[Báo cáo] Các thương hiệu hàng tiêu dùng Việt Nam được tin dùng nhất

09 Thg 07

Đúng như tên gọi của mình, báo cáo “Asia Brand Footprint” được Kantar Worldpanel xuất bản với mục đích cung cấp cho người đọc cái nhìn tổng quát về thị trường FMCG tại khu vực Châu Á trong nửa đầu năm 2020. Khác với những báo cáo số liệu thông thường, báo cáo này giống như một bảng xếp hạng giữa các thương hiệu trong thị trường FMCG. Những thứ hạng này sẽ thể hiện được sự quan tâm của người tiêu dùng với các thương hiệu, cũng như làm rõ được cơ hội cho các thương hiệu còn lại để tăng trưởng được thị phần của mình. Trong bài viết này, MarketingAI sẽ chỉ đi sâu vào phân tích thị trường các thương hiệu hàng tiêu dùng Việt Nam.

Top 10 các thương hiệu hàng tiêu dùng Việt Nam

Trước khi đi vào phân tích, bạn cần phải hiểu các chỉ số được sử dụng để so sánh. Kantar sử dụng 3 chỉ số là: 

  • Penetration (Mức độ xâm nhập thị trường): Tỷ lệ hộ dân mua sản phẩm của thương hiệu
  • Consumer Choice (Sự lựa chọn của người tiêu dùng): Số lượng tương tác với thương hiệu trên các danh mục trong một năm
  • Consumer Reach Points (CRP - Số điểm tiếp cận người tiêu dùng): Đo lường số lần mà thương hiệu đó được người tiêu dùng lựa chọn. Chỉ số này sẽ được tính toán bằng công thức: Population * Penetration * Consumer Choice

(Population: Số lượng hộ dân trong một thị trường)

Khu vực thành thị

Khu vực thành thị

Đầu tiên, hãy nhìn vào top 10 thương hiệu được người tiêu dùng thành thị Việt Nam lựa chọn nhiều nhất. Có thể thấy rằng thương hiệu dẫn đầu chính là Vinamilk với mức chỉ số CRP, Penetration lẫn Consumer Choice đều vượt xa các thương hiệu còn lại. Điều này chứng tỏ vị thế của Vinamilk ở Việt Nam nói chung và ở ngành hàng Sữa nói riêng. Xét trong cùng ngành hàng thì những đối thủ khác của Vinamilk có thể kể đến như TH True, Ngôi Sao Phương Nam và Milo khi cả 3 thương hiệu này lần lượt xếp hạng 4,5,6. Trong đó cả 3 thương hiệu trên đều có cùng một số điểm là 11. Với sự xuất hiện của 4 thương hiệu ở ngành hàng Sữa trên tổng số 10 thương hiệu trong bảng xếp hạng, có thể thấy đây là lĩnh vực cực kỳ tiềm năng tại khu vực thành thị Việt Nam. 

Khu vực nông thôn

Khu vực nông thôn

Với khu vực nông thôn, nhìn vào xếp hạng có thể thấy Vinamilk vẫn là thương hiệu thống trị và chỉ có sự thay đổi ở những vị trí còn lại. Dễ thấy nhất là sự thay đổi vị trí của hai thương hiệu Hảo Hảo và Nam Ngư khi Hảo Hảo đã phải ngậm ngùi lùi lại 2 bậc, nhường vị trí top 2 cho Nam Ngư khi xét tại thị trường nông thôn. Ngoài ra, một sự thay đổi lớn khác trong bảng xếp hạng này chính là sự “thay máu” của hàng loạt thương hiệu mới như là: 3 Miền (vị trí thứ 3), Gấu Đỏ (vị trí thứ 5), Fami (vị trí thứ 6), P/S và Kokomi (vị trí thứ 9 và 10).

Một điểm lưu ý khác chính là mức điểm CRP của các thương hiệu. Lấy ví dụ như Vinamilk, nếu ở khu vực thành thị, mức CRP của thương hiệu này là 48 thì với khu vực nông thôn, con số này đã lên 136. Vậy khi xét về sự bao phủ khu vực khi tại Việt Nam, khu vực nông thôn vẫn chiếm phần lớn hơn. Đây cũng là một điểm mà các thương hiệu FMCG cần lưu ý nếu muốn tăng được thị phần của mình tại Việt Nam.

