Ấn Độ thực thi các quy tắc mới nhằm siết chặt kiểm soát các mạng xã hội

19 Thg 03

Mới đây, vào ngày 25/2, Chính phủ Ấn Độ đã công bố một loạt các yêu cầu thực thi mới đối với các nền tảng truyền thông xã hội nhằm quản lý chặt chẽ hơn các định dạng nội dung số. Thay đổi này có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược tăng trưởng của những gã khổng lồ công nghệ ở Ấn Độ.

Theo đó, các quy định mới mà Chính phủ Ấn Độ đưa ra bao gồm một bộ quy tắc đạo đức và khuôn khổ giải quyết khiếu nại ba cấp đối với các trang web tin tức và nền tảng chiếu phim trực tuyến (OTT). Phát biểu trước báo giới tại New Delhi, Bộ trưởng Bộ Công nghệ thông tin Ravi Shankar Prasad khẳng định, các quy định mới sẽ trao quyền cho người dùng mạng xã hội và buộc các công ty truyền thông xã hội như Facebook hay Twitter phải chịu trách nhiệm lớn hơn và có trách nhiệm giải trình cao hơn đối với những nội dung được chia sẻ qua các nền tảng của họ.

Cụ thể, theo báo cáo của TechCrunch, các nhà chức trách Ấn Độ hiện sẽ yêu cầu:

  • Các hãng truyền thông xã hội, cung cấp các dịch vụ phát trực tuyến và các nội dung tin tức kỹ thuật số, như Facebook và Twitter phải gỡ xuống các nội dung bất hợp pháp, sai lệch và / hoặc bạo lực trong vòng 24 giờ kể từ khi có khiếu nại
  • Các nền tảng sẽ buộc phải cung cấp đầy đủ cung cấp đầy đủ hành động và phản hồi cho bất kỳ yêu cầu nào như vậy trong vòng 15 ngày
  • Trong các trường hợp liên quan đến nội dung khiêu dâm, các nền tảng sẽ được yêu cầu xóa nội dung đó trong vòng 24 giờ
  • Các nền tảng cũng sẽ cần phải tiết lộ nguồn gốc của nội dung bị phản đối thông qua một mệnh lệnh pháp lý (WhatsApp trước đây đã lưu ý rằng các quy trình mã hóa đầu cuối của nó sẽ không thể đáp ứng điều này)

Quy định mới cũng yêu cầu các công ty mạng xã hội phải bổ nhiệm một quan chức phụ trách việc tuân thủ quy định, một quan chức phụ trách phối hợp thực thi pháp luật và làm việc với cơ quan chức năng và một nhân viên giải quyết vấn đề khiếu nại. Ngoài ra, mỗi công ty cũng sẽ cần thiết lập một văn phòng địa phương ở Ấn Độ để duy trì việc kết nối trực tiếp.

Thêm vào đó, các nền tảng cũng được yêu cầu phải cung cấp tùy chọn tự nguyện cho những người dùng muốn xác minh tài khoản của họ.

Việc đáp ứng tất cả các yêu cầu này có thể đặt ra những thách thức đối với những gã khổng lồ mạng xã hội, bởi trong quá khứ, họ đã từng rất phân vân và do dự khi được yêu cầu cam kết thực hiện các mục tiêu như vậy. Nhưng phía Ấn Độ cũng đã nhấn mạnh rằng, trong nhiều trường hợp, việc không tuân thủ có thể nhanh chóng dẫn đến lệnh cấm hoàn toàn ở quốc gia này và nguy cơ mất đi kết nối với 1,4 tỷ công dân.

Nếu phải nói mạng xã hội nào đã cảm nhận sâu sắc “nỗi mất mát” này thì chính là TikTok. Ứng dụng video dạng ngắn này đã trải qua cảm giác nặng nề này vào năm ngoái khi họ đã mất đi thị trường người dùng lớn nhất của mình chỉ sau một đêm do những tranh chấp đang diễn ra ở thời điểm đó giữa chính quyền Ấn Độ và Trung Quốc. Điều này ngay lập tức đã khiến TikTok mất đi 200 triệu người dùng tích cực và đối mặt với nhiều khó khăn khác. Trong khi đó gần đây Twitter cũng phải đối mặt với lệnh cấm có khả năng xảy ra ở Ấn Độ do mạng xã hội này đã từ chối tuân thủ theo các yêu cầu gỡ xuống nội dung liên quan đến các cuộc biểu tình nông dân gần đây.

