Bất đồng trong chiến lược phát triển: Liên tiếp những Startup Việt thay ghế CEO

26 Thg 09

Liên tiếp trong những tháng gần đây, là những tin không vui đến từ CEO của những Startup Việt tên tuổi, những "vị chủ tịch" lần lượt rời ghế do bất đồng quan điểm, do chuyện riêng cá nhân và cũng có thể từ nhiều nguyên nhân khách quan khác... Chỉ trong 6 tháng, Go–Viet đã 2 lần thay CEO. Các công ty con của Scommerce như AhaMove, Giao hàng nhanh Express đều có sự biến động về những người đứng đầu. Và đến cả CEO của chuỗi cà phê đình đám The Coffee House cũng rời ghế CEO để làm Phó chủ tịch Hội đồng quản trị. Điều gì đang xảy ra vậy?

Nguyễn Vũ Đức - Cựu CEO Go-Viet

Ông Nguyễn Vũ Đức là tổng giám đốc đầu tiên của Go-Viet - Ứng dụng gọi xe bắt đầu vận hành tại Việt Nam từ tháng 8/2018. Khi đó, Go-Viet được nhiều người kỳ vọng là đối thủ xứng tầm nhất với Grab sau khi tung hàng loạt chính sách khuyến mại "khủng" nhằm thu hút khách hàng. Go-Viet được hậu thuẫn bởi Go-Jek, startup kỳ lân hàng đầu của Indonesia. Cũng theo thông tin từ hãng cho biết: Hãng cho biết đã cán mốc 100 triệu chuyến xe và có hơn 125.000 đối tác tài xế. Tuy vậy, Go-Viet chỉ chiếm hơn 10% thị phần của thị trường gọi xe Việt Nam trong 6 tháng đầu năm. Thống kê của ABI cho biết Go-Viet đã hoàn thành 21 triệu chuyến xe trong nửa đầu 2019, con số không phải là "quá khủng" so với đối thủ Grab.

Là một trong những người gắn bó với Go-Viet từ những ngày đầu và góp phần không nhỏ tạo dựng nên tên tuổi của Go-Viet như ngày nay, thế nhưng hồi cuối tháng 3 năm nay, ông Đức và bà Nguyễn Bảo Linh – Phó tổng giám đốc Go-Viet đồng loạt từ chức.

Theo một nguồn tin của Dealstreet Asia cho biết 2 lãnh đạo cấp cao đã yêu cầu bồi thường 800.000 USD cho sự ra đi của họ. Go-Viet không lên tiếng về vấn đề này nhưng cho biết ông Đức cùng bà Linh nhận vị trí cố vấn tại Go-Jek và tiếp tục làm việc tại Việt Nam.

Nguyễn Xuân Trường - Cựu CEO AhaMove

Ông Nguyễn Xuân Trường - đồng sáng lập AhaMove rời vị trí CEO AhaMove từ ngày 1/4/2019, sau 3,5 năm điều hành startup giao hàng on-demand này. "Hôm nay tôi chính thức tạm biệt hành trình trong vai trò quản lý của Ahamove, chỉ giữ lại cho mình chút danh vị Nhà đồng sáng lập", ông từng chia sẻ trên trang cá nhân. Ông Trường chính thức đảm nhận vị trí CEO AhaMove vào đầu năm 2017, thay ông Lương Duy Hoài – hiện là CEO của Scommerce (công ty mẹ của Giao hàng nhanh và AhaMove). Trước khi về đầu quân làm CEO cho AhaMove, ông Trường từng startup nhiều ứng dụng trước đó nhưng chưa để lại dấu ấn nổi bật trong thị trường Việt, gắn bó và xây dựng nên tên tuổi của AhaMove như ngày hôm nay là đóng góp 1 phần không nhỏ trong định hướng chiến lược của  ông Trường. Được biết, sự ra đi của cựu CEO AhaMove này xuất phát từ xung đột về góc nhìn chiến lược của từng người.

Rời AhaMove, ông Nguyễn Xuân Trường về đảm nhận vị trí Giám đốc dịch vụ chuyển tiền của ví điện tử Momo. Người thay thế ông Nguyễn Xuân Trường là ông Phạm Hữu Ngôn, CTO (Giám đốc Kỹ thuật) của Ahamove.

>>> Xem thêm: Nhìn vào những nỗ lực từng ngày của AhaMove để thấy Đỉnh cao giao hàng là đây chứ đâu!

