6 điều các nhà tiếp thị cần biết để có một năm 2021 thành công

22 Thg 02

Những gì xảy ra trong năm 2020 vừa qua đòi hỏi các thương hiệu phải biết cách mang đến một trải nghiệm cá nhân hóa cho người dùng, đồng thời vẫn duy trì được sự tôn trọng đối với quyền riêng tư của họ. Dự kiến, cá nhân hóa sẽ tiếp tục là chủ đề được thảo luận sôi nổi trong năm nay khi mang lại nhiều cơ hội thú vị cho các doanh nghiệp. Để có cái nhìn tổng thể hơn về thế giới tiếp thị năm 2021, hãy cùng theo dõi 6 điều mà các marketers cần biết để có một năm 2021 thành công trong bài viết dưới đây nhé!

Ngày càng nhiều trình duyệt và nền tảng đưa ra thông báo sẽ loại bỏ cookie vào năm 2021, điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải nâng cao tầm quan trọng của việc tương tác trực tiếp với khách hàng, thu hút lòng tin của họ và coi các thông tin liên hệ với họ là một sản phẩm phụ. 

Không có gì ngạc nhiên khi dữ liệu đang là thứ “vàng quý” mà mọi doanh nghiệp khao khát. Nhưng những quy định về quyền riêng tư trong một thế giới hậu GDPR (quy định về bảo vệ dữ liệu chung) đã khiến họ phải cảnh giác hơn khi sử dụng dữ liệu của bên thứ nhất và bên thứ ba, trong khi dữ liệu từ bên thứ hai lại không mấy tin cậy, vì nó thường bắt nguồn từ các nguồn không liên quan và nhanh chóng trở nên lỗi thời. Trong bối cảnh đó, dữ liệu của bên không đã lên ngôi. 

Quy định chung về quyền riêng tư GDPR chính thức có hiệu lực vào 25/5/2018 (Ảnh: Econsultancy)

Dữ liệu của bên không (Zero Party Data) là gì?

Thuật ngữ 'dữ liệu của bên không' lần đầu tiên được Forrester đặt ra nhằm mô tả bất kỳ dữ liệu nào mà khách hàng chủ động và cố ý chia sẻ cho doanh nghiệp. Dữ liệu này khác với dữ liệu của bên thứ nhất vì nó cung cấp cho các tổ chức những sở thích rõ ràng của người tiêu dùng, thay vì chỉ là những phỏng đoán hay ngụ ý (được tạo ra nhờ quá trình tương tác giữa thương hiệu và người tiêu dùng).

Về cơ bản, dữ liệu của bên không phù hợp với mong muốn cá nhân hóa của khách hàng, vì nó cho phép họ được chủ động nêu ra những gì họ muốn từ một thương hiệu và đổi lại, họ sẽ cung cấp thông tin cá nhân của họ cho doanh nghiệp. Nó cung cấp cho các công ty cái nhìn sâu sắc hơn về nhu cầu, sở thích và ý định của khách hàng - không giống như dữ liệu của bên thứ nhất khi chỉ có thể lấy insights từ những thứ lịch sử mua hàng hay các thông tin cơ bản như ngày sinh.

Dữ liệu của bên không cũng thể hiện một sự đồng ý rõ ràng từ phía người dùng, mang lại cho các công ty sự đảm bảo cần thiết trong việc xử lý các dữ liệu nhạy cảm tiềm ẩn, như các thông tin về quan điểm chính trị chẳng hạn. 

Lợi ích của dữ liệu của bên không?

Một trong những lợi ích chính của dữ liệu bên không là sự tương tác của khách hàng nội tại. Các thương hiệu sử dụng dữ liệu của bên không có thể đảm bảo được rằng khách hàng sẽ tích cực muốn nghe ý kiến ​​từ họ - và sẽ tương tác khi họ được nhắm mục tiêu.

Bên cạnh đó, dữ liệu của bên không có độ chính xác và rõ ràng cao hơn, vì các thương hiệu được lắng nghe chia sẻ từ chính khách hàng thay vì tự mình suy ra. Điều đó cũng góp phần xây dựng mối quan hệ trực tiếp và cá nhân hóa giữa khách hàng và thương hiệu. 

