Các Startup Việt Nam ôm mộng trở thành "Kỳ lân công nghệ" của thế kỷ 21

16 Thg 10

Chương trình SharkTank đã tạo ra rất nhiều cơ hội cho các Startup Việt hiện nay muốn khởi nghiệp trên thị trường, bằng với sự thông minh và tư duy kinh doanh thì rất nhiều thương hiệu đã chứng tỏ được sự nhanh nhạy trong việc bắt kịp thị trường. Hiện giờ, nhiều thương hiệu khởi nghiệp kỳ vọng  mình trở thành "Kỳ lân công nghệ" tại Việt Nam, và vươn lên trở thành một tên tuổi lớn trên thế giới. Cùng MarketingAI tìm hiểu những thông tin trên qua bài viết dưới đây!

Những điều ảnh hướng tới giấc mộng kỳ lân của Startup Việt

Việt Nam - Quốc gia cực kỳ nhiều tiềm năng

Nếu như trong khu vực Đông Nam Á thì rất nhiều thương hiệu tại đây đang phát triển và đạt được nhiều thành công ngoài mong đợi như Grab hay Go-Jek. Một trong những điểm chung của những công ty này là tận dụng được tối đa những tiềm lực sẵn có của quốc gia mình.

Việt Nam có đầy đủ các yếu tố để biến điều đó thành sự thật - dân số đông, tỷ lệ người dùng smartphone cao, người dùng am hiểu, thích công nghệ, tăng trưởng kinh tế nhanh và nhân sự giỏi. Bên cạnh VNG (đạt danh hiệu kỳ lân vào năm 2016), Việt Nam chưa có startup công nghệ kỳ lân thứ hai. VNG mất tới 12 năm để đạt định giá 1 tỷ USD, song sự hiện diện của nó lại không đậm nét như Gojek hay Grab ở Đông Nam Á.

(Nguồn: XO Tours)

Thêm vào đó, đây cũng được xem là vùng đất nhiều tiềm năng tại khu vực Đông Nam Á khi quốc gia của chúng ta có bước phát triển mạnh về kinh tế, cũng như khả năng ứng dụng công nghệ cực nhanh nhạy. Chuyển đổi số, doanh nhân và công nghiệp 4.0 là những từ khóa được chính phủ nhắc đi nhắc lại bởi Việt Nam không muốn là người đi sau láng giềng. Bên cạnh hình ảnh một quốc gia sản xuất, Việt Nam muốn tiến xa hơn và có chỗ đứng trong lĩnh vực công nghệ giá trị gia tăng.

Làn sóng đầu tư mạnh cho những Startup

Để thực hiện hóa cho việc Việt Nam là một quốc gia có "kỳ lân công nghệ" như những quốc gia khác đang có, thì vốn đầu tư từ những quỹ đầu tư là một điểm hết sức quan trọng. Theo một báo cáo từ Cento Ventures và ESP Capital, trong 6 tháng đầu năm nay, startup Việt Nam đã gọi được tổng cộng 246 triệu USD với 58 thương vụ, tăng lên từ con số 166 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái. Ước tính đến cuối năm, tổng vốn đầu tư có thể lên tới 800 triệu USD.

(Nguồn: ventaforce.com)

Cũng theo báo cáo này, chỉ trọng vỏn vẹn hai năm Việt Nam đã tăng hạng từ vị trí số 5 lên top 3 các quốc gia khởi nghiệp năng động trong khu vực Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia và Singapore. Theo những biểu đồ nguồn đầu tư vào nước ta thì nó có xu hướng tăng mạnh qua từng quý của từng năm trở lại đây. Điều này chứng tỏ Việt Nam là quốc gia có những tiềm năng nhất định để các nhà đầu tư rót vốn vào, một phần cũng nhờ thị trường 97 triệu dân tiềm năng cũng như những sự cởi mở của người dân nơi đây. .

Sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ

Nếu như những nhà khởi nghiệp đóng vai trò trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng thương hiệu, thì chính phủ là những tác nhân gián tiếp tác động vào sự thành bại của Startup. Sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ Việt Nam chính là một thứ quan trọng dẫn tới phong trào khởi nghiệp bùng nổ đến vậy. Chính phủ Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ các sáng kiến để hỗ trợ startup, ví dụ như dự án cấp quốc gia cho mô hình kinh tế chia sẻ, miễn thuế cho startup trong bốn năm đầu tiên, giảm 50% thuế cho 9 năm hoạt động tiếp theo cùng với đó là các dự án "Make in Vietnam" giống như mạng xã hội Lotus mới ra mắt vào tháng 9 vừa qua.

(Nguồn: Esri)
Thêm vào đó, trong chương trình SharkTank thì những doanh nghiệp tham gia gọi vốn cũng được hỗ trợ rất nhiều từ những "cá mập đầu tư" trong chương trình. Được biết tinh thần khởi nghiệp đang rất cao tại Việt Nam, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới khi cứ 4 người trẻ thì có một người muốn làm chủ. Chính phủ là người hiểu rõ nhất người dân của mình muốn gì, với một dân tộc có truyền thống hiếu học từ xưa như Việt Nam thì chính phủ với ước vọng làm giàu chẳng tội gì không đi ươm mầm những giấc mơ lớn của giới trẻ.

