[Báo cáo] Định hình sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam hiện nay

04 Thg 04

Trong thời đại Internet phát triển mạnh mẽ như ngày nay, mạng xã hội đã trở thành một trong những kênh truyền thông quan trọng nhất với doanh nghiệp. Có thể nói, sự hiện diện của thương hiệu trên mạng xã hội quyết định rất nhiều đến khả năng tiếp cận và độ nhận diện của thương hiệu đó với khách hàng. Mạng xã hội là một nền tảng không ngừng phát triển mỗi ngày, vậy nên doanh nghiệp cần liên tục nghiên cứu sự thay đổi nếu muốn giữ vững và phát triển được trong tương lai. Mới đây, Decision Lab vừa thực hiện một cuộc khảo sát trên quy mô cả nước để thu thập dữ liệu, hành vi người dùng trên mạng xã hội. Báo cáo này được thực trên trên 2.149 người, trải dài từ thế hệ Gen X đến Gen Z. Dữ liệu được thu thập trong khoảng thời gian từ 15/12/2019 cho đến 27/02/2020.

Xu hướng sử dụng nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam

Hiện nay trên thị trường mạng xã hội đã xuất hiện rất nhiều tên tuổi khác nhau, từ những ông lớn như Facebook, YouTube, Instagram cho đến những tân binh mới như TikTok, Gapo hay Lotus. Vậy tại Việt Nam, đâu là những cái tên sáng giá trên thị trường hiện nay?

Nhìn vào biểu đồ trên, có thể thấy Facebook vẫn đang là cái tên phổ biến nhất với người dùng Việt Nam khi có tới 96% ứng viên tham gia khảo sát đều đang sử dụng nền tảng này. Trong top 5, những cái tên nổi bật khác bao gồm: YouTube (82%), Zalo (80%), Instagram (44%) và TikTok (20%). Có thể thấy Zalo đã và đang phát triển rất tốt khi đây là ứng dụng mạng xã hội “made in Vietnam” duy nhất lọt top 5, thậm chí là vượt hơn cả ông lớn Instagram. Ngoài ra, cái tên đáng chú ý khác trong mục này chính là TikTok - tân binh mới nổi đến từ Trung Quốc. Dù mới xuất hiện trên thị trường chưa lâu, tuy nhiên TikTok đã và đang chứng tỏ được sức ảnh hưởng khủng khiếp của mình không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới nói chung. 

Tuy vậy, đây mới chỉ là con số thống kê tổng quát của toàn bộ hơn 2,000 ứng viên tham gia khảo sát. Con số này sẽ có sự thay đổi khi chúng ta đi sâu vào phân tích từng nhóm thế hệ người dùng riêng biệt, cụ thể là:

Với 3 thế hệ: Gen X, Gen Y (Millennials) và Gen Z thì Facebook vẫn là cái tên chễm trệ ngôi vị đầu bảng. Tuy nhiên những cái tên còn lại đã có sự thay đổi nhất định. Với thế hệ Gen Z, Instagram đã vượt qua Zalo để chen chân vào vị trí thứ 3. Ngược lại, với thế hệ Gen Y và Gen X thì Zalo và YouTube được yêu thích hơn hẳn so với Instagram.

Chính điều này đã cho ra một nhận định rằng: Instagram là nền tảng phù hợp với thế hệ giới trẻ - những người thuộc thế hệ Gen Z còn Zalo hay YouTube thì phù hợp với những người từ trung niên trở lên (Gen Y và Gen X). 

Một yếu tố khác cũng cần lưu ý ở đây, với thế hệ Gen Z thì TikTok và Pinterest đang là hai nền tảng sở hữu tỷ lệ lựa chọn bằng nhau, chứng tỏ trong tương lai sự cạnh tranh của hai nền tảng sẽ còn rất quyết liệt để giành được sự chú ý từ phía thế hệ Gen Z.

Mục đích sử dụng các nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam

Âm nhạc

Nhìn vào thống kê, ta có thể thấy rằng YouTube vẫn là nền tảng được sử dụng nhiều nhất cho việc theo dõi các video ca nhạc. Suy cho cùng, YouTube cũng đang là mạng xã hội video lớn nhất thế giới hiện nay, chính vì vậy mà những ca sĩ, nhóm nhạc dù là Việt Nam hay nước ngoài đều đăng tải video ca nhạc của họ lên nền tảng này. Ngoài ra thì người Việt cũng tìm đến những nền tảng của Việt Nam như ZingMP3, Nhaccuatui,... hay thậm chí là Facebook để xem video ca nhạc (dù con số này không cao)

Tương tự với video ca nhạc, thì người Việt vẫn chuộng sử dụng YouTube để nghe nhạc nhiều hơn cả. Tuy nhiên, đã có một cái tên mới xuất hiện trong hạng mục này là Spotify. Nền tảng này đang dần trở nên phổ biến hơn với thế hệ Gen Z khi người dùng có thể tùy ý lựa chọn sử dụng miễn phí hoặc đăng ký gói thành viên Premium, ưu điểm là người nghe được thỏa thích nghe nhạc bản quyền chất lượng cao từ các ca sĩ Việt lẫn nước ngoài.

Theo dõi Tin tức

Hiện nay tin tức được lan truyền ở rất nhiều kênh khác nhau và trong đó có cả mạng xã hội. Với độ phủ sóng rộng lớn của Facebook như hiện nay, không ngạc nhiên khi đây là nơi được thế hệ Gen X và Gen Z tìm đến nhiều nhất để cập nhật tin tức. Nếu so với những kênh khác như các trang báo điện tử địa phương (Dantri, Vietnamnet,...) hay Google thì Facebook phổ biến với thế hệ Gen Z hơn cả. Đáng ngạc nhiên, Facebook lại không phải lựa chọn hàng đầu với thế hệ Gen Y (Millennials), thay vào đó họ ưu tiên các kênh báo điện tử nhiều hơn. Đây là những yếu tố rất quan trọng mà Marketer cần lưu ý, bởi lẽ nó liên quan tới việc tiếp cận từng đối tượng ở từng kênh khác nhau.

