[BÁO CÁO] Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng thế nào đến khung giờ đăng bài trên mạng xã hội?

04 Thg 05

Đầu năm nay, SproutSocial đã cho ra mắt báo cáo thường niên của họ về những dữ liệu mới nhất liên quan đến khung giờ vàng đăng bài trên mạng xã hội. Gần như ngay khi bản báo cáo này được ra mắt, nhiều cá nhân và doanh nghiệp đã phải thực hiện cách ly tại nhà, triển khai làm việc từ xa, kéo theo đó là những thay đổi về mặt hành vi nhằm ứng phó với sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Khi những thói quen hằng ngày của người tiêu dùng thay đổi chỉ sau một đêm, thì cuộc sống sinh hoạt và công việc hằng ngày của họ cũng dần chuyển sang hình thức trực tuyến. Và như một lẽ dĩ nhiên, các phương tiện xã hội đã trở thành một công cụ quan trọng để kết nối mọi người với nhau trong bối cảnh hiện nay.

Từ những thay đổi này, SproutSocial đã nghiên cứu dữ liệu từ hơn 20.000 khách hàng của mình, cho ra mắt báo cáo sử dụng mạng xã hội mới trong thời điểm hiện nay. Các thương hiệu có thể sử dụng các thông tin dưới đây để cập nhật kịp thời các chiến dịch Marketing của mình, đồng thời hiểu được mức độ ưu tiên và sở thích của khán giả đã thay đổi như thế nào trong quá trình diễn ra đại dịch toàn cầu này. 

COVID-19 đã ảnh hưởng thế nào đến khung giờ vàng đăng bài trên mạng xã hội

Bản báo cáo về khung giờ vàng đăng bài trên mạng xã hội đã được Sprout Social cập nhật những dữ liệu mới nhất và được ra mắt vào giữa tháng 4 vừa qua. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu thấy rằng thời điểm đăng bài tốt nhất đã thay đổi phần nào khi nhiều khía cạnh trong công việc và cuộc sống đã phải ưu tiên hình thức online. Trong một vài trường hợp, Sprout Social còn thấy rằng khung giờ đăng đã thay đổi nhiều hơn chỉ trong vài tuần cuối cùng do những thay đổi về hành vi, tạo ra sự khác biệt lớn so với những gì đã diễn ra từ 2019 đến đầu năm 2020.

*Lưu ý: Dữ liệu thu thập từ Sprout Social đến từ những người dùng thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề và địa điểm khác nhau. Tất cả các khung thời gian được ghi trong đây đều thuộc múi giờ Bắc Mỹ (CST). Mức độ tương tác thể hiện tổng số lượt tương tác mà một thương hiệu nhận được trên một kênh cụ thể trong khung giờ đó.

>>> Xem thêm: Phần 1 - Khung giờ vàng cho các bài đăng trên Facebook và Instagram năm 2020

Cập nhật khung giờ vàng đăng bài trên Facebook

Trong khi trước đây các nhà nghiên cứu thấy rằng khoảng thời gian từ 11 giờ sáng đến 1-2 giờ chiều thứ 4 là thời điểm tốt nhất để đăng bài lên Facebook, và nhìn chung, thứ 4 là ngày hoạt động cao điểm của mạng xã hội này, thì giờ đây, các dữ liệu cập nhật mới lại cho thấy người dùng hoạt động tích cực vào tất cả các ngày trong tuần. Hiện tại, khung giờ vàng đăng bài lên Facebook là từ 10 giờ đến 11 giờ sáng Thứ Hai, Thứ Tư và Thứ Sáu. Cụ thể, 11 giờ sáng mỗi ngày luôn là thời điểm tốt nhất để đăng bài. 

Mức độ tương tác sau 5 giờ chiều vào vào cuối tuần và các ngày trong tuần vẫn sụt giảm đáng kể, khi các nhân viên làm việc tại nhà phải đối mặt với nhiều loại công việc và nhu cầu từ gia đình, thậm chí trong nhiều trường hợp, những vấn đề đó càng tăng lên sau thời gian làm việc 8 tiếng mỗi ngày kết thúc.

