[Báo cáo] Những số liệu ấn tượng về xu hướng quảng cáo OOH trên thế giới

16 Thg 04

Magna và Rapport cùng với IPG Mediabrands đã phát hành báo cáo thú vị về xu hướng của quảng cáo ngoài trời (OOH) tại 70 quốc gia trên thế giới. Những số liệu này phản ánh về những xu hướng cũng như tốc độ phát triển của loại hình quảng cáo đầy quyền năng này. Hãy cùng MarketingAI đi tìm hiểu báo cáo về những xu hướng của thị trường quảng cáo OOH thông qua bài viết dưới đây.

OOH là gì

OOH là từ viết tắt của Out of home là bên ngoài hay ngoài trời, đây thường được chỉ quảng cáo ngoài trời. Kênh OOH là tập hợp các phương tiện quảng cáo như biển quảng cáo, billboard, quảng cáo trên các phương tiện giao thông công cộng. Ngoài ra các quảng cáo trong thang máy hay siêu thị cũng được xếp vào kênh OOH.

Hiện nay, OOH đã bao gồm kỹ thuật số và công nghệ OOH năng động và thích ứng cũng như đem lại sự tương tác cao. Sự đa dạng này cung cấp cho các nhà quảng cáo có phạm vi sáng tạo đáng kinh ngạc giúp hướng mục tiêu người đang di chuyển theo cách sáng tạo khác nhau bằng cách tạo chất xúc tác cho hành động. Sự đơn giản và tác động của quảng cáo OOH cùng với tính linh hoạt và thức thời cho phép các phương tiện cung cấp điều tuyệt vời cho các nhà quảng cáo.

>>> Xem chi tiết khái niệm: OOH là gì

Tiềm năng phát triển của OOH

Hiện nay, xu hướng quảng cáo ngoài trời đều gia tăng ở tất cả các loại hình, và loại hình quảng cáo trên các phương tiện giao thông có tỉ lệ gia tăng cao nhất vì ngành giao thông của Việt Nam đang phát triển vô cùng mạnh mẽ. Nhu cầu di chuyển của người dân đang tăng cao, đặc biệt trong các ngày lễ ngày tết. Ngoài ra đây là loại hình có chi phí rẻ mà lại đạt hiệu quả cao. Các chuyên gia dự đoán số tiền dành cho quảng cáo trong năm năm 2020 sẽ lên đến 55.000 tỉ đồng.

Những điểm mới từ quảng cáo OOH và tại sao Marketers cần phải quan tâm?

Quảng cáo OOH được hiểu là Out of Home là loại hình quảng cáo truyền thông truyền thống duy nhất có mức tăng trưởng doanh thu quảng cáo toàn cầu tương đối ổn định, mức tăng trưởng trung bình rơi vào khoảng 4,1%/ năm trong 9 năm qua. Nó được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng, và mức tăng trưởng ổn định trong khoảng 2,7% mỗi năm tầm nhìn đến năm 2023.

Hiện tại thị trường Châu Á - Thái Bình Dương (APAC) là thị trường sử dụng công cụ quảng cáo OOH lớn nhất và hiệu quả nhất, với doanh thu 13 tỷ USD trong năm 2018 vừa qua. Nhật Bản và Trung Quốc là 2 nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 cho quảng cáo ngoài trời. Cùng với Hoa Kỳ thì 3 quốc gia này đã đóng góp tới 52% tổng doanh thu toàn cầu của quảng cáo OOH. Cũng theo báo cáo thì thị trường sẽ có sức tăng trưởng mạnh mẽ trong vòng 5 năm tới sẽ thuộc về các nước Mỹ Latin, nơi mà có tỷ lệ tăng trưởng 5% mỗi năm, nhỉnh hơn mức tăng trưởng của APAC 2%.

Theo ông Cooper, sự phát triển của công nghệ là tiền đề giúp các media buyer “có khả năng nghiên cứu nhiều thông tin về khách hàng, sử dụng dữ liệu để xác định chính xác nơi ở, nơi làm việc, địa điểm vui chơi của khách hàng và phương tiện đi lại giữa các địa điểm trên” – và từ đó đưa ra những thông điệp phù hợp với họ.

Một yếu tố khác là làn sóng đầu tư của những công ty chuyên OOH lâu đời như JCDecaux và Clear Channel và những gương mặt mới như Google và Amazon. Bản báo cáo cũng chỉ ra rằng việc tăng sử dụng OOH trong các chiến dịch bởi những ông lớn truyền thông “vừa là bằng chứng cho sự hiệu quả của OOH, vừa là một phần của quá trình phát triển trong tương lai khi chi tiêu marketing trong lĩnh vực công nghệ có dấu hiệu phát triển xa hơn”.

Báo cáo về xu hướng sử dụng quảng cáo OOH toàn cầu

Số lượng biển quảng cáo Billboard bên lề đường đang giảm. Báo cáo cho hay lượng sử dụng biển quảng cáo Billboard bên lề đường hiện đang trong tình trạng bão hòa ở hầu hết các thị trường. Lượng thị phần của loại hình quảng cáo này đóng góp vào tổng doanh thu của quảng cáo OOH cũng đang tụt dốc do hình thức này bị "lỗi thời" cũng như chưa thích ứng được với quá trình Digital hóa do cả quy định lẫn chi phí. Quảng cáo trên các trên các phương tiện cũng cũng như nội thất trên đường phố công cocnogj đang kết hợp rất tốt với quá trình digital hóa và tạo ra lợi nhuận, tăng đóng góp doanh thu “ở hầu hết mọi nơi”.

