AR - tương lai của tiếp thị và ý nghĩa to lớn trong các hoạt động Marketing thời đại số

30 Thg 12

Thế giới marketing và quảng cáo trong vài năm qua đã chứng kiến ​​một cuộc cách mạng thật sự mang tên thực tế tăng cường (AR). AR cho phép các thương hiệu mang đến cho khách hàng những trải nghiệm độc đáo, hấp dẫn, kết hợp các yếu tố tương tác 'thực' và ảo. Xu hướng mới nổi này đang thay đổi cuộc chơi marketing & sale, trở thành một trong những lựa chọn chính trên các thị trường B2C.

AR có thể được áp dụng theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như trong ứng dụng hoặc bao bì được kết nối (connected packaging - bất kỳ loại bao bì nào có khả năng kết nối với Internet một cách chủ động hoặc bị động. Ví dụ tiêu biểu nhất là việc tận dụng mã QR, mã vạch hoặc nhận dạng hình ảnh,... thông qua một ứng dụng dựa trên trình duyệt để kết nối người tiêu dùng với các nội dung và trải nghiệm có liên quan. Bao bì được kết nối nhằm mục đích chuyển đổi bao bì đơn giản thành trải nghiệm kỹ thuật số, thông qua một lần chạm điện thoại di động vào mã QR).

Trong bài viết này, hãy cùng MarketingAI khám phá những ưu và nhược điểm của AR trong Marketing, cũng như giải thích những cách mà doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ giải pháp tương tác ảo mới mẻ này và trở nên nổi bật so với đám đông.

AR - tương lai của tiếp thị và ý nghĩa to lớn trong các hoạt động Marketing thời đại số

Lợi ích của AR dành cho Marketing

AR cung cấp giải pháp cho nhiều loại doanh nghiệp trên thế giới và thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Trên thực tế, lợi ích mà AR đem lại cho marketing là vô tận, đặc biệt đối với các thương hiệu sáng tạo sử dụng công nghệ tiên tiến này để thu hút và tương tác với khán giả.

Các giải pháp này có thể được áp dụng để dễ dàng chỉ cho khách hàng cách sử dụng một sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể mà không cần phải dành nhiều giờ để đọc hàng loạt các hướng dẫn sử dụng khó hiểu.

Hiện nay, với việc có thể trải nghiệm AR trên hầu hết mọi trình duyệt web, người dùng sẽ không cần phải mua các thiết bị đắt tiền, vì họ có thể sử dụng máy ảnh của điện thoại thông minh và tận hưởng chuyến đi. Ngoài ra, các giải pháp thực tế tăng cường có thể được sử dụng cho các mục đích marketing khác nhau, chẳng hạn như nâng tầm và làm đẹp hơn các bản proposal và bản thuyết trình kinh doanh.

Ứng dụng AR trong hoạt động marketing

Sự phát triển của các thiết bị có sự bổ trợ của AR đã góp phần lớn trong việc biến thực tế tăng cường trở nên phổ biến hơn trong các hoạt động phục vụ cho mục đích marketing, quảng cáo và bán hàng.

Trong nhiều trường hợp, khách hàng gặp nhiều khó khăn và bất tiện khi mua hàng online, đặc biệt là trong lĩnh vực thời trang, bởi họ không thể thử quần áo hoặc giày dép trước khi mua và kết quả là nhiều người cảm thấy thất vọng khi sản phẩm không được như họ mong đợi. Sự xuất hiện của AR trong marketing sẽ giúp các thương hiệu dễ dàng hơn trong việc giải quyết bài toán này. Các ứng dụng thực tế tăng cường sẽ giúp khách hàng có cơ hội được trải nghiệm thử hầu hết các sản phẩm với cảm giác chân thực nhất, góp phần  làm tăng sự hài lòng của khách hàng.

Ứng dụng AR trong hoạt động marketingAR đem đến trải nghiệm chân thực và nhanh chóng (Ảnh: Pinterest)

Các công ty thiết kế nội thất và nội thất, chẳng hạn như Ikea, cũng đang ngày càng đẩy mạnh nhiều hơn các giải pháp AR cho doanh nghiệp của họ. Giờ đây, thông qua việc sử dụng một ứng dụng trên điện thoại di động, người dùng sẽ được xem những món đồ nội thất mới trong phòng khách và nhà bếp được sắp xếp như thế nào với hình ảnh chân thực và chất lượng nhất.

AR trong Content Marketing

Chiến dịch Burn that Ad của Burger King có lẽ là một trong những chiến dịch tận dụng AR vào trong Content Marketing thành công nhất và cũng là chiến dịch cà khịa đối thủ McDonald’s đi vào lịch sử - khi họ muốn khách hàng chủ động thiêu rụi mọi hình ảnh của đối thủ bất cứ khi nào họ bắt gặp trên đường. Cụ thể, Burger King khuyến khích người dùng mỗi khi bắt gặp banner, tờ rơi hay quảng cáo ngoài trời của “ai đó”, chỉ cần đưa điện thoại thông minh lên hướng về phía đó và đốt cháy quảng cáo đó trên màn hình ứng dụng Burn that Ad thì họ sẽ nhận được 1 phần quà chính là một chiếc bánh Whopper miễn phí.

 

Chiến dịch đã tạo ra một cuộc cách mạng thật sự trong cách các thương hiệu thực hiện quảng cáo và quảng bá các sản phẩm của mình. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, AR trong Content Marketing cũng đang thay đổi cách người dùng có thể tiêu thụ một số sản phẩm.

Ví dụ: các tạp chí và sách đọc hiện nay đang tận dụng các phiên bản in truyền thống của chúng làm nền tảng cho các cơ hội trải nghiệm ảo. Openbook Howden cũng như nhiều nhà xuất bản sách dành cho trẻ em khác đã làm được điều này với phiên bản bản in tương tác (interactive print) của họ.

AR đã giúp cho quá trình làm sống động hóa các nhân vật yêu thích của trẻ em trong truyện tranh và tạp chí trở nên dễ dàng hơn bằng điện thoại thông minh, góp phần đưa trải nghiệm đọc thông thường thành một trải nghiệm hoạt hình đa phương tiện.

Ưu và nhược điểm của AR Marketing

Giống như bất kỳ điều gì khác trong cuộc sống, AR Marketing cũng có 2 mặt là ưu điểm và nhược điểm.

Ưu điểm

Đầu tiên, về ưu điểm, như bạn có thể thấy từ các ví dụ đã được đưa ra ở phía trên, các giải pháp về AR Marketing rất dễ sử dụng, dễ tiếp cận và góp phần tăng tương tác giữa người dùng và thương hiệu. Giao tiếp cũng có thể được tăng cường đáng kể trong một số ngành cụ thể, chẳng hạn như bất động sản, vì người mua hiện có thể thực hiện các chuyến thăm ảo đến các bất động sản mà không cần phải di chuyển xa xôi và lãng phí thời gian.

Tuy nhiên, thú vị hơn cả là nó có thể tạo ra cảm giác sở hữu một sản phẩm nào đó cho người dùng trước khi họ hoàn tất việc mua hàng. Ví dụ: bạn thấy một chiếc kính râm rất ngầu trên mạng và muốn đeo thử chúng để xem nó có hợp với mặt mình không, công nghệ AR sẽ giúp bạn trải nghiệm điều đó và bạn có thể thấy hình ảnh mình đeo kính tqua laptop hoặc smartphone. Và khi có được trải nghiệm chân thực đó, nhiều khả năng bạn sẽ cảm thấy hài lòng và hoàn tất việc mua hàng ngay sau đó. Điều này có thể xảy ra tương tự với các mặt hàng như quần áo, đồ đạc hay thậm chí cả xe cộ sau khi được lái thử ảo.

Nhược điểm

Tuy nhiên, giải pháp sáng tạo này, như tất cả các trải nghiệm dựa trên công nghệ khác, vẫn tồn tại một số sai sót. Ngoài việc rõ ràng yêu cầu người dùng phải có ít nhất một chiếc điện thoại thông minh giống như tất cả các giải pháp công nghệ khác, bạn còn có khả năng gặp phải những vấn đề trục trặc trong hệ thống, lỗi tạm thời hoặc hình ảnh bị đóng băng. Tuy nhiên, khi công nghệ ngày càng phát triển, các giải pháp ngày càng trở nên đáng tin cậy hơn.

Ngoài ra, như với bất kỳ ứng dụng hoặc giải pháp thông minh nào, có thể có những lo ngại về quyền riêng tư cho người dùng. Tuy nhiên bảo mật đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của các nhà phát triển ứng dụng AR hiện nay. Bằng cách sử dụng các bản vá, mã hóa và áp dụng các phương pháp bảo mật khác, bạn luôn có thể bảo vệ quyền riêng tư của mình bằng cách sử dụng các dòng mã mạnh trong các thiết bị đáng tin cậy khi tận hưởng các trải nghiệm thực tế tăng cường.

Kết

Thực tế tăng cường (AR) không chỉ đơn giản là một "tên lính mới" trong ngành hay chỉ tồn tại chủ yếu trong thế giới game. Nó được coi là một trong những động lực thúc đẩy các đổi mới trong marketing & sale của thập kỷ tới. Sử dụng AR, các doanh nghiệp đang hướng tới tương lai sẽ có thể nâng cấp trải nghiệm mà họ cung cấp cho khách hàng, dẫn đến tăng cơ hội kinh doanh và bán hàng hiệu quả.

Tô Linh - MarketingAI

Theo Thedrum

>> Có thể bạn quan tâm: Đâu là sự khác biệt trong cách tiếp cận social media marketing giữa doanh nghiệp B2B và B2C?

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.