Bản sắc dân tộc trong kinh doanh và hành trình lan tỏa niềm tự hào đất Việt của Cộng cà phê

14 Thg 09

Tinh thần dân tộc không chỉ là nước cờ để lôi kéo khách hàng mà còn là thứ "quyền lực mềm" để thương hiệu tiếp cận gần hơn tới khách hàng. Tính dân tộc tạo được tiếng tăm cho thương hiệu nhờ đại diện cho văn hóa, lịch sử đất nước. Hiểu được đó, các thương hiệu cà phê trong nước từ lâu nay đã xem bản sắc dân tộc như kim chỉ nam để xây dựng chiến lược kinh doanh. Từ Trung Nguyên Legend, Cộng cafe hay Highland Coffee... người tiêu dùng đều thấy đâu đó dáng dấp một Việt Nam hào hùng với lịch sử  văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm. 

Vì sao marketing cần dựa trên tinh thần dân tộc? 

Nếu người Nhật nổi tiếng với biểu tượng trà đạo, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà thì Việt Nam nổi tiếng khi được biết tới là cường quốc cà phê lớn nhất nhì thế giới.

Trong suốt nhiều năm, Việt Nam ghi danh trên thị trường cà phê thế giới với vị thế là nước xuất khẩu hàng đầu, chỉ xếp sau Brazil. Trong năm 2019, Việt Nam tiêu thụ 30 triệu bao cafe dù chỉ có 90 triệu dân, Trung Quốc dù 1,4 tỉ dân nhưng tiêu thị kém 15 lần, chỉ 2 triệu bao cafe. Thế mới thấy, cà phê đã trở thành thức uống quốc dân ở dải đất chữ S này như thế nào. Lúc này câu hỏi đặt ra là, làm thế nào các thương hiệu nâng tầm cà phê Việt Nam không chỉ là một thức uống thông thường mà còn là văn hóa cà phê, cà phê tinh thần, cà phê nghệ thuật... xứng đáng vị thể cường quốc cà phê của thế giới?

Ảnh: i.pinimg

Vốn dĩ, người Việt thường đề cao những gì mang giá trị truyền thống, lồng ghép được lịch sử, văn hóa, bản sắc 4.000 năm. Do đó, niềm tự hào, tinh thần của một quốc gia là nền tảng của chiến lược marketing dựa trên tinh thần dân tộc, giúp các thương hiệu đánh vào tâm lý khách hàng để mời gọi họ chọn mua sản phẩm. Khẩu hiệu "Người Việt dùng hàng Việt" đã được vận dụng từ lâu nhằm kêu gọi và kết nạp người tiêu dùng mua và ủng hộ hàng hóa nội địa, bảo vệ doanh nghiệp nước nhà.

Ứng dụng tốt điều này phải kể đến Nhật Bản. Họ đã rất thành công khi đánh vào lòng yêu nước và lòng tự tôn dân tộc qua các sản phẩm, kể cả mang thương hiệu ngoại địa mà Kitkat là ví dụ điển hình. Dù có nguồn gốc từ Anh song khi thâm nhập vào thị trường Nhật Bản, họ tôn trọng khẩu vị của dân và phát triển dựa trên các nguyên liệu sẵn có của chính đất nước họ như trà xanh, bí ngô, táo Shinshu, đậu xanh. Hay như Hàn Quốc, họ tận dụng mọi cơ hội để quảng cáo hàng nội địa, đồ do chính Hàn sản xuất qua các bộ phim (ví dụ điện thoại Samsung, chiếu phim nội địa vào giờ vàng).

Ảnh: cafebiz

Marketing dựa trên tinh thần dân tộc không còn là một phương pháp mới, tuy nhiên lại rất phù hợp để vận dụng trong ngành cà phê bởi Việt Nam được coi là "thánh địa" của thị trường này. Tinh thần dân tộc là thứ ăn sâu bám rễ ở mọi quốc gia, là nền tảng gắn bó của dân tộc nhưng làm thế nào để triển khai phương pháp này một cách khéo léo, tinh tế mà không bị xem là "chiêu trò, lợi dụng" thì chưa bao giờ là việc đơn giản.

>> Xem thêm: ABC Bakery vẽ tiếp giấc mơ vươn ra biển lớn với dòng sản phẩm bánh Trung thu thanh long

Bản sắc dân tộc đã được Cộng cà phê vận dụng thế nào? 

Ra đời từ năm 2007, Cộng Cà Phê đã phát triển với hơn 60 quán khắp Việt Nam và 3 quán tại Hàn Quốc. Bước chân vào Cộng, bất cứ khách hàng nào cũng mang trong mình cảm xúc khác nhau như tìm lại chút gì đó thân thuộc của chính mình, của bạn bè và gia đình trong qua những câu chuyện nhỏ mang thông điệp hoài cổ nét đẹp văn hóa của Việt Nam.

