Các doanh nghiệp SME trên toàn cầu đang đối phó với đại dịch Covid-19 như thế nào?

09 Thg 05

Có vô vàn những vấn đề mà doanh nghiệp đang phải đối mặt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, từ điều chỉnh dòng tiền, những vấn đề nghỉ phép của nhân viên cho tới sự thay đổi và nhu cầu tăng vọt về hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đang tìm những cách khác nhau để đối phó với ảnh hưởng của đại dịch.

Đầu tiên là về khía cạnh Marketing, vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tạo ra rất nhiều thách thức cho doanh nghiệp, tuy vậy không phải doanh nghiệp nào cũng gặp vấn đề như nhau. Có những doanh nghiệp phải đối mặt với sự sụt giảm đột ngột về doanh nghiệp, doanh nghiệp khác lại đối mặt với lượng nhu cầu tăng đột biến về sản phẩm và dịch vụ của họ. Một đặc điểm chung của doanh nghiệp SME chính là nguồn lực và ngân sách của họ không thể mạnh như những doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Chính vì vậy, khi đối mặt với những thay đổi đột ngột như này thì doanh nghiệp SME gặp rất nhiều khó khăn.

Joseph Cheaney & Sons

Hãy nhìn vào một ví dụ dưới đây về doanh nghiệp sản xuất giày Joseph Cheaney & Sons. Doanh nghiệp này được thành lập vào năm 1886 và vẫn duy trì là một doanh nghiệp sản xuất thủ công quy mô nhỏ với khoảng 170 nhân viên. Với truyền thống là nhà cung cấp cho thị trường bán buôn, trải qua một thập kỷ thì doanh nghiệp đã phát triển thành một chuỗi 11 cửa hàng cũng như có một trang web bán hàng riêng. Điều không ngờ tới ở đây chính là trang web bán hàng lại chính là nguồn doanh thu duy nhất mà doanh nghiệp này có. Theo như đồng sáng lập, kiêm quản lý chuỗi sản xuất là ông William Church kể lại: Joseph Cheaney & Sons đang vướng vào tình trạng mà hầu hết mọi người đều đang xin nghỉ phép. Hiện nay cả công ty chỉ còn lại 5 người.

Trước khi lệnh phong tỏa của chính phủ được ban hành, ông Church vô cùng quan ngại trước tình hình mà doanh nghiệp phải đối mặt. Vấn đề nan giải mà doanh nghiệp phải đối mặt chính là nhà máy. Khi bạn sở hữu một nhà máy, hoặc bạn có tất cả hoặc không có gì. Bạn không thể chia đôi nó ra hay làm gì tương tự. Năm người còn lại của cả công ty là ông Church, một giám đốc tài chính, một người quản lý thu chi và kho, những người còn lại chịu trách nhiệm về hoạt động Marketing và bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử. Chúng tôi tiếp tục làm việc để duy trì các đơn hàng trực tuyến được tiếp tục, đồng thời thương lượng với chủ đất. Cả 5 người đang làm việc hết sức mình để tạo được kết nối với khách hàng, đồng thời duy trì tốt danh tiếng của thương hiệu trước khi ngành bán lẻ không thiết yếu có thể quay trở lại hoạt động bình thường.

Ông Church cũng chia sẻ thêm rằng: "Doanh nghiệp nhận thấy hoạt động Marketing cũng như truyền tải thông điệp là những gì cần phải duy trì trong thời điểm này, như vậy mới có thể đưa tên tuổi của thương hiệu đến với khách hàng. Trong đó, mạng xã hội sẽ là kênh được tập trung nhiều nhất, chứ không phải những kênh truyền thông trả phí. Dù doanh nghiệp trước đó đã làm rất nhiều, cũng như lên kế hoạch nhưng trong thời điểm này, những dạng quảng cáo như Print Ads hay TVC không phải là dạng phù hợp. Chính vì vậy, doanh nghiệp cũng đã ngừng việc quảng cáo trên những tạp chí thời trang xa xỉ được một thời gian. Thay vào đó, chúng tôi tập trung vào việc tạo ra những Lookbook sản phẩm, các thông điệp truyền thông thương hiệu trên nền tảng mạng xã hội. Nó đã bổ sung thêm rất nhiều lợi ích trong việc tạo ra doanh thu trực tiếp trên trang web bán hàng, thay vì phải thông qua một bên thứ ba nào khác. Chưa kể, khách hàng của Cheaney giờ đây còn có thời gian để xem qua những mẫu sản phẩm được đăng trên trang Instagram của doanh nghiệp".

