[Báo cáo] Xu hướng thảo luận mùa "nóng đổ lửa" trên Social Media mà các thương hiệu Máy lạnh cần nắm bắt

24 Thg 04

Thời tiết nắng nóng bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 7 không chỉ tăng nhiệt từ ngoài đường và trong cuộc sống hàng ngày mà "nóng" và "làm sao để hết nóng" còn trở thành chủ đề của hàng loạt cuộc thảo luận trên Social Media. Đây cũng chính là cơ hội vàng mà các thương hiệu ngành máy lạnh cần nắm bắt.

Hãy cùng nhìn lại thảo luận của người dùng trên mạng xã hội về ngành hàng máy lạnh trong mùa nắng nóng 2018 theo số liệu từ Hệ thống Social Listening & Market Intelligence (SocialHeat) của YouNet Media - công cụ có khả năng thu thập và phân tích thông tin theo thời gian thực một cách tự động và có phạm vi thu thâp bao phủ hơn 90% các nguồn tin tức và thảo luận từ các mạng xã hội.

Những thương hiệu máy lạnh nổi bật trong các cuộc thảo luận trên Social Media

Dưới đây là bảng xếp hạng Top 10 thương hiệu máy lạnh nổi bật trên Social Media trong mùa nóng 2018 với số liệu được tổng hợp từ tháng 3 đến tháng 7 năm 2018 theo Báo cáo nghiên cứu ngành hàng Máy lạnh của YouNet Media.

Trong số 10 thương hiệu máy lạnh nổi bật nhất mùa nóng năm ngoái thì có tới một nửa (chiếm 50%) là các thương hiệu đến từ Nhật Bản. Điều này cho thấy mặt hàng điện tử từ Nhật vẫn được người tiêu dùng Việt ưa chuộng với niềm tin về uy tín, chất lượng.

Các cuộc thảo luận về chủ đề máy lạnh một phần đến từ các cuộc thảo luận tự nhiên xuất phát từ nhu cầu tìm hiểu sản phẩm trước khi đưa ra các quyết định mua hàng. Còn lại lượng thảo luận sôi nổi hơn là do hoạt động từ các thương hiệu tạo ra. Top 3 của BXH là Aqua, Panasonic và LG, các thương hiệu đều thực hiện các hoạt động tăng tương tác như tổ chức các minigame trên fanpage và sử dụng influencer để tạo ảnh hưởng cũng như tăng thảo luận về thương hiệu, sản phẩm.

Diễn biến thảo luận chủ đề "chống nóng" của người dùng mạng xã hội

Thời điểm các cuộc thảo luận diễn ra sôi nổi

Các cuộc thảo luận về thị trường máy lạnh bắt đầu có xu hướng tăng từ tháng 2 cho tới tháng 6 trong năm và bắt đầu giảm dần. Tuy nhiên, so với 2 tháng đầu năm thì bắt đầu từ tháng thứ 3, thị trường máy lạnh đã bắt đầu sôi nổi hơn, đỉnh điểm là tháng 5,6 khi nhiệt độ cao khiến người dùng chọn giải pháp mua máy lạnh ngay để có thể chống lại nhiệt độ nóng bức mùa hè.

Thảo luận được tạo ra trong 2 tháng cao điểm (1/5/2018 - 30/6/2018) chiếm hơn 60% tổng thảo luận về ngành hàng máy lạnh trên social media năm mùa nắng nóng năm 2018.

Đối tượng thảo luận

Theo thống kê nhân khẩu học từ SocialHeat, hơn nửa số người tham gia thảo luận về chủ đề máy lạnh có là nam giới (chiếm 59.6%). Với đặc thù sản phẩm thiên về công nghệ và dựa trên các thông số kĩ thuật cho nên nam giới sẽ là đối tượng thảo luận chính trong các chủ đề về máy lạnh trên Social Media.

Độ tuổi thảo luận về máy lạnh trên Social Media có đến 73.4% thuộc nhóm 25-34. Đây cũng là nhóm bắt đầu có nhiều mối quan tâm và có khả năng tài chính trong việc mua sắm các vật dụng và thiết bị dùng cho gia đình.

Nguồn thảo luận chính trên Social Media về chủ đề máy lạnh

Phần lớn các cuộc thảo luận được diễn ra trên Facebook, chiếm 80.1% tổng thảo luận trên Social Media. Thảo luận phần lớn đến từ các hội nhóm Facebook (47.3%) công nghệ như Group Tinh tế, Liên chi hội cơ điện lạnh... với thành viên chủ yếu là nam, có kiến thức chuyên môn hoặc có nhiều hiểu biết và thông tin về các thiết bị điện tử.

Bên cạnh đó, tại các diễn đàn về công nghệ như Otofun.net, Vozforums.com… người dùng cũng tạo nhiều topics nhờ tư vấn chọn máy lạnh, vệ sinh, bảo trì và sửa chữa máy… Điều này mang lại nhiều góc nhìn hữu ích về tâm lý người dùng máy lạnh trong quá trình trước và trong khi sử dụng.

Ở các kênh E-commerce như Tiki, Lazada và E-retailer như Điện máy Xanh, Nguyễn Kim, Điện máy Chợ Lớn…là lượng thảo luận của người dùng về vấn đề hỏi đáp, xin tư vấn về sản phẩm.

Đặc biệt tại các trang E-retailer, phần lớn thảo luận của người dùng là phản hồi sau sử dụng về sản phẩm, dịch vụ. Đây cũng chính là nguồn tham khảo bổ ích cho những người dùng khác đang có ý định và cân nhắc các sản phẩm máy lạnh cùng phân khúc.

