Bất chấp kinh tế khó khăn, người Việt vẫn mạnh tay chi tiêu cho quán cà phê: 3/10 người sẵn sàng đi cà phê hằng tuần

02 Thg 04

Trong báo cáo Thị trường Kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam 2023 mới đây của iPos.vn cho thấy nhu cầu chi tiêu cho các dịch vụ F&B như Quán cà phê, Nhà hàng,... có xu hướng tăng trưởng trong thời gian vừa qua dù phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế. Báo cáo được thực hiện thông qua cuộc khảo sát 3.791 đáp viên, đến từ 63 tỉnh thành trên cả nước.

Theo kết quả báo cáo từ iPos cho thấy, mặc dù đứng trước những khó khăn về suy thoái kinh tế và lạm phát diễn ra trên toàn cầu, nhu cầu của người tiêu dùng Việt đối với các nhóm dịch vụ ẩm thực bên ngoài vẫn tăng cao.

Nhóm dịch vụ ẩm thực bên ngoài

Đối với mảng dịch vụ ẩm thực bên ngoài, có tới 17,1% người tham gia khảo sát chia sẻ rằng họ ăn ngoài mỗi ngày. Bên cạnh đó, có tới 28,9% thực khách sẽ ra ngoài ăn 3-4 lần/tuần, con số này tăng tới 11% so với năm 2022 (17,9%).

Khảo sát cũng cho thấy rằng nhu cầu ăn ngoài của người tiêu dùng Việt có sự phân hóa khá lớn theo tình trạng hôn nhân. Những người chưa có gia đình (độc thân hoặc đang hẹn hò) có xu hướng ăn ngoài cao hơn, cụ thể: 17,5% đối với người độc thân và 18,7% với người đang hẹn hò. Trong khi đó, những người có gia đình có tỷ lệ ăn ngoài chỉ khoảng 13,7%.

Nhóm dịch vụ quán cà phê

Nhu cầu đi cà phê của người tiêu dùng Việt thậm chí còn tăng trưởng mạnh hơn cả nhóm dịch vụ ẩm thực ngoài, cả về tần suất lẫn mức độ chi tiêu.

Bất chấp kinh tế khó khăn, người Việt vẫn mạnh tay chi tiêu cho quán cà phê: 3/10 người sẵn sàng đi cà phê hằng tuần- Ảnh 1.

Báo cáo chỉ ra rằng, 42,6% người tiêu dùng Việt sẽ đi cà phê khoảng 1 - 2 lần/tháng. Trong đó, lượng khách hàng đi cà phê thường xuyên có xu hướng tăng mạnh so với năm 2022. Có tới 30,4% đáp viên trả lời rằng họ đi cà phê 1-2 lần/tuần, có nghĩa rằng cứ 10 người tiêu dùng Việt thì sẽ có tới 3 người đi cà phê hằng tuần. Trong năm 2022, con số này chỉ ở mức 22,6%.

Không chỉ gia tăng về lượng cầu, mức độ chi tiêu của người tiêu dùng Việt cho nhu cầu đi quán cà phê cũng tăng trưởng đáng kể trong năm 2023, đi ngược lại với xu hướng cắt giảm và thắt chặt chi tiêu nói chung. Cụ thể, trong 10 người Việt sẽ có tới 6 người (59,5%) sẵn sàng chi 41.000 đ cho một buổi gặp gỡ tại quán cà phê.

Trong đó, phân khúc quán cà phê giá tầm trung, trong khoảng 41.000 – 70.000 VN, vẫn là sự lựa chọn bổ phiến nhất của người tiêu dùng (45,2%). Đây được xem là mức giá trung bình của phần lớn các quán cà phê tại Việt Nam hiện nay, bao gồm chuỗi lớn như Highlands Coffee, The Coffee House, Phúc Long,... cũng nằm trong phân khúc giá này.

Đối với phân khúc cao cấp (từ 70.000 trở lên) bao gồm những cái tên tiêu biểu như Starbucks, % Arabica Vietnam,... nhu cầu của người tiêu dùng không có nhiều thay đổi so với cùng kỳ năm 2022. Phân khúc này chỉ chiếm khoảng 14,3% lựa chọn của người tham gia khảo sát.

Ngược lại với hai phân khúc trên, nhóm cà phê mang đi lại có dấu hiệu đi xuống trong năm 2023. Chỉ có khoảng 36% đáp viên trả lời rằng họ thường xuyên đặt các loại đồ uống mang về từ 40.000 đ trở lên (đã bao gồm phí vận chuyển và khuyến mãi). Ngoài ra, có khoảng 25% đáp viên phản hồi họ chưa từng hoặc hiếm khi đặt cà phê về nhà, đặc biệt là nhóm nam giới.

Lời kết:

Như vậy có thể thấy, tình trạng lạm phát và suy thoái kinh tế trên toàn cầu dường như không ảnh hưởng nhiều tới nhu cầu sử dụng các dịch vụ ăn uống bên ngoài của người tiêu dùng Việt Nam trong thời gian vừa qua. Với tốc độ tăng trưởng này, dự kiến năm 2024, khi tình trạng lạm phát dần giảm tốc, nhu cầu đối với dịch vụ ăn và quán cà phê sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa.

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.