5 xu hướng tiêu dùng sau đại dịch ảnh hưởng đến người làm marketing

14 Thg 04

Người tiêu dùng đang đón nhận những hành vi và thói quen mua sắm mới. Mặc dù đại dịch Covid-19 vẫn chưa đạt tới đỉnh điểm tại Hoa Kỳ, tuy nhiên thói quen tiêu dùng của người dân thì đã bắt đầu có sự thay đổi. Và điều này không khỏi gây ra những tác động lâu dài đối với các thương hiệu. Paul Marsden, nhà tâm lý học tiêu dùng tại Đại học Nghệ thuật London cho rằng: “Thông thường, phải mất khoảng 66 ngày để một người có được thói quen mới và tiếp tục duy trì thực hiện nó kể cả khi không có sự ép buộc nào.” Và những thay đổi này, đem lại cả những cơ hội và thách thức cho những người làm marketing. 

Theo Peter Noel Murray, một nhà điều hành hoạt động tâm lý tiêu dùng tại NewYork, thì những thay đổi nghiêm trọng trong lối sống và hoàn cảnh sống, sẽ dẫn đến sự thay đổi khá lớn về sở thích của người tiêu dùng với các thương hiệu, và cũng như nhận thức của họ về các thương hiệu. Khi dịch bệnh bùng phát, nhiều thương hiệu có xu hướng đẩy mạnh các sáng kiến hành động mang nhiều ý nghĩa tích cực cho khách hàng cũng như xã hội, nhưng các chuyên gia cho rằng, bản thân khách hàng cũng mong muốn những hành động như vậy sẽ còn được tiếp diễn lâu dài sau khi đại dịch kết thúc.

Bây giờ chính là lúc các thương hiệu cho người tiêu dùng thấy được cách hành động của họ, chứ không phải là những lời nói suông.”, Marsden khẳng định. Khi lên được các kế hoạch cho tương lai, các thương hiệu có thể nhìn nhận tốt hơn các xu hướng dưới đây, các xu hướng mà được chuyên gia nhận định rằng sẽ còn tồn tại lâu dài sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc.

Thương hiệu trong thời gian thử nghiệm sẽ tỏa sáng

Khi người tiêu dùng thay đổi để áp dụng những hành vi và thói quen mới, họ đã gắn bó với các thương hiệu mà họ đã tin tưởng từ lâu để giúp họ vượt qua cuộc khủng hoảng. Sự thay đổi từ “mới lạ và xu hướng” sang thành “thử nghiệm và thực tế” đã được đưa ra trong một nghiên cứu gần đây của Evercore, ông cho biết sẽ rất khó để các thương hiệu mới ra mắt trong khoảng thời gian này.

Simon Moore, Giám đốc điều hành của Innovation Bubble, một công ty khoa học về hành vi, cho biết: “Chúng ta không dễ cởi mở với những điều mới, chúng tôi đi từ tâm lý có lợi đến việc duy trì tâm lý, và việc nhận ra điều này là rất quan trọng đối với các thương hiệu. Sẽ có những thương hiệu nghĩ rằng: Tôi sẽ bắt đầu tiếp thị một sản phẩm mới hoặc một dịch vụ mới - tuy nhiên, nó sẽ không hiệu quả.” Ông nói rằng các thương hiệu nên tận dụng khoảng thời gian này để cải thiện những sản phẩm/dịch vụ cũ, nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng của họ, đồng thời loại bỏ đi những điểm tiêu cực gây bức xúc cho khách hàng, giúp khách hàng không còn lo lắng nữa.

Không giống như các công ty đã được thành lập lâu năm, các thương hiệu mới cũng không có cơ hội kết nối với khách hàng dựa trên cơ sở tình cảm, cũng như xây dựng một nền móng vững chắc cho việc điều hướng ở thời điểm không chắc chắn này. Murray nói thêm rằng: “Các thương hiệu cũ hoạt động lâu năm sẽ có những lợi ích liên quan đến quảng cáo truyền hình và in ấn truyền thống, góp phần xây dựng một hình ảnh và cảm xúc cho thương hiệu bền vững, được duy trì cân bằng qua các năm, các thế hệ. Và vì thế, họ đã có sẵn cho mình một lợi thế không nhỏ.”

Xu hướng “Do it yourself” (DIY) gia tăng

Người tiêu dùng đang tận dụng khoảng thời gian rảnh rỗi ở nhà để học thêm các kỹ năng mới, như làm bánh, nấu ăn và may vá. Và những thói quen đó sẽ còn tiếp tục được duy trì khi đại dịch kết thúc. Lượng tiêu thụ men đã gia tăng nhanh chóng khi mọi người chuyển sang làm bánh mì để nấu ăn cho gia đình và giảm thiểu lo lắng thông qua hoạt động trị liệu bằng cách nhào bột. Nhiều người mua sắm trên cả nước Mỹ đã nói rằng, gian hàng bán lò nướng đang cạn kiệt dần đi, dù nó không đến mức “trống hoác” như kệ hàng giấy vệ sinh. Theo báo cáo của Nielsen vào ngày 21/3, doanh số bán men đã tăng đến gần 650% trong tuần so với thời kỳ đầu năm.