Nguyễn Trần Thi - Giao Hàng Nhanh Express

Cách đây hơn 7 năm, có đôi bạn trẻ đã gây tiếng vang lớn trong làng khởi nghiệp là Nguyễn Trần Thi và Lương Duy Hoài khi xách 2 chiếc xe đạp để đạp từ Sài Gòn ra Hà Nội trước khi bắt tay vào khởi nghiệp. Công ty đầu tiên của họ có tên là F1 Delivery. Trong đó F1 hàm ý chỉ môn thể thao đua xe công thức 1, tức là rất nhanh. Về sau đổi tên thành Giao Hàng Nhanh. Vừa là người đồng sáng lập đồng thời là Tổng giám đốc Giao Hàng Nhanh, ông Nguyễn Trần Thi có đóng góp rất lớn cho sự phát triển của thương hiệu này. Tưởng chừng như dành cả thanh xuân để cống hiến cho sự phát triển của thương hiệu, ấy vậy mà sau 7 năm gắn bó, cựu CEO này đã chính thức tuyên bố rút khỏi công ty.  Đồng thời ông Thi cũng cho biết mình đang bắt đầu một chặng đường mới nhưng chi tiết cụ thể không được ông Thi tiết lộ.

Nguyễn Hải Ninh - Cựu CEO The Coffee House

Nguyễn Hải Ninh sinh năm 1987, với tài năng và hướng đi riêng biệt của mình, Nguyễn Hải Ninh sớm để lại tiếng vang lớn trong giới khởi nghiệp tại Việt Nam. Sáng lập The Coffee House năm 2014 với nhiều thành công vang dội nhưng ít ai để ý rằng, trước đó, Ninh cũng từng tạo trào lưu với chuỗi cà phê Urban Station với người bạn Đinh Nhật Nam.

The Coffee House là một trong 9 thương hiệu thuộc Seedcom - công ty chuyên đầu tư, kiến tạo các doanh nghiệp bán lẻ, cũng như phục vụ bán lẻ. Nói cách khác, The Coffee House hiện là chuỗi cà phê lớn thứ hai của Việt Nam, với hơn 140 cửa hàng, bán được hơn 10 triệu tách cà phê vào năm 2018.

Sau chặng đường 5 năm phát triển với nhiều với nhiều thành công bước đầu, The Coffee House đang được yêu cầu cho những sự chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt là theo chủ trương chiến lược New Retail của toàn Seedcom. Có lẽ vì thế mà chuỗi cà phê này cần một luồng gió mới. Sau sự thay đổi này, ông Ninh giữ chức vụ Phó Chủ Tịch tại The Coffee House, thiên về chiến lược, giảm thiểu can thiệp vận hành nơi mà có vị tân CEO đảm đương.

Lê Diệp Kiều Trang - Cựu CEO Go-Viet

Sau khi ông Nguyễn Vũ Đức rời ghế CEO Go-Viet, bà Lê Diệp Kiều Trang được bổ nhiệm vào vị trí này từ tháng 4. Chia sẻ tại thời điểm đó, nữ doanh nhân sinh năm 1980 cho biết đây là công việc thú vị khó tìm.

Về phía Go-Jek, công ty mẹ của Go-Viet cho biết việc bổ nhiệm bà Trang là một phần trong mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động vận hành của Go-Viet. Ông Andrew Lee - Giám đốc phát triển thị trường quốc tế của Go-Jek cho rằng bà Trang là lựa chọn lý tưởng để Go-Viet duy trì mức tăng trưởng của công ty. Tuy nhiên, chỉ sau 5 tháng ngồi “ghế nóng”, bà Trang xác nhận với truyền thông sẽ rời khỏi vị trí CEO Go-Viet. Theo thông cáo phát đi của Go-Viet, bà Trang quyết định lựa chọn hướng đi riêng cho sự nghiệp của mình và công ty "lấy làm tiếc về việc này".

Trước Go-Viet, bà Lê Diệp Kiều Trang có gần một năm làm việc cho Facebook, với vị trí giám đốc điều hành Facebook Việt Nam. Sự ra đi này gây shock cho dư luận vì trước khi được nhậm chức, bà Trang được kỳ vọng sẽ giúp thương hiệu này vươn lên trở thành "Siêu ứng dụng" tại Việt Nam, cạnh tranh với đối thủ Grab.

>>> Xem thêm: CEO Lê Diệp Kiều Trang rút lui khỏi Go-Viet: Chuyện gì đang xảy ra?
Tạm kết

Chưa khi nào đội ngũ điều hành, những CEO tên tuổi tưởng chừng như “sống chết gắn bó” với thương hiệu lại có quyết định rời bỏ ghế chủ tịch nhiều như thời gian này. Có thể là do bất đồng quan điểm cũng có thể là do sự thay đổi về tư duy chiến lược nhưng tựu chung lại, những sự thay đổi mang tính “trầm trồ” này sẽ khiến người ta phải nóng lòng chờ đợi những đột phá về bước đi mới của những Startup Việt tài hoa này.

Phương Thảo - MarketingAI

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.