Cập nhật khung giờ vàng đăng bài trên Instagram

Tương tự như Facebook, khoảng thời gian cao điểm trong tuần được mở rộng đáng kể so với những dữ liệu trong bài báo cáo trước đây về Instagram. Nếu như trước đó, 11 giờ sáng Thứ Tư và 10-11 giờ sáng Thứ Sáu được coi là thời điểm tốt nhất để đăng bài thì bây giờ, mật độ hoạt động trên mạng xã hội này luôn “dày đặc” mỗi ngày, đặc biệt là trong khung giờ làm việc. Nếu nói tốt nhất, thì các thương hiệu nên hoạt động tích cực vào 11 giờ sáng thứ Hai, thứ Ba và thứ Sáu, cũng như 2 giờ chiều thứ Ba. 

Ngoài ra, trong phân tích trước đây của Sprout Social, mức độ tương tác trên mạng xã hội này duy trì được sự nhất quán trong khoảng thời gian sáng sớm và tối muộn. Nhưng giờ đây, mọi người lại tập trung hoạt động nhiều trong khung giờ làm việc, với sự sụt giảm rõ rệt sau 6 giờ chiều. Mặt khác, các ngày cuối tuần, kể cả ngày có tỷ lệ tương tác tệ nhất trước đó là Chủ nhật, giờ đây cũng hoạt động mạnh mẽ từ khoảng 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Bởi đây là mạng xã hội được sử dụng chủ yếu trên di động, Instagram có thể chiếm dụng phần lớn thời gian hoạt động của một người trong ngày như là một nguồn giải trí và tạo ra sự phân tâm.

Cập nhật khung giờ vàng đăng bài trên Twitter

Những dữ liệu trong hành vi người dùng trên Twitter vẫn duy trì được phần nào sự nhất quán trước và sau khi dịch COVID-19 xuất hiện. Điều này có thể là do việc nhiều người đã sử dụng nền tảng này liên tục như một cách kiểm tra tin tức nhanh chóng và truyền bá thông tin hữu ích tới các khu vực khác nhau liên quan đến các biện pháp cách ly và kiểm dịch.

Mặc dù vậy, khung giờ vàng để đăng bài vẫn thay đổi phần nào khi Sprout Social thực hiện lại bản báo cáo vào tháng 4 này. Mặc dù trước đó 9h sáng Thứ Tư và Thứ Sáu là khoảng thời gian tốt nhất thì bây giờ, các thương hiệu nên chú trọng vào khoảng thời gian từ 7-9 giờ sáng thứ Sáu, trong đó 9h là thời điểm tốt nhất để đăng bài. 

>>> Xem thêm: Phần 2 - Khung giờ vàng cho các bài đăng trên Twitter và LinkedIn năm 2020

Cập nhật khung giờ vàng đăng bài trên LinkedIn

Vì LinkedIn là một mạng định hướng tới sự chuyên nghiệp, nên không có gì ngạc nhiên khi hành vi người dùng vẫn tương tự như vậy. Giống như Twitter, khung giờ vàng đăng bài đã chỉ thay đổi một chút: chuyển từ 8-10 giờ sáng và trưa thứ Tư; 9 giờ sáng và 1-2 giờ chiều thứ Năm, và 9 giờ sáng thứ 6 sang 3 giờ chiều thứ Tư, 9-10 giờ sáng thứ Năm và 11 giờ sáng - trưa thứ Sáu cho thời điểm hiện tại. 

Báo cáo cũng chỉ ra rằng thời gian người dùng tương tác với mạng xã hội trong những ngày trong tuần thường bắt đầu và kết thúc muộn hơn một chút, bắt đầu lúc 8 giờ sáng thay vì 7 giờ sáng như trước đó và kết thúc vào khoảng 4 giờ chiều, thay vì 3 giờ chiều. Điều này có thể liên quan đến việc thay đổi hình thức làm việc từ công ty sang ở nhà, bao gồm cả những vấn đề liên quan đến việc đi lại của nhân viên.

Thay đổi về lượng tin nhắn trên mạng xã hội

Sprout Social cũng so sánh số liệu về tin nhắn và khối lượng tương tác, cả được gửi và nhận, từ Quý I 2020 đến hai tuần đầu tiên của tháng 4 để xem mọi thứ thay đổi như thế nào khi mọi người chuyển sang một cuộc sống và thực tế mới. Họ cũng đã xem xét những phản ứng khác nhau trên cả hai đối tượng là nền tảng trực tuyến và phân khúc ngành, để xem sự chú ý của khán giả đã thay đổi như thế nào.

