Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lên Influencer Marketing toàn cầu

21 Thg 07

Giống như nhiều lĩnh vực Marketing khác, Influencer Marketing cũng đã phải hứng chịu tác động to lớn từ đại dịch Covid-19 vừa qua. Influencer là những người sáng tạo nội dung và có tầm ảnh hưởng nhất định trên mạng xã hội, họ thường sẽ gắn liền với một thị trường ngách nào đó và có được một cộng đồng fan trung thành. Thông qua việc tạo dựng và truyền tải các nội dung từ các thương hiệu, Influencer có thể kiếm lời từ đó và nó có thể là tiền hoặc các lợi ích như là sản phẩm hoặc dịch vụ. 

Vào năm ngoái, ngành Influencer Marketing đã chạm cột mốc trị giá 8 tỷ đô và được nhận định sẽ tăng lên con số 15 tỷ đô trong năm 2022. Tuy nhiên, điều mà không ai ngờ tới chính là đại dịch Covid-19 trong nửa đầu năm 2020 đã tạo ra rất nhiều tác động lớn tới nền kinh tế toàn cầu. Chỉ trong quý đầu của năm 2020, GDP toàn cầu đã giảm 4,8%, mức giảm lớn nhất kể đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2007 - 2009. Một cuộc khảo sát gần đây với 237 thương hiệu cho thấy, 69% thương hiệu dự kiến sẽ giảm chi tiêu quảng cáo trong năm 2020. Vậy những điều này sẽ có ý nghĩa gì với ngành Influencer Marketing trong năm nay?

Nguồn: Search Engine Journal

Nội dung cần mang giọng điệu đồng cảm và phù hợp

Một khảo sát của Global Web Index cho thấy hơn 80% người tiêu dùng ở Hoa Kỳ và Anh nói rằng họ đã tiêu thụ nhiều nội dung hơn trong COVID-19. Mặc dù đây có thể là cơ hội tốt để các thương hiệu và Influencer tương tác với khán giả của họ bằng những thông điệp mang tính thúc đẩy và ảnh hưởng, nhưng sự tiêu thụ và giám sát lớn hơn từ người tiêu dùng cũng có nghĩa là nếu có sai lầm thì chúng sẽ trở nên rất nghiêm trọng.

Cả phần hình ảnh lẫn thông điệp cần phải đánh đúng trọng tâm, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình diễn ra cực kỳ phức tạp, mọi người trong xã hội đều cảm thấy bối rối trước những vấn đề phải đối mặt. Những vấn đề này có thể bao gồm khó khăn tài chính do thu nhập bị mất hoặc các vấn đề cá nhân và công việc do phong tỏa và cách ly. Người tiêu dùng muốn cảm giác về sự bình thường và ổn định, bởi lẽ đại dịch đã gây ra rất nhiều sự lo lắng về cả hiện tại lẫn tương lai. Các thương hiệu và Influencer cần phải tạo dựng được lòng tin và thể hiện được bộ mặt thân thuộc với những thông điệp tích cực, lạc quan. Vì vậy, hầu hết các Influencer có thể được hưởng lợi từ tỷ lệ tương tác cao hơn, tuy nhiên trong môi trường này, việc nhận ra các hoàn cảnh xã hội khó khăn xung quanh khán giả trở nên quan trọng hơn. Mọi người muốn tương tác với những nội dung xác thực và nhận thức về các tình huống khó khăn trước mặt. 

Minh chứng là một số thương hiệu như nhà hàng Úc - Pháp nổi tiếng Vue De Monde đã mang tới cho thực khách của họ các buổi lớp học nấu ăn qua video. Qua đó khách hàng có thể tự mình làm lại những món ăn ưa thích của họ, điển hình là món tráng miệng kinh điển Chocolate Souffle nổi tiếng.

Hay ứng dụng Centr App của diễn viên nổi tiếng người Úc Chris Hemsworth đã cho phép người dùng sử dụng miễn phí trong 6 tuần, đây cũng là tiai đoạn đầu của thời điểm phong tỏa hồi tháng 3. Ứng dụng tập luyện và sức khỏe của Chris mang tới hơn 1000 video tập luyện độc đáo, các kế hoạch dinh dưỡng và hơn 500 công thức nấu ăn để giúp những người cách ly ở nhà vẫn giữ được một thân hình săn chắc và sức khỏe dồi dào. 