>> Xem thêm: Bài học thành công từ Vinamilk

Top 10 các thương hiệu hàng tiêu dùng tại Việt Nam được lựa chọn nhiều nhất

Có thể sẽ có bạn thắc mắc tại sao lại có bảng xếp hạng này? Sở dĩ một chủ sở hữu thương hiệu sẽ có rất nhiều thương hiệu con ở trong đó, đặc biệt là với các thương hiệu FMCG. Qua bảng xếp hạng này, người đọc sẽ có cái nhìn tổng quát hơn về bức tranh thị trường FMCG tại Việt Nam, biết được ai là những “ông lớn” trong ngành.

, người đọc sẽ có cái nhìn tổng quát hơn về bức tranh thị trường FMCG tại Việt Nam

Nhìn vào bảng xếp hạng ở cả hai khu vực, dễ dàng thấy được sự thống trị của các chủ sở hữu thương hiệu đến từ ngành hàng thực phẩm và đồ uống. Một phần là vì các hoạt động Marketing và các chiến dịch quảng cáo của nhóm ngành hàng này cực kỳ rầm rộ, thực hiện trên quy mô lớn, nhờ vậy mà tạo ra nhận thức thương hiệu tới người tiêu dùng và kích thích họ mua hàng. 

Nếu xét riêng từng cái tên thì Vinamilk và Unilever sẽ là hai cái tên đình đám nhất. Trong đó, cả hai chủ sở hữu thương hiệu này đều hiện diện ở cả hai khu vực thành thị và nông thôn với vị trí rất cao. 

Theo thống kê của Kantar, riêng Vinamilk đã thu hút được gần 120,000 hộ dân mới trong khu vực nông thôn thông qua việc liên tục làm nổi bật hình ảnh cốt lõi của mình là sữa “tươi”. Có thể bạn chưa biết, Ngôi Sao Phương Nam là một thương hiệu thuộc sở hữu của Vinamilk và đây là một thương hiệu khá đình đám (nhìn ở bảng xếp hạng đầu tiên). Chính vì điều này, Vinamilk giữ vững được ngôi vị số 1 của mình khi được lựa chọn hơn 65 triệu lần mỗi năm chỉ tính riêng tại khu vực thành thị. 

Tương tự với câu chuyện của Unilever khi tập đoàn này sở hữu những thương hiệu đình đám như Sunlight hay P/S. Unilever vốn vẫn được coi là gã khổng lồ FMCG trên toàn thế giới, chính vì vậy mà việc tập đoàn này luôn giữ vị trí của họ trong top 10 thương hiệu được lựa chọn nhiều nhất là thương hiệu phi thực phẩm độc đáo ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Thành tích ấn tượng này đã giúp Unilever giữ được danh hiệu là chủ sở hữu thương hiệu được lựa chọn nhiều nhất ở khu vực nông thôn Việt Nam, đồng thời tạo ra khoảng cách an toàn giữa các đối thủ khác trong bảng xếp hạng ở khu vực đô thị về mức CRP.

Unilever giữ được danh hiệu là chủ sở hữu thương hiệu được lựa chọn nhiều nhất ở khu vực nông thôn Việt Nam
(Nguồn: brandsvietnam)

Những thương hiệu được lựa chọn nhiều nhất theo ngành hàng

Ở phần trên, báo cáo vừa đi qua một cách tổng quát nhất về bức tranh thị trường FMCG của Việt Nam. Trong đó Vinamilk và Unilever là những cái tên đình đám nhất khi luôn nắm giữ những vị trí cao, chứng tỏ được uy tín và sức ảnh hưởng của mình với người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên câu chuyện ở từng ngành hàng sẽ là một bức tranh hoàn toàn khác. Hãy cùng MarketingAI đi tìm xem những cái tên nào sẽ được xướng lên trong bảng xếp hạng này nhé.

Ghi chú: Bảng xếp hạng vẫn sẽ chia ra 2 khu vực Thành thị và Nông thôn, trong đó khu vực thành thị sẽ là bên trái còn bên phải là khu vực nông thôn.

