[Báo cáo] Tương lai của thương mại điện tử hậu Covid-19 (Phần 2)

08 Thg 04

Mục Lục

Trong phần 1, chúng ta đã cùng tìm hiểu những tác động của Covid-19 về mức độ thâm nhập thương mại điện tử, cửa hàng tạp hóa, Amazon và các thị trường khác, cùng với đó là những dự đoán quan trọng trong thời gian tới. Trong phần tiếp theo này, cùng tìm hiểu rõ hơn về một số lĩnh vực khác: Thời trang và department store, trải nghiệm khách hàng, thị trường Trung Quốc và hai ngày lễ mua sắm Black Friday và Ngày độc thân dưới tác động của Covid-19 và những thay đổi mới của ngành.

Thời trang và Department store

61% nhà bán lẻ thời trang cho biết họ đang có kế hoạch giảm số lượng SKU tồn kho

Tác động của đại dịch đối với ngành thời trang, đặc biệt là tại cửa hàng truyền thống, đã làm tăng đáng kể lượng hàng tồn kho và buộc các nhà bán lẻ phải giảm giá mạnh khi họ cố gắng tìm hướng chuyển đổi, điều này đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu tổng thể. Báo cáo tháng 12 năm 2020 từ Business of Fashion và McKinsey cho thấy, các nhà bán lẻ thời trang đang thực hiện những thay đổi cơ bản đối với chiến lược của họ vào năm 2021 để giải quyết các vấn đề còn tồn tại.

Khi được hỏi họ sẽ áp dụng những chiến lược nào để tránh tình trạng dư thừa trong tương lai, 61% nhà bán lẻ thời trang cho biết họ đang có kế hoạch giảm số lượng SKU trong danh mục hàng tồn kho của mình. Hơn 60% hy vọng sẽ cải thiện phân tích insight người tiêu dùng để họ có thể dự đoán nhu cầu tốt hơn, trong khi 55% cho biết họ sẽ triển khai một chuỗi cung ứng linh hoạt hơn.

Kết hợp với các phương pháp khác như chuyển sang phân loại hàng không theo mùagiảm số lượng bộ sưu tập mà họ sản xuất, các nhà bán lẻ hy vọng những thay đổi này sẽ làm cho hoạt động kinh doanh của họ hiệu quả và thân thiện hơn với môi trường trong tương lai.

Doanh số bán hàng xa xỉ phẩm trực tuyến quốc tế tăng 170% so với cùng kỳ vào tháng 8 và tháng 9 năm 2020

Theo phân tích từ eShopWorld, doanh số bán hàng xa xỉ phẩm trực tuyến quốc tế tăng 170% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 8 và tháng 9 năm 2020.

Khi hoạt động bán lẻ bắt đầu phục hồi (nhưng tốc độ còn chậm) trên quy mô toàn cầu, thị trường xa xỉ xuyên biên giới dường như đang phát triển tốt khi hiệu suất bán hàng vào tháng 7 năm 2020 cao hơn 40% so với Giáng sinh 2019 (thường là giai đoạn mạnh bứt phá doanh thu cao nhất cùng với đợt giảm giá năm mới).

Ảnh: Medium

Hàng xa xỉ là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của ngành thời trang khi người tiêu dùng hạn chế chi tiêutập trung vào các mặt hàng thiết yếu trong suốt đại dịch. Các chuyên gia dự đoán, việc đóng cửa các cửa hàng thực, cũng như việc người mua hàng ngại chi tiêu quá nhiều cho những sản phẩm không cần thiết và các hành vi trực tuyến không thể đoán trước khác sẽ làm giảm từ 40-60% đối với hàng xa xỉ theo trải nghiệm và 25-45% đối với doanh số bán hàng xa xỉ cá nhân so với cùng kỳ năm ngoái.