Những thực trạng về ảo tưởng "kỳ lân công nghệ" trên thế giới

Nếu như các bạn còn nhớ thì WeWork - một công ty được mệnh danh là "Kỳ lân công nghệ" đã hiện nguyên hình khi lên sàn IPO khi đạt con số ở mức thấp kỷ lục. Điều này đã gây bất ngờ không chỉ với công chúng mà còn với giới đầu tư trên thế giới. Cùng với những khoản lỗ, định nghĩa "doanh nghiệp công nghệ" của WeWork cũng bị phố Wall xem xét lại khi cho rằng bản chất không phải là như vậy, rằng WeWork chỉ là một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới cho thuê bất động sản có nền tảng công nghệ tốt. Thế là hóa ra lâu nay, rất nhiều "startup công nghệ" chỉ là dùng công nghệ như một thứ trang sức, để đánh bóng tạo giá trị lớn hơn cho doanh nghiệp?

>>> Xem thêm: WeWork – Minh chứng cho sự “Ngáo giá” của thung lũng Silicon!

Nhìn rộng ra không chỉ có WeWork mà cả Uber, Lyft, Grab, Airbnb… Nói đúng hơn, đây là các doanh nghiệp kinh tế O2O (online to offline) thuộc nền kinh tế số. Việc định nghĩa lại các startup công nghệ có thể sẽ trở thành một cuộc phản biện lớn nhất trong lịch sử startup toàn cầu từ trước tới nay. Có ý kiến cho rằng từ Uber cho đến Lyft hay WeWork đã quá nóng vội trong việc IPO. Đó là bước tính toán sai lầm chăng bởi vì khi startup vẫn còn đang lỗ thì liệu ảnh hưởng gì tới giá trị IPO? Trên thực tế theo thống kê, các startup như Uber, Lyft, Peloton, Slack… sau khi IPO một thời gian đều rớt giá thê thảm khiến giá trị doanh nghiệp sụt giảm nghiêm trọng. Cụ thể, giá cổ phiếu Uber mất khoảng 30%, Lyft mất tới 42%, Peloton mới IPO tuần trước nhưng giá cổ phiếu cũng đã mất tới 11% trong ngày giao dịch đầu tiên. 

(Nguồn: koalahero.com)

Đây được xem là cú lừa thế kỷ với giới đầu tư xứ sở Silicon khi hàng loạt những Startup công nghệ hiện đang khủng hoảng trong chiến lược của mình. Nền kinh tế chia sẻ tại Phương Tây đang hứng chịu những chỉ trích nặng nề bởi những hệ quả của nó xảy ra trên thị trường là quá lớn. 

Đề cập đến vấn đề này lại gợi nhớ trường hợp cổ phiếu YEG của Công ty cổ phần tập đoàn Yeah1. Yeah1 là một công ty cổ phần ngành công nghệ truyền thông. Mức giá tham chiếu của cổ phiếu YEG ngày đầu tiên lên sàn cách đây hơn một năm là 250.000 đồng đã bị dư luận cho là quá "ảo". Song, từ ban lãnh đạo cho tới công ty chứng khoán tư vấn đều cho là hợp lý và do chưa có tiền lệ doanh nghiệp cùng ngành để tham chiếu. Những ngày sau khi lên sàn, YEG tiếp tục bị làm giá đẩy lên mức trên 300.000 đồng. Vào lúc đỉnh cao về giá, vốn hóa Yeah1 đạt trên 9.000 tỉ đồng. Khi ấy có một giấc mơ đến với những lãnh đạo chủ chốt của Yeah1 là họ sẽ trở thành một "kì lân công nghệ" tiếp theo tại Việt Nam sau VNG. Nhưng sau sự cố với YouTube đã lấy đi tất cả những ảo mộng cũng như giá trị ảo của cổ phiếu YEG. Giá cổ phiếu YEG "lau sàn" liên tục có lúc xuống dưới mức 50.000 đồng. Người ta khi ấy đặt câu hỏi rằng, thực sự Yeah1 có giá trị tài sản gì mà giá cổ phiếu lại trên trời và doanh nghiệp lại mơ mộng trở thành "kỳ lân".

VNG kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam (Nguồn: CafeF)

Tạm kết

Hiện nay cụm từ "Kỳ lân công nghệ" đang phổ biến tại nhiều quốc gia nhất là tại khu vực Châu Á, một thị trường cực kỳ tiềm năng để khai thác. Khi mà giới chuyên gia tài chính nhận định, có thể trong vài năm tới trung tâm tài chính kinh tế thế giới sẽ chẳng phải của Mỹ hay Châu Âu mà nó sẽ thuộc về tay lục địa này. Chính vì thế Việt Nam luôn nuôi mộng sẽ có những những Startup kỳ lân giống như Grab hay Go-Jek đang làm để nắm giữ được thị trường trong bối cảnh thế giới công nghệ đang có những sự phát triển từng ngày.

Thắng Nguyễn - MarketingAI

Tổng hợp

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.