Sức khỏe & Làm đẹp

Sức khỏe & Làm đẹp

P/S là cái tên thống trị hoàn toàn ở ngành hàng này khi xếp hạng 1 ở cả hai khu vực, điều này hoàn toàn dễ hiểu khi mà Unilever được xem là “gã khổng lồ” trong ngành FMCG tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung và P/S là thương hiệu thuộc sở hữu của tập đoàn này. Đó là chưa kể ngoài P/S còn rất nhiều thương hiệu khác cũng thuộc Unilever như là: Lifebuoy, Sunsilk, Clear, Dove. Duy nhất chỉ có bảng xếp hạng khu vực thành thị là có sự xuất hiện của Colgate.

Chăm sóc nhà cửa

Chăm sóc nhà cửa

Một lần nữa, Unilever tiếp tục là cái tên thống trị ở ngành hàng này khi cả 3 vị trí đầu bảng ở đồng thời hai khu vực thành thị và nông thôn đều là 3 thương hiệu thuộc tập đoàn này: Sunlight, Omo và Comfort. Trong đó, “kỳ phùng địch thủ” của Unilever là tập đoàn P&G cũng đã có 2 đại diện góp mặt vào bảng xếp hạng là: Downy và Lix lần lượt ở vị trí 4 và 5 trong khu vực thành thị. Riêng ở khu vực nông thôn, lần đầu tiên xuất hiện một thương hiệu nội địa là bột giặt Aba thuộc Công ty TNHH SX&TM Đại Việt Hương (VIETCOS) - đây cũng là thương hiệu đã tạo nên rất nhiều những TVC gây tranh cãi trong cộng đồng mạng Việt Nam nhưng có lẽ đây cũng chính là một phần trong chiến lược Marketing của họ, nhờ đó tạo được sự chú ý của người tiêu dùng với thương hiệu còn non trẻ này. 

Thực phẩm

Thực phẩm

Với ngành hàng thực phẩm thì tại Việt Nam, chúng ta sẽ phải nhắc đến những ông lớn như: Acecook, Masan. Minh chứng rõ ràng nhất chính là hai vị trí đầu bảng của khu vực thành thị và nông thôn lần lượt là: Hảo Hảo (thuộc Acecook) và Nam Ngư (thuộc Masan). Dù vậy, nếu nhìn vào các vị trí còn lại trong bảng xếp hạng ta sẽ thấy sự đa dạng của các thương hiệu chứ không bị “áp đảo” bởi một ông lớn nào giống như các ngành hàng khác. Cụ thể là sự xuất hiện của những thương hiệu như Ajinomoto, 3 Miền, Biên Hòa, Gấu Đỏ. Điều này cho thấy mức cạnh tranh trong ngành hàng thực phẩm ở thị trường Việt Nam (dù ở thành thị hay nông thôn) là rất khủng khiếp, nhưng nó cũng mang lại sự đa dạng về lựa chọn cho chính người tiêu dùng.

Đồ uống

Đồ uống

Cũng giống với ngành hàng thực phẩm, ngành hàng đồ uống chứng kiến sự đa dạng của nhiều thương hiệu đến từ nhiều công ty, tập đoàn lớn hiện nay. Xét ở khu vực thành thị, Coca-Cola là thương hiệu được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất, theo sau là những thương hiệu như: bia Tiger, Nescafé, Sting (thuộc Pepsico) và G7 (thuộc Trung Nguyên). Với khu vực nông thôn, dẫn đầu lại là thương hiệu bia Saigon, trong khi đó Nescafé đã vươn lên vị trí thứ 2 còn Coca-Cola bị tụt xuống vị trí thứ 4. Hai vị trí còn lại là bia Hà Nội và Red Bull. 

Sữa và các sản phẩm từ Sữa

Sữa và các sản phẩm từ Sữa

Với ngành hàng này, sẽ không ngạc nhiên khi thấy Vinamilk là thương hiệu dẫn đầu ở cả hai khu vực thành thị và nông thôn. Không chỉ vậy, những thương hiệu thuộc Vinamilk cũng đã xuất hiện ở trong bảng xếp hạng này như là: Ngôi Sao Phương Nam và Ông Thọ. Điều này minh chứng cho vị thế và ảnh hưởng của Vinamilk với người dùng Việt Nam là lớn tới mức nào. Ngoài ra, các thương hiệu hàng tiêu dùng Việt Nam đáng chú ý khác phải kể đến như: TH True, Fami, Milo và Mộc Châu. 