Qua hai ví dụ trên, có thể thấy rằng các thương hiệu cần phải trở thành một phần của giải pháp thay vì trở thành một vấn đề. Với Influencer, họ có thể chia sẻ các lời khuyên về cách thích nghi với tình hình mới một cách thực tiễn nhất. Người tiêu dùng muốn các thương hiệu và Influencer có thể giao tiếp một cách đồng cảm. Do đó, Influencer có thể chia sẻ những gì họ đã và đang làm để tạo sự khác biệt, tuy nhiên, họ cần phải làm điều đó một cách xác thực và trang nhã. Điều quan trọng là Influencer phải tìm được tiếng nói phù hợp với sở trường của họ.

Hướng người tiêu dùng tới những nguồn tin đáng tin cậy và xác thực

Thời điểm đại dịch bùng nổ, người tiêu dùng bị "ngộp" trong thông tin và lời khuyên liên quan đến Covid-19, tuy nhiên không phải lúc nào chúng cũng đến từ các nguồn đáng tin cậy hoặc chính xác. Chính vì vậy mà việc các thương hiệu cung cấp các thông tin chính xác là cực kỳ quan trọng.

Global Web Index đã chỉ ra rằng người tiêu dùng sẽ tin vào những thông tin về Covid-19 từ các nguồn như Tổ chức y tế thế giới (WHO) hay trang web tin tức của chính phủ quốc gia. Các thương hiệu và Influencer phải liên kết với các sự kiện và lời khuyên đến từ các nguồn có uy tín như WHO và chính phủ. Họ có thể nâng cao mức độ tín nhiệm bằng cách trích dẫn thông tin từ những nguồn này, đặc biệt là những thông tin về số liệu, thống kê về Covid-19 khi đưa chúng vào thông điệp. 

Nhìn một cách tổng thể, niềm tin vào những thông tin trên mạng xã hội vốn không được công nhận nhiều, chính vì vậy mà những thông tin cung cấp từ những tổ chức uy tín như WHO sẽ vô cùng phù hợp để các thương hiệu và Influencer dựa vào khi đưa ra các lời khuyên, nội dung liên quan tới Covid-19.

Nói như vậy có nghĩa rằng Influencer vẫn sẽ tiếp tục tạo ra những ảnh hưởng tới Social Marketing trong năm 2020. Thông qua những góc nhìn cá nhân và sự ủng hộ từ cộng đồng người theo dõi, Influencer sẽ tiếp tục định hình cho nội dung thảo luận diễn ra trong xã hội thời kỳ hậu đại dịch.

Chi tiêu của mọi người sẽ tập trung vào những nhu yếu phẩm hoặc sản phẩm phát triển cá nhân tại nhà

Một nghiên cứu từ Stackline đã chỉ ra rằng chi tiêu cho thương mại điện tử với những sản phẩm gia dụng, dọn dẹp nhà cửa và thuốc đã tăng mạnh trong giai đoạn cách ly và phong tỏa vì Covid-19. Thực tế, có hơn 40% thương hiệu báo cáo mức tăng trưởng trong doanh thu bán hàng ở những danh mục sản phẩm thiết yếu.

Cũng không ngạc nhiên khi những lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 như du lịch đã có mức sụt giảm đáng kể. Một vài minh chứng cho nhóm sản phẩm này phải kể đến như vali hành lý, máy ảnh, quần áo và giày dép. 

Có lẽ có thể phỏng đoán rằng chi tiêu cho Marketing cũng sẽ tuân theo xu hướng này. Chi tiêu cho Marketing có thể sẽ tăng ở những danh mục hàng hóa mà người tiêu dùng mua nhiều hơn, điển hình như đồ gia dụng, tương tự với các sản phẩm thuộc lĩnh vực du lịch.

