng. Bởi lẽ các thuật toán đứng sau AI đang giúp các thương hiệu theo dõi hành trình khách hàng, đối chiếu nó với các sản phẩm của công ty cũng như đưa ra các đề xuất phù hợp.

Mặc dù việc áp dụng AI vào trong lĩnh vực chăm sóc và dịch vụ khách hàng đang cho thấy những dấu hiệu tích cực và một tương lai đầy hứa hẹn, nhưng nhìn chung, dự báo xu hướng và quản lý chuỗi cung ứng mới là 2 mảng mà AI có thể phát huy tốt năng lực của nó. Ví dụ: theo dõi hàng tồn kho theo thời gian thực đã trở thành chìa khóa cho các thương hiệu ngày nay vì nó đã giúp các thương hiệu tiết kiệm thời gian trong việc quản lý và vận hành kho hàng một cách hiệu quả.

Hơn nữa, nếu chúng ta kết hợp theo dõi hàng tồn kho với các công cụ dự đoán dữ liệu mạnh mẽ của AI để dự báo xu hướng, thì các thương hiệu có thể đạt được lợi thế cạnh tranh đáng kể trên thị trường. Thay vì chỉ dựa vào các cách dự báo xu hướng truyền thống — đòi hỏi sự quan sát và thu thập dữ liệu từ các nhà mốt thời trang, những người phát hiện xu hướng và những Influencers — thì các thương hiệu có thể ngay lập tức dùng AI để thu thập dữ liệu, sau đó lên kế hoạch cho việc sản xuất ra các kiểu dáng mới với số lượng phù hợp.

Lấy ví dụ với FINERY. Nhãn hiệu thời trang của Anh đã đưa ra một công cụ lập kế hoạch tủ quần áo tự động, sử dụng phân tích, ghi lại các giao dịch mua của khách hàng nữ và mời họ trải nghiệm trong một tủ quần áo ảo. Nền tảng này cho phép phái nữ tự lên đồ cho mình với các sản phẩm có sẵn trong tủ quần áo và thậm chí có thể chọn đồ từ hơn 10.000 cửa hàng khác nhau.

(Ảnh: Internet)

Trong khi đó, nền tảng cá nhân hóa TRUEFIT lại sử dụng công cụ thử đồ online để giúp người dùng có thể tìm thấy những sản phẩm thương hiệu phù hợp với kích thước vừa vặn nhất, đồng thời thử nghiệm các phong cách mới trên thị trường.

Các công ty công nghệ bán lẻ khác nhỏ hơn khác cũng đang hỗ trợ các thương hiệu lấp đầy khoảng trống về mặt công nghệ. Edited, một công ty có trụ sở tại London chuyên cung cấp phần mềm phân tích dữ liệu trực tiếp đã cung cấp cho các thương hiệu thời trang bán lẻ quyền truy cập vào các dữ liệu họ nghiên cứu để nhanh chóng nắm bắt toàn cảnh thị trường toàn cầu. Công ty đã giúp các thương hiệu như Boohoo, Tommy Hilfiger và Marni tổng hợp các dữ liệu nổi bật trên thị trường toàn cầu chỉ trong vòng vỏn vẹn vài giây.

Edited làm việc với Boohoo (Ảnh: edited)

Một ví dụ thú vị khác là Intelligence Node, công cụ cho phép người dùng theo dõi các xu hướng thời trang trong thời gian thực. Khách hàng có thể nhập các từ khóa cụ thể trên thanh tìm kiếm, điền mẫu điều hướng người dùng, điểm giá và nhiều yếu tố khác trên giao diện của Intelligence Note và đợi nền tảng tìm kiếm khám phá dựa trên AI này giúp họ tìm ra những kết quả phù hợp, chính xác hoặc gần chính xác nhất với những gì mà họ đang tìm kiếm, đồng thời cung cấp insights vô giá về các yếu tố khác biệt trong cạnh tranh.

