8 chiến lược thương mại mạng xã hội doanh nghiệp cần biết trong năm 2020

05 Thg 02

Với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệmạng xã hội, không ngạc nhiên khi xu hướng mua sắm của người tiêu dùng cũng dần chuyển dịch từ những cửa hàng bán lẻ truyền thống sang những nền tảng mua sắm trực tuyến. Nhiều chuyên gia đã nhận định rằng, doanh thu từ mua sắm trực tuyến trên toàn cầu sẽ chiếm tới 22% tổng doanh thu ngành bán lẻ vào năm 2023. Thậm chí ngay tại thời điểm bây giờ, thương mại điện tử đã và đang chiếm được ưu thế trước những cửa hàng bán lẻ truyền thống. Chính vì những yếu tố này, ngày càng nhiều thương hiệu đang ưu tiên việc đầu tư vào bán hàng trực tuyến hơn. Theo một khảo sát, có tới 50% thương hiệu bán lẻ đang nghiên cứu, tìm cách liên kết quảng cáo mạng xã hội với chiến lược thương mại điện tử tổng thể của họ. Ngoài ra, có tới 75% trong số họ khẳng định rằng sẽ tiếp tục đầu tư vào tiếp thị mạng xã hội trong năm tiếp theo. 

Có thể khẳng định rằng, năm 2020 tới đây sẽ mở ra một thập kỷ mới của thương mại điện tử. Sẽ ngày càng có nhiều thương hiệu tận dụng sự giao thoa của thương mại và mạng xã hội - hay nói chính xác là thương mại mạng xã hội. Dưới đây, MarketingAI sẽ giới thiệu đến bạn đọc 8 chiến lược thương mại mạng xã hội cho doanh nghiệp, từ đó giúp họ xây dựng được lòng tin khách hàng và thúc đẩy doanh thu trong năm 2020.

1. Đầu tư vào đúng kênh

Hiện nay, số lượng nền tảng mạng xã hội và Digital rất lớn và con số này không ngừng tăng lên. Với doanh nghiệp, họ sẽ không thể nào đầu tư vào toàn bộ các kênh đó được. Thay vào đó, doanh nghiệp cần cân đối tài nguyên và ngân sách để lựa chọn kênh quảng cáo Digital phù hợp. Để làm được điều đó, việc hiểu được khách hàng của mình là yếu tố quan trọng. Bởi lẽ, doanh nghiệp càng hiểu được khách hàng của mình, họ sẽ dễ dàng tìm được kênh quảng cáo phù hợp nhất để tiếp cận và nâng cao hiệu quả Marketing. Chính vì vậy, hãy đặt ra những câu hỏi như: Kênh nào thường được khách hàng sử dụng để xem và chia sẻ nội dung? Họ thường sử dụng những kênh đó khi nào? Loại nội dung nào họ thường xuyên tương tác? Trả lời được những câu hỏi này không hề đơn giản, nhưng nó sẽ đóng vai trò như la bàn để dẫn lỗi doanh nghiệp có được chiến lược thương mại mạng xã hội phù hợp, chính xác và giúp họ thắng trong cuộc cạnh tranh.

2. Luôn luôn tìm cách tối ưu hóa hiệu quả

Với sự xuất hiện của những nền tảng mới, hành vi của người tiêu dùng cũng vì thế mà thay đổi theo đi kèm là chiến lược thương mại mạng xã hội của bạn. Hiểu đơn giản, nếu một kênh quảng cáo hoặc một chiến lược quảng cáo thành công trong quá khứ sẽ không có nghĩa nó sẽ mãi thành công trong tương lai. Trong thời đại ngày nay, Marketer có thể dễ dàng có được dữ liệu của người dùng. Thế nhưng phần khó nhất chính là biến chúng trở nên có nghĩa để sử dụng được. Vì vậy, việc đầu tư vào những nền tảng phần tích hay những công cụ giúp tổng hợp các dữ liệu lớn thành những Insight có ích. Không chỉ vậy, doanh nghiệp cần phải liên tục thay đổi những phương thức đo lường, tìm ra những cách tối ưu nhất, hiệu quả nhất. Điển hình như việc nhiều nền tảng mạng xã hội lớn như Instagram, Facebook đã ẩn đi lượt Like - vốn được xem là một thước đo quan trọng cho hiệu quả tiếp thị mạng xã hội.