Doanh số quảng cáo trực tuyến kỹ thuật số ngoài trời tăng trung bình 16% mỗi năm trong vòng 5 năm qua. Tại Anh và Úc, hình thức này chiếm một nửa tổng doanh số của OOH (hai thị trường này được lợi từ ngành quảng cáo ngoài trời, mang lại nguồn tài chính lớn hơn). Hiện tại, thị trường Anh và Úc đang dẫn đầu quá trình digital hóa, theo sau đó là Thái Lan với tỉ lệ sử dụng quảng cáo OOH kỹ thuật số chiếm 1/3 tổng lượng sử dụng OOH.

Nền công nghệ quảng cáo OOH toàn cầu đang được củng cố hàng ngày. Trong top 20 thị trường được báo cáo phân tích, thì top 3 nhà cung cấp đang nắm giữ 63% thị phần trong tổng lượng của thị trường. Ở hầu hết tại Châu Á (trừ Úc), bức tranh thị trường nơi đây có sự phân mảnh rõ ràng hơn, trong đó top 3 nhà cung cấp chiếm gần 1 nửa tổng thị phần của toàn thị trường.

Chi tiết về xu hướng thị trường quảng cáo OOH tại thị trường APAC

Úc

Thị trường quảng cáo OOH của Úc có sự phát triển tốt, chúng ta sẽ chứng kiến ​​sự tăng trưởng doanh thu vững chắc (10%) trong năm 2019, nhờ doanh số của DOOH. Doanh số của DOOH hiện chiếm một nửa tổng doanh số và dự kiến ​​sẽ chiếm 60% vào năm 2023.

  • 6,4%: Thị phần của OOH trên thị trường quảng cáo tại Úc.
  • 80%: lượng thị trường được kiểm soát bởi ba nhà cung cấp (Ooh! Media / Adshel, JCDecaux / APN và QMS): Úc là một trong những thị trường hợp nhất, ít có sự phân chia trên thế giới.
  • Phân khúc lớn nhất theo doanh thu: Biển quảng cáo bên lề đường, tiếp theo là biển quảng cáo tại trung tâm thương mại, trên phương tiện công cộng và nội thất đường phố.

Trung Quốc

Trung Quốc là thị trường lớn thứ 3 trên thế giới về quảng cáo OOH và thị trường này trở nên tiềm năng hơn rất nhiều nhờ vào quá trình đô thị hóa ngày một gia tăng. Mức dự kiến tăng trưởng rơi vào khoảng 9% trong năm 2019 này.

  • 6,1%: Thị phần của quảng cáo OOH tại Trung Quốc.
  • Trên 25%: Tỷ lệ thị phần của OOH kỹ thuật số so với tổng doanh số OOH, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 18%.
  • Bối cảnh OOH khá phân mảnh tại đất nước tỷ dân này. Ba Công ty phương tiện truyền thông hàng đầu (JCDecaux, Focus Media và Whitehorse) kiểm soát khoảng 40% thị trường.
  • Phân khúc lớn nhất theo doanh thu: Quảng cáo trên phương tiện công cộng, theo sau đó là quảng cáo dựa trên địa điểm.
  • Ba nhà quảng cáo lớn nhất năm 2017 tại Trung Quốc bao gồm: Tập đoàn Alibaba, Tập đoàn Uxin và JD.com.

Ấn Độ

Ấn Độ là thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất và có sự phân chia thị trường lớn trong tổng lượng quảng cáo của toàn quốc gia.

  • 5%: thị phần của OOH tại Ấn Độ. OOH kỹ thuật số chỉ chiếm 2% do thiếu sự quản lý và đầu tư.
  • Hình thức OOH phổ biến nhất tại Ấn Độ: biển quảng cáo bên lề đường, tiếp theo là quảng cáo trên phương tiện công cộng và nội thất đường phố.
  • Các ngành chi tiêu cho OOH nhiều nhất: vật liệu xây dựng, bất động sản, viễn thông, ô tô và tài chính.
  • Ngành công nghiệp này hiện đang phân mảnh. 3 nhà cung cấp hàng đầu (Bennett Coleman, Pioneer và Bright Advertisers) có doanh thu quảng cáo ròng dưới 30% trên tổng doanh thu ròng toàn ngành.

Nhật Bản

Nhật Bản là quốc gia lớn thứ 3 về thị trường quảng cáo trên thế giới, và những nhà quảng cáo tại đây chi hơn 300 USD mỗi năm trên đầu người. Quảng cáo OOH cùng với các phương tiện quảng cáo khác thì doanh thu đang có dấu hiệu tụt giảm.

  • 12%: Thị phần của OOH tại thị trường Nhật Bản, đây là thị trường lớn thứ hai trên thế giới, lý do là mật độ đô thị hóa nhanh của Nhật Bản.
  • Tỷ lệ OOH kỹ thuật số dưới mức trung bình, có thể là do các yếu tố về quy định, sự phân mảnh ngành và giá cao.
  • 450.000: số đơn vị quảng cáo OOH tại Nhật Bản; trong đó có gần 5.000 đơn vị kỹ thuật số.
  • Định dạng OOH lớn nhất: Biển quảng cáo Billboard bên lề đường, tiếp theo là quảng cáo trên các phương tiện công cộng và nội thất đường phố.
  • Ba nhà cung cấp hàng đầu tại Nhật Bản bao gồm: Japan Railways East, Japan Railways West và Tokyo Metro, những công ty này chỉ kiểm soát 20% thị trường.

Thắng Nguyễn - MarketingAI

Theo Campaignasia

   
Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.