Ảnh hưởng của COVID-19 lên hành vi mua sắm online của Đông Nam Á năm 2020

29 Thg 03

Thương mại điện tử (TMĐT) tại Đông Nam Á (ĐNÁ) đang trên đà phát triển mạnh nhờ vào sự gia tăng của các lựa chọn mua hàng, sự cải thiện của tốc độ truy cập Internet và đời sống vật chất của người dân. Bản đồ báo cáo cuối năm 2020 của iPrice Group, SimilarWeb và AppsFlyer đã chỉ ra rằng, thương mại điện tử Đông Nam Á đã có sự tăng trưởng đáng kể dưới những tác động của đại dịch COVID-19. Ngành thương mại điện tử tại 6 thị trường lớn nhất ĐNÁ là Singapore, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Indonesia sẽ tiếp tục phát triển và có khả năng đạt 172 tỷ USD vào năm 2025.

Báo cáo đã phát hiện ra 3 thay đổi lớn:

  1. Những ngành thương mại điện tử thu được nhiều lượt truy cập nhất
  2. Mức chi tiêu trung bình của người Đông Nam Á đã tăng 19%
  3. Động lực để người Đông Nam Á cài đặt và gỡ cài đặt các ứng dụng mua sắm

Cùng MarketingAI tìm hiểu về 3 thay đổi lớn này trong bài viết dưới đây nhé

Ngành thương mại điện tử nào thu được nhiều lượt truy cập nhất?

Năm 2020 đã đánh dấu là năm mà người tiêu dùng dành niềm tin mạnh mẽ vào ngành bán lẻ thương mại điện tử (e-commerce retail), bất chấp những hạn chế về khả năng di chuyển và những lo ngại gia tăng khi đại dịch bùng phát trên toàn cầu.

Báo cáo cho thấy lượng truy cập website tổng thể qua từng năm của các nền tảng mua sắm trực tuyến đã tăng tích cực trên mọi thị trường ở Đông Nam Á. Trong đó, sự tăng trưởng được thể hiện rõ nhất tại Singapore (35%), Philippines (21%), Việt Nam (19%), Malaysia (17%), Thái Lan (15%) và Indonesia (6 %). Tất cả đều là tỷ lệ tăng trưởng so với năm 2019.

Dữ liệu cũng cho thấy lượng truy cập website của các cửa hàng bách hóa trực tuyến đã tăng trung bình 52% so với quý 1 năm 2020. Đây có lẽ là kết quả của việc thực thi nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách xã hội trong quãng thời gian suốt một năm qua.

Xu hướng tiêu dùng của người dùng Việt xét theo kênh bán hàng (Ảnh: ndh)

Tuy nhiên, không phải traffic của website thương mại điện tử nào cũng tăng. Có một số ngành đã phải chịu sự giảm sút nghiêm trọng do đại dịch, đơn cử là ngành công nghiệp mỹ phẩm. Báo cáo chỉ ra rằng, lượng truy cập vào các nền tảng cung cấp sản phẩm làm đẹp trung bình đã giảm 35% trong khoảng thời gian từ quý 1 đến quý 4 năm 2020. Trong khi đó, các trang web thời trang và điện tử cũng giảm nhẹ 14% về lượng truy cập tại 6 quốc gia nói trên.

Rõ ràng, Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng Đông Nam Á đối với các mặt hàng không thiết yếu như thời trang, điện tử, sức khỏe & sắc đẹp, thể thao & ngoài trời.