Trang web nấu ăn và thương mại điện tử nổi tiếng Food52 cho biết lưu lượng truy cập trang web trong hai tuần cuối tháng 3 đã tăng 36% so với nửa đầu của tháng, ngang bằng doanh số trong tuần lễ Tạ ơn, và là tuần có lượng truy cập lớn nhất tính từ đầu năm đến nay. Theo một phát ngôn viên, vào giai đoạn đầu của đại dịch, Food52 đã tạo ra những nội dung xoay quanh các công thức nấu ăn tại nhà, nhằm hỗ trợ những người đang phải cách ly tại chỗ, hạn chế việc ra ngoài. Và không có gì ngạc nhiên khi, một trong những bài viết thu hút nhiều lượt truy cập nhất của trang này có liên quan đến tình trạng thiếu men và đưa ra những mẹo trong việc làm ra những chiếc bánh mì làm từ men tự nhiên ngay từ đầu. Cũng theo nghiên cứu từ NPD Group, doanh số bán ra (tính theo đô la Mỹ) của các thiết bị gia dụng nhỏ, như máy làm mì ống và máy ép trái cây, đã tăng 8% trong tuần 14/3 vừa qua, so với giai đoạn đầu năm. “Bạn có thể thấy nhiều người trở nên tự chủ hơn với cuộc sống của họ”, ông Marsden nói.

(Nguồn: Midimori)

Với việc các cửa hàng làm đẹp đóng cửa do đại dịch, người tiêu dùng cũng đã quen với việc tự làm tóc. Nielsen báo cáo mức tăng trưởng doanh thu của các bộ dụng cụ nhuộm tóc lên đến gần 20% trong tuần 21/3 vừa qua so với giai đoạn đầu năm; trong khi đó, thương hiệu D2C Madison Reed cũng cho biết, nhu cầu tự nhuộm tóc ở nhà của khách hàng đã gia tăng nhanh chóng trong thời gian vừa qua. Điều đó được chứng minh bằng việc lượng truy cập trang web của thương hiệu đã tăng gấp 4 lần trong những tuần gần đây, và kết quả là công ty đang tăng cường phát triển các dòng dịch vụ khách hàng và hướng dẫn làm tóc trực tuyến tại nhà - Mary O’Connell, Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông và nội dung của thương hiệu cho biết.

Các dịch vụ kỹ thuật số được ưu tiên

Khi các công ty truyền thông và nghiên cứu thị trường có những điều chỉnh về các hoạt động từ offline sang online, người tiêu dùng cũng từ đó điều chỉnh để số hóa hành vi của họ hơn. Đối tượng tiêu dùng có sự thay đổi nhất có thể kể đến chính là người già, những người trước đây có thể không thoải mái với việc mua sắm trực tuyến, thì giờ đây, đại dịch Covid-19 xuất hiện đã khiến họ buộc phải trở nên thoải mái. Các chuyên gia cho rằng: “Một khi họ đã hình thành được thói quen mới và dần quen với việc giao nhận hàng dễ dàng ngay tại cửa nhà mình, thì việc quay trở lại với thói quen mua hàng trực tiếp sẽ không còn là điều đơn giản.”

(Nguồn: Internet)

Theo một nghiên cứu của SmartC Commerce, một nền tảng thương mại điện tử dành cho các thương hiệu hàng tiêu dùng đóng gói, gần 40% người mua hàng tạp hóa trực tuyến hiện tại mới chỉ bắt đầu các hoạt động giao dịch đầu tiên vào tháng 3. “Điều đó có nghĩa là người dân bị buộc phải làm quen với những điều mới mẻ này, và xu hướng này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi sang hình thức mua bán hàng trực tuyến trong tương lai”, ông Marsden nói.

Ngoài ra, nhiều bác sĩ và các trung tâm y tế khác đã thiết lập cách khám chữa bệnh trực tuyến, thông qua camera để xem xét bệnh nhân của họ có đang ở trong tình huống khẩn cấp hay không. Các chuyên gia hi vọng việc giám sát bệnh tật từ xa như vậy sẽ tiếp tục như một xu hướng kể cả sau đại dịch Covid-19. Thêm vào đó, người tiêu dùng cũng bắt đầu chuyển sang dùng ngân hàng số để quản lý tài chính của mình khi không thể đến các chi nhánh ngân hàng địa phương trong bối cảnh hiện nay. “Trong khi đó, nhiều ngân hàng vẫn duy trì việc mở cửa cho người dân đến thực hiện các dịch vụ, tuy nhiên, điều đó có thể thay đổi khi họ nhận thấy rằng các hoạt động tại cửa hàng vật lý là dư thừa và lỗi thời”, ông Marsden nói.