Top những quan tâm xung quanh chủ đề thảo luận "chống nóng"

Máy lạnh là một mặt hàng tiêu dùng với giá trị sử dụng lâu dài, bên cạnh đó là các chi phí hàng tháng về điện năng, cho nên xuất phát từ ý định “mua để tránh nóng” những người dùng quan tâm tới nhiều tiêu chí.

Các yếu tố thuộc sản phẩm như tính năng, hiệu năng, chất lượng,... và thương hiệu như tên thương hiệu, xuất xứ,... là 2 tiêu chí hàng đầu của người dùng trên Social Media.

Trong giai đoạn chọn mua sản phẩm, thảo luận từ mạng xã hội cho thấy người dùng vẫn bày tỏ mối quan tâm đặc biệt đến những tính năng phù hợp với nhu cầu của mình.

Người dùng mạng xã hội tham khảo nhiều nguồn và tìm hiểu kĩ thông tin về các thông số kĩ thuật của sản phẩm ví dụ như yếu tố lựa chọn công suất lạnh phù hợp với diện tích phòng hay lựa chọn sản phẩm tiết kiệm điện năng/inverter. Nếu trong nhà có người lớn tuổi và trẻ nhỏ thì các tính năng tốt cho sức khỏe (kháng khuẩn, chế độ vận hành êm và tự điều chỉnh nhiệt độ khi ngủ,…) càng được chú trọng.

Các thương hiệu nổi tiếng đến từ Nhật như Panasonic, Daikin, Toshiba vẫn được người dùng gợi ý nhau nhiều nhất trên các chủ đề thảo luận trên các group, diễn đàn MXH với 1,396 thảo luận. Các thảo luận cho thấy họ muốn mua hàng nội địa Nhật và sẵn sàng đầu tư để mua hàng mới (brandnew) chứ “không muốn dùng hàng Nhật bãi (secondhand)”.

Từ đặc thù sản phẩm là đòi hỏi kỹ thuật lắp đặt cùng với các vấn đề liên quan đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày dịch vụ khi mua sản phẩm như vận chuyển, lắp đặt, bảo hành là những quan tâm tiếp theo của người dùng khi chọn mua máy lạnh.

Bên cạnh đó, hiện nay, yếu tố trả góp cũng được nhiều người dùng quan tâm khi họ muốn mua sản phẩm bền, chất lượng cao, đến từ thương hiệu nổi tiếng, phù hợp với nhiều yêu cầu kĩ thuật nhưng chưa đủ tài chính để mua ngay.

Bên cạnh đó, giá cả và khuyến mãi không còn là yếu tố quyết định hàng đầu trong việc mua một sản phẩm khi những lợi ích và đầu tư về lâu dài được chú trọng hơn cả như mặt hàng máy lạnh.

Những cơ hội Marketing mà các thương hiệu máy lạnh cần nắm bắt

Từ những điểm chính của báo cáo ngành hàng máy lạnh giai đoạn tháng 3 đến tháng 7 năm 2018 từ YouNet Media ở trên, một số những cơ hội mà các thương hiệu cần nắm bắt để có thể gia tăng doanh số mùa hè trên Social Media như sau:

Những cơ hội Marketing mà các thương hiệu máy lạnh cần nắm bắt (Ảnh: energyrating)

1. Chú trọng các điểm chạm Facebook group và Forum

Trong giai đoạn đầu trong quá trình cân nhắc mua máy lạnh của người dùng mạng xã hội, các thông tin trên Facebook group và Forum tác động và ảnh hưởng đến các khách hàng. Các thương hiệu máy lạnh - điện máy nên tham gia trực tiếp các hội nhóm và thường xuyên tương tác để tăng cường tiếp cận và cung cấp nhiều thông tin cho khách hàng.

Tuy nhiên, các thương hiệu khi chia sẻ nội dung và review trong group/forum cần dùng ngôn từ tự nhiên, kể về trải nghiệm hoặc gợi chủ đề hỏi đáp hơn là seeding và spam lộ liễu.

2. Thường xuyên lắng nghe ý kiến, thảo luận trên E-commerce/E-retailer

Các thương hiệu nên thường xuyên lắng nghe ý kiến, thảo luận của khách hàng trên các trang E-commerce/E-retailer. Các thương hiệu có thể cải thiện chất lượng dịch vụ và ngăn ngừa những tiêu cựcngay từ khi chớm bắt đầu, đây cũng sẽ là một lợi thế lớn cho các thương hiệu ngành hàng máy lạnh.

3. Đẩy mạnh Content Marekting trên Fanpage

Thời tiết nắng nóng tác động đến nhu cầu của các khách hàng, thúc đẩy họ tìm kiếm thông tin và tham khảo sản phẩm máy vậy. Vậy nên, để tác động đến đối tượng khách hàng kịp thời ngay từ giai đoạn tìm hiểu thông tin, việc đẩy mạnh Content Marketing sẽ tạo ra những lợi thế vô cùng lớn. Các tuyến nội dung truyền tải qua hình ảnh, bài viết trên Fanpage sẽ giúp doanh nghiệp chủ động tác động tự nhiên tới đối tượng khách hàng.

 Một bài đăng hài hước so sánh “tổng số tiền bỏ ra suốt một tháng để đi cà phê tránh nóng của dân văn phòng và số tiền để tậu máy lạnh” là cách thể hiện sự nhạy bén của thương hiệu.

Tuy xuất phát từ nhu cầu về “mùa nóng" nhưng người dùng mạng xã hội vẫn rất cân nhắc và lựa chọn kĩ lưỡng trước khi ra quyết định. Vì vậy, thương hiệu cũng đừng quên chú trọng tăng cường các tuyến nội dung về tính năng hiện đại, nổi bật mang lợi ích thiết thực cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng.

Ngọc Mai - MarketingAI

Theo YouNet Media

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.