[Báo cáo] Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 lên sức mua hàng tiêu dùng tại Việt Nam

26 Thg 03

Tính đến thời điểm hiện tại, bệnh dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu sụt giảm, thậm chí tình trạng còn nặng hơn ở một số quốc gia như Mỹ, Ý, Anh,.. Tại Việt Nam, mặc dù số ca mắc bệnh không lớn như những nước khác, tuy nhiên ảnh hưởng của dịch bệnh lên nền kinh tế vẫn đang có dấu hiệu xấu đi khi hàng loạt doanh nghiệp, cửa hàng phải tạm ngưng hoạt động gây ra mất mát nghiêm trọng. Mới đây, Kantar Worldpanel đã thực hiện một cuộc nghiên cứu của ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 lên sức mua hàng tiêu dùng tại Việt Nam. Báo cáo này được khảo sát trên 4 thành phố lớn của Việt Nam. Hãy cùng MarketingAI đi sâu vào phân tích báo cáo trong bài viết dưới đây.

Nền kinh tế chung của Việt Nam

Năm 2019 vừa qua được xem là năm khả quan cho nền kinh tế của Việt Nam khi mức tăng trưởng cũng như nhiều chỉ số cho dấu hiệu lạc quan. Nhìn vào biểu đồ có thể, GDP của Việt Nam trong năm 2019 là 7,02 - vượt mục tiêu đề ra ban đầu là 6,8%, đồng thời có mức CPI được duy trì ổn định và trong tầm kiểm soát là 2,79. Chưa kể doanh thu của ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng đạt mốc hai chữ số là 12,7.

Tuy nhiên mọi chuyện đã không giữ được như vậy trong năm 2020 khi mà đại dịch Covid-19 bùng phát. Theo như những gì Kantar đưa ra và dự đoán, mức GDP của Việt Nam chắc chắn sẽ có dấu hiệu giảm sút và mức giảm nặng hay nhẹ sẽ phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh. Chính vì vậy mà Kantar đã đưa ra hai chỉ số ứng với hai viễn cảnh, một là 6,25% và một là 5,96%. GDP giảm chắc chắn sẽ khiến cho doanh thu của ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng giảm sút, theo dự đoán thì doanh thu sẽ giảm xuống 9,8 tính đến thời điểm tháng 2 năm 2020. Một điều tệ hơn, đời sống người dân sẽ  bị ảnh hưởng bởi mức lạm phát cao khi chỉ số CPI được dự đoán sẽ tăng vọt lên 5,91 - cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên ngành FMCG Việt Nam

Như đã đề cập ở trên, năm 2019 là một năm khởi sắc cho nền kinh tế Việt Nam vậy nên giá trị tăng trưởng của ngành FMCG cũng vì vậy mà tăng lên đáng kể. Nếu so với năm trước đó là 2018, ngành FMCG đã có mức tăng trưởng gần gấp 3 lần, từ 2,3% lên 6,3%. Tính đến tháng 2 năm 2020 này, mức tăng trưởng được các chuyên gia dự đoán sẽ giảm xuống 5,2%. Mặc dù có sự sụt giảm, tuy nhiên đây vẫn chưa phải con số quá lo ngại với ngành FMCG Việt Nam bởi lẽ ở một số ngành hàng thì vẫn có mức tăng trưởng đáng kể.

Do xu hướng ở nhà nhiều hơn, những sản phẩm thuộc nhóm Thực phẩm đóng hộp, Sản phẩm từ sữa và Chăm sóc cá nhân được ưu tiên hơn. Cũng chính vì xu hướng, nhóm sản phẩm thuộc ngành Đồ uống chứng kiến mức sụt giảm do nhu cầu du lịch, hội họp gặp mặt không còn nữa. Đó là chưa tính đến việc mọi người khi ở nhà sẽ lựa chọn những sản phẩm giúp nâng cao sức khỏe nhiều hơn. Để hiểu chính xác hơn, thói quen mua hàng của người Việt đã thay đổi như nào khi dịch bệnh bùng phát, hãy theo dõi ở biểu đồ tiếp theo.

