Các nhà tài trợ sẽ ra sao nếu các sự kiện lớn nhất 2020 bị hủy bỏ vì Virus Corona?

11 Thg 03

Thế vận hội Olympics Tokyo, Lễ hội Glastonbury, Euro 2020, Liên hoan phim Cannes, Liên hoan phim South by Southwest (SXSW) cũng như Liên hoan Sáng tạo Quốc tế Cannes Lions... là một vài sự kiện lớn đang chuẩn bị diễn ra trong tình trạng virus corona đang lan rộng ra toàn cầu.

Tính tới thời điểm này, dịch bệnh Covid-19 đã lây nhiễm tới hơn 114.287 người trên toàn thế giới với số ca tử vong là 4.007 người, tỷ lệ tử vong đạt 3.51%. Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra cảnh báo đến mức "rất cao" đối với toàn cầu. Các hoạt động bị gián đoạn có  thể kể đến từ việc đóng cửa các trường học ở Ý - quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất Châu Âu - cho đến bộ phim mới của James Bond, “No Time to Die” bị trì hoãn. Premier League cũng đã ra thông báo là sẽ hủy phần bắt tay “fair-play” thường diễn ra trước trận đấu và các nhà bán lẻ ở Anh cũng đã được chính phủ cảnh cáo không nên tăng giá bán đối với các sản phẩm như thuốc khử trùng tay hay khẩu trang. 

Giải vô địch bóng đá cao nhất nước Anh cấm cầu thủ bắt tay trước trận đấu (Nguồn: Premier League)

Đối mặt với tình trạng khẩn cấp khi thời gian diễn ra các sự kiến lớn đang tới gần, các nhà tổ chức cũng như nhà chức trách của sự kiện hiện đang phải chịu áp lực về việc phải làm rõ các kế hoạch đã đặt ra trước đây sẽ được tiến hành như thế nào trước sự lây lan nhanh chóng của virus Corona.

Chỉ tính riêng trong ngành quảng cáo và công nghệ thông tin, một số sự kiện đã bị hoãn lại như Triển lãm di động toàn cầu - Mobile World Congress (MWC), Lễ trao giải MIP TV hay Hội nghị nhà phát triển F8 của Facebook. Một số sự kiện khác đã được chuyển sang hình thức tổ chức online như Hội nghị Thượng đỉnh hàng năm của Adobe.

Liên hoan phim SXSW đang phải chịu những áp lực ngày càng gia tăng và phải đứng trước nguy cơ phải hủy bỏ khi các nhà tài trợ AppleNetflix lần lượt rút tài trợ, đồng thời phải hứng chịu 50.000 kiến nghị mạnh mẽ cho rằng sự kiện này sẽ gây ra những lo ngại về sức khỏe cộng đồng. Khi các cơ quan vẫn còn đang chờ xem Liên hoan Sáng tạo Quốc tế Cannes Lions có bị hủy bỏ hay không, thì các nhà tổ chức đã khẳng định nó vẫn diễn ra bình thường trong bối cảnh virus Corona đang lây lan tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Chủ tịch Ủy ban tổ chức Thế vận hội Tokyo 2020 phát biểu hôm mùng 5/3 cho biết Thế vận hội sẽ không thể bị hủy bỏ do dịch bệnh. Sự kiện sẽ được tiến hành theo nhiều cách khác nhau, mà theo tờ New York Times đưa tin trong một cuộc gọi hội nghị với WHO tuần trước thì các Liên đoàn Thể thao đang thảo luận về việc tổ chức sự kiện trong nhà không có khán giả.