Tất nhiên, ngay cả khi được cung cấp miễn phí, cũng không có gì đảm bảo rằng dữ liệu của bên không là chính xác 100%. Forrester cảnh báo rằng “yêu cầu quá nhiều thông tin cùng một lúc có thể dẫn đến tình trạng quá tải và có thể khiến khách hàng của bạn cung cấp thông tin sai lệch chỉ để cho xong quy trình.”

Đây là lý do tại sao một trải nghiệm người dùng tốt là rất quan trọng. Để mang đến một sự trao đổi có giá trị hữu hình, các thương hiệu nên hướng tới việc cung cấp trải nghiệm tương tác thú vị hoặc giải trí, giúp họ có thể dễ dàng hơn trong việc thu thập thông tin cá nhân cùng một lúc. Các ví dụ về loại nội dung này có thể là câu chuyện xã hội, cuộc thăm dò ý kiến ​​hoặc câu đố,...

Để kiếm được dữ liệu của bên không, thương hiệu cần khuyến khích khách hàng chia sẻ dữ liệu trực tiếp để đổi lấy thứ gì đó có giá trị. Khi thông tin này đến từ khách hàng, các nhà tiếp thị không cần phải đoán khách hàng của họ muốn gì mà họ chỉ cần đưa ra câu hỏi mà thôi.

Để chuẩn bị cho một tương lai không có cookies, các thương hiệu nên bắt đầu đặt câu hỏi cho người tiêu dùng trong bất kỳ công cụ thu thập dữ liệu nào mà bạn đang sử dụng. Dù sử dụng phương pháp nào thì cũng hãy nhớ rằng, việc tìm hiểu người tiêu dùng thông qua dữ liệu của bên thứ nhất và bên không sẽ là cách tốt nhất để các thương hiệu có được sự nhận dạng chính xác đối với từng người dùng, giảm thiểu sự cạnh tranh trên thị trường sau khi cookie chính thức biến mất.

Nếu Nội dung là Vua thì vào năm 2021, Ngữ cảnh là Nữ hoàng

Nếu Nội dung là Vua, thì Ngữ cảnh sẽ đóng vai trò là Nữ hoàng trên bàn cờ marketing thế giới. Bạn cần hiểu rõ hơn về khách hàng của mình, từ những sở thích được cung cấp trong dữ liệu của bên không, đến những thông tin chi tiết hơn về các tương tác của khách hàng - điều đó sẽ giúp cho quá trình cá nhân hóa trong thế hệ tiếp theo trở nên chính xác hơn. 

Việc áp dụng công nghệ máy học và phân tích vào chiến lược cá nhân hóa của doanh nghiệp sẽ giúp các nhà tiếp thị có thể thúc đẩy hiệu quả, nâng cao tính chuyên nghiệp, tự động hóa và tối ưu hóa. Trong một thế giới mà sự giãn cách xã hội được đặt lên hàng đầu, tương lai của hành trình khách hàng và cá nhân hóa sẽ không còn giống như cách đây một năm. Bằng cách tận dụng công nghệ máy học và phân tích, bạn có thể hiểu rõ hơn bối cảnh của khách hàng để tăng hiệu quả tiếp thị.

Concept truyền thống về 'Quản lý offer' trở nên phổ biến vào năm 2021

Các nhà tiếp thị muốn cung cấp nội dung tốt hơn và phù hợp hơn cho khách hàng của họ để tăng hiệu quả tiếp thị. Để thực hiện điều này, concept truyền thống về 'quản lý offer' cần phải được đưa lên hàng đầu.

Đầu tiên, bạn cần phải hiểu “offer” ở đây là gì. “Offer” là một thông điệp tiếp thị cụ thể, nhằm tạo ra sự tương tác có mục đích, được gửi đến một nhóm khách hàng hoặc khách hàng tiềm năng cụ thể, sử dụng một hoặc nhiều kênh. Nó không chỉ đơn giản là một chương trình khuyến mãi hay giảm giá nào đó tới khách hàng hoặc khách hàng tiềm năng.