Trong tuần lễ Phục sinh, Cheaney đã sử dụng mạng xã hội để quảng bá cho ưu đãi “Giảm 20% cho toàn bộ sản phẩm”, mục đích là để tạo dòng tiền về trong giai đoạn khó khăn này. Việc có thể kiểm soát được kênh B2C là một lợi thế cực kỳ lớn mà doanh nghiệp có.

Chính những trải nghiệm mà thương hiệu Cheaney đang gặp phải cũng tương đồng với những gì mà nghiên cứu của nhà cung cấp nền tảng web GoDaddy tìm thấy. Cụ thể, có một phần năm các doanh nghiệp siêu nhỏ (quy mô dưới 9 nhân viên) đã thiết lập sự hiện diện trên môi trường Internet lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Hơn nữa, có 45% doanh nghiệp đã sử dụng mạng xã hội như một kênh mới và gần một nửa (48%) nói rằng họ đã cải thiện được khả năng bán hàng trực tuyến của mình.

Sự thay đổi liên tục trong ngành bán lẻ

Khi nhu cầu bán lẻ thông thường đã giảm xuống gần như bằng không do ảnh hưởng từ phong tỏa toàn cầu, việc này đang đè nặng lên các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Bản thân Joseph Cheaney & Sons đã phải đối mặt với tình cảnh vô vàn khách bán buôn trì hoãn, lùi lại hoặc hủy đơn hàng trong ba, bốn tuần qua. Việc bán buôn có thể giúp sản phẩm của bạn tiếp cận tới những nơi bạn không thể tự mình chạm tới. Giả sử bạn muốn sản phẩm của mình xuất hiện ở cửa hàng bách hóa tốt nhất tại Paris, bán buôn có thể giúp bạn điều đó. Nhưng bán buôn cũng thay đổi nhiều không kém, nó có thể quay trở lại theo một cách hoàn toàn mới mà bạn không thể lường trước. Nếu doanh nghiệp sở hữu một kênh phân phối riêng, điều đó sẽ trở nên đáng tin cậy và dễ kiểm soát hơn rất nhiều.

Với Cheaney, hiện doanh nghiệp đang lên kế hoạch để dự đoán nhu cầu khách hàng sau khi các cửa hàng bắt đầu mở cửa trở lại. Bản thân ông Church cũng khá tự tin về việc doanh nghiệp có thể vượt qua giai đoạn khủng hoảng này, giải quyết được vấn đề nhân sự cũng như thương thuyết với chủ nhà để giúp công ty không còn gặp khó khăn. Dù vậy, kể cả khi tình hình xã hội trở lại bình thường thì ông Church cũng đưa ra dự đoán rằng, sẽ mất ít nhất 1 năm để nhu cầu có thể trở lại mức như trước. Với vấn đề nhân sự, hiện doanh nghiệp đang lên kế hoạch cho phép công nhân đi làm lại tuần tự - có thể là cho phép công ty mở cửa lại nhà máy 3 ngày một tuần và sẽ tăng dần khi nhu cầu mua sắm tăng lên. 