Bất chấp tương lai ảm đạm này, số liệu tăng trưởng cuối mùa hè cho thấy các thương hiệu đang thay đổi chiến lược tiếp thị để ưu tiên kỹ thuật số, do đó mang lại trải nghiệm trực tuyến sang trọng cho những người bên ngoài thị trường nội địa thông thường của họ. Giám đốc điều hành của eShopWorld, Tommy Kelly, giải thích: “Trong bối cảnh hiện tại, đang có nhiều cơ hội mới cho lĩnh vực xa xỉ ngoài các kênh và thị trường truyền thống, đặc biệt là khi những người mua sắm lớn tuổi đã trở nên thoải mái hơn với hoạt động trực tuyến”.

Trải nghiệm khách hàng

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ “Mua trước - trả sau” nhận được nhiều quan tâm sau Covid-19

Theo Reuters, một số công ty chuyên cung cấp dịch vụ “mua trước trả sau” cho biết họ đã nhận được nhiều sự quan tâm và lượt sử dụng dịch vụ đặc biệt là ở Mỹ, kể từ khi đại dịch bùng phát.

Dịch vụ mua trước trả sau gặt hái nhiều thành công. Ảnh: Onepointsolutions

Afterpay, một dịch vụ có trụ sở tại Úc chia sẻ với Reuters rằng, họ đã chứng kiến ​​số lượng người dùng hoạt động từ Mỹ tăng hơn gấp đôi, đạt 6,5 triệu vào cuối tháng 6 năm 2020, trong khi doanh số bán hàng trong khu vực này tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Hơn một nửa khách hàng Hoa Kỳ của Afterpay nằm trong độ tuổi từ 25 đến 40. Affirm, một công ty tương tự, có trụ sở tại San Francisco, cũng tuyên bố doanh thu của họ đã tăng 93% lên 509,5 triệu USD vào quý 2 năm 2020.

Trong một năm đầy biến động đối với nền kinh tế và với tình hình an ninh, việc làm không chắc chắn, không có gì đáng ngạc nhiên khi người tiêu dùng đang chuyển sang sử dụng các dịch vụ mua trước - trả sau để giúp giảm bớt chi phí mua hàng trực tuyến của họ. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy họ ngày càng khó đáp ứng thời hạn trả nợ.

Trong một nghiên cứu được thực hiện bởi Credit Karma trên 1038 người tiêu dùng Hoa Kỳ, gần 40% trong số những người đã thanh toán trực tuyến không thể hoàn tất thanh toán trong một lần, và kết quả là 72% đã bị hạ điểm tín dụng. Đáng chú ý hơn, 42% số người được hỏi cho biết trước đây họ đã sử dụng gói mua trước - trả sau, cho thấy sự quan tâm đến dịch vụ ngày càng trở nên phổ biến hơn đối với người tiêu dùng Millennials.

Hơn 70% thương hiệu D2C đã hoặc sẽ tích hợp dịch vụ Subscription vào chiến lược thương mại điện tử

Dữ liệu được công bố trong báo cáo “Subscription Trends 2021” của Bold Commerce chỉ ra rằng hơn 70% thương hiệu D2C đã hoặc sẽ sớm tích hợp Subscription (đăng ký) vào chiến lược thương mại điện tử của họ. Hơn nữa, hơn một nửa (54%) số người được hỏi khẳng định Subscription chiếm hơn 20% tổng doanh số bán hàng của họ.

Hoạt động bán lẻ dựa trên đăng ký đã được chứng minh là một cách để cải thiện lòng trung thành và giá trị lâu dài của khách hàng - cả hai điều này đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi các hành vi mua sắm mới do đại dịch gây ra. Thật vậy, 57% thương hiệu triển khai các chương trình khách hàng thân thiết cho biết có thể kéo dài mối quan hệ với khách hàng trung bình ở mức 1 năm trở lên. 