Intelligence Node - một nền tảng khám phá tìm kiếm dựa trên AI

Trong khi đó, streaming live video đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Các sự kiện ảo, các hoạt động tập thể dục và mua sắm trên Instagram đã chiếm lĩnh thị trường trong khoảng thời gian hậu COVID-19 vào năm 2021. 5G cho phép các định dạng truyền phát online mới có thể truyền tải tới người dùng hình ảnh với chất lượng đồ họa có độ nét cao. Giờ đây, khách hàng có thể “thử thiết kế” trực tiếp lên các bộ trang phục màu trắng bằng công nghệ AR trước khi quyết định mua hàng.

(Ảnh: vouge)

Một số thương hiệu như Tommy Hilfiger Gucci thì đang cung cấp các phòng trưng bày kỹ thuật số (digital showroom) để có thể dễ dàng đánh giá nhu cầu của thị trường về các sản phẩm được trưng bày trong showroom đó. Một số khác như Taylor Stitch lại cho phép khách hàng đặt trước các bản thiết kế kỹ thuật số trước khi đưa vào sản xuất thực tế. 

Digial showroom của Tommy Hilfiger (Ảnh: vouge)

Tương tự như vậy, nhiều công ty kính mắt khác chỉ đang kinh doanh online như FirmooGlasses Direct cũng đang cung cấp dịch vụ kỹ thuật số 'thử trước khi mua' cho phép người tiêu dùng ướm thử kính lên khuôn mặt của họ trước khi ra quyết định mua hàng. 

Trong suốt chiều dài lịch sử ngành thời trang, việc dự báo xu hướng trong tương lai vốn dĩ chỉ đơn giản là việc dựa vào các xu hướng trước đó để đưa ra nhận định và dự đoán khách quan, điều này vô hình chung đã dẫn đến nguy cơ bỏ lỡ các xu hướng ngách có khả năng đột ngột trở thành xu hướng chủ đạo trong tương lai. Sự xuất hiện của các công nghệ mới như Heuritech, giúp xác định nhóm khán giả trên mạng xã hội, đã làm thay đổi điều đó. Để dự đoán xu hướng trong tương lai, Heuritech áp dụng công nghệ nhận dạng hình ảnh cho các hình ảnh trên mạng xã hội để nắm bắt được những hình dạng, bản in, màu sắc và các thuộc tính của vải.

Công nghệ nhận dạng hình ảnh dự đoán xu hướng phong cách. Nguồn: Heuritech

Google cũng triển khai một thử nghiệm tương tự với công nghệ AI bằng cách hợp tác với thương hiệu thời trang Zalando của Đức. Mạng neural nhân tạo được đào tạo một cách bài bản để có thể hiểu được sở thích của người tiêu dùng về các yếu tố như màu sắc, kiểu dáng và chất liệu. Sau đó, thuật toán được sử dụng để tạo ra các thiết kế dựa trên sở thích về phong cách của người dùng. Ngoài ra còn có dự án hợp tác giữa IBM và Học viện Công nghệ Thời trang (Fashion Institute of Technology), có tên là “Reimagine Retail”, sử dụng các công cụ AI công nghệ cao của IBM để chỉ ra các xu hướng trong ngành thời trang theo thời gian thực, các chủ đề về hình dạng, màu sắc và phong cách thịnh hành.

(Ảnh: zalando)

Những công nghệ này đã làm nổi bật lên một điều rằng: AI là nền tảng cho những phát triển trong tương lai trong ngành thời trang, định hình mọi thứ từ dự báo xu hướng đến cách người tiêu dùng có thể thực sự nhìn thấy và mua sản phẩm.

Các loại vải mới lạ

Việc sản xuất ra các loại vải mới lạ đang được cho là tương lai của ngành thời trang. Các nhà mốt có thể tận dụng điều này để tạo ra sự khác biệt trên thị trường cũng như xây dựng nét hấp dẫn như một lựa chọn bền vững.

