Apple hợp tác với Google trong việc chia sẻ dữ liệu để đối phó với Covid-19

14 Thg 04

Theo những nguồn tin trong ngành vào tuần trước, hai gã khổng lồ công nghệ là Apple và Google mới đây vừa đi đến thỏa thuận hợp tác, cho phép các tổ chức y tế có thể theo dõi các bệnh nhân mắc Covid-19 một cách tốt hơn, cũng như có thể cảnh báo tới những người từng tiếp xúc với các bệnh nhân này, từ đó góp phần vào công tác ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch. 

Quy trình sẽ được hoạt động như sau:

  • Apple và Google sẽ cung cấp công cụ cho phép kết hợp các thiết bị theo dõi trên cả hai nền tảng iOS và Android - đồng nghĩa với việc bất kể người dùng sử dụng thiết bị di động gì thì phía trung tâm kiểm soát đều có thể theo dõi, dựa trên những tín hiệu thông qua Bluetooth.
  • Các nhà chức trách về y tế có thể phát triển các ứng dụng để theo dõi những người tiếp xúc gần với người khác. Quá trình này sẽ được lựa chọn, có nghĩa người dùng sẽ được yêu cầu để tải ứng dụng này vào thiết bị của họ.
  • Nếu người đó bị phát hiện đã nhiễm Covid-19, họ có thể truy cập vào ứng dụng thông qua một mã code từ phía nhà chức trách y tế. Ngay sau đó, một thông báo sẽ được gửi đến những người dùng khác đã từng tiếp xúc với bệnh nhân rằng họ có thể đang bị nhiễm bệnh và từ đó yêu cầu họ phải tự cách ly bản thân tại nhà.

Để dễ tưởng tượng hơn, Google đã cung cấp một Infographic để minh họa quá trình hoạt động mới này:

> Xem thêm: Google bổ sung công cụ mới cho YouTube và Google liên quan tới Covid-19

Có thể thấy, đây là một ý tưởng tốt và nó có phần nào tương đồng với những giải pháp ở những quốc gia khác. Dù quy trình này vẫn có một số hạn chế, cũng như một vài lo ngại về việc giới hạn của việc theo dõi sẽ đến đâu, nhất là khi nhiều người rất lo ngại việc dữ liệu cá nhân bị đánh cắp.

Mặt lợi

Hiển nhiên mặt tốt đầu tiên của hệ thống này sẽ việc theo dõi từng bệnh nhân mắc Covid-19 giờ đây sẽ dễ dàng hơn, nhất là khi có khoảng 1,5 tỷ người sử dụng các thiết bị iOS và 2,5 tỷ người sử dụng các thiết bị Android. Chính vì vậy mà độ phủ sóng của hệ thống này sẽ rất lớn. Đây là những hệ điều hành thiết bị di động phổ biến nhất trên thế giới, với biên độ lớn và khả năng theo dõi người dùng trên cả hai sẽ cho phép cảnh báo rộng rãi - về mặt lý thuyết, có thể giúp ngăn chặn sự lây lan của virus.

Đó là chưa kể việc nhìn thấy hai ông lớn là Apple và Google hợp tác với nhau cũng rất thú vị. Nhất là khi hai công ty này vẫn luôn có lịch sử chỉ trích lẫn nhau, cụ thể là CEO của Apple là Tim Cook thường xuyên nhắm vào Google và Facebook về những hoạt động bảo mật quyền riêng tư của họ. 

Mặt hại

Một trong những yếu tố sẽ làm giảm mức hiệu quả của hệ thống này chính là việc mọi người phải tải xuống một ứng dụng khác, từ đó đòi hỏi nhiều yếu tố khác ở ứng dụng để nó trở nên hiệu quả. Cả hai doanh nghiệp đều đang cố gắng để tôn trọng sự riêng tư của người dùng, và việc yêu cầu phải tải một ứng dụng riêng biệt xuống gần như đi ngược lại với điều này. Khi làm như vậy, đồng nghĩa là người dùng cho phép Google và Apple chia sẻ số nhận dạng di động của bạn cho mục đích này - dù không phải là dữ liệu vị trí của bạn, nhưng như vậy, một điểm đánh dấu kỹ thuật số có thể được so khớp với các thiết bị khác có trong vùng lân cận của bạn.

Về cơ bản mục đích của ứng dụng này là hoàn toàn hợp lý, nhưng nếu chỉ có một bộ phận nhỏ người dùng thực sự tải và sử dụng ứng dụng này, chắc chắn mức độ hiệu quả của nó sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thử tưởng tượng bạn đi đến một cửa hàng tạp hóa và bạn là người duy nhất tải ứng dụng đó, vậy việc cảnh báo còn ý nghĩa gì nữa đúng không? Vậy câu hỏi được đặt ra ở đây: Làm thế nào để các chính quyền y tế có thể tối ưu điều này?