Ảnh: boldcommerce

20% nhà bán lẻ cho biết, các chương trình giảm giá là một cách khá hiệu quả để khuyến khích việc đăng ký với mức tăng trưởng hàng tháng trên 50%. Trong khi đó, 1/4 số thương hiệu cung cấp các lợi ích bổ sung như một phần của gói đăng ký, chẳng hạn như giao hàng miễn phí hoặc quyền truy cập sớm vào bộ sưu tập mới, đang có cùng mức tăng trưởng (50%). Điều này cho thấy các thương hiệu cần phải suy nghĩ nhiều hơn là chỉ giảm giá nếu họ muốn người tiêu dùng đăng ký, vì các đặc quyền khác dường như có ảnh hưởng nhiều hơn đến mức độ hấp dẫn tổng thể.

Các lợi ích bổ sung khi đăng ký làm mức tăng trưởng tăng 50%. Ảnh: boldcommerce

Hiện tại, những ngành đang có mức tăng trưởng cao nhất (từ 25% trở lên mỗi tháng) có thể kể đến: Hàng thể thao đứng đầu với 69% thương hiệu trong danh mục này, tiếp theo là các ngành Công nghiệp/B2B (60%) và Ô tô (57%). Các ngành đang phát triển khác có mức tăng trưởng đăng ký hàng tháng khiêm tốn từ 10% trở lên bao gồm thực phẩm và đồ uống, công nghệ và thời trang.

Hơn 2/3 người tiêu dùng Châu Âu bày tỏ sự quan tâm đến “shoppertainment”

Theo báo cáo năm 2021 của Forrester và AliExpress, sau thành công về thương mại điện tử của Trung Quốc trong lĩnh vực này, hơn 2/3 người tiêu dùng châu Âu đã bày tỏ sự quan tâm đến ‘shoppertainment’ - mua sắm kết hợp giải trí, tức là mua sắm trực tuyến thông qua phát trực tiếp, trò chơi tương tác và nội dung video.

Shoppertainment đã được chứng minh khả năng thúc đẩy sự tham gia và mua hàng của người tiêu dùng (đặc biệt là mua hàng ngẫu hứng) và được hỗ trợ mạnh mẽ bởi sự bùng nổ của mua sắm trực tuyến trong năm qua. Nghiên cứu trước đây của Forrester dự báo tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm trong lĩnh vực giải trí mua sắm chỉ riêng ở Trung Quốc vào năm 2023 là 45,7%, nhưng đại dịch đã làm thay đổi mục tiêu và nhiều khả năng điều này có thể đạt được sớm hơn dự kiến.

Giờ đây, các khu vực ở phương Tây đã bắt đầu thử nghiệm ý tưởng mua sắm và người tiêu dùng châu Âu đặc biệt hào hứng với tương lai của khái niệm này, đặc biệt là những người trong độ tuổi 18-34. Người tiêu dùng đánh giá cao giá trị mà shoppertainment mang lại. Họ tin rằng họ có thể tiết kiệm thời gian (30%), tìm các giao dịch rẻ hơn (28%) và tiếp cận với nhiều loại sản phẩm hơn (27%) thông qua các kênh trực tuyến này.

Người tiêu dùng châu Âu bày tỏ sự quan tâm đến shoppertainment. Ảnh: AliExpress

Tuy nhiên, 1/5 người tiêu dùng được khảo sát cho biết không phải lúc nào họ cũng tin tưởng vào chất lượng sản phẩm và họ không chắc mình luôn có thể tìm được sản phẩm hoặc ưu đãi tốt nhất mà họ cần vào đúng thời điểm.

Điện tử, thời trang và mỹ phẩm là các danh mục sản phẩm lớn nhất mà người tiêu dùng đặc biệt quan tâm khi khám phá thông qua giải trí mua sắm, đặc biệt là thông qua phát trực tiếp. Họ cũng bày tỏ mong muốn có thể mua sắm thực tế và nhanh chóng thông qua các loại kênh này, ngoài việc được giải trí. Các tính năng như khả năng đặt hàng, nhận phiếu mua hàng, xem thời gian giao hàng ước tính và chính sách trả hàng cũng như nội dung có độ dài từ 10 phút trở xuống là những tính năng phổ biến nhất với những người trả lời khảo sát.

