B-phone gia nhập thị trường Myanmar: Bước đi đúng hay liều lĩnh trong ảo tưởng?

11 Thg 07

"Bom xịt" một thời Bphone là sản phẩm mang tính cách mạng của tập đoàn BKAV Việt Nam, khi nó là bước đi liều lĩnh giúp hãng khẳng định bản thân tại thị trường công nghệ Việt Nam. Sau 4 năm có mặt trên thị trường, hãng đã đưa đến quyết định Bphone gia nhập thị trường Myanmar với nhiều tham vọng. Hãy cùng MarketingAI tìm hiểu xem, đối với thị trường còn chưa phát triển về công nghệ này, hãng Việt Nam sẽ làm gì để thu hút thị phần?

Bphone có gì trong tay?

Bphone là dòng điện thoại thông minh được thiết kế và sản xuất bởi Công ty Cổ phần Bkav, ra mắt phiên bản đầu tiên vào ngày 26 tháng 5 năm 2015. Đây là một trong những chiếc điện thoại thông minh đầu tiên được sản xuất và gia công trực tiếp tại Việt Nam. Hiện nay dòng điện thoại này đã có cho mình 3 đời sản phẩm vào các năm: Bphone 1 (2015), Bphone 2 (2017), Bphone 3 (2018).

Bphone chạy hệ điều hành BOS, được thiết kế dựa trên hệ điều hành Android 5.1 Lollipop, và được cài sẵn phần mềm bảo mật Bkav Mobile Security. Bphone được cài đặt sẵn trình duyệt web Bchrome, bộ lưu trữ Bdrive. Ngoài ra, theo Bkav đây là một trong hai chiếc điện thoại chụp trước và lấy nét sau. Bphone sử dụng công nghệ giao tiếp thông tin tầm ngắn TransferJet với tốc độ lý thuyết lên tới 200 Mbps thay cho NFC của những loại Smartphone khác.

(Nguồn: CellphoneS)

Có thể thấy, điểm mạnh của thương hiệu Bphone chính là truyền thông, khi sau nhiều năm ra mắt, mỗi năm hãng lại có một điểm nhấn nhất định trên thị trường. Dù gây ra nhiều ý kiến trái chiều, nhưng đây là chủ đề Viral hot nhất Việt Nam vào thời điểm 2015 ra mắt. Tuy không thể thành công ở thị trường nước nhà, nhưng với triết trí "Go Global" thì hãng đang có rất nhiều tiềm năng để khai thác trong tương lai, đặc biệt với sự kiện Bphone gia nhập thị trường Myanmar trước mắt.

Myanmar: Thị trường công nghệ chưa được khai thác đúng mức

Myanmar là một quốc gia có lịch sử khá lâu đời tại Đông Nam Á, thế nhưng chỉ khi Myanmar được xóa bỏ lệnh cấm vận bởi Mỹ, và được giao thương về thương mại với các quốc gia khác, quốc gia này mới thực sự gia nhập nền văn minh thế giới chính thức vào năm 2013. 

Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), quy mô nền kinh tế Myanmar có thể tăng gấp 4 lần, lên 200 tỷ USD vào năm 2030. Cùng với đó, số lượng người tiêu dùng đủ năng lực mua sắm ở Myanmar sẽ tăng từ 2,5 triệu lên 19 triệu. Số tiền chi tiêu được dự đoán tăng gấp 3 lần, lên 100 tỷ USD, theo nghiên cứu của Foreign Policy.

Trước khi mở cửa cấm vận, thì quốc gia này sống trong cảnh khá tù túng, khi mà thế giới đang chứng kiến sự rung chuyển mạnh mẽ của công nghệ, màn hình cảm ứng ra đời làm thay đổi bộ mặt của điện thoại di động. Tuy nhiên, Myanmar chỉ được tiếp cận khi lệnh cấm vận được hủy bỏ, những chiếc Smartphone trước đó chỉ dành cho người giàu, có thu nhập cao trong xã hội. Gía một chiếc Sim trên thị trường bấy giờ lên tới tận 2000 USD, và giờ nó chỉ có giá chưa tới 20 USD. Cũng theo công bố từ bộ viễn thông quốc gia này, 60% là tỷ lệ người dân đang sở hữu một chiếc Smartphone.

(Nguồn: Baodautu.vn)

Với tốc độ phát triển về phổ cập Smartphone nhanh nhất thế giới, khi từ 2013 là 10% thì đến thời điểm hiện tại, nó đã tăng lên 90%. Tuy nhiên, tốc độ tăng chóng mặt như vậy, nhưng về lượng cung lại không thể đáp ứng với lượng cầu của người dân. Hầu hết, những mặt hàng thiết yếu trong đó có cả điện thoại đang phải nhập khẩu từ các quốc gia lân cận với giá bán sau khi chịu thuế cực kỳ cao.

Myanmar chứa đựng những sức mạnh tiềm ẩn to lớn, mà giá trị của nó được ví như “mỏ vàng” hiếm hoi chưa được khai thác trong khu vực. Nói vậy có nghĩa là các doanh nghiệp nước ngoài, tính cả Việt Nam, đều đang đứng trước cơ hội bước chân vào một thị trường rộng mở, dễ vẫy vùng với cuộc chơi vẫn còn vắng mặt những “ông lớn” chưa khai thác mảnh đất màu mỡ này.