Ảnh: vir.com

Nhắc đến Cộng, người ta sẽ nghĩ ngay đến quán cà phê màu xanh bộ đội thấp thoáng nằm thu mình trong những con phố. Nhắc đến Cộng, người ta nghĩ đến khung cảnh thời bao cấp khó khăn với bao hoài niệm lưu giữ trong các câu chuyện lịch sử. Đó là cái "chất riêng" mà không hãng cà phê nào làm được.

Có thể nói, thành công một phần của Cộng bắt nguồn từ việc ứng dụng tốt bản sắc dân tộc vào chiến lược kinh doanh. Thứ nhất, từ không gian bài trí quán với mô típ decor chủ đạo màu xanh lá, vỏ chăn con công buộc vào hai ghế đai cũ làm đệm, cửa sổ gỗ mộc, bóng đèn sợi đốt trần treo lửng lơ...được chú ý tới từng tiểu tiết một. Khi bước chân vào Cộng, người ta cảm giác được trở về ký ức xưa, được mắt thấy sờ tận tay những đồ vật xưa trưng dụng qua từng góc nhỏ trong quán.

Ảnh: media-cdn

Thứ hai, vị trí của quán rất đa dạng. Cộng nằm rải rác ở các thành phố lớn với mặt tiền đẹp, sầm uất cho tới những góc phố nhỏ xinh, lặng lẽ, không nhiều người qua lại. Cộng đã chứng tỏ rằng, không phải cứ nằm ẩn mình trong góc khuất, trong không gian tĩnh lặng mới được coi là hoài niệm. Khách hàng có thể làm bất cứ điều đó ở bất cứ đâu, giữa thành thị ồn ã hay trong gian gian nhạc náo nhiệt. Văn hóa dân tộc là giá trị tĩnh, Cộng xây dựng trải nghiệm cho khách hàng từ chính phong cách và tôn chỉ độc nhất: không gian hoài niệm, dịch vụ thân thiện, mang đến cho khách hàng trải nghiệm "không chỉ uống cà phê, mà còn là phong cách sống".

Ảnh: thukyluat

Mặc dù xây dựng quán theo phong cách truyền thống nhưng dịch vụ của Cộng cà phê luôn chuyên nghiệp, đổi mới để làm hài lòng khách hàng nhất. Cộng cũng sáng tạo ra một “signature menu” riêng với các sản phẩm độc đáo và chất lượng để giữ chân khách hàng. Văn hóa dân tộc được thể hiện trong những món ăn từ những nguyên liệu thuần việt, như đậu xanh, cốt dừa, cà phê hay những món như mì tôm, bánh mì chấm sữa trở thành điểm nhấn.

Các du khách nước ngoài thường tìm đến Cộng cà phê và ấn tượng bởi không gian văn hóa của quán từ các chi tiết rất nhỏ như cuốn sách, chiếc đèn dầu rồi đến đồ uống Việt Nam có hương vị riêng biệt không đâu tìm thấy. Nét đẹp Việt được thể hiện ở Cộng là những câu chuyện và các bộ sưu tập luôn làm khách thú vị. Thậm chí họ còn mua ví, túi... và mang về quê hương để lưu giữ kỷ niệm.

Ảnh: cong-news

Không chỉ lớn mạnh với chuỗi cửa hàng khắp Việt Nam mà Cộng còn phát triển với 3 địa điểm mới tại Hàn Quốc. Đây là lần đầu tiên, một thương hiệu cà phê Việt dám mang bản sắc dân tộc vươn mình ra biển lớn. Các quán cà phê Cộng tại Hàn đều rất đông khách. Người Hàn yêu thích Cộng nhờ cách phục vụ, nét đẹp Việt Nam không thể trộn lẫn và đồ uống mang lại cho họ khẩu vị mới. Từ việc thiết kế quán, từng chi tiết đều mang âm hưởng Việt Nam những vẫn đúng gu dân Hàn là lý do khiến Cộng thành công dù ở bất kỳ thị trường nào.

Ảnh: Instagram

Kết 

Trong suốt 13 năm qua, Cộng cà phê vẫn luôn được đánh giá là thương hiệu thành công, sáng tạo khi mang đồ uống Việt vươn rộng cánh tay đến thị trường quốc tế. Có được như ngày hôm nay cũng là Cộng đã xây dựng một chiến lược vận hành có chiều sâu và lan tỏa mạnh mẽ niềm tự hào văn hóa dân tộc Việt Nam trong từng tách cà phê đậm vị. Bản sắc dân tộc ấy vẫn tiếp tục trở thành nguồn cảm hứng để các thương hiệu Việt sáng tạo và thổi hồn vào từng ly trà, từng món ăn... để khi thưởng thức, bất cứ ai cũng phải cảm nhận được hai tiếng "tự hào" sinh ra từ đất Việt.

Hải Yến - MarketingAI

>> Có thể bạn chưa biết: Phân tích chiến lược marketing của Phúc Long Coffee: từ Lâm Đồng tới ông trùm Big3 ngành coffee

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.