Khi thông tin về dịch bệnh bùng phát được truyền thông lan tỏa trong cộng đồng, người dân Việt Nam đã hình thành thói quen dự trữ thực phẩm và nhu yếu phẩm nhằm “cố thủ” qua mùa dịch. Điều này đã lý giải cho mức tăng khủng khiếp về các ngành hàng như biểu đồ ở trên. Có thể rút ra từ hai biểu đồ trên rằng, sức mua của người dân Việt Nam đã tăng mạnh mẽ vào thời điểm dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng, điều này xuất phát từ tâm lý sợ hãi khủng hoảng và đóng cửa các siêu thị, cửa hàng từ phía chính phủ, từ đó tạo ra tâm lý mua hàng tích trữ của mọi người. Nhờ vậy mà rất nhiều nhóm hàng thuộc ngành FMCG đã được hưởng lợi trong thời điểm này, trừ nhóm Đồ uống giải khát.

Vậy cụ thể những sản phẩm nào được người dân ưa chuộng hơn cả trong mùa dịch năm nay?

Nhìn vào thống kê trên, không ngạc nhiên khi dẫn đầu là những sản phẩm vệ sinh thân thể, đặc biệt là dung dịch rửa tay khi sản phẩm này đạt mức tăng trưởng gần 800% trong thời điểm này. Như đã đề cập ở trên, khi người dân Việt Nam hình thành tâm lý tích trữ thực phẩm thì những sản phẩm có thể để được lâu và tiện dụng sẽ được ưu tiên hơn cả. Chính vì vậy mà những sản phẩm như thực phẩm đông lạnh, cháo ăn liền, mì ăn liền hay thực phẩm hộp đã chứng kiến mức tăng trưởng đáng kinh ngạc. Những sản phẩm sữa cũng được hưởng lợi trong thời gian này khi nó giúp tăng cường hệ miễn dịch cho người dùng. Ngược lại, những sản phẩm thuộc nhóm Đồ uống giải khát như bia hay đồ uống có ga đều giảm sút mạnh trong sức mua.

Kênh mua sắm

Với tính chất hạn chế ra ngoài tiếp xúc trong thời điểm dịch bệnh, điều này đồng nghĩa với kênh mua sắm của người dân Việt Nam sẽ có sự thay đổi đáng kể. Không ngạc nhiên khi thương mại điện tử là kênh mua sắm được người dân ưu tiên hơn cả. Ngoài ra, do nhu cầu về khẩu trang cũng như dung dịch rửa tay tăng đột biến nên rất nhiều người dân Việt Nam đã tìm đến các hiệu thuốc lớn và bé để tìm mua.

Ngoài ra, các đại siêu thị cũng là nơi được người dân ưu tiên mua sắm bởi sở hữu lượng hàng hóa lớn, phù hợp với nhu cầu tích trữ nhu yếu phẩm trong dịp này, cộng với việc đây cũng là nơi bán những sản phẩm như khẩu trang hay dung dịch rửa tay. Đó là chưa kể, các siêu thị lớn giờ đây như Vinmart, Lotte Mart đều cung cấp những dịch vụ tiện ích như vận chuyển tận nhà, giá thành bình ổn nên càng được người dân lựa chọn. Ngược lại, các cửa hàng truyền thống hay cửa hàng tiện dụng đang phải đối mặt với những khó khăn khi lượng khách giảm sút đáng kể trong thời điểm này.

Tạm kết

Những gì mà đại dịch Covid-19 đang gây ra hiện nay đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế của Việt Nam nói riêng và của toàn thế giới nói chung. Hàng loạt sự kiện bị hoãn hoặc hủy bỏ, các tụ điểm giải trí tập trung đông người, nhà hàng phải đóng cửa. Tất cả đã gây ra những tổn thất nặng nề về kinh tế tới các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp ngành dịch vụ. Thế nhưng với những doanh nghiệp FMCG, dường như họ lại có những cảm nghĩ ngược lại khi mức tiêu thụ sản phẩm của người dân giờ đây đang tăng trưởng mạnh mẽ hơn cả. 

Tuấn Anh - MarketingAI

Theo Kantar Worldpanel

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.