GardenSkill

GardenSkill là một doanh nghiệp SME chuyên về công cụ làm vườn và họ đối mặt với một vấn đề hoàn toàn khác. Họ là một trong những doanh nghiệp có mức tăng trưởng trong nhu cầu về sản phẩm. Cụ thể, GardenSkill là một doanh nghiệp sản xuất các thiết bị để trồng cây và bảo vệ các luống rau. GardenSkill cung cấp cho rất nhiều nhà bán buôn khác nhau, đồng thời họ cũng sở hữu một kênh bán hàng D2C (Direct to consumer - trực tiếp cho người tiêu dùng) của riêng mình, thông qua trang web và catalogue. Cụ thể, giám đốc kinh doanh của doanh nghiệp là ông Simon Davis đã kể rằng nhu cầu mua sắm đã tăng gấp nhiều lần kể từ thời điểm phong tỏa khi mọi người phải ở nhà và họ dành thời gian nhiều hơn cho khu vườn của mình.

Những đơn hàng D2C nhỏ lẻ dĩ nhiên là vô cùng cần thiết, tuy nhiên giá trị và lợi nhuận của chúng không thể so sánh với những đơn hàng bán buôn số lượng lớn. Hơn nữa, vì yêu cầu giãn cách xã hội, doanh nghiệp chỉ được phép có số ít nhân viên được vào nhà xưởng để làm việc, đồng thời họ phải chia ca để có thể hoàn thành đủ các đơn hàng. Trong khi đó, hầu hết nhân viên khối văn phòng sẽ làm việc tại nhà, một số ít còn lại sẽ đến hỗ trợ việc gửi hàng để duy trì sản phẩm được lưu thông. Quả thực, trước tình thế như hiện tại thì việc hoàn thành các đơn hàng là quan trọng hơn cả. Toàn bộ những kế hoạch từ trước giờ gần như “ném ra ngoài cửa sổ” hết. 

Như nhiều doanh nghiệp SME khác, GardenSkill cũng đã nhận thấy việc tăng lên đột ngột về nhu cầu đã khiến việc lên kế hoạch trung hạn trở nên không còn ý nghĩa, đồng thời những nhân công bị cắt giảm đang phải vật lộn để trang trải cuộc sống. Hiện tại, doanh nghiệp đang suy nghĩ rằng trừ phi vắc-xin cho Covid-19 được phát triển nhanh chóng, nếu không thì việc giới hạn trao đổi hàng hóa sẽ còn tồn tại trong khoảng ít nhất 12 - 18 tháng nữa. Ông Davis cũng chia sẻ thêm rằng, GardenSkill hiện đang tìm cách để đưa hàng hóa đến những thị trường quốc tế khác như Úc hay New Zealand.

Chính kế hoạch của GardenSkill đã cho thấy một tình trạng chung của một số doanh nghiệp SME - đây là thời điểm để họ thực hiện những thứ mà trước đó họ đã từ bỏ. Điển hình như nhà bán lẻ, thương hiệu fitness Gymbox mới đây vừa phải đối mặt với vấn đề đóng cửa các địa điểm phòng tập. Không thể đứng yên làm ngơ, doanh nghiệp này đã nhanh chóng tìm cách tiếp cận khác. Chính sự thiếu hụt không gian phòng tập thông thường đã vô tình giúp Gymbox tạo ra một chiến lược Digital hoàn toàn mới, hy vọng rằng nó có thể giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng Covid-19 này, do vậy, đội ngũ Marketing vẫn đang hoạt động hết công suất. Ông Rory McEntee - giám đốc thương hiệu và Marketing đã chia sẻ thêm rằng hoạt động Marketing đã được tăng gấp đôi trong giai đoạn này. 