Thế Vận hội Olympic 2020 vẫn được kỳ vọng sẽ diễn ra đúng hạn bất chấp sự bùng phát của Covid-19 (Nguồn: WPTV.com)

Trước thềm giải vô địch bóng đá Châu Âu Euro 2020 dự kiến sẽ được tổ chức tại 12 thành phố lớn trên khắp Châu Âu - UEFA đang quan sát tình hình diễn biến của bệnh dịch tại các đất nước Hồi giáo này. Lễ hội Glastonbury vẫn đang được chuẩn bị để tổ chức vào tháng 6 này, nhưng vẫn được đặt trong tình trạng giám sát chặt chẽ tránh sự phát triển lan rộng. Liên hoan phim Cannes thì có vẻ vẫn sẽ diễn ra bình thường khi không có dấu hiệu nào cho thấy các nhà tổ chức muốn hủy bỏ.

Trong khi các nhà đại biểu, nhạc sĩ, phòng thu, các cầu thủ, vận động viên, chính phủ (Nhật Bản đã đầu tư 30 tỷ đô la vào Thế vận hội Tokyo 2020) cũng như người hâm mộ đều đang nín thở chờ đợi thì các nhà tài trợ cũng "hồi hộp" không kém, khi một số nhãn hàng lớn trên thế giới đã bắt đầu đầu tư vào các hoạt động xung quanh Thế vận hội và Euro 2020.

Vậy chuyện gì sẽ xảy ra với các nhà tài trợ quảng cáo nếu sự kiện mà họ đầu tư vào có khả năng bị hủy bỏ, hoãn vô thời hạn hoặc xảy ra gián đoạn?

Vấn đề liên quan đến pháp lý 

Airbnb là một đơn vị mới trong danh sách các nhà tài trợ chính thức cho Thế vận hội Olympic 2020, tham gia cùng các đối tác lâu năm như Coca-Cola hay Visa. FedEx cùng với Volkswagen sẽ cùng tài trợ cho sự kiện thể thao lớn nhất Châu Âu Euro 2020. Hay Carlsberg dự kiến sẽ lần đầu tiên tài trợ bia cho Lễ hội Glastonbury.

(Nguồn: Internet)

Nick Breen, một trợ lý cao cấp tại Công ty Luật Reed Smith cho biết ông đã từng làm việc với rất nhiều khách hàng là các nhà tổ chức sự kiện, phát thanh viên và nhà quảng cáo tư vấn về các vấn đề thương mại. Ông tin rằng việc hủy bỏ các sự kiện lớn sẽ gây ảnh hưởng nặng nề tới các thương hiệu, nhất là khi họ đã bỏ ra tiền mặt để tài trợ.

“Các nhà tài trợ phải bỏ ra một khoản đáng kể để có được vị trí và những quyền hạn nhất định trong một sự kiện. Những quyền hạn đó có thể đang bị mai một dần đi giá trị hoặc trở nên vô giá trị tại thời điểm này”, ông Breen giải thích. “Họ đang tính đến các phương án phát triển thêm các ấn phẩm truyền thông, hoặc kêu gọi các bên thứ ba giúp đỡ, tổ chức các cuộc thi bên lề để giành vé tham dự sự kiện. Nếu không thì thời gian, chi phí và nguồn lực chuẩn bị cho sự kiện cũng sẽ tăng đáng kể.”

“Nếu một sự kiện bị hủy thì nhà tài trợ sẽ rất khó lấy lại số tiền đã tài trợ. Vì việc tài trợ cho các sự kiện lớn thường mang một ý nghĩa quan trọng trong chiến lược và ngân sách quảng bá tổng thể của thương hiệu, nên điều này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.”

Tuy nhiên, nếu một sự kiện lớn như Thế vận hội bị hoãn lại - khả năng lớn là Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) sẽ phải đứng ra chịu trách nhiệm tất cả, do đó, các bộ phận marketing sẽ không phải hứng chịu những hậu quả nặng nề như vậy.

(Nguồn: Olympic.org)

Nếu các sự kiện chỉ đơn thuần là được hoãn lịch lại, hoặc đối với các sự kiện thường niên hằng năm, thì chuyển tài trợ cho sự kiện năm tới là giải pháp hợp lý dành cho các nhà tài trợ và các nhà quảng cáo.