Sự thật đã chứng minh, da nhân tạo không phải là một lựa chọn bền vững. Các công ty khởi nghiệp như Modern Meadow đang cho thấy quan điểm rõ ràng của mình trong vấn đề này khi tạo ra loại da được trồng trong phòng thí nghiệm mà không gây hại cho động vật. Tương tự như vậy, các công ty như Bolt Threads EntoGenetics cũng đang tiến hành đổi mới loại vải làm từ tơ nhện siêu bền.

Công nghệ Modern Meadow

Kỹ thuật in 3D cũng được nâng tầm với sự ra đời của công nghệ ColorFab 3D, được nghiên cứu tại Viện Khoa học Máy tính và Phòng thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo MIT CSAIL. Công nghệ này cho phép in 3D các vật thể bằng “mực quang sắc”, giúp các vật thể biến đổi màu sắc khi tiếp xúc trực tiếp với tia cực tím, có nghĩa là mọi thứ bạn in, từ vỏ điện thoại đến dây chuyền, phục trang, đều có thể tùy chỉnh màu sắc theo lựa chọn mà không cần phải in lại hoặc mua mới từ thị trường.

Một trong những mặt hàng đầu tiên áp dụng công nghệ in ColorFab 3D được sản xuất là chiếc nhẫn có khả năng tùy chỉnh thành một số màu đã được lập trình sẵn.

Trong khi đó, người hâm mộ Google có thể sẽ sớm được mặc những trang phục do gã khổng lồ công nghệ kỹ thuật số sản xuất. Dự án Jacquard nằm trong phòng thí nghiệm ATAP của Google đang nghiên cứu việc sử dụng một tập hợp các sợi dẫn điện để dệt các loại vải có phản ứng cảm ứng như quần áo, khăn trải bàn, thảm hoặc bất kỳ thứ gì khác làm bằng vải. 

(Ảnh: Internet)

Nhóm nghiên cứu đằng sau Dự án Jacquard cũng đang thực hiện chuyển đổi màu sắc với công nghệ Ebb. Đây là một công nghệ mà nhà sản xuất có thể lập trình sẵn sự thay đổi màu sắc của vải vóc để giúp người dùng thay đổi tâm trạng hoặc khung cảnh xung quanh. Vật liệu Ebb thậm chí có thể giúp chúng ta thực hiện nhiều hoạt động mà hiện nay chúng ta vẫn đang làm trên điện thoại của mình bằng cách sử dụng các tín hiệu màu thay thế. Ví dụ, khi bạn nhận được cuộc gọi đến, màu sắc của cổ tay áo sẽ thay đổi.

Những thay đổi này đang làm nổi bật cách các loại vải mới có thể sẽ định hình lại quần áo chúng ta mặc hàng ngày theo đúng nghĩa đen. Vì vậy, hãy chú ý đến những loại vải mới xuất hiện trong các cửa hàng thời trang trên toàn cầu, vì xu hướng áp dụng công nghệ trong ngành công nghiệp này dường như đang không hề chậm lại.

Internet vạn vật (IoT)

Đây là một trong những xu hướng công nghệ mới, sôi động nhất trên thị trường thời trang. Ngành công nghiệp này luôn không ngừng cải tiến qua từng năm để phản ánh đúng thực tế những gì xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Từ việc chú trọng nhiều đến sự thoải mái, sử dụng các loại vải mới và thú vị, ngành công nghiệp thời trang đã phải bắt kịp nhịp độ để thích ứng nhanh với nhu cầu của cuộc sống đương đại. Điều này đã được nhìn thấy rõ ràng nhất trong những tiến bộ thú vị trong công nghệ may mặc và các thiết bị đeo trên người. Những điều này đã có bước tiến xa đến mức ảnh hưởng đến cách chúng ta trải nghiệm môi trường xung quanh, tương tác với người khác và cơ thể của chúng ta, định nghĩa lại từ Thoải mái theo một ý nghĩa hoàn toàn mới.