Không thoát khỏi liên quan, mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook cũng đã gặp các vấn đề cộng đồng ở Ấn Độ, khi CEO của Facebook tại khu vực Ấn Độ đã đệ đơn khiếu nại hình sự chống lại một nhà báo vào năm ngoái khi nhà báo này đã viết một bài báo chỉ trích cáo buộc thực thi có chọn lọc các chính sách về lời nói căm thù của Facebook.

Mỗi trường hợp trên đều đóng một vai trò nhất định trong việc Ấn Độ thiết lập các quy tắc mới, làm tăng thêm xung đột giữa hai bên và khiến các gã khổng lồ công nghệ gặp khó khăn trong việc mở rộng thị trường tại các quốc gia tiềm năng và tận dụng sự phụ thuộc mới nổi vào công nghệ của Ấn Độ trong thời gian gần đây.

Được biết, cả Twitter và Facebook đều đang đạt được ​​sự tăng trưởng đáng kể tại Ấn Độ trong những năm gần đây và cả hai đều chú trọng nhiều hơn vào thị trường này khi các dự báo đều cho rằng, nó đóng một vai trò lớn trong sự tăng trưởng liên tục của nền tảng trong tương lai. Mới gần đây, Twitter đã tiết lộ kế hoạch tăng gấp đôi doanh thu vào năm 2023, nhấn mạnh mức tăng trưởng 74% về lượng sử dụng ở Ấn Độ sẽ là yếu tố chính trong dự báo này.

Trong khi đó, Facebook đang tìm cách biến WhatsApp, ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất trên toàn quốc, thành một công cụ kết nối chính cho một loạt các hoạt động hàng ngày. Nếu thành công, Ấn Độ sẽ trở thành thị trường quan trọng cho sự phát triển trong tương lai của Facebook và họ đã đầu tư hàng tỷ USD chỉ để xây dựng và lan tỏa độ nhận diện của mình trong ngành công nghiệp Ấn Độ.

Facebook đầu tư mạnh vào Ấn Độ, bỏ ra 5,7 tỷ USD để mua cổ phần nhà cung cấp mạng trong nước Reliance Jio và các nền tảng mua sắm trực tuyến như Meesho để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại điện tử trên WhatsApp

Phần lớn, các nền tảng sẽ không thể đạt được những mục tiêu mới này, điều đó yêu cầu họ phải bỏ ra khoản tiền đầu tư nhiều hơn, do họ phải phụ thuộc ngày càng nhiều vào thị trường họ đầu tư, điều này không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng điều đó cũng có thể làm chậm đà tăng trưởng của họ, tùy thuộc vào những gì họ được yêu cầu làm (từ Chính phủ quốc gia đó). Ngoài ra, nó còn phụ thuộc vào thái độ của người dùng quốc gia đó đối với các chính sách của nền tảng. Ví dụ như gần đây, WhatsApp đã phải nhận những phản ứng dữ dội từ người dùng Ấn Độ do những thay đổi trong chính sách chia sẻ dữ liệu, trong đó, các thông tin về các cuộc trao đổi kinh doanh trong ứng dụng sẽ được chia sẻ với công ty mẹ Facebook. Nếu sự thật là WhatsApp cần theo dõi những người khởi tạo nội dung, thì điều đó chắc chắn sẽ làm dấy lên một đợt giận dữ khác.

Các quốc gia khác cũng sẽ theo dõi để xem các nền tảng phản ứng như thế nào với loạt quy định được tăng cường này. Nhiều quốc gia khác cũng đang tìm cách triển khai các quy định riêng về cách các công ty công nghệ có thể hoạt động tại nước họ và việc Ấn Độ cho ra mắt bộ quy tắc này sẽ là ví dụ điển hình để các quốc gia có thể tham khảo trong quá trình phát triển kế hoạch.

Cùng với những nỗ lực gần đây của Chính phủ Úc trong việc bắt các nền tảng trả tiền cho nội dung tin tức, có vẻ như các quốc gia đang “đồng lòng” để hình thành nên cách tiếp cận chính sách tối ưu hơn cho các nền tảng, từ đó tạo nên bộ quy tắc thống nhất hơn cho các nền tảng xã hội trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, mọi thứ vẫn đang còn ở trước mắt. Hiện các nền tảng xã hội vẫn chưa đưa ra ý kiến phản hồi về quy định này của Ấn Độ, vì vậy, chúng ta vẫn chưa thể nói trước được điều gì.

Tô Linh - MarketingAI

Theo SocialmediaToday

>> Có thể bạn quan tâm: Facebook và Chính phủ Úc bắt tay làm hòa, khôi phục các trang tin tức
Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.