3. Tìm cách rút ngắn, đơn giản hóa quy trình mua sắm

Trong việc mua sắm thời hiện đại, tính tiện lợi được đặt lên ưu tiên hàng đầu. Chính vì vậy, những thương hiệu có khả năng tạo ra một quy trình mua sắm hoàn chỉnh từ đầu tới cuối, tối giản hóa các bước xuống ít nhất có thể và phủ rộng nó trên khắp các kênh quan trọng, thì đây sẽ trở thành những cái tên có thể chiếm trọn cảm tình của khách hàng, từ đó dễ dàng thu hút và tạo ra tỷ lệ chuyển đổi. Để có thể chắc chắn rằng doanh nghiệp đang tiếp cận tới đúng đối tượng, vào đúng thời gian và vị trí, họ sẽ cần sở hữu một kênh thương mại mạng xã hội đa kênh (Omnichannel) và chúng được xây dựng từ chính dữ liệu và Insight của khách hàng. Trong đó, nó sẽ bao gồm việc tận dụng tính năng thanh toán của nền tảng mạng xã hội, tạo ra những nội dung thu hút việc mua sắm, cũng như tích hợp trải nghiệm mua sắm trực tuyến và tại cửa hàng.

Tận dụng tính năng thanh toán trên nền tảng mạng xã hội

Khi người dùng đang lướt mạng bảng tin trên ứng dụng mạng xã hội, bỗng dưng họ tìm thấy một sản phẩm ưa thích và muốn mua ngay lập tức. Thông thường đây sẽ là rào cản lớn nhất giữa người mua và thương hiệu, khách hàng không thể thỏa mãn được nhu cầu ngay lập tức của mình. Chỉ đến khi mạng xã hội ra mắt tính năng thanh toán thì mọi chuyện mới thay đổi hoàn toàn. Cụ thể, nhiều thương hiệu đã đính đường link của sản phẩm ngay trong phần thông tin trên mạng xã hội và dẫn tới người mua tới trang web thanh toán trực tiếp. Điều này đã tiết kiệm rất nhiều thời gian, thay vì người dùng phải thoát ứng dụng, sau đó, tự truy cập vào trang web của thương hiệu và tìm kiếm sản phẩm. Có thể nói ngắn gọn rằng, với việc mua sắm trực tuyến trên mạng xã hội càng ít thao tác phải làm đồng nghĩa doanh thu sẽ càng tăng cao.

Không chỉ vậy, những nền tảng mạng xã hội lớn như Instagram, Facebook hay Snapchat còn đang thử nghiệm tính năng thanh toán trực tiếp trên ứng dụng. Điều này cho phép thương hiệu có thể bán được sản phẩm một cách trực tiếp mà không cần phải thoát khỏi ứng dụng. 

Bổ sung hình ảnh minh họa cho sản phẩm và những nội dung quảng cáo hấp dẫn

Việc đơn giản hóa quy trình mua sắm và thanh toán cho khách hàng là điều tốt, tuy nhiên đừng chỉ chú tâm cho việc đó mà quên mất việc quảng bá cho chính sản phẩm. Dù gì, đó mới là thứ trực tiếp tạo ra doanh thu cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần hiểu rằng việc tích hợp, bổ sung hình ảnh minh họa là một cách hiệu quả để tăng tính tương tác trực tuyến, cũng như tăng trưởng doanh thu. Một nghiên cứu đã chỉ ra, khách hàng sẽ có xu hướng mua hàng cao hơn 6 lần nếu sản phẩm đó có hình ảnh minh họa, nhất là hình ảnh từ chính người dùng trên mạng xã hội. Vậy nên, hãy tạo ra những bộ lookbook mang tính tương tác, hoặc những catalog minh họa đẹp mắt để thu hút. Đừng quên bổ sung thêm nút CTA “Mua hàng” để điều hướng người xem tới trang mua sắm.

4. Tận dụng nội dung do người dùng tạo ra và những bài đăng tự nhiên của Influencer

Nội dung do người dùng tạo ra (UGC) là những hình ảnh, video đánh giá từ chính người dùng mạng xã hội. Những nội dung này được xem là đáng tin cậy, ảnh hưởng nhiều nhất tới người tiêu dùng và nó trở thành nguồn tài nguyên quý giá cho mọi Marketer. Thậm chí, UGC có thể tạo ra sức ảnh hưởng gấp gần 10 lần so với nội dung của Influencer theo như nhiều nghiên cứu đã chỉ ra. Hiện nay, người dùng đang dần mất niềm tin vào Influencer - những người đang dần bị xem như ngôi sao truyền hình hơn là một khách hàng thông thường. Chính vì điều này, doanh nghiệp cần cân nhắc việc thay đổi chiến lược Influencer Marketing của mình - chuyển từ sử dụng Macro-Influencer sang những Influencer tự nhiên hơn.

(Nguồn: weDevs)

5. Tạo ra những trải nghiệm xác thực nhất trong suốt quá trình mua sắm của khách hàng

Hiện nay hầu hết Marketer đều tận dụng nội dung UGC cũng như từ Influencer bởi tính hiệu quả của nó. Ngoài ra, đây còn là nguồn nội dung quý giá để Marketer tạo ra những trải nghiệm xác thực nhất trong suốt quá trình mua sắm của khách hàng, ở bất kể giai đoạn nào. Khi sử dụng những nội dung do người dùng tạo ra, điều quan trọng doanh nghiệp cần ghi nhớ chính là xin sự đồng ý của phía người dùng. Chỉ khi đó, doanh nghiệp mới có thể tận dụng tối đa tiềm năng mà UGC mang lại cho chiến dịch Marketing của mình. Nội dung đó có thể xuất hiện trên nhiều kênh, nền tảng quảng cáo khác nhau từ mạng xã hội, các ấn phẩm in ấn, trong các Email quảng cáo hay hiển thị trên trang web, ứng dụng di động,... Tất cả cùng đóng vai trò lan tỏa giá trị và hình ảnh của thương hiệu, doanh nghiệp tới tay người dùng và mang lại cho họ trải nghiệm xác thực nhất.

