Báo cáo về ảnh hưởng của Covid-19 lên người tiêu dùng Việt Nam tại khu vực nông thôn

06 Thg 04

Tính đến 6h sáng ngày 6/4/2020, thế giới đã ghi nhận 1.270.653 ca nhiễm virus chủng mới SARS-CoV-2, với 69.376 ca tử vong. Người dân tại các nước phương Tây bắt đầu được yêu cầu đeo khẩu trang để ngăn dịch lây lan. Tại Việt Nam, bắt đầu từ ngày 1/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch COVID-19 toàn quốc, đồng thời thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày, chính thức đánh dấu khoảng thời gian quan trọng trong công tác chống dịch. Tình hình dịch bệnh nghiêm trọng gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó không tránh khỏi là những tác động đến ngành FMCG. Ở nước ta, ngoài khu vực thành thị, nông thôn cũng là khu vực bị ảnh hưởng không nhẹ. Chi tiêu của người tiêu dùng cho các sản phẩm FMCG ở khu vực này cho thấy sự chậm lại trong hai tháng đầu năm 2020, chủ yếu là do giai đoạn bắt đầu từ ngày 1 tháng 2 khi Thủ tướng tuyên bố dịch bệnh chính thức tại Việt Nam.

Hành vi mua sắm, tặng quà bị gián đoạn bởi COVID-19

Kể từ khi xuất hiện tại Việt Nam với 2 ca nhiễm đầu tiên vào ngày 23/1/2020 (tức 29 Tết Canh Tý), dịch bệnh Covid-19 đã trải qua 3 mốc thời gian quan trọng như trong hình dưới đây.

Nhìn lại khoảng thời gian trên, có thể thấy, dịch bệnh Covid-19 đã bắt đầu xuất hiện và lây lan trong khoảng thời gian Tết Nguyên Đán. Thống kê của Kantar cho thấy, sau thời điểm Tết, người tiêu dùng ở nông thôn cũng đã bắt đầu có những động thái dự trữ hàng tiêu dùng sau Tết, chỉ chậm hơn 1 tuần sau thời kỳ cao điểm của khu vực Thành thị.

Trong khi đó mùa Tết năm 2019, sức mua FMCG ở khu vực nông thôn giảm từ tuần nghỉ lễ và trở lại bình thường chậm hơn nhiều so với khu vực thành thị, do sức mua mùa Tết người dân khu vực nông thôn cao hơn người dân Thành thị.

Bên cạnh đó, hành vi mua sắm và tặng quà trong giai đoạn sau Tết Canh Tý bị đánh giá là lên xuống thất thường, do những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm gián đoạn. Dịch đến, người dân chỉ lo tích trữ hàng hóa thay vì để tâm đến các chương trình khuyến mãi khủng sau Tết, khiến nhiều doanh nghiệp lao đao và phải hoãn hủy rất nhiều sự kiện.

Để có thể nhìn thấy chính xác những tác động của COVID-19 lên hành vi mua sắm của người tiêu dùng, Kantar Worldpanel phân tích dữ liệu mua sắm trong 4 tuần sau Tết năm 2020 (thông tin về dịch bắt đầu lan truyền rộng rãi tại Việt Nam và bắt đầu có ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng ngay từ tuần đầu tiên sau Tết Nguyên Đán) so với 4 tuần sau Tết năm 2019.

Những thay đổi trong giỏ hàng tiêu dùng của người nông thôn

Dưới tác động của Covid-19, nông thôn Việt Nam cũng cho thấy một bức tranh tương tự với sự tăng trưởng chậm lại của thị trường FMCG trong 2 tháng đầu năm 2020. Phần lớn do sự giảm sâu của ngành hàng thức uống trong khi các ngành hàng còn lại vẫn duy trì tăng trưởng.

Cụ thể, tăng trưởng FMCG hằng năm trong năm 2020 chỉ đạt 6,5%; kém hơn so với con số 8,6% đầy ấn tượng năm 2019. Con số này được cho là do mức giảm tới 1,5% của ngành thức uống, trong khi đó, các sản phẩm ngành khác như Sữa, Sản phẩm đóng gói, Sản phẩm chăm sóc cá nhân, gia đình đều tăng mạnh.

Điều này có thể lí giải do tâm lý lo lắng hoang mang của người dân trong bối cảnh số ca lây nhiễm ngày càng tăng, đặc biệt là ở các khu vực đông người; tiệc tùng, sự kiện đều bị hạn chế dẫn đến tiêu thụ đồ uống giảm mạnh. Chưa kể bộ luật cấm người sử dụng chất có cồn tham gia giao thông đầu năm 2020 cũng là yếu tố không nhỏ khiến ngành hàng này gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc người dân ở nhà nhiều hơn cũng như việc học sinh được nghỉ ở nhà đòi hỏi nhu cầu tích trữ lương thực, do vậy các ngành hàng "khẩn cấp" phục vụ nhu cầu tích trữ, giúp phòng/chống dịch bệnh vẫn ghi nhận những mức tăng trưởng cao.

Cụ thể, trong bức tranh tổng quát dưới đây, danh sách cắt giảm tiêu biểu có thể kể đến như kẹo, đồ uống có ga, bánh quy, bia, rượu, nước trái cây, nước tăng lực,....; danh sách giảm chi tiêu gồm có tương ớt, tã giấy trẻ em, sữa nước, dầu gội.Ddanh sách trữ hàng tăng lên đáng kể gồm 3 nhóm hàng chính là Vệ sinh cá nhân & Chăm sóc gia đình; Sản phẩm tăng cường miễn dịch Thực phẩm tiện lợi & Nhu yếu phẩm.

Nông thôn và thành thị - hai bức tranh khác biệt

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid19, việc người tiêu dùng ngày càng lo lắng đã có những tác động nhất định đến việc mua sắm các ngành hàng FMCG. Xu hướng tích trữ hàng hóa thể hiện rõ ở cả 2 khu vực Thành thị 4 TP và Nông thôn, dẫn đến mức tăng trưởng 2 con số ở hầu hết các ngành hàng chính trừ thức uống - ngành hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất từ đại dịch Covid19.

Chính sự sụt giảm sâu của ngành hàng Thức uống ở nông thôn đã dẫn khiến FMCG phải “lao đao chống chọi” ở thị trường này. Tuy mức giảm 0,7% không phải là con số quá to tát, nhưng trong bối cảnh Thành thị vẫn ghi nhận sự tăng trưởng 10% thì đây chắc chắn là dấu hiệu mà ngành FMCG phải tính tới và sớm có những phương án ứng biến trong thời gian nhanh nhất.

>> FMCG – Offline Marketing đâu phải là tất cả?

Tạm kết

Những gì mà đại dịch Covid-19 đang gây ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế của Việt Nam nói riêng và của toàn thế giới nói chung. Hàng loạt sự kiện bị hoãn hoặc hủy bỏ, các tụ điểm giải trí tập trung đông người, nhà hàng phải đóng cửa. Tất cả đã gây ra những tổn thất nặng nề về kinh tế tới các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp ngành dịch vụ. Khi mà những tưởng FMCG là ngành hàng “thoát khỏi” sự ảnh hưởng đó, thì ở khu vực nông thôn, ngành hàng này vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn nhất định, đòi hỏi những thay đổi tích cực hơn trong thời gian tới.

Tô Linh - MarketingAI

Theo Kantarworldpanel

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.