Vị thế của Apple đang bị đe dọa bởi Facebook, Microsoft và Google

31 Thg 05

Đây thực sự là lời cảnh báo dành cho Apple khi mà Facebook, Microsoft và Google đều dành phần lớn thời gian nói về những nỗ lực hoàn thiện trí thông minh nhân tạo và thực tế ảo tăng cường. Đối với thế giới, sẽ rất thú vị để chứng kiến những nỗ lực đó trong tương lai, nhưng sẽ mất một thời gian để các ý tưởng này được hoàn thiện, tích hợp một sản phẩm hoàn chỉnh.

Nếu nhìn vào bức tranh lớn hơn, bạn sẽ thấy một điều quan trọng: Cả Facebook, Microsoft và Google đều đang tạo ra một "rào chắn" – có thể nói là khó khăn và cao nhất – dành cho Apple. "Hội nhà Táo" cần vượt qua rào chắn này nếu muốn tiếp tục vị thế thống trị của mình trong 10 năm tới, và một mình iPhone chắc chắn không thể giúp Apple vượt qua rào chắn này.

Nguy cơ dành cho Apple

apple 1
Mark Zuckerberg, CEO Facebook giới thiệu ý tưởng kính thông minh hiển thị nội dung số ngay trên thế giới thực (Ảnh: Internet)

Tại hội nghị Facebook F8, CEO Mark Zuckerberg tuyên bố thực tế ảo tăng cường (AR), công nghệ hiển thị nội dung kỹ thuật số ra thế giới thực sẽ khiến TV và các thiết bị điện tử có màn hình trở nên lỗi thời. Khi điều này thành sự thật, câu hỏi được đặt ra sẽ là: Tại sao phải dùng đến điện thoại khi trò chơi, phim ảnh, và các cuộc trò chuyện đều được hiển thị ngay trước mắt?

Ý tưởng của Facebook thực sự đang đe dọa Apple, khi nguồn sống của hãng phần lớn vẫn nhờ vào iPhone. Trong khi Táo khuyết đang cố gắng cải tiến, mang thật nhiều tính năng mới vào thế hệ iPhone tiếp theo thì Facebook lại đang hình dung về cái chết của smartphone ngay trong 10 năm tới.

Microsoft và Google cũng giới thiệu nhiều công nghệ, dịch vụ và ý tưởng của họ dành cho thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường tại Microsoft Build và Google I/O, đây cũng là mối đe dọa cực kỳ quan trọng đối với tương lai của Apple.

Dữ liệu là nút thắt của mọi vấn đề

Tại hội nghị Build 2017, Microsoft đã trình diễn Graph, hệ thống cho phép liên kết tài liệu và các file của người dùng giữa nhiều thiết bị khác nhau. Vào cuối năm nay, bạn sẽ có thể bắt đầu soạn văn bản bằng Word trên iPhone, sau đó tiếp tục làm việc với nó trên máy tính chạy Windows 10 với "Pick Up Where You Left Off", cuối cùng sử dụng giọng nói để Cortana gửi nó lên cấp trên.

Tại Google I/O 2017 vừa diễn ra cách đây ít ngày, Google đã giới thiệu Google Lens, hệ thống trí tuệ nhân tạo và thị giác máy tính dành cho Google Photos và Google Assistant. Với Google Lens, bạn có thể nhận thông tin về một địa điểm, sự vật, tự động kết nối với một mạng Wi-Fi bằng cách chụp hình router Wi-Fi gần nhất hoặc các sự vật, địa điểm xung quanh.

apple 2
Satya Nadella, CEO Microsoft (Ảnh: Internet)

Chủ đề chính mà chúng ta muốn nói đến, đó là các công ty đều thu thập nhiều dữ liệu của người dùng và cố gắng tìm cách sử dụng chúng. Facebook biết tất cả các mối liên hệ xã hội, Microsoft biết hết cuộc sống học tập và làm việc, còn Google lại nhìn vào cuộc sống và sở thích thường ngày của bạn. Tất cả đều dùng chúng để cung cấp một trải nghiệm người dùng mạnh mẽ và hiệu quả, giúp người dùng hiểu rằng thế giới số ngày càng phức tạp.

Ví dụ, Google tự đặt ra nhiệm vụ "tổ chức thông tin của cả thế giới, giúp chúng phổ biến và hữu ích". CEO Sundar Pichai chia sẻ cách duy nhất để thực hiện nhiệm vụ này là cung cấp cho người dùng một "Google cá nhân" của họ. Là một phần của tầm nhìn đó, mỗi người dùng Google sẽ thấy các thông tin được thiết kế riêng cho mình và chỉ hiển thị khi họ cần đến.