36% người tiêu dùng toàn cầu nói rằng các đánh giá trực quan có ảnh hưởng đến việc mua quần áo

Dữ liệu từ một báo cáo của Bazaarvoice vào tháng 1/2021 cho thấy, đại dịch Covid-19 đã tác động đến cách thức người tiêu dùng lựa chọn mua sản phẩm trực tuyến, đặc biệt là thông qua UGC trực quan.

Những đánh giá của khách hàng chứa hình ảnh về sản phẩm được đề cập có tác động lớn đến việc những người mua sắm khác có mua mặt hàng đó hay không. 36% trong số hơn 8.000 người tiêu dùng toàn cầu nói rằng UGC có hình ảnh ảnh hưởng lớn đến quyết định mua hàng của họ trong lĩnh vực may mặc/thời trang - nhiều hơn nội dung video (chiếm 33%).

Công nghệ và điện tử, sức khỏe và sắc đẹp được xếp ở vị trí thứ hai, với 30% cho rằng các bài đánh giá ảnh có ảnh hưởng đến quyết định của họ, tiếp theo là đồ gia dụng và phần cứng (28%). Những người tiêu dùng Đức tham gia khảo sát cho biết, họ có nhiều khả năng sẽ mua đồ công nghệ và đồ điện tử nếu sản phẩm có các đánh giá trực quan kèm theo (44%). Ngược lại, 29% người tiêu dùng ở Pháp thích UGC trực quan cho các sản phẩm may mặc, nhưng ở Anh con số này chỉ là 17%.

Đi sâu hơn, cũng có sự khác biệt về tầm quan trọng của các đánh giá trực quan theo các nhóm tuổi khác nhau. Chẳng hạn, cùng là loại đánh giá có hình ảnh và video về sản phẩm nhưng loại nội dung này sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với danh mục sản phẩm thời trang đối với nhóm khách hàng từ 18-24 tuổi, còn khách hàng trong độ tuổi từ 65-74 thì là các sản phẩm công nghệ và điện tử.

Do đó, điều quan trọng là nhà tiếp thị phải hiểu các nhóm nhân khẩu học trong các cửa hàng trực tuyến của họ để đảm bảo các đánh giá hữu ích nhất xuất hiện nổi bật trên mỗi trang sản phẩm để tăng khả năng mua hàng.

Lượt tải xuống ứng dụng mua sắm tại Hoa Kỳ chậm lại với mức tăng trưởng 4% so với cùng kỳ năm trước trong quý 3 năm 2020 sau khi tăng đột biến trong quý 2

Theo Phân tích xu hướng bán lẻ trên thiết bị di động của Sensor Tower, được công bố vào quý 4/2020, lượt tải xuống ứng dụng mua sắm ở Hoa Kỳ đã chậm lại với mức tăng trưởng 4% so với cùng kỳ năm trước trong quý 3 năm 2020, sau khi tăng đột biến trong quý 2.

Trên App Store và Google Play, lượt tải xuống ứng dụng mua sắm trong khu vực đã vượt qua con số 150 triệu. Thứ hạng của các ứng dụng được tải xuống nhiều nhất hầu như không thay đổi trong suốt Q1-Q3 năm 2020, với Amazon, Wish và Walmart vẫn nằm trong ba ứng dụng hàng đầu, theo thứ tự đó, giống như năm ngoái. Tuy nhiên, ba ứng dụng bán lẻ mới lọt vào trong số bảy vị trí còn lại, phản ánh thành công của họ tại thị trường Hoa Kỳ trong năm nay - Shop (của Shopify) đã tăng vọt lên vị trí thứ tư, trong khi nhà bán lẻ thời trang SHEIN xếp thứ bảy và Nike chen chân ở vị trí thứ 10.

