[BÁO CÁO] Tổng quan xu hướng thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2020

02 Thg 11

Việt Nam được coi là nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhanh nhất trong khu vực, trong đó thương mại điện tử là thị trường rất năng động khi nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thị trường đầy hứa hẹn này dự đoán sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ trong tương lai bởi chính thế hệ dân số trẻ với mức độ thâm nhập Internet/ di động cao.

Mới đây, Q&Me đã thực hiện một cuộc khảo sát với sự tham gia của gần 700 khách hàng hiện đang sử dụng các dịch vụ mua sắm trực tuyến, nhằm đưa ra góc nhìn sâu rộng hơn về những xu hướng trên thị trường Thương mại điện tử tại Việt Nam. Cùng MarketingAI tìm hiểu nhé!

Có thể nói, mua sắm online đang tiếp cận tới cả nam và nữ, ở mọi mức thu nhập hộ gia đình, mọi nhóm tuổi và tất cả các địa điểm phân bổ khác nhau. Nhóm tuổi mua hàng online nhiều nhất dao động từ trên 18 - 39 tuổi và có mức thu nhập hộ gia đình từ 7,5 - 15 triệu.

Thị trường mua sắm online được đẩy lên đỉnh điểm và hoạt động sôi nổi suốt từ đầu năm kể từ khi dịch bệnh xuất hiện, với những xu hướng chính xuất hiện ngày một rõ rệt như sau:

>>> Xem thêm: Thương mại điện tử là gì

Tần suất mua sắm và thiết bị sử dụng

Mua sắm trực tuyến được sử dụng thường xuyên hơn, một phần là do ứng dụng di động thâm nhập nhiều hơn để nhận thông tin thường xuyên hơn.

Tần suất mua sắm online tăng

Tần suất mua sắm trực tuyến đã tăng lên so với những năm trước. Người dùng trực tuyến hàng tháng đã tăng lên 61%, từ 47% của năm trước. Sử dụng trực tuyến trở thành một phần của đời sống mua sắm của người Việt.

Hơn một nửa người mua sắm online qua các ứng dụng di động

Ứng dụng di động trở thành phương tiện mua sắm chính, thống trị tất cả các thiết bị khác để trở thành công cụ lý tưởng giúp người dùng tận hưởng mua sắm trực tuyến thuận lợi hơn. 59% sử dụng ứng dụng di động để mua sắm, đây là mức tăng rất lớn so với 47% của năm trước.

Mức chi tiêu và nhu cầu sản phẩm thay đổi

Thực phẩm trở nên phổ biến sau mùa dịch

Khi mọi người phải ở nhà nhiều hơn trong Covid-19, danh mục sản phẩm tiêu dùng cũng được mở rộng ra nhiều ngành hàng khác nhau. Thời trang, mỹ phẩm là những ngành hàng chính được tiêu thụ nhiều trong mua sắm trực tuyến.

Tuy nhiên, nhu cầu thực phẩm và đồ uống mới là danh mục sản phẩm đạt mức tăng đột biến trong mùa dịch.

Mức chi tiêu thay đổi

Nhu cầu mua sắm thay đổi khiến cho mức chi tiêu của người dùng cũng trải qua những biến động nhất định. Điều đáng ngạc nhiên là tuy tần suất sử dụng cao nhưng một nửa số người dùng chi tiêu dưới 500.000 đồng/ tháng. Chỉ có 21% người chi tiêu cao tiêu dùng 1 triệu đồng trở lên hàng tháng.

Động lực mua sắm

Sự kết hợp giữa sự đa dạng của sản phẩm và giá cả / khuyến mãi là động lực lớn cho việc mua sắm trực tuyến.

Ngoài ra, việc khách hàng còn được xem các đánh giá sản phẩm và so sánh/ kiểm tra giá cả trước khi quyết định mua hàng, cũng như tốc độ giao hàng nhanh cũng đã kích thích tiêu dùng từ người dân hơn. Đây được coi là một cải tiến lớn của các nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam.

 

Phương pháp thanh toán

Mua sắm trực tuyến chứng kiến những thay đổi lớn trong phương thức thanh toán. Mặc dù tiền mặt vẫn là phương thức chủ đạo nhưng số người sử dụng thanh toán di động trong mua sắm trực tuyến ngày càng tăng. Tỷ lệ thanh toán tiền mặt khi nhận hàng (ship COD) giảm trong khi thanh toán di động tăng lên đến 9%.

Xu hướng này khá dễ hiểu khi nó phù hợp với xu hướng số hóa toàn cầu. Người dân ra đường hiện nay, đặc biệt là giới trẻ thường có thói quen chỉ cầm theo thẻ, thanh toán bằng thẻ hoặc điện thoại di động chứ ít khi mang theo nhiều tiền mặt.

Kênh mua sắm thống trị

Shopee tiếp tục là cái tên thống trị ở thị trường này tại Việt Nam. Mức độ phổ biến của nó tăng cao nhờ vào những chính sách giảm giá và cập nhật thêm nhiều sản phẩm đa dạng, hình ảnh các sản phẩm trên ứng dụng cũng được đầu tư thiết kế thú vị, đặc sắc.

Trong khi đó, Tiki lại gây ấn tượng bởi những hình ảnh độc đáo, sự cao cấp và đáng tin cậy.

Ngoài ra, nền tảng mua sắm trên mạng xã hội cũng đang dần cho thấy chỗ đứng trong lòng người dân Việt.

Kết

Thị trường Thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 đang dần trưởng thành hơn về nhiều mặt và dự kiến sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2021 theo xu hướng toàn cầu. Sự hoàn thiện hơn về các khâu như sản phẩm đa dạng, các chương trình khuyến mãi, thanh toán nhanh gọn, giao hàng tốc độ cao là những động lực giúp cho thương mại điện tử lên ngôi trong bối cảnh sự thuận tiện được đặt lên hàng đầu như hiện nay. Hi vọng rằng các nhà EC nước ta sẽ tiếp tục đón làn sóng này thành công để đẩy mạnh nền kinh tế Việt Nam sang một nấc thang mới trong năm 2021.

Tô Linh - MarketingAI

Theo Q&Me

>> Có thể bạn quan tâm: Facebook công bố insights mới về việc sử dụng các cộng đồng online thời COVID-19
Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.