Do vậy, Influencer hiện đang có những chiến dịch bị tạm ngưng hoặc bị giảm trong các lĩnh vực như du lịch có thể chuyển hướng để tìm kiếm các cơ hội ở những lĩnh vực khác như: thực phẩm đóng hộp hoặc những sản phẩm phát triển bản thân ở nhà, ví dụ như những sản phẩm giúp tự tập thể dục tại gia. 

Dù vậy, trước khi tiếp cận tới các thương hiệu mới, Influencer cần phải nhận định rằng liệu thông điệp và hình ảnh thương hiệu của cá nhân có tương thích hay không. Họ cũng cần phải cân nhắc thêm về cách bổ sung thêm giá trị trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn như hiện nay. Influencer phải nhận thức được rằng tỷ lệ rate sẽ bị giảm xuống và nên xem xét những điều này phù hợp hay không bằng việc so sánh qua các Influencer khác.

Để xây dựng được một mối quan hệ mới, Influencer cần phải suy nghĩ một cách sáng tạo khác nhau để tiếp cận tới các thương hiệu, điển hình như việc cung cấp những bài đăng miễn phí cho thương hiệu hoặc tham gia vào việc tặng quà từ xa. Rất nhiều thương hiệu đang tìm đến các kênh của những nhà sáng tạo nội dung bên ngoài phạm vi truyền thống, đặc biệt là trong thời điểm này để mang lại lợi ích cho các Influencer, miễn rằng họ thể hiện được giá trị và chứng minh được sẽ tạo được lợi nhuận trả về khi có sự đầu tư.

Minh chứng cho điều này chính là sự hợp tác giữa rapper người Mỹ Travis Scott và tựa game đình đám Fortnite. Chàng rapper này đã tổ chức một buổi biểu diễn trực tiếp trong trò chơi và đã tiếp cận được tới hơn 12 triệu game thủ. Đây là ví dụ rõ ràng nhất cho thấy cách mà các thương hiệu có thể suy nghĩ vượt khuôn khổ trong cách nâng cao tỉ lệ ROI. Influencer cũng có thể giúp mọi người vượt qua được nỗi thất vọng về việc nhìn thấy các sự kiện, lễ hội bị hủy bỏ để thay vào đó họ sẽ tham gia các sự kiện trực tuyến. 

Thay thế cho các Agency

Việc sử dụng Influencer có thể là sự thay thế hiệu quả và tiết kiệm chi phí thay cho các agency, bởi lẽ Influencer có thể tự mình sản xuất ra nội dung và họ cũng đã có một hồ sơ nội dung sẵn để các thương hiệu sử dụng. Rất nhiều nhà sáng tạo nội dung giờ đây tự sắm sửa cho mình rất nhiều thiết bị chuyên dụng, cũng như có khả năng tạo ra những nội dung chất lượng, đủ để quảng cáo trên cả TV.

Lấy ví dụ, Asma Elbadawi - một nhà thơ nổi tiếng kiêm cầu thủ bóng rổ, nhà hoạt động và nhà viết kịch - gần đây đã hợp tác với giám đốc nhiếp ảnh Johno Verity để tạo nên một video trên Instagram có tên Lockdown, với kinh phí sản xuất chỉ vỏn vẹn 250 bảng Anh. 

Các thương hiệu phải thật nhạy bén trong việc liên tục theo dõi nhu cầu của người tiêu dùng ở thời điểm hiện tại và trong tương lai gần. Điều này nên bao gồm cả việc giám sát khách hàng nói gì về thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ trực tuyến của họ, đồng thời đo lường liên tục các tác động của các hoạt động Marketing. Sau khi lệnh cách ly được nới lỏng, chắc chắn mức chi tiêu của người dân sẽ tăng cao trở lại và nhu cầu cũng sẽ thay đổi nhanh chóng như thời điểm bắt đầu cách ly vì Covid-19.

Nội dung video sẽ tiếp tục thịnh hành

87% người tiêu dùng Mỹ và 80% người tiêu dùng Anh nói rằng họ đã tiêu thụ nội dung video ngày một nhiều hơn và đây cũng là một trong số các định dạng nội dung được tiêu thụ nhiều nhất hiện nay.