Quần áo thông minh, wearable spaces, thiết kế đa chức năng và quần áo thể thao thích ứng nhanh với chuyển động đều đã phát triển ồ ạt trong ba năm qua. Khi cuộc sống "thực" của chúng ta ngày càng bị trộn lẫn với sự tồn tại ảo, nhiều nhà mốt đã và đang phải thử nghiệm và mở rộng giới hạn ý nghĩa của từ “wearability”.

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đã tác động đến các doanh nghiệp theo nhiều mặt khác nhau. Internet of Things (IoT) cho phép chia sẻ dữ liệu, quản lý hàng tồn kho, bảo mật cũng như tăng hiệu quả kinh doanh và năng suất. Nhiều doanh nghiệp coi IoT là trọng tâm trong việc cải thiện trải nghiệm khách hàng của họ, bằng cách cho phép khách hàng sử dụng Internet và chia sẻ dữ liệu với họ hàng ngày.

Điều này bao gồm việc đưa khả năng kỹ thuật số vào trong may mặc, như sự xuất hiện của quần áo thông minh, wearable spaces, thiết kế đa chức năng và quần áo thể thao thích ứng nhanh với chuyển động. Xuất phát điểm từ những chiếc đồng hồ thông minh được thống trị bởi các thương hiệu như FitBit và Apple, công nghệ đeo trên người đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường phụ kiện thời trang.

Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở một thiết bị đeo công nghệ, những phát triển mới gần đây đang biến những thiết bị này trở thành một trong những thiết bị chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng hiệu quả. NADI X là một ví dụ tiêu biểu trong trường hợp này. Loại quần tập yoga này có tích hợp cảm biến để điều chỉnh tư thế của người dùng bằng cách rung khi họ di chuyển qua các tư thế yoga.

(Ảnh: Nadi X)

Ngoài ra, một số đổi mới IoT thú vị nhất có liên quan đến sức khỏe có thể kể đến như chiếc áo Hexoskin - một thiết bị thông minh chạy bằng pin giúp theo dõi nhịp tim và nhiệt độ của người dùng. Hãng sản xuất này cũng cho ra đời loại tất đi giúp đếm số bước, lượng calo và các dữ liệu khác.

(Ảnh: Hexoskin)

Trong khi đó, bộ quần áo năng lượng của Fuseprojects giúp người già bị chứng loạn dưỡng cơ có thể đi, đứng và hoạt động trong thời gian dài hơn. Tất cả dữ liệu này đều vô cùng hữu ích cho các bác sĩ và nhà cung cấp dịch vụ y tế trong quá trình điều trị các bệnh nhân của họ.

Một ví dụ thú vị khác về việc kết hợp internet vạn vật trong quần áo là LOOMIA. Công ty dệt có trụ sở tại San Francisco này đang tạo ra các mạch mềm dẻo khả năng nhúng vào hàng dệt cho các ứng dụng sưởi ấm, chiếu sáng, cảm biến hoặc theo dõi dữ liệu.

 

Kết

Nhìn vào sự phát triển của ngành công nghiệp thời trang ta có thể thấy bóng dáng của những công nghệ đang không ngừng đổi mới. Từ việc áp dụng thuật toán AI trong việc dự đoán xu hướng phong cách mới, cho đến việc sản xuất ra các loại vải mới và ứng dụng IoT trong may mặc, công nghệ thời trang đang phát triển với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết. Điều quan trọng là các nhà tiếp thị phải hiểu rõ một điều rằng, thời trang luôn đi đầu trong sự đổi mới, và giống như công nghệ, thời trang hướng tới tương lai và có tính chu kỳ. Để từ đó, đưa ra những chiến lược marketing phù hợp với xu hướng phát triển.

Tô Linh - MarketingAI

Theo Techpacker

>> Có thể bạn quan tâm: Bước ngoặt của ngành công nghiệp thời trang vào năm 2021

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.