Lượt tải xuống ứng dụng trên App Store và Google Play giảm nhẹ vào quý 3. Ảnh: Wiki Mobile

Dữ liệu của Sensor Tower cũng tiết lộ rằng mức tăng trưởng lượt tải xuống ứng dụng của Hoa Kỳ đối với các nhà bán lẻ truyền thống hàng đầu từ Q1 đến Q3 năm nay gần như gấp đôi so với các ứng dụng chỉ bán lẻ trực tuyến hàng đầu (+27% so với +14%).

Điều này cho thấy người tiêu dùng Mỹ đã tìm ra một cách mới để mua sắm với các cửa hàng trên phố yêu thích của họ trong năm nay. Những khách hàng ưa chuộng chính sách giao hàng linh hoạt và nhận hàng không cần tiếp xúc, đặc biệt đã gặt hái được nhiều lợi ích từ các ứng dụng từ các loại nhà bán lẻ này.

Trung Quốc

MAU của Pinduoduo tăng 74,6 triệu trong quý 3 so với quý 2 năm 2020

Nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc Pinduoduo đã tăng 74,6 triệu người dùng hoạt động hàng tháng (MAU) trong quý 3 năm 2020 so với quý trước đó, lên tổng số 643,4 triệu. Số lượng người mua hoạt động hàng năm cũng tăng 36% lên 731,3 triệu người so với cùng kỳ năm 2019. Những con số này đã làm cho Pinduoduo trở thành công ty thương mại điện tử đạt được 700 triệu người mua hoạt động nhanh nhất thế giới mặc dù chỉ mới ra mắt được 5 năm.

Pinduoduo tăng trưởng nhanh chóng dù chỉ mới ra mắt được 5 năm. Ảnh: Global Times

Tổng giá trị hàng hóa (GMV) đạt con số khổng lồ 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (+73%) và doanh thu tăng 89% so với cùng kỳ năm ngoái lên 14,2 tỷ nhân dân tệ (2,1 tỷ USD) do người tiêu dùng Trung Quốc tiếp tục ưa chuộng mua sắm trực tuyến sau đỉnh bùng phát dịch trong khu vực. Chi phí bán hàng và tiếp thị giảm 20% là một trong những yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy con số này.

Vào tháng 8, Pinduoduo đã ra mắt dịch vụ giao hàng tạp hóa Duo Duo Maicai để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng trong bối cảnh đại dịch.

Mức độ thâm nhập hàng năm của hàng xa xỉ phẩm trực tuyến tại Trung Quốc tăng từ 13% năm 2019 lên 23% năm 2020

Theo báo cáo từ Bain, một sự bùng nổ hậu Covid trong thị trường xa xỉ của Trung Quốc có thể dẫn đến tăng trưởng 48% vào cuối năm 2020. Nếu kết quả phản ánh đúng điều này, tổng doanh số bán hàng xa xỉ trong năm có thể đạt 346 tỷ RMB và khi tiếp tục tăng trưởng, Trung Quốc đại lục có khả năng chiếm thị phần lớn nhất trong thị trường hàng xa xỉ vào năm 2025.

Phần lớn sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi những người tiêu dùng trẻ tuổi trong nhóm MillennialsGen Z, những người thường sử dụng Internet để nghiên cứu và mua hàng hóa xa xỉ hơn so với các nhóm khách hàng trưởng thành. Thâm nhập trực tuyến hàng xa xỉ hàng năm của Trung Quốc đã tăng tổng cộng 10 điểm phần trăm chỉ tính riêng từ năm 2019 đến năm 2020 lên 23%, do những thay đổi trong thói quen mua sắm.

Tính đến tháng 10 năm 2020, doanh số thương mại điện tử làm đẹp xa xỉ đã tăng 60% so với cùng tháng năm trước và dần trở nên đặc biệt phổ biến đối với người tiêu dùng Trung Quốc.