Vậy điều này có ý nghĩa gì với các thương hiệu và Influencer? Họ cần nhận thấy rằng định dạng video sẽ tiếp tục trở thành một tiêu chuẩn mới và cần phải đầu tư mạnh mẽ. Điều này cũng bao gồm cả những nội dung liên quan tới thông tin về Covid-19, khi đây là nội dung được xã hội quan tâm hàng đầu trong thời kỳ dịch bệnh. Ngoài ra những nội dung giải trí như là các video hài hước cũng sẽ giúp “làm dịu” tình hình căng thẳng, lôi kéo khách hàng tìm đến những nội dung giải trí để giải tỏa. 

TikTok hiện được nhận định là một trong những kênh phát triển và tiềm năng nhất cho các thương hiệu và Influencer khi xây dựng nội dung video. Tương tự, đã có minh chứng cho thấy những nội dung video như livestream hay Podcast cũng đang được người dân tìm đến nhiều hơn trong thời điểm này.

Không có gì đáng ngạc nhiên, người tiêu dùng đang chuyển sang phương tiện giải trí trực tuyến để giết thời gian trong quá trình cách ly. Các thương hiệu nên tìm cách hợp tác với những người có ảnh hưởng có thể đem lại yếu tố giải trí cho thị trường mục tiêu, đồng thời vẫn mang lại lợi ích cho sản phẩm và dịch vụ của họ.

Khi đề cập nội dung về Covid-19, hãy sử dụng các Hashtag liên quan

Nghiên cứu gần đây cho thấy rằng 466.175 bài đăng về #coronavirus đã dẫn đến 1.888.051.405 lượt tương tác. Hơn nữa, các hashtag về #coronavirus, #covid19, #covid, #pandemia và #coronavirusoutbreak từ 800.000 bài đăng có ảnh hưởng đã dẫn đến 2,9 triệu lượt tương tác - một con số đáng kinh ngạc.

Các chiến dịch tích cực trên mạng xã hội, cũng như các bài đăng chia sẻ thông tin về Covid-19 đã vượt quá 1,5 tỷ lượt tương tác chỉ với 480.000 bài đăng. Điều này bao gồm các hashtag như #stayathome đã xuất hiện trong 173.005 bài đăng và tương đương với 512.286.746 lượt tương tác.

Hơn bao giờ hết, người tiêu dùng nhận thấy rằng các thương hiệu và Influencer có thể tận dụng hoạt động Marketing của họ bằng cách cống hiến cho các hoạt động xã hội, đồng thời mang lại lợi ích cho chính những mục tiêu của họ. Có thể phỏng đoán rằng người tiêu dùng ngày càng thấy rằng các doanh nghiệp phải trở thành một phần của cộng đồng để góp phần đưa xã hội trở lại trạng thái bình thường. Điều này sẽ thể hiện qua việc cung cấp những thông tin hữu ích để giảm các ca nhiễm Covid-19 hoặc chỉ đơn giản là đem lại tinh thần lạc quan cho người tiêu dùng, làm dịu tình hình căng thẳng.

Các thương hiệu cần phải nâng tầm công nghệ, dữ liệu và đo lường

Influencer Marketing được nâng tầm quan trọng như một hoạt động cốt lõi trong chiến dịch Marketing, bắt đầu từ giai đoạn khủng hoảng Covid-19. Các doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục phụ thuộc vào Influencer để đóng vai trò như người phát ngôn và truyền tải các thông điệp tới khách hàng của mình theo cách đáng tin cậy và nhân văn nhất.

Đầu tư vào các công cụ hỗ trợ là việc rất quan trọng để cung cấp một phép đo cho các chiến dịch Influencer marketing và hướng dẫn chính xác về lợi tức đầu tư (ROI). Càng ngày các thương hiệu phải đối mặt với việc giảm ngân sách Marketing, chính vì vậy chiến lược dài hạn là đầu tư vào các hợp tác xây dựng thương hiệu dài hạn thông qua Influencer Marketing.