Offer Management Platform (Ảnh: Internet)

Trong thời đại ngày nay, “offer” có thể là các thông điệp, hình ảnh, nội dung, chương trình, phiếu giảm giá, lời 'cảm ơn' và nhiều cơ chế thu hút khách hàng quan trọng khác được triển khai trong thời gian thực. Điều này cho phép các thương hiệu có những trao đổi giá trị với khách hàng của mình. Yếu tố quan trọng để tạo ra điều này là trí thông minh và phần còn lại thì sẽ để máy móc thực hiện việc nâng cao nội dung và đưa ra sự tối ưu hóa. Điều này giúp các nhà tiếp thị có thể tập trung hơn vào những gì họ đang làm tốt, thúc đẩy chiến lược và thúc đẩy sự sáng tạo.

Quản lý offer đang ngày càng trở thành một chức năng quan trọng trong các bộ phận marketing, đặc biệt là khi các kênh tương tác với khách hàng ngày càng phát triển. Vì mục đích này, nó được định nghĩa là một quá trình và hệ thống nơi mà các bộ phận marketing phải quản lý dữ liệu liên quan đến các offer và thông điệp trên các kênh. Nếu bạn chỉ sử dụng các công cụ quản lý chiến dịch của mình để phân khúc khách hàng và tạo danh sách, bạn đang bỏ lỡ cơ hội tuyệt vời để có ROI cao hơn.

Việc quản lý offer xét trên nhiều khía cạnh có thể còn quan trọng hơn cả quản lý chính chiến dịch, vì nó có thể thúc đẩy chiến dịch và phản hồi của khách hàng. Trong quá trình quản lý này, các nhà tiếp thị có thể bắt đầu đơn giản và tăng độ phức tạp của offer lên theo thời gian, dần dần có được những hiểu biết sâu sắc hơn về hành vi của khách hàng. Bạn càng thu thập được nhiều thông tin mô tả về offer, thì càng có cái nhìn sâu rộng và hiểu biết rõ ràng hơn về khách hàng - tạo ra cơ hội kết nối không ngừng với khách hàng dựa trên những sở thích mà họ cung cấp.

Cuộc cách mạng dành cho cá nhân hóa

Gartner nhấn mạnh rằng có tới 27% các nhà tiếp thị tin rằng dữ liệu là một trở ngại lớn trong việc tạo ra sự cá nhân hóa, làm lộ những điểm yếu của họ trong việc thu thập, tích hợp và bảo vệ dữ liệu. Tại sao lại như vậy?

Đầu tiên cần phải hiểu, cá nhân hóa là tất cả những gì liên quan đến dữ liệu; từ dữ liệu được xử lý hàng loạt trên máy tính mà không có sự can thiệp thủ công, đến dữ liệu phát trực tuyến streaming, dữ liệu có cấu trúc hoặc không có cấu trúc,... Với khối lượng dữ liệu lớn như thế, doanh nghiệp cần tập trung nó ở một nơi để tổng hợp, phân tích và kích hoạt. Cá nhân hóa có thể được coi là một chiến lược, một công nghệ và cả một thị trường, và nó đã đến lúc chín muồi để tái tạo. Như Seth Godin đã nhấn mạnh trong bài phát biểu mở đầu của Signals20, giờ đây, mọi thứ không còn liên quan nhiều đến Cá nhân hóa nữa mà là về “Cá nhân”.

Thế hệ cá nhân hóa tiếp theo không phải là về cookie hoặc dữ liệu của bên thứ ba, cũng không phải về buôn bán hay phỏng đoán. Thế hệ cá nhân hóa tiếp theo là dựa vào thông tin chi tiết về dữ liệu sâu, dữ liệu của bên thứ nhất và bên không và sử dụng công nghệ máy học để không chỉ tạo ra nội dung phù hợp, offer phù hợp, kênh phù hợp mà còn tạo ra chuỗi sự kiện phù hợp, dẫn đến một đường dẫn tự động để tạo ra chuyển đổi.

Thế hệ cá nhân hóa tiếp theo là cung cấp một sự trao đổi giá trị cho người tiêu dùng ngay tại “thời điểm” họ đang trải nghiệm ứng dụng di động của bạn, website của bạn hay đang mua hàng tại cửa hàng của bạn. Làm thế nào để bạn mang đến một thứ gì đó thật “cá nhân hóa” trong thời điểm ấy để tạo được niềm tin và xây dựng mối quan hệ vững chắc với thương hiệu?