Trung Quốc sẽ là minh chứng cho việc ứng dụng thành công hệ thống tương tự như vậy, dù có một chút khác biệt là họ đã tích hợp quy trình này vào trong những ứng dụng đã có sẵn là WeChat và AliPay. Đây là những ứng dụng “quốc dân” tại đây, có nghĩa rằng nó đáp ứng được tất cả mục đích của người dùng, từ việc mua thực phẩm cho đến rút tiền tại ngân hàng. Việc có một ứng dụng quốc dân như vậy còn giúp các nhà chức trách tại Trung Quốc có thể kiểm soát tốt hơn. Để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, họ đã bổ sung một dòng Code vào những bệnh nhân có nguy cơ mắc Covid-19, từ đó sẽ giới hạn được khả năng họ di chuyển tự do.

Việc tích hợp hệ thống vào trong những ứng dụng phổ biến sẵn đã giúp các nhà chức trách tại Trung Quốc kiểm soát, theo dõi sự di chuyển của người dân tốt hơn cũng như giảm thiểu được một số hạn chế. Dù vậy, đây vẫn không phải hệ thống hoàn hảo bất chấp việc tiếp cận và phủ sóng rộng rãi. Những nhà chức trách y tế tại các quốc gia có thể tham khảo và tìm đến những lựa chọn tương tự. Lấy ví dụ, giới hạn việc di chuyển của mọi người bằng cách yêu cầu họ tải xuống và sử dụng ứng dụng, kiểm tra ngẫu nhiên, nhưng điều đó có thể sẽ không dễ thực hiện ở các nước phương Tây.

Đây chắc chắn là một thách thức cần phải vượt qua, dù vậy, Apple và Google đã và đang bắt đầu theo dõi dạng dữ liệu này trên một lượng lớn người dùng, cũng như có thể cung cấp chúng mà không phải thông qua một ứng dụng riêng biệt. Điều này lại mở ra rất nhiều thắc mắc về độ bảo mật và riêng tư, tuy vậy những nền tảng dữ liệu kết hợp như này sẽ giúp cung cấp rất nhiều thông tin. Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra, 90% người dùng smartphone hiện nay luôn bật chế độ định vị, nhất là khi nó hỗ trợ rất nhiều trong việc tra cứu địa điểm và vị trí, theo dõi bước chạy hàng ngày, hay là chơi các trò chơi tương tác như Pokemon Go. Điều này đồng nghĩa với việc Apple và Google đã có sẵn những thông tin này, và nếu họ cần, họ hoàn toàn có thể tạo ra một hệ thống cảnh báo tới tất cả người dùng trong một khu vực nhất định khi phát hiện có người nhiễm Covid-19. Dù dĩ nhiên, việc khai thác dữ liệu như này sẽ dẫn đến việc đi quá giới hạn trong quyền riêng tư của người dùng. Chính điều này đã dẫn đến vấn đề tiếp theo

Mặt trái

Mối lo ngại ở đây chính là bộ dữ liệu kết hợp của Android và iOS sẽ bao phủ hầu hết những người sử dụng và kết nối trên toàn thế giới, từ đó bất kể cái gì có thể truy cập vào những dữ liệu này có thể trở thành công cụ theo dõi cá nhân tân tiến nhất trong lịch sử. Điều đó sẽ được các chính phủ quan tâm, những người rất muốn sử dụng những dữ liệu đó để theo dõi các băng đảng tội phạm, các nhóm buôn bán chợ đen - hay bất cứ ai mà họ nhắm vào. 

(Nguồn: Hacker Noon)

Đây cũng chính là vấn đề khiến người dân trở nên không thoải mái. Đồng ý rằng hệ thống này mang lại lợi ích cực kỳ to lớn nếu sử dụng cho mục đích ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh như hiện nay. Tuy nhiên nó có thể không mang lại nhiều tác dụng nếu như người dùng không trực tiếp sử dụng. Ngược lại, việc tạo ra hệ thống kiểm soát dữ liệu như này sẽ mở ra một câu chuyện hoàn toàn khác trong việc theo dõi và giám sát trong tương lai. Nói như vậy không có nghĩa Google và Apple sẽ để điều đó xảy ra, nhưng nếu cuộc khủng hoảng này vẫn còn tiếp diễn, chắc chắn hai ông lớn sẽ phải chịu áp lực trong việc tối ưu những công cụ hiện có, ngoài việc tạo một ứng dụng riêng biệt.

> Xem thêm: Google cam kết hỗ trợ 800 triệu USD cho công tác phòng chống dịch Covid-19

Tạm kết

Việc những gã khổng lồ công nghệ hợp tác với nhau sẽ là một điều tốt cho xã hội, tuy vậy chính vì quy mô dữ liệu của những ông lớn này quá khủng khiếp, dẫn đến mối lo ngại về quyền riêng tư người dùng là không thể tránh khỏi. Có thể thấy, ngay cả Facebook cũng có thể tạo ra một hệ thống cảnh báo tương tự, theo dõi những ai đã từng tiếp xúc với người mắc Covid-19, cũng như tìm ra thời điểm tiếp xúc khi nào. Kể cả khi những công cụ, hệ thống như này không rơi vào tay kẻ xấu thì chúng đã xuất hiện và tồn tại và hiện đang được sử dụng bởi các doanh nghiệp vì mục đích lợi nhuận.

Tuấn Anh - MarketingAI

Theo Socialmediatoday

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.