Một nghiên cứu năm 2019 đã từng chỉ ra các hoạt động xây dựng thương hiệu hay tăng tính tương tác có thể mang lại lợi tức đầu tư cao gấp 8 lần so với những phương pháp khác như quảng cáo có trả phí hay quảng cáo trên mạng xã hội. Điều này cung cấp thêm bằng chứng để chứng minh cho quan điểm rằng các thương hiệu không chỉ phải chi tiêu khôn ngoan cho Influencer Marketing mà còn phải nâng tầm các phần mềm và Insight, qua đó cung cấp được dữ liệu chi tiết để tạo cơ sở cho các hoạt động Influencer Marketing tương lai. Chỉ khi thông qua các dữ liệu trực tiếp trên các chiến dịch, thương hiệu mới có thể đo lường các chiến dịch của họ với độ chính xác cao nhất, thay vì chỉ dựa vào các thang đo của ngành, đặc biệt là trong giai đoạn mọi thứ đều kì lạ và bất ổn như hiện nay.

Lấy ví dụ, đã có các nghiên cứu chỉ ra rằng với những Influencer lớn, sở hữu từ 250,000 - 1 triệu người theo dõi sẽ có lợi tức đầu tư thấp hơn 30% so với những Influencer sở hữu từ 50 - 250,000 người theo dõi. Tương tự, những Influencer sở hữu trên 1 triệu người theo dõi sẽ có lợi tức đầu tư thấp hơn 20%. Qua đó, các thương hiệu chỉ có thể thu lợi tức đầu tư của họ và tìm ra phương án phù hợp nhất qua việc thử nghiệm và tối ưu giải pháp công nghệ phù hợp cho việc đo lường chính xác cho các chiến dịch Marketing khác nhau. 

Cả doanh nghiệp lớn và nhỏ đều chịu ảnh hưởng 

Các nghiên cứu gần đây cho thấy các tác động của đại dịch có liên quan đến cả các công ty dủ nhỏ hay lớn. Các công ty nhỏ, có ít hơn 50 nhân viên hay những công ty có hơn 1000 nhân viên đều có những mối quan tâm tương tự trong thời gian này.

Do đó, các công ty lớn và nhỏ phải xem xét và suy nghĩ cẩn thận về các chiến lược Marketing và ngân sách của họ để tiến lên phía trước. Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 là dài hạn và như một hệ quả, các chiến lược Marketing sẽ cần phải xem xét lại để phù hợp với tình trạng mới. Tương tự, Influencer cũng cần phải chuyển dịch để phản hồi lại những nhu cầu mới của người tiêu dùng, cũng như của các thương hiệu mà họ lựa chọn hợp tác. 

Lấy ví dụ, Influencer sẽ được hưởng lợi từ việc nhận ra các cách giúp tăng nhu cầu trong nước cho các doanh nghiệp nhỏ vì 73% các doanh nghiệp này đã bị giảm đáng kể trong lĩnh vực kinh doanh quan trọng này. Việc này có thể chỉ đơn giản là cho cộng đồng người theo dõi biết rằng những doanh nghiệp trên đã phải chịu những hậu quả gì từ việc cách ly, cũng như cách để mọi người có thể giúp đỡ và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ.

> Xem thêm: 4 lời khuyên về cách triển khai Influencer Marketing thời COVID-19

Tạm kết

Dù rằng đại dịch Covid-19 đã gây ra rất nhiều sự bất ổn, các thương hiệu và Influencer có thể được hưởng lợi từ Insight được cung cấp từ những dữ liệu cập nhật và chính xác. Tối ưu những nguồn thông tin về ngành cũng như các chiến dịch Marketing trong giai đoạn này có thể giúp doanh nghiệp thu về lợi tức đầu tư cao hơn cho các chi tiêu Marketing. Các thương hiệu và Influencer phải hiểu rằng người tiêu dùng muốn nhận thông tin từ những nguồn họ biết và đáng tin cậy. Khi không tiêu thụ những thông tin liên quan tới Covid-19, người tiêu dùng muốn tìm đến sự giải tỏa căng thẳng thông qua những nội dung giải trí, đặc biệt là những định dạng nội dung video.

Tuấn Anh - MarketingAI

Theo Mention

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.