“Bạn nên hiểu rằng, vấn đề tài trợ sẽ luôn không rõ ràng trong mọi trường hợp. Các nhà tổ chức có thể trì hoãn lịch sự kiện trong khi các nhà đầu tư có thể chuyển sang đầu tư cho sự kiện tiếp theo, nhưng trong phần lớn các trường hợp, các nhà tài trợ và quảng cáo sẽ tìm một giải pháp thương mại và thực dụng thay vì sử dụng tới các biện pháp tranh chấp về pháp lý.”

Alex Kelham, một luật sư thương mại và sở hữu trí tuệ, đồng thời đứng đầu bộ phận kinh doanh thể thao Lewis Silkin, cũng đồng ý với ý kiến trên. Vì lợi ích của việc duy trì các mối quan hệ thương mại mà các nhà tài trợ và các thương hiệu sẽ tránh nhắc tới các vấn đề pháp lý. 

Nhiều thương hiệu thậm chí còn đặt mối quan hệ đối tác lâu dài và chính thức. Và cũng nhiều thương hiệu thật sự đầu tư lớn vào các sự kiện lần này. Chính vì mối quan hệ mật thiết đó mà hầu hết mọi thứ sẽ được giải quyết trên cơ sở hợp tác hai bên cùng có lợi thay vì đào sâu vào vấn đề hợp đồng.

Tuy nhiên, cả Kelham và Breen đều nhấn mạnh việc các nhà tài trợ cho các sự kiện lớn như Thế vận hội Olympic có thể sẽ tìm kiếm những điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng của họ, bao gồm cả những tình huống không lường trước được. 

Breen giải thích rằng: “Điều khoản này được hiểu cơ bản là một bên tham gia hợp đồng sẽ không chịu trách nhiệm trong việc chậm thực hiện hoặc không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng, trong đó lý do cho sự chậm trễ hoặc không thực hiện được này được cho là do bất khả kháng.”

Ông cũng nói thêm rằng, nhiều nhà tài trợ và nhà quảng cáo "tinh vi" sẽ thương lượng điều khoản này một cách cực kỳ cẩn thận trong các cuộc họp hợp tác, nhưng thường thì nó sẽ bị bỏ qua hoặc đôi khi là bị lờ đi hoàn toàn. Trong hợp đồng, nếu muốn nhà sản xuất dễ dàng chấp nhận, các điều khoản bất khả kháng của nhà tài trợ phải được nêu chi tiết cụ thể về mức độ bất khả kháng, nhưng thông thường, các hợp đồng dạng ngắn chỉ đơn giản đề cập đến “các trường hợp phát sinh bên ngoài sự kiện chính”.

Kelham cho biết thêm, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra nghiêm trọng, các nhà quảng cáo cũng đang tìm cách đưa nó vào là một trong lý do bất khả kháng được liệt kê trong hợp đồng. 

Sự kiện của Facebook bị hủy bỏ vì dịch Covid-19 (Nguồn: inc)

Ví dụ, các thương hiệu sẽ tranh luận rằng trường hợp dịch bệnh bùng phát là act of God (sự nổi giận của Chúa - ám chỉ một sự kiện thiên nhiên mà con người không kiểm soát được), một trong những lý do thường thấy được đưa ra trong các điều khoản này. Nhưng cả hai cũng nhấn mạnh rằng, các ''act of God'' thường được gắn kết với các thảm họa thiên nhiên như lũ lụt hay hỏa hoạn - vì thế, “nước đi” này của các doanh nghiệp được đánh giá là không được khôn ngoan cho lắm. 

Nhưng nếu họ vẫn kiên quyết bám víu lấy lý do này, thì các thương hiệu cũng sẽ cần phải chứng minh không có biện pháp hợp lý nào được thực hiện có thể tránh được sự lây lan của virus. Breen giải thích thêm: “Bất chấp sự lây lan mạnh mẽ của virus corona tại Anh hiện nay, chính quyền vẫn chưa đưa ra bất cứ lệnh cấm hoàn toàn nào cho các sự kiện diễn ra tại đất nước này.”