Hành vi của các thương hiệu đã thay đổi như thế nào?

Trên tất cả các phân khúc ngành và mạng xã hội, số lượng bài đăng được đăng lên mỗi ngày vẫn giữ nguyên mức trung bình (chỉ giảm 0,2 bài/ngày) giữa Quý 1 và tháng 4 năm 2020.

Những thay đổi về số lượng bài đăng trung bình/ngày của các ngành công nghiệp trên mọi mạng xã hội vào tháng 3 và tháng 4/2020

Một số ngành công nghiệp đã chứng kiến sự gia tăng lượng tin nhắn được gửi đi trong thời gian này, đặc biệt là khối ngành chăm sóc sức khỏe và truyền thông giải trí. Cả hai đều trở thành mối quan tâm hàng đầu của mọi người khi hầu hết người dân đều có xu hướng tìm kiếm những tin tức mới nhất và đáng tin cậy về đại dịch COVID-19, đồng thời có nhu cầu được nghỉ ngơi, giải trí trong thời gian giãn cách xã hội.

Mặt khác, một số ngành công nghiệp thì giảm mạnh số lượng bài đăng được đăng lên trong thời gian này, đặc biệt là thể thao và du lịch, cả hai đều bị ảnh hưởng nặng nề do phải đình chỉ hoạt động và hạn chế kinh doanh như bình thường. Bán lẻ, hàng tiêu dùng và giáo dục cũng giảm số lượng tin nhắn được gửi dù không nhiều.

Khi xem xét tất cả các báo cáo về lượng tin nhắn được gửi đi của mỗi mạng xã hội, ta thấy số lượng bài đăng của các thương hiệu đều giảm một chút so với trung bình ngành.

  • Facebook: Số lượng bài viết giảm trung bình 1,8 bài / ngày
  • Instagram: Số lượng bài viết  giảm 1,9 bài / ngày
  • Twitter: Số lượng bài viết giảm 2,3 bài / ngày

Những thay đổi về số lượng bài đăng xuất bản nói lên một điều rằng, các thương hiệu đang phải liên tục đánh giá lại các chiến lược nội dung của họ để phục vụ tốt nhất cho cộng đồng trong bối cảnh tình hình xã hội có những diễn biến khó lường. Tương tự, Sprout Social cũng thấy rằng khán giả đang thay đổi cách thức tương tác với các mạng xã hội trong suốt tháng 3 và tháng 4 năm 2020.

Cách khán giả tương tác với thương hiệu trong mùa dịch COVID-19

Vì khung giờ vàng để đăng bài trên mạng xã hội đã thay đổi dẫn đến việc thay đổi đối tượng người dùng, Sprout Social đã tìm thấy nhiều thay đổi trong cách khán giả tương tác với các thương hiệu trong tháng 4 năm 2020 so với Q1 2020.

Các tương tác đầu vào tăng trung bình thêm 44 tương tác mỗi ngày trên tất cả các mạng xã hội và các lĩnh vực. Ở cấp độ mỗi bài đăng, tăng khoảng 7,3 lượt tương tác/bài/ngày.

Xu hướng tương tác nhiều cũng xảy ra ở những nhóm ngành đã gia tăng lượng bài viết mà Sprout Social nhắc tới bên trên. Mức độ tương tác gia tăng xảy ra chủ yếu với nhóm ngành hàng tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, truyền thông và giải trí. Tất cả đều là nhu cầu hàng đầu đối với nhiều người, đáp ứng những yêu cầu cơ bản trong bối cảnh cuộc sống hằng ngày của họ bị thay đổi đáng kể. Đối với các ngành công nghiệp khác, đặc biệt là trong các lĩnh vực thể thao, bán lẻ, pháp lý và tổ chức phi lợi nhuận, lượng bài đăng được xuất bản không còn là điều quá quan trọng nữa, kể cả lượng tương tác cũng vậy, tất cả là do những thay đổi trong hoàn cảnh hiện tại gây ra.