Sắp xếp công việc linh hoạt hơn

Nhiều người kỳ vọng rằng, tình trạng làm việc tại nhà như hiện tại ngày nay của nhiều người dân Mỹ sẽ dẫn đến một sự thay đổi mạnh mẽ trong khả năng sắp xếp công việc linh hoạt hơn, khi các nhà tuyển dụng nhận ra rằng không cần thiết phải có mọi người trong văn phòng để hoàn thành công việc.

Một số nhân viên văn phòng có thể vẫn tiếp tục làm việc từ xa. Điều đó khiến các ông chủ “cảm thấy có lợi hơn khi nhân viên đang dành nhiều thời gian hơn cho công việc, thay vì dành thời gian đi lại như trước kia, họ sẽ bớt căng thẳng hơn”, ông Moore nói. Bản thân các nhân viên cũng làm tốt vai trò người cha, người mẹ hay là người chăm sóc gia đình khi họ có cơ hội làm việc tại nhà. Trong một cuộc khảo sát với 500 người trưởng thành có tên AcuPoll, được thực hiện bởi Vườn ươm khởi nghiệp CincyTech ở thành phố Cincinnati, kết quả cho thấy có đến 40 đến 50% số người được hỏi cho biết họ sẽ quay lại với các thói quen trước đây, bao gồm cả công việc, trường học, giải trí và giải trí sau khi đại dịch Covid-19 chấm dứt.

(Nguồn: Internet)

Đồng thời, theo nhận định của một số CMO, tốc độ tăng trưởng trong kinh doanh cũng đã có những thay đổi mạnh mẽ. Các cuộc gọi đang thay thế dần các cuộc họp trong một số trường hợp và nhiều deadlines đã được đặt ra để tránh lãng phí thời gian không cần thiết. Những người làm marketing và doanh nghiệp của họ đang cố gắng học cách làm việc và đưa ra quyết định một cách nhanh hơn.

Andrea Brimmer, Giám đốc bộ phận PR & Marketing của Ally Financial cho biết: “Người dân đều đang cố gắng loại bỏ tất cả những thứ không cần thiết và học hỏi cách di chuyển nhanh hơn - và sẽ chẳng có hậu quả nặng nề nào xảy ra cả, kể cả khi không có 32 cuộc họp quản trị và 50.000 emails được gửi đi như trước đây. Vì thế, bạn có thể đưa ra quyết định ngay tại chỗ và tiến hành nó, bởi vì mọi người đều làm những việc này mà không cần những thủ tục lằng nhằng như trước đây.”

An toàn là trên hết

Trong bối cảnh mà Internet ngày càng phát triển và có xu hướng xâm nhập vào những dữ liệu riêng tư của người dùng, thì xu hướng bảo vệ quyền riêng tư và những dữ liệu cá nhân ngày một tăng cao đã không còn là điều xa lạ. Tuy nhiên, điều này có vẻ như đang thay đổi trong tình cảnh bùng phát đại dịch Covid-19 hiện nay. Nhiều người đang có xu hướng trì hoãn việc này lại, và mong muốn Chính phủ và những người lãnh đạo giữ an toàn sức khỏe cho họ, ngay cả khi điều đó sẽ khiến họ đánh mất quyền riêng tư của chính mình trong khoảng thời gian sắp tới.

Ông Marsden cho biết, điều này sẽ đem lại ý nghĩa không hề nhỏ với những người làm quảng cáo. Hãy nhớ rằng, những gã khổng lồ công nghệ như Facebook và Google đã bị ảnh hưởng tiêu cực như thế nào khi các công ty này bị tố là đã đánh cắp dữ liệu và thông tin cá nhân của người dùng, và sử dụng nó để chống lại người tiêu dùng. Không thể phủ nhận rằng đó là những hành động cực kỳ tồi tệ, nhưng nếu tình trạng dịch bệnh còn kéo dài, và việc người dân sẵn sàng đánh đổi sự tự do để đổi lấy sự an toàn, thì tình trạng bị giám sát và theo dõi thông tin sẽ còn xảy ra nghiêm trọng hơn trong tương lai.

>>> Xem thêm: Ý nghĩa của việc sử dụng dữ liệu định vị người dân trong thời điểm dịch bệnh Covid-19

Tạm kết

Rõ ràng, nhìn nhận một cách tích cực, đại dịch Covid-19 không chỉ đem đến những thách thức mà cả cơ hội cho các doanh nghiệp trong bối cảnh phải xoay sở để thích nghi với thời cuộc. Hành vi tiêu dùng, mua sắm, làm việc và sinh hoạt của người dân bị đảo lộn phần nào đã mở ra một cánh cửa ngách, một cánh cửa có sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và thương mại điện tử để các doanh nghiệp thi nhau “tranh phần”. Nếu biết cách tận dụng, các thương hiệu vẫn sẽ có thể tiếp tục duy trì các xu hướng này ngay cả khi dịch bệnh kết thúc, và biết đâu, sẽ tạo ra một hướng kinh doanh mới cho doanh nghiệp của mình, sáng tạo và hiệu quả hơn.

Tô Linh - MarketingAI

Theo Adage

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.