Bằng cách tập trung vào dữ liệu hơn là thiết bị, Microsoft, Google và Facebook có thể giúp người dùng bớt phụ thuộc vào bất kỳ sản phẩm hoặc tiện ích nào. "Google cá nhân" của Pichai đã được đưa vào trợ lý ảo Google Assistant, dùng được trên iPhone, Android và loa thông minh Google Home. Bạn còn có thể dùng nó để tương tác với các vật dụng trong nhà.

Tuy vậy, nếu tầm nhìn về sự biến mất của smartphone của Mark là chính xác, Assistant lại là một "rào chắn" dành cho Google vì chúng vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào smartphone Android.

Về phía Apple

Sự xuất hiện đầy rẫy của trí tuệ nhân tạo sẽ đặt ra những thử thách rất khó khăn cho Apple. Trước tiên, trợ lý ảo Siri của Apple vẫn khiến người sử dụng khó chịu. Alexa, "bản sao" Siri của Amazon lại được đón nhận nhờ khả năng nhận diện giọng nói cực kỳ tốt, cũng như cách mà nó cho phép người dùng dễ dàng kiểm soát các thiết bị thông minh bằng giọng nói.

Cũng tương tự, nền tảng nhà thông minh HomeKit của Apple vẫn chưa thực sự phổ biến, ít thiết bị hỗ trợ so với các đối thủ khác.

apple 3
Amazon Echo Show tích hợp trí tuệ nhân tạo Alexa của Amazon (Ảnh: Internet)

Điều đó không có nghĩa rằng Apple không truy cập vào bất cứ dữ liệu nào. Siri vẫn được sử dụng, cho phép Apple nghiên cứu sự tương tác bằng giọng nói của người dùng với thiết bị, web và ứng dụng. Nhiều dữ liệu khác được gửi thông qua Mail, Maps và các ứng dụng được Apple cài sẵn trên iPhone, iPad và Mac.

Những thứ Apple còn thiếu

Theo Business Insider, đầu tiên là một chiến lược chặt chẽ để có thể khai thác hết những thông tin đó, và vì những cam kết về an toàn bảo mật thông minh với khách hàng nên Apple phải thật cẩn trọng trong cách thu thập và sử dụng chúng.

Chính vì không có chiến lược khai thác dữ liệu chặt chẽ nên Apple không thể sử dụng chúng một cách hiệu quả cho các dịch vụ trí tuệ nhân tạo, chưa kể Apple chỉ thu thập được dữ liệu một cách hạn chế, chỉ từ những người sử dụng iOS.

Chắc chắn hãng đã tích hợp "trí thông minh" vào iOS với tính năng gợi ý ứng dụng từ Siri, Apple Maps có thể nhắc bạn khi nào cần ra khỏi nhà để đến công ty đúng giờ, Photos có thể tự gắn thẻ theo khuôn mặt. Tuy nhiên, nến dùng Google Photos hay Google Maps, bạn sẽ thấy Photos hay Maps của Apple "không thông minh" bằng trí tuệ của Google, và điều đó cũng có thể đúng cho các tính năng hệ thống khác.

Apple có cả một đội ngũ phát triển trí tuệ nhân tạo, nhưng một số thông tin cho biết họ đang tập trung cho một dự án xe tự lái hơn là tập trung phát triển Siri, hoặc tìm cách sử dụng dữ liệu một cách hiệu quả.

apple 5
Tim Cook, CEO Apple (Nguồn: Internet)

Chính Apple phải nhận thức điều này rõ hơn bất cứ ai, và có thể khẳng định hãng vẫn đang cố gắng cải tiến trí tuệ nhân tạo của mình. Có lẽ Apple vẫn muốn nổi tiếng với danh hiệu "kẻ làm tốt nhất" chứ không phải "kẻ tiên phong".

Và mặc dù phải đối mặt với rất nhiều thử thách, nhưng thật điên rồ nếu nói rằng Apple sẽ sụp đổ. Có thể thấy trong quá khứ, dù không tạo ra máy nghe nhạc MP3 đầu tiên, chiếc smartphone đầu tiên hay chiếc tablet đầu tiên, nhưng hãng vẫn đạt được những thành công rất đáng nể ở cả 3 thị trường này vì làm tốt hơn các đối thủ.

Tuy nhiên, với những ý tưởng, tầm nhìn độc đáo về các hệ thống thông minh, dữ liệu trong tương lai của Microsoft, Amazon, Facebook và Google, Apple cần cố gắng rất nhiều để vượt qua một thách thức lớn hơn bao giờ hết. Vì vậy, khi CEO Tim Cook đứng lên phát biểu tại WWDC, ông và đội ngũ của mình phải "diễn "nhiều hơn là tung ra các sản phẩm phần cứng, thể hiện một tầm nhìn thực sự cho tương lai.

Theo vnreview.vn

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.