Vì gói đăng ký thành viên hàng tháng của phòng tập hiện đang phải tạm ngưng, dĩ nhiên doanh nghiệp không hề có nguồn thu nhập nào khác. Chính vì vậy mà Gymbox đã thay đổi cách hoàn toàn mới để đem lại lợi ích cho hội viên của họ. Thương hiệu đã lựa chọn cách đầu tư vào thời điểm đang cách ly xã hội, từ đó tạo được lợi thế so với đối thủ. Ông McEntee đã chia sẻ rằng, doanh nghiệp đã tạo được những lợi ích từ việc quyết định đóng cửa sớm trước vài ngày khi lệnh chính thức từ chính phủ được ban hành. Doanh nghiệp đã dự đoán chính xác những gì sẽ diễn ra, từ đó quyết định hành động nhanh chóng để bảo vệ khách hàng cũng như nhân viên của mình. Những ngày bổ sung đó được sử dụng để quay các nội dung và chia sẻ chúng trên Internet.

Những nội dung này chính là các bài tập tại nhà được chỉ dẫn bởi các huấn luyện viên chuyên nghiệp, được đăng tải như các lớp học trực tuyến với 5 lớp mỗi ngày. Chúng sẽ được stream trực tiếp trên Instagram Live bởi các huấn luyện viên ngay tại nhà của họ. Phản hồi của khách hàng từ những nội dung trên là “phi thường”, cũng như nó đã giúp nhiều người mới biết đến thương hiệu Gymbox hơn. Kết quả là chỉ sau 3 tuần đăng lên Instagram, Gymbox đã thu về hơn 10,000 lượt theo dõi mới dù ban đầu họ mới chỉ có vỏn vẹn 40,000 người theo dõi. Cả 10,000 này đều là những người mới biết đến thương hiệu cũng như họ chưa từng đến phòng tập của Gymbox bao giờ. 

Chính sự thành công của những lớp học trực tuyến, Gymbox mới đây vừa ra mắt một nền tảng web khác với tên gọi Gymbox Out of the Box. Nó cung cấp những lớp học, các buổi tập luyện được phát theo nhu cầu. Dịch vụ này được cung cấp miễn phí cho toàn bộ hội viên của Gymbox, cũng như những nhân viên ở tuyến đầu như NHS hay nhân viên siêu thị. Ngoài ra, người khác cũng có thể truy cập để sử dụng dịch vụ này nếu họ trả mức phí là 19,99 bảng Anh - số tiền thu được từ dịch vụ này sẽ được Gymbox ủng hộ quỹ từ thiện. Dù không thể tạo ra doanh thu trong thời điểm này, tuy nhiên Gymbox đã thu hút được thêm rất nhiều khách hàng mới nhờ vào chiến lược thông minh trong thời điểm phong tỏa cách ly.

Tình trạng lấp lửng

Phía trên là hai ví dụ về những thương hiệu phụ thuộc nhiều vào các cửa hàng truyền thống. Vậy với những thương hiệu vận hành và hoạt động hoàn toàn trên môi trường Digital thì sao? Với những thương hiệu này, họ chịu ít tác động hơn từ việc phong tỏa cách ly, tuy nhiên sự thay đổi lớn nhất lại diễn ra ở hành vi người tiêu dùng. Thương hiệu đồng hồ cơ Marloe Watch Company mới đây vừa nhận thấy một sự tăng trưởng lớn trong lượng ghé thăm của khách hàng với trang bán hàng của họ, tuy nhiên phần lớn họ chỉ truy cập để khảo sát và xem qua các sản phẩm chứ không hề mua. So sánh với năm 2019, lượng truy cập Internet vào tháng 3 năm nay đã tăng 353%, dù vậy lượng khách truy cập tăng không phản ánh được sự tăng trưởng về doanh thu. 

Đồng sáng lập của thương hiệu là ông Oliver Goffe đã nhận định rằng, những phân tích này đã phản ánh "thực trạng lấp lửng" của người tiêu dùng. Họ cũng đang phải hứng chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch lên cuộc sống, nhất là ở khía cạnh tài chính. Vì vậy sự tự tin của họ khi mua hàng đã bị giảm sút, thay vào đó họ chỉ tìm kiếm và khảo sát những sản phẩm từ các thương hiệu ưa thích, chứ không chắc chắn về việc mua hàng. Họ ở lại trang lâu hơn là vì giờ đây họ đã có nhiều thời gian hơn, họ muốn tìm thứ để làm trong lúc cách ly. Khi hành vi người tiêu dùng thay đổi, doanh nghiệp đã nhận thấy đây là cơ hội để tương tác với những khách hàng tiềm năng. Chính vì vậy họ đã thúc đẩy những dạng nội dung dài nhiều hơn, giúp nó trở nên dễ tiếp cận với người xem hơn.

