Các thương hiệu có nên ngừng quảng cáo do sự bùng phát của đại dịch Covid-19 ?

27 Thg 03

Người tiêu dùng tin rằng phúc lợi của nhân viên nên là ưu tiên hàng đầu của công ty, trong khi các thương hiệu cũng cần có vai trò hỗ trợ chính phủ và xã hội hơn trong mùa Covid-19 và sự khủng hoảng toàn cầu do dịch bệnh gây ra. Vậy trong thời điểm này, các thương hiệu có nên ngừng quảng cáo? 

Đại đa số người tiêu dùng không nghĩ rằng các thương hiệu cần ngừng quảng cáo trong đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19, mặc dù họ mong đợi các công ty có hành động thấu đáo hơn trong việc truyền thông và khi gửi thông điệp đến người dùng để truyền đạt những thông tin giá trị và quan tâm tới tình hình hiện nay.

Một cuộc khảo sát với hơn 35.000 người tiêu dùng trên toàn cầu của Kantar cho thấy chỉ 8% người tiêu dùng nghĩ rằng các thương hiệu nên ngừng quảng cáo. Tuy nhiên, người dùng cũng có sự kỳ vọng nhất định với các công ty về vai trò của họ, 78% người tiêu dùng tin rằng các thương hiệu nên giúp họ trong cuộc sống hàng ngày, 75% nói rằng các thương hiệu nên thông báo cho người dùng về những gì họ đang làm và 74% cho rằng các công ty không nên lợi dụng tình thế hiện nay.

Có một mức độ