Mức độ thâm nhập thương mại điện tử vẫn còn khá thấp đối với thời trang và phong cách sống sang trọng ở Trung Quốc, lĩnh vực này được dự đoán sẽ tăng từ 5% vào năm 2019 lên 7% vào năm 2020. Trong khi mức độ thâm nhập trong lĩnh vực làm đẹp sang trọng vượt xa bất kỳ ngành hàng nào khác (dự kiến ​​tăng trưởng 28% vào năm 2019 lên 38% trong năm 2020).

Bain tin rằng bán lẻ xa xỉ trực tuyến đã thay đổi vĩnh viễn kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, và mức độ thâm nhập trực tuyến của lĩnh vực này của hầu hết các thương hiệu ở Trung Quốc sẽ đạt từ 20% -25% trong vòng ba năm tới.

Black Friday và Ngày độc thân 2020

Người bán bên thứ ba trên Amazon ghi nhận ​​mức tăng trưởng 60% so với cùng kỳ năm ngoái trong doanh thu cuối tuần trong Black Friday

Trong một bài đăng trên blog vào ngày 1/12/2020, Amazon tiết lộ rằng hiệu suất bán hàng vào cuối tuần của Black Friday, bao gồm cả Cyber Monday, đã giúp mùa lễ hội năm 2020 trở thành "kỳ nghỉ lễ lớn nhất" đối với công ty.

Các chương trình khuyến mãi trong Black Friday đã giúp ​​những người bán bên thứ ba (hay người bán độc lập) của Amazon tăng doanh số bán hàng của họ lên 60% so với cùng kỳ năm trước, vượt qua doanh thu 4,8 tỷ USD trên toàn thế giới. Amazon cũng tuyên bố rằng hơn 71.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) bán hàng thông qua nền tảng này đã kiếm được hơn 100.000 USD trong mùa lễ hội này.

Ngoài ra, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Mỹ đã bán được trung bình 9.500 sản phẩm mỗi phút qua Amazon trong mùa lễ hội và hơn 2.2 triệu việc làm đã được tạo ra trên toàn thế giới

Các sản phẩm bán chạy nhất ở Mỹ trong mùa lễ hội năm 2020 bao gồm: loa thông minh Echo Dot và Amazon Smart Plug, cuốn sách “A Promised Land” của Barack Obama, máy làm tóc REVLON, Lite-Brite Ultimate Classic, Dịch vụ sức khỏe và xét nghiệm di truyền 23andMe.

Đồ dùng chăm sóc cá nhân, đồ chơi và vật nuôi là một trong những danh mục có xu hướng phát triển nhanh nhất trong khu vực vì mọi người bắt đầu tìm kiếm quà tặng sớm hơn bình thường. Các sản phẩm chăm sóc da, đồ ngủ và bộ đồ chơi LEGO cũng nhận được sự chú ý với người tiêu dùng khi lệnh giãn cách xã hội chưa được nới lỏng trước Giáng sinh. Amazon cũng cho biết có nhiều khách hàng đăng ký dịch vụ Amazon Pharmacy để nhận đơn thuốc của họ một cách thuận tiện hơn.

Các nhà bán lẻ ở Anh ghi nhận ​​doanh số bán hàng tại cửa hàng trực tuyến tăng 23% vào Black Friday YoY

Phân tích từ Nosto cho thấy doanh số bán hàng tại các cửa hàng trực tuyến ở Anh đã tăng 23% vào Black Friday năm 2020. Đi kèm với đó là mức tăng 35% về lượt truy cập cửa hàng trực tuyến và tỷ lệ chuyển đổi tăng 2% so với sự kiện vào năm 2019. Tuy nhiên, giá trị đơn đặt hàng trung bình giảm 4%, có thể là do chiết khấu nhiều hơn để khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu trong bối cảnh tài chính không chắc chắn.