Dự đoán cơ cấu chi tiêu của người dùng Việt giai đoạn 2020-2024 (Ảnh: ndh)

Mức chi tiêu trung bình của người Đông Nam Á tăng 19%

Mặc dù lượng truy cập vào các trang web thời trang và điện tử đã giảm nhẹ nhưng giá trị giỏ hàng (hay basket size) trung bình của 2 ngành hàng này đã tăng lên đáng kể. Các sản phẩm thể thao và dụng cụ ngoài trời cũng chịu chung tình trạng này. 

iPrice Group nhận thấy rằng người tiêu dùng Đông Nam Á đã chi trung bình tổng thể là 32 USD cho mỗi đơn đặt hàng vào năm 2020, cao hơn 19% so với năm 2019. Singapore và Malaysia là 2 thị trường có giá trị giỏ hàng trung bình cao nhất, lần lượt là 61 USD và 41 USD vào năm 2020.

>> Xem thêm:  Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 lên sức mua hàng tiêu dùng tại Việt Nam

Đâu là lý do khiến người dùng Đông Nam Á cài đặt rồi lại gỡ cài đặt các ứng dụng mua sắm?

AppsFlyer & iPrice đã phân tích hơn 12,4 triệu lượt cài đặt ứng dụng và nhận thấy rằng các ứng dụng mua sắm miễn phí trên iOS và Android đã có mức tăng trung bình 2% về lượt cài đặt trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6/2020.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự gia tăng này là do người dùng phải ở nhà trong thời gian cách ly và việc mua sắm online gia tăng.

Khi các biện pháp giãn cách xã hội và phong tỏa được áp dụng ở Indonesia, Malaysia và Singapore, lượt tải xuống các ứng dụng mua sắm khác nhau đã tăng lên. Điều này cũng phù hợp với xu hướng tổ chức các sự kiện bán hàng trực tuyến như Ramadhan.

(Ảnh: littledayout)

Trong khi đó, lượt cài đặt ứng dụng trong dịp Tết Nguyên Đán ở Việt Nam và lễ hội Songkran ở Thái Lan cũng tăng đột biến, rơi vào khoảng từ tháng Giêng đến tháng Hai.

Các công ty thương mại điện tử trong khu vực cũng đã triển khai các chiến dịch marketing khác nhau nhằm thu hút khách hàng thông qua các ứng dụng gamification (tích hợp trò chơi vào marketing & sale), các chương trình freeship và các ưu đãi giảm giá đa dạng. Các siêu sao như Blackpink, Lee Min-ho và Cristiano Ronaldo đã được mời làm đại sứ thương hiệu của nhiều nhãn hàng lớn trong thời điểm này.

(Ảnh: Cafebiz)

Nghiên cứu cũng ghi nhận 6/10 người dùng ở Đông Nam Á vẫn đang sử dụng các ứng dụng mua sắm trên thiết bị di động làm kênh hoạt động chính của họ.

Tuy nhiên, dữ liệu báo cáo rằng tỷ lệ gỡ cài đặt ngày càng tăng ở 5 quốc gia. Các quốc gia có tỷ lệ gỡ cài đặt ứng dụng trung bình cao nhất là Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore với mức tăng lần lượt là 49%, 47%, 41%, 37%36%.

Kết

Đông Nam Á được đánh giá là thị trường vô cùng tiềm năng cho thương mại điện tử phát triển và tiếp tục bùng nổ. Giữa cuộc chiến tranh giành thị phần của các ông lớn trong ngành, người tiêu dùng trên toàn khu vực có cơ hội tận hưởng nhiều lựa chọn giá trị và tiện lợi hơn. Một nhà nghiên cứu đã cho rằng: “Các thương hiệu cần phải bắt kịp xu hướng và xem xét lại các khoản ngân sách dành cho marketing & sale để đồng bộ hóa với hành trình tiêu dùng đa kênh đang không ngừng phát triển của cộng đồng nơi đây. Họ cũng cần xây dựng những thế mạnh mới để đảm bảo trải nghiệm mua sắm tích cực cho người tiêu dùng online của họ.”

Tô Linh - MarketingAI

Theo Brandingasia

>> Có thể bạn quan tâm:  Ảnh hưởng của COVID-19 lên hành vi mua sắm và tiêu dùng của người dân toàn châu Á
Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.