Với các thương hiệu FMCG, họ lại phải đối mặt với thách thức hoàn toàn khác. Giám đốc điều hành của Nurture Brands - ông Adam Draper chia sẻ rằng rất nhiều sản phẩm đồ ăn vặt của doanh nghiệp đã có mức giảm sút lớn về doanh thu OOH (out of home - doanh thu ngoài trời), lý do là vì các cửa hàng cà phê hay tiệm sandwich đều đã đóng cửa. Với việc giảm sút ở mức chỉ 80%, Draper đã liên hệ nó với những thương hiệu khác như Leon khi nó đã tạm thời đóng cửa một số nhà hàng, biến chúng thành những cửa hàng thực phẩm bán lẻ. Dù doanh nghiệp bị mất mát nguồn thu từ kênh OOH, Nurture Brands đang bù đắp lại bằng ngành hàng thực phẩm. Sau khi lệnh phong tỏa được ban hành, người dân đã rơi vào tâm lý “panic buying (mua hàng trong hoảng loạn)”, chính vì vậy mà lượng tiêu thụ sản phẩm thiết yếu tăng lên đột biến. Dù doanh thu của Rebel Kitchen - thương hiệu sữa và nước dừa của Nurture Brands đã có mức tăng đáng kể, mức nhu cầu tổng thể vẫn giảm từ 30% đến 40%. 

Thậm chí, Nurture Brands còn chạy chiến dịch ngoài trời của họ cho thương hiệu đồ ăn vặt dinh dưỡng là Emily Crisps vào tháng 4 vừa rồi, sử dụng các diện tích quảng cáo được đặt từ hồi tháng 12 năm ngoái. Đây là một phần của kế hoạch vận hành bởi Clear Channel, mục đích là giảm tỷ lệ mua quảng cáo ngoài trời của các doanh nghiệp SME. 

Thời điểm để đánh giá lại

Suy nghĩ rộng ra, ông Draper nghĩ rằng một trong những hệ quả của khủng hoảng đại dịch này chính là việc đánh giá lại cách mà các thương hiệu tự tổ chức và hoạt động. Việc lãi suất liên tục duy trì ở mức thấp đã thúc đẩy các thương hiệu phải liên tục đi vay mượn. Khi những chuyện như này xảy ra, ai cũng muốn dừng lại mọi thứ và không còn ai hứng thú. Không ai muốn đầu tư hay chi tiêu, mọi người đều trở nên cẩn trọng và bỗng nhiên số tiền sẽ bốc hơi dần. Cách mà các thương hiệu hành động trong quá khứ có thể được phản ánh trực tiếp trong cách họ làm Marketing bây giờ. Một mặt, doanh nghiệp phải luôn quảng bá thương hiệu của họ và tiến lên phía trước. Mặt khác, họ phải luôn có những phương án dự phòng. Dù vậy, khủng hoảng này đã khiến mọi người trở nên bất cẩn và kết quả là mọi người không có nhiều dự phòng từ trước. 

Tạm kết

Sẽ có nhiều yếu tố khác nhau góp phần vào việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19 tốt như thế nào. Cũng như con người, những người không có điều kiện sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn nhất khi đại dịch xảy ra. Dù vậy, doanh nghiệp SME nếu có chiến lược phù hợp và đúng đắn, cùng với đội ngũ nhân viên nhanh nhẹn và cần cù thì có thể, đây lại là thời điểm mạnh nhất của họ.

Tuấn Anh  - MarketingAI

Theo Marketingweek

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.