Chính vì thế, với hầu hết các quyết định rút đầu tư hiện nay, lý do bất khả kháng mà các thương hiệu đưa ra đều không nhận được sự ủng hộ hoàn toàn. 

Một tương lai với sự thống trị của Digital?

Mặc dù Thế vận hội hiện đang là sự kiện lớn nhất có khả năng bị ảnh hưởng bởi virus corona, nhưng những nguy cơ của nó vẫn đang được các tổ chức và các nhãn hàng kiểm soát được.

Steve Chisholm, một cựu phóng viên của BBC và là người sáng lập nên công ty PR thể thao Run Communications cho biết: “Truyền thông sẽ chính là chìa khóa cho tất cả những bên liên quan trực tiếp đến thể thao trong những tháng tới.”

Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong các sự kiện thể thao, văn hóa nghệ thuật sắp tới (Nguồn: Bigstar Media)

Ông cũng chia sẻ thêm: “Trong tình hình cấp thiết hiện nay, ban tổ chức của các sự kiện cộng đồng từ nay cho đến khi Olympic Tokyo diễn ra cần thông báo cho khán giả về những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra trong sự kiện, những tình huống thực tế mà bất kỳ khán giả tham dự sự kiện nào cũng phải biết và làm sao để tạo tâm lý tốt nhất cho các vận động viên cũng như người hâm mộ trong thời điểm diễn ra sự kiện.”

Ông nhấn mạnh thêm rằng đây chính là cơ hội để kỹ thuật số chứng minh vai trò quan trọng của mình trong việc mang lại trải nghiệm mới cho người hâm mộ.

“Có thể thấy, cách thức mà người hâm mộ tham gia và tương tác vào các sự kiện thể thao trực tiếp đã thay đổi rất nhiều trong những năm gần đây và nếu trước đây, mọi vận động viên đều mơ ước giành được huy chương trước các sân vận động chật chội thì giờ đây họ cũng có thể tham gia thi đấu trước sự cổ vũ của người hâm mộ qua các phương tiện truyền thông kỹ thuật số và mạng xã hội."

Ông tiếp tục chỉ vào các dữ liệu tương tác trực tuyến của Facebook và Google năm 2016 - năm diễn ra kỳ Thế vận hội lần thứ 31 - đã đạt tới con số 1,5 tỷ tương tác, đến từ 277 triệu người trên toàn thế giới. 

Dù có bất kỳ điều gì xảy ra trong khoảng thời gian từ nay đến tháng 7, khi Thế vận hội 2020 được bắt đầu ở Tokyo, thì đây vẫn được coi là sự kiện thể thao lớn nhất từ trước đến nay nhờ sự phát triển liên tục của các phương tiện kỹ thuật số trên toàn cầu.

Nhiều người khẳng định Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 vẫn sẽ diễn ra nhờ sự phát triển của công nghệ số (Nguồn: Emco-world.com)

Tariq Duff, trưởng Ppòng Quan hệ đối tác của Đơn vị sản xuất phim Unit 9, cho rằng Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 vẫn sẽ diễn ra bình thường với sự tương tác hai chiều thông qua các dịch vụ phát trực tuyến mà không cần các quy trình rườm rà khác. Khi mà các gói tài trợ thể thao và bản quyền truyền hình đều đã được thực hiện và gây ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới, thì chương trình bắt buộc phải tiếp tục.”

“Chúng tôi phải nghĩ ra nhiều cách khác nhau để tăng sự tương tác”, ông ấy chia sẻ thêm, “Chúng tôi vẫn có thể tham gia, xem và tổ chức các sự kiện dù nó đang được phát trực tuyến hay trong một khu phức hợp đóng kín. Nhiều người sẽ cho rằng điều đó sẽ “giết chết” đi cảm xúc của các vận động viên và khiến họ không còn cảm hứng thi đấu, nhưng biết đâu, sự cổ vũ của khán giả thông qua các phương tiện kỹ thuật số vẫn sẽ đem lại nguồn cảm xúc bất tận.”

Tô Linh - MarketingAI Theo Thedrum.com

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.