Trong khi sự tương tác tăng lên thì lương tin nhắn được gửi tới các thương hiệu thực sự đã giảm 19 tin nhắn mỗi ngày, trung bình trên tất cả các trang mạng. Không có ngành công nghiệp nào cho thấy sự gia tăng về lượng tin nhắn đến khi so sánh hai tuần đầu tiên của tháng 4 với quý 1 năm 2020. Các ngành công nghiệp có mức giảm cao hơn mức trung bình là các tổ chức phi lợi nhuận, bán lẻ và thể thao.

Các nền tảng trực tuyến suy giảm về lượng tương tác, xu hướng này được phản ánh một cách chân thực nhất trên cả Facebook và Twitter:

  • Bình luận trên Facebook giảm 5,6 mỗi ngày
  • Lượng tin nhắn gửi tới Facebook giảm 2,1 mỗi ngày
  • Tin nhắn Twitter giảm 16 mỗi ngày
  • Số lượng Retweets giảm 20,8 mỗi ngày.

Lượng tương tác trên Twitter đã giảm ở tất cả các ngành công nghiệp. Đối với Facebook, các bình luận giảm trên tất cả các ngành trừ y tế và truyền thông và giải trí. Với lượng tin nhắn được gửi đến Facebook, chỉ có tin nhắn đến tài khoản ngành truyền thông và giải trí là tăng lên.

Instagram cho thấy sự gia tăng duy nhất về lượng tin nhắn được gửi đến, với mức tăng trung bình 6,4 bình luận mỗi ngày. Trong số các thay đổi về khối lượng bình luận trên Instagram, hàng tiêu dùng, truyền thông và giải trí và phần mềm là các phân khúc ngành cho thấy mức tăng cao hơn nhiều so với mức tăng trung bình

Dữ liệu này cho thấy hành vi người dùng trên mạng xã hội có thể thay đổi nhanh chóng đến mức nào khi khán giả thay đổi những thói quen hằng ngày của họ. Trong trường hợp này là việc thay đổi mô hình tập trung khi phải làm việc và học tập từ xa, những thay đổi trong việc sử dụng các thiết bị chính và hạn chế hoạt động đã thay đổi đáng kể cách khán giả tương tác với mạng xã hội trong nhiều tuần liền.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Với những diễn biến khó lường của dịch bệnh COVID-19, điều chắc chắn duy nhất là hành vi của khán giả sẽ tiếp tục thay đổi đáng kể trong vài tuần và tháng tới. Các bản cập nhật lớn mà chúng tôi nghiên cứu được chỉ sau vài tháng cho thấy các thương hiệu sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thách thức, nhấn mạnh sự cần thiết của việc phải liên tục xem xét và sắp xếp lại chiến lược của họ trong suốt năm 2020.

Những phát hiện của chúng tôi ở cấp độ ngành và mạng xã hội có thể đóng vai trò là kim chỉ nam cho những gì bạn đang mong muốn thực hiện, đóng vai trò quan trọng để các thương hiệu có thể làm chủ các dữ liệu và tìm ra cơ hội tốt nhất để thành công. Như chúng tôi đã lưu ý ở đây, các ngành công nghiệp khác nhau đã chứng kiến ​​những tác động khác nhau đáng kể dựa trên cách ứng phó với đại dịch và các thương hiệu thuộc mọi quy mô sẽ cần phải tính đến các tình huống phức tạp như phản ứng của từng quốc gia khi tình hình dịch bệnh tiếp tục tiếp diễn. Đây là lúc những người làm Marketing cần phải tận dụng mạng xã hội để duy trì tương tác với khách hàng và liên tục cập nhật hành vi và cảm xúc của người tiêu dùng, dựa vào việc sử dụng các kiến thức sẵn có về dữ liệu xã hội.

Tạm kết

Tuy rằng tình hình dịch bệnh trên thế giới đã có dấu hiệu tốt lên nhưng không ai có thể đảm bảo chắc chắn điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Điều các thương hiệu cần làm là phải liên tục cập nhật những thông tin, báo cáo chính xác về mật độ hoạt động của người dân trên các nền tảng trực tuyến trong bối cảnh cách ly hiện nay để đưa ra các chiến lược tiếp cận và thực thi hợp lý, đem lại hiệu quả kinh doanh cao cho chính doanh nghiệp mình.

Tô Linh - MarketingAI

Theo Sprout Social

>> Có thể bạn quan tâm:  Phần 1 – Khung giờ vàng cho các bài đăng trên Facebook và Instagram năm 2020
Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.