Các thương hiệu hàng tiêu dùng Việt Nam tăng trưởng CRP cao nhất

Như đã đề cập từ đâu, CRP - viết tắt của Consumer Reach Point là chỉ số đo lường số lần mà thương hiệu đó được người tiêu dùng lựa chọn. Chính vì vậy đây là một trong những chỉ số quan trọng nhất để đo lường được mức độ phát triển của một thương hiệu trong thị trường. Bảng xếp hạng này cũng sẽ được chia ra hai khu vực riêng biệt là: Thành thị (4 thành phố lớn) và nông thôn.

Thành thị

Thành thị

Nông thôn

Nông thôn

Sự mở rộng trong cơ sở người tiêu dùng là động lực tăng trưởng quan trọng cho các thương hiệu xuất hiện trong bảng xếp hạng này. Nhìn vào khu vực nông thôn, ta sẽ thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương hiệu TH True khi chỉ số CRP đã tăng 20% trong năm vừa rồi. TH True có được điều này là nhờ sự mở rộng trong danh mục sản phẩm của mình với những cái tên mới như: TH True Juice, TH True Yogurt, TH True Rice. Việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm giúp TH True có thể đáp ứng được nhiều nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng.

Không chỉ vậy, một số thương hiệu trong bảng xếp hạng này còn biết tận dụng những xu thế mới của xã hội để đẩy mạnh sản phẩm của mình, minh chứng là thương hiệu Lavie. Thương hiệu này nhận thấy được sự quan tâm của người tiêu dùng về sức khỏe và sự tiện lợi, chính vì vậy mà Lavie (một thương hiệu của Nestle) cũng đã mang đến cho thị trường nhiều dòng sản phẩm khác nhau, qua đó đã thu hút được thêm 81,000 khách hàng mới tại khu vực thành thị chỉ trong 1 năm vừa qua.

Cũng với câu chuyện đó, một thương hiệu đã nổi tiếng và lâu đời như Milo vẫn biết cách để tăng được thị phần của mình. Cụ thể là tại khu vực nông thôn, thương hiệu này đã có mức tăng trưởng CRP vô cùng ấn tượng là 16% và thu hút được hơn 420,000 hộ dân mới. Milo tiếp tục tập trung nhấn mạnh vào xu thế về dinh dưỡng và nâng cao nhận thức thương hiệu của mình thông qua nhiều chiến dịch quảng cáo khác nhau.

Cách đương đầu với dịch Covid-19 của các thương hiệu hàng tiêu dùng Việt Nam

Nếu năm 2019 được coi là rực rỡ của ngành FMCG tại Việt Nam thì chỉ nửa đầu năm 2020, mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Sự kiện này đã thay đổi hoàn toàn cục diện của toàn nhân loại và nền kinh tế đã phải chịu những tổn thất nghiêm trọng. Dù vậy, khó khăn không có nghĩa là bỏ cuộc khi trong giai đoạn này, vẫn có những thương hiệu biết cách tận dụng thời thế để sinh tồn và vượt qua. 

Minh chứng đầu tiên chính là Lifebuoy - đây là thương hiệu đã cực kỳ thành công trong việc thích ứng với tình hình hiện tại thông qua những mẫu quảng cáo và chiến dịch có đề cập tới Covid-19. Tiêu biểu nhất là chiến dịch “Trạm rửa tay dã chiến”, chiến dịch này đã cung cấp bồn rửa tay và dung dịch rửa tay trên khắp Việt Nam bằng cách mời người tiêu dùng tham gia quyên góp thông qua cuộc thi nhảy cover trên nền bài hát “Ghen Cô Vy”. Thương hiệu này cũng đã ra mắt các sản phẩm mới, như khăn giấy kháng khuẩn và nước rửa tay, để nắm bắt nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng về vệ sinh và phòng ngừa sức khỏe.

các thương hiệu hàng tiêu dùng Việt Nam

Một ví dụ tiêu biểu khác phải kể đến thương hiệu snack Oishi. Tận dụng những nội dung liên quan tới chủ đề Covid-19, thương hiệu này đã bắt trọn yếu tố “ở nhà” của người tiêu dùng trong thời điểm này và truyền tải nội dung đó thông qua nhiều cách thức sáng tạo khác nhau. Qua đó Oishi muốn biến việc ở nhà của người tiêu dùng trở thành một dịp để mọi người có thể cùng vui đùa và tận hưởng thời gian này với nhau một cách “đã” nhất.

Tuấn Anh - MarketingAI

Theo Kantar Worldpanel

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.