Trên toàn cầu, đồ dùng cho vật nuôinhà cửa & làm vườn đứng đầu so với các ngành dọc khác, với mức tăng lần lượt là 60% và 52% trong doanh số bán hàng trực tuyến. Phần lớn các danh mục còn lại được phân tích đều tăng trưởng so với kết quả ngày Black Friday vào năm ngoái, ngoại trừ thời trang và phụ kiện giảm 4% mặc dù lưu lượng truy cập tăng 7%. Danh mục này cũng có tỷ lệ chuyển đổi giảm 5%giá trị đơn hàng trung bình giảm 3%.

Nhìn chung, hành vi của người tiêu dùng trực tuyến toàn cầu đã thay đổi khá nhiều. Trong năm 2020, số lượng trang được xem đã tăng 24%, thời gian dành cho một trang bất kỳ cũng tăng 20% và tỷ lệ thoát giảm 2% cho thấy rằng người mua sắm đang mua hàng có mục đích hơn và cân nhắc hơn trong thời gian diễn ra sự kiện.

Ngoài ra, số lượng đề xuất sản phẩm cũng đã tăng 30%, cho thấy rằng các nhà bán lẻ đã áp dụng các biện pháp bổ sung để đảm bảo trải nghiệm được cá nhân hóa cho khách truy cập và tăng cơ hội chuyển đổi hoặc upsell tốt hơn.

Sự kiện bán hàng Ngày độc thân của Alibaba phá vỡ mọi kỷ lục

Ngày 11 tháng 11 năm 2020 chứng kiến ​​Alibaba đạt doanh số kỷ lục cho một trong những sự kiện bán lẻ lớn nhất ở Trung Quốc - Ngày Độc thân. Các giao dịch mua được thực hiện trong thời gian 11 ngày của chiến dịch bao gồm cả kỳ nghỉ không chính thức đã đạt mức 74 tỷ USD, kỷ lục mới của công ty và tăng 26% so với sự kiện của năm 2019.

Trong thông cáo báo chí của mình, gã khổng lồ thương mại điện tử này cho biết hơn 470 thương hiệu trên Alibaba đã kiếm được 100 triệu nhân dân tệ tổng giá trị hàng hóa (GMV) nhờ lễ hội mua sắm này. Alibaba cũng tuyên bố rằng, họ đã xử lý 583.000 lượt mua mỗi giây trong thời gian cao điểm của chiến dịch. Trong số 250.000 thương hiệu tham gia sự kiện, 31.000 thương hiệu có nguồn gốc từ bên ngoài thị trường Trung Quốc và 2.600 thương hiệu trong số này tham gia sự kiện lần đầu tiên.

Nhiều công cụ kỹ thuật số đã ra đời trong sự kiện Ngày Độc thân năm nay. Theo dữ liệu của Alibaba, chatbot được hỗ trợ bởi AI của họ đã xử lý 2,1 tỷ câu hỏi và hơn 30 kênh phát trực tiếp trên Taobao Live (công cụ phát trực tiếp của Tập đoàn Alibaba) đã kiếm được hơn 100 triệu nhân dân tệ trong GMV.

South China Morning Post đưa tin, đối thủ của Alibaba - JD.com kiếm được 271 tỷ nhân dân tệ (40,9 tỷ đô la Mỹ) trong suốt kỳ nghỉ lễ, và nhà bán lẻ đa kênh lớn Suning.com cũng đã vượt 5 tỷ nhân dân tệ (756 triệu đô la Mỹ) GMV đa kênh trên nền tảng thương mại điện tử, cửa hàng Tmall và các cửa hàng phát trực tiếp 19 phút sau nửa đêm ngày 11 tháng 11.

Lương Hạnh - MarketingAI

Theo econsultancy

>> Có thể bạn quan tâm: Thống kê quan trọng nhất về Instagram dành cho các nhà tiếp thị năm 2021
Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.