6. Sử dụng Chatbot

Việc sử dụng Chatbot cho trang web, ứng dụng điện thoại hay trong Messenger đã và đang trở thành yếu tố cốt lõi cho các doanh nghiệp bán lẻ. Chatbot hỗ trợ họ trong việc tương tác, cung cấp thông tin cũng như quảng bá những sản phẩm mới tới người tiêu dùng. Điển hình như tính năng Chatbot trên Facebook Messenger đang được rất nhiều thương hiệu sử dụng, bởi lẽ nó cung cấp cho họ khả năng tương tác 1-1 tới khách hàng, cũng như khả năng luôn luôn sẵn sàng trả lời, giải đáp những thắc mắc thường gặp từ phía khách hàng, đồng thời đây cũng là cách thức mới để thu thập dữ liệu khách hàng cả về định lượng lẫn định tính. Tuy vậy, doanh nghiệp không nên quá lạm dụng cách thức này vì nó vẫn là dạng nhắn tin trực tiếp. Nếu quá lạm dụng, nó sẽ trở thành một dạng quấy rối và gây phản tác dụng.

>>> Tham khảo thêm: Chatbot là gì?

7. Cho phép khách hàng cùng tham gia 

Như đã đề cập ở mục 5, nội dung do người dùng tạo ra (UGC) là dạng nội dung đang rất được Marketer ưa chuộng. Dù vậy, hình thức này nó vẫn khá máy móc khi bạn chỉ cần tìm kiếm, quản lý và xin quyền sử dụng những nội dung đó sau khi khách hàng đăng tải, sau đó tái sử dụng nó cho phù hợp với chiến lược Marketing của mình. Tuy nhiên, với những nội dung tự nhiên của Influencer lại cần một cách tiếp cận chủ động hơn. Influencer sẽ sở hữu một cộng đồng người theo dõi của riêng mình và việc của một Marketer sẽ là tìm cách để thu hút họ tham gia, hưởng ứng theo Influencer. Từ đó, bạn sẽ tạo ra những nội dung sáng tạo, độc đáo theo từng cách riêng nhưng cùng chung mục đích là quảng bá cho sản phẩm, thương hiệu của bạn. Ví dụ như tổ chức một cuộc thi trên mạng xã hội, tạo ra một thử thách hashtag, chương trình tri ân đặc biệt, thậm chí là sự kiện đặc biệt cho khách hàng.

8. Cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng

Người tiêu dùng hiện nay luôn mong muốn thương hiệu mang lại những trải nghiệm cá nhân hóa, đồng nghĩa thương hiệu nào đáp ứng được yêu cầu này sẽ sở hữu những lợi thế nhất định. Hiện nay, có tới gần một nửa doanh nghiệp bán lẻ tương tác với khách hàng của mình trên mạng xã hội, bởi lẽ nền tảng này cho phép họ cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng. Tất cả được dựa trên những số liệu, hành vi từ khách hàng mà doanh nghiệp thu thập được. Nhìn vào những doanh nghiệp hàng đầu hiện nay, điển hình như Amazon có thể mang lại những trải nghiệm cá nhân hóa ưu việt cho khách hàng. Với Amazon, nó là trải nghiệm đề xuất sản phẩm cho khách hàng được cá nhân hóa. Kết quả mang lại đó là mức tăng 49% trong lượng người mua sản phẩm trên nền tảng này. 

Tạm kết

Sự bùng nổ mạnh mẽ của mạng xã hội đã tác động sâu sắc tới đời sống xã hội và doanh nghiệp, trong đó ngành bán lẻ là chịu nhiều ảnh hưởng nhất. Khi giờ đây ai ai cũng sử dụng mạng xã hội, hành vi mua sắm của người tiêu dùng cũng đã thay đổi, chuyển dịch từ mua sắm truyền thống sang mua sắm trực tuyến. Chính những sự thay đổi này đã thúc đẩy doanh nghiệp phải chuyển mình để bắt kịp xu hướng, và từ đó thuật ngữ thương mại trên mạng xã hội ra đời. Doanh nghiệp muốn tồn tại và thành công trong thời đại này cần nắm bắt sớm những xu thế này, MarketingAI đã giới thiệu đến bạn đọc 8 chiến lược thương mại mạng xã hội được tổng hợp trên đây từ những chuyên gia.

Tuấn Anh - MarketingAI

Theo Socialmediatoday

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.