Giao tiếp, trò chuyện

Nhìn vào thống kê trên có thể thấy 3 cái tên phổ biến nhất trong lĩnh vực kết nối, giao tiếp giữa mọi người là: Facebook, Messenger (thuộc Facebook) và Zalo. Trong đó, Zalo là nền tảng phổ biến hơn với thế hệ Gen Y và Gen X còn với thế hệ Gen Z lại là Facebook và Messenger. Sở dĩ có hiện tượng này, có lẽ là vì giao diện của Zalo chưa thực sự hấp dẫn giới trẻ Việt Nam. Thay vào đó, các bạn trẻ ưu tiên Facebook và Messenger hơn. Đó là chưa kể Facebook, Messenger sở hữu một số tính năng hấp dẫn được nhóm đối tượng này. Ngược lại, vì Zalo sở hữu giao diện đơn giản, dễ sử dụng vậy nên được thế hệ Gen Y và Gen X ưa chuộng hơn.

Xem định dạng video ngắn

Xét tổng thể, Facebook và YouTube vẫn là hai nền tảng được ưa chuộng hơn cả khi người Việt muốn xem các video ngắn. Tuy nhiên khi theo từng nhóm thế hệ thì đã có một sự thay đổi đáng kể. Cụ thể là với thế hệ Gen X, họ ưa chuộng nền tảng YouTube hơn Facebook và với thế hệ Gen Z thì TikTok đang là cái tên đang rất phổ biến dù mới chỉ xuất hiện trên thị trường. Chưa kể, TikTok cũng chiếm được một tỷ lệ nhất định với người dùng thế hệ Gen Y, chứng tỏ trong tương lai TikTok sở hữu rất nhiều tiềm năng để phát triển, đặc biệt là trong mảng nội dung video ngắn. Tiktok hiện nay đang là nền tảng đứng thứ 3 với các video dạng ngắn đối với mọi lứa tuổi.

Điển hình là mới đây, Bộ Y Tế Việt Nam còn hợp tác với TikTok cho chiến dịch #onhavanvui, mục đích là để tuyên truyền mọi người ở nhà cách ly, ngăn cản sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.

(Nguồn: Unicef)

Mua sắm trực tuyến

Trong thời đại Internet phát triển mạnh mẽ như hiện nay, mua sắm trực tuyến đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Minh chứng là sự bùng nổ mạnh mẽ của các nền tảng thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Sendo, Lazada,... Chính vì vậy, các nền tảng thương mại điện tử đã trở thành kênh trọng yếu cho việc mua sắm với thế hệ Gen Z và Gen Y - những người được tiếp cận với công nghệ mới. Mức chênh lệch giữa kênh thương mại điện tử với những kênh khác càng cao với những người trẻ - hay cụ thể là thế hệ Gen Z. Ngược lại, Facebook lại là nền tảng phổ biến nhất với những người Việt thế hệ Gen X, dù mức chênh lệch với kênh thương mại điện tử là không quá lớn. Tuy nhiên nó vẫn cho thấy sức ảnh hưởng đáng kể của Facebook tới thị trường thương mại điện tử của Việt Nam, ngoài những nền tảng thương mại điện tử.

Xem phim

Tại Việt Nam, YouTube và những ứng dụng hay trang web xem phim truyền thống là hai kênh chủ đạo mà người dân tìm đến. Trong đó, YouTube chiếm thế thượng phong hơn cả khi được cả ba thế hệ X, Y, Z lựa chọn nhiều nhất. Tuy nhiên, với những người thuộc thế hệ Gen Z thì mức chênh lệch là thấp nhất khi họ tìm đến các ứng dụng, trang web xem phim nhiều hơn. Bởi lẽ những bộ phim chiếu rạp, phim bom tấn đa phần không được đăng tải lên YouTube vì vấn đề bản quyền, đó là chưa kể đến yếu tố gần như không có phụ đề trên nền tảng này.

>> Sử dụng mạng xã hội để quản lý khủng hoảng truyền thông

Kết luận

Vừa rồi là toàn bộ báo cáo về hành vi, mục đích và định hình những nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam. Chốt lại, có những ý chính sau mà Marketer cần lưu ý đến:

  • Facebook là nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất với cả ba thế hệ người dùng
  • Zalo là nền tảng mạng xã hội “made-in Vietnam” duy nhất tạo được sức ảnh hưởng đáng kể trong thị trường. Dù vậy Zalo vẫn còn phải đối mặt với khó khăn khi phải cạnh tranh trực tiếp với YouTube, Instagram, TikTok và Pinterest trong nhóm thế hệ Gen Z
  • Gen Z là thế hệ phụ thuộc vào Facebook nhiều nhất để cập nhật tin tức
  • Hầu hết, người dân Việt Nam sử dụng FacebookYouTube cho các hoạt động của họ. Tuy nhiên, hai ông lớn này vẫn phải đối mặt với nhiều đối thủ khác không phải ứng dụng mạng xã hội. Thay vào đó là Spotify, các trang báo điện tử, trang web xem phim trực tuyến, các nền tảng ứng dụng thương mại điện tử.

Tuấn Anh - MarketingAI

Theo Decision Lab

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.