Những khó khăn phải đối mặt trong khủng hoảng mạng xã hội

Thành công của bộ phim The Social Dilemma do Netflix sản xuất là trong những điều quan trọng mà các nhà tiếp thị cần lưu ý. Bộ phim đề cập đến sự trỗi dậy của mạng xã hội và những thiệt hại mà nó gây ra cho xã hội nói chung, nhấn mạnh vào việc các mạng xã hội đang lợi dụng người dùng để thu lợi cho mình, tận dụng quyền giám sát tư bản chủ nghĩa và khả năng khai thác dữ liệu để thao túng người dùng. Bằng nhiều chiêu trò tâm lý khác nhau, nội dung trên các trang mạng xã hội luôn có xu hướng kích động cảm xúc của người dùng nhằm tối đa hóa sự tương tác, đồng thời biến người dùng thành những “con nghiện” mạng xã hội, dẫn đến những ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe tâm thần (bao gồm sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên và tỷ lệ tự tử gia tăng ở thanh thiếu niên), đồng thời là việc sử dụng nó trong chính trị và trong các chiến dịch truyền bá thuyết âm mưu đã làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. 

Với những phản ứng dữ dội ngày càng tăng đối với 'nền kinh tế sức chú ý' (attention economy - một cách tiếp cận quản lý thông tin coi sức chú ý của con người như một mặt hàng khan hiếm, áp dụng các lý thuyết kinh tế học để giải quyết các vấn đề trong quá trình quản lý thông tin) và cách các nền tảng xã hội cố gắng biến người dùng thành những “con nghiện”, vũng lầy mạng xã hội sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều đối với các nhà tiếp thị vào năm 2021.

>> Xem thêm: Cán cân quyền lực trong giới mạng xã hội có nguy cơ rung chuyển sau vụ kiện của Facebook

Loyalty Marketing (Tiếp thị lòng trung thành) sẽ tăng mạnh vào năm 2021 nhưng sẽ có một bước ngoặt

Trong thời kỳ suy thoái, việc tập trung vào việc kiếm tiền từ những khách hàng hiện tại luôn dễ dàng hơn là cố gắng có được doanh thu từ những khách hàng mới. Điều này cũng là lý do khiến các nhà tiếp thị tập trung đầu tư hơn vào các chương trình khách hàng thân thiết để tối ưu hóa giá trị lâu dài của khách hàng. Nghiên cứu ban đầu từ Econsultancy - tạp chí marketing nổi tiếng của Anh đã cho thấy vào tháng 3, khi đại dịch COVID bắt đầu tấn công, thế hệ 9X cũng như nhiều người Mỹ khác đều đang tìm cách cải thiện sự tương tác của họ với các chương trình khách hàng thân thiết thay vì giảm mức độ tương tác. Nhưng có một xu hướng cho thấy ngày càng nhiều nhà tiếp thị xây dựng các chiến lược khách hàng trung thành thực sự (loyalty strategies) thay vì các chương trình phần thưởng (reward programs), nơi mà sự ủng hộ và tương tác cũng quan trọng như điểm số khi mua hàng.

(Ảnh: Internet)

Vào năm 2021, điều quan trọng là các nhà tiếp thị phải biết cách điều chuyển từ các chương trình phần thưởng sang các chiến lược khách hàng thân thiết để tối ưu hóa giá trị lâu dài của khách hàng trong một môi trường kinh tế khó khăn.

Kết

Trên đây là 6 điều mà các nhà tiếp thị cần biết để có một năm 2021 thành công với các chiến lược marketing của mình. Đây đều không phải là những xu hướng mới chưa từng xuất hiện, nhưng nó sẽ càng biến đổi và có nhiều làn gió mới hơn vào năm tới này, đó là điều mà các nhà tiếp thị cần quan tâm để không đi chậm hơn so với thời đại.

Tô Linh - MarketingAI

Theo Thedrum

>> Có thể bạn quan tâm: 6 xu hướng hàng đầu dành cho các nhà tiếp thị kỹ thuật số vào năm 2021

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.