Bphone: "Go Global" sau khi thất bại thị trường nội địa

Hãng đã có chiến lược khá tốt trong việc chuyển thị trường kinh doanh, từ một thương hiệu "nổ" mạnh tại quê nhà, hãng đã xem xét lại mình và tấn công tại nhiều thị trường quốc tế tiềm năng hơn. Đại diện Bkav cho biết từ năm 2019, công ty sẽ bắt tay triển khai kế hoạch “Go global” mà Myanmar là thị trường đầu tiên.

Điểm mạnh của BKAV là những chiến dịch Marketing mang tầm ảnh hưởng cao, tạo ra Viral cực kỳ lớn. Chính vì vậy, đây được xem là thế mạnh của hãng khi thâm nhập vào Myanmar, và BKAV chắc chắn sẽ làm tốt khi đây được xem là thị trường "vườn không nhà trống", cực kỳ tiềm năng để khai thác và phát triển.

(Nguồn: Soha)

Sản phẩm được tập đoàn công nghệ Việt giới thiệu tại Myanmar là Bphone 3 và Bphone 3 Pro - hai mẫu smartphone ra mắt vào nửa cuối năm 2018. So với 2 thế hệ trước, Bphone 3 “lột xác” khá nhiều cả về trình độ gia công, trải nghiệm người dùng cũng như cấu hình. Máy nổi bật với thiết kế màn hình tràn đáy cùng giao diện phần mềm BOS nhiều tùy biến và màu sắc.

Chưa biết sức tiêu thụ của Bphone 3 tại Myanmar sẽ như thế nào, nhưng tham vọng smartphone của một thương hiệu Việt, sản xuất tại Việt Nam, có mặt tại thị trường nước ngoài đã trở thành sự thật. Với chiến lược "Go Global" mới của mình, thì đây là "phát nổ súng" đầu tiên để hãng có thể thực hiện hóa giấc mơ thị trường ngoại địa.

Đánh giá về tham vọng Bphone gia nhập thị trường Myanmar

Nếu để nói nước đi này của hãng đúng hay sai, thì chưa thể mạnh dạn khẳng định được, bởi hãng vừa mới lên kệ cho những sản phẩm đầu tiên tại nơi đây. Thế nhưng, đánh giá ban đầu thì đây là một trong những bước đi chiến lược đầy táo bạo, khi dám "đem chuông đi đánh xứ người". Đại diện Bkav cho biết tập đoàn này dành hơn 6 tháng để nghiên cứu và tìm hiểu thị trường, lên kế hoạch bài bản từng bước để triển khai.

BKAV làm rất tốt việc thâm nhập thị trường Myanmar, khi mà hãng kết hợp với một nhà phân phối mạng nội địa là Mytel để cho ra mắt những gói quà tặng hấp dẫn, đồng thời xây dựng được quy trình chăm sóc khách hàng dành riêng cho người dùng Myanmar. Hãng cũng cho thêm ngôn ngữ tiếng Miến vào trong hệ điều hành BOS của mình, giúp nâng cao trải nghiệm tốt nhất cho người dùng nơi đây. Ba trung tâm bảo hành chính hãng đã được thiết lập ở Yangon, Mandalay, South Shan và gần 30 điểm tiếp nhận bảo hành đã có tại các vùng khác trên cả nước. Đây được xem là sự quan tâm đúng mực với một hãng đang muốn tạo được dấu ấn nhất định khi chào sân tại một quốc gia tiềm năng như Myanmar.

(Nguồn: VTV)

Như đã nói ở trên, truyền thông là thế mạnh của hãng, nên chẳng lạ gì khi hãng làm rất tốt chiến lược PR và Marketing. ái tên Bkav xuất hiện trên hầu hết mặt báo và kênh truyền hình ăn khách của xứ chùa tháp như Myanmar Times, MRTV4, MRTV6… Tại đó, ngôi sao hạng A của Myanmar là Nay Toe đã đọc rap quảng cáo gói cước tính theo từng giây của Mytel với điện thoại Bphone 3 trên tay người dùng đủ mọi đối tượng từ doanh nhân, trí thức đến sinh viên, người nông dân.

Thêm vào đó, những chương trình khuyến mãi cũng được hãng cho vào khi Launching ra mắt sản phẩm của mình trên thị trường. 1000 khách hàng đầu tiên đặt mua Bphone 3 được hưởng những ưu đãi đặc biệt như hoàn tiền lên đến 60.000 MMK (khoảng 1 triệu đồng), tặng kèm gói cước data và thoại hấp dẫn mỗi tháng... 

Kết luận

Một thị trường đầy hấp dẫn, một sản phẩm được đánh giá mức độ hoàn thiện ở mức tốt. BKAV đang nắm trong tay cơ hội cực kỳ lớn khi có thể vươn lên trở thành một trong những cái tên nắm thị phần lớn từ quốc gia này. Thêm vào đó, doanh thu từ Bphone khi gia nhập thị trường Myanmar cũng sẽ giúp hãng có những vốn nhất định để mở những dịch vụ khác trong tổng thể "Go Global". Chính vì vậy, hãy cùng chờ đón trong tương lai, Bphone có thể trở thành một thương hiệu trở thành niềm tự hào của Việt Nam hay không?

Xem thêm: Các thương hiệu Việt nỗi lực giải bài toán khó mang tên “thị trường Smartphone”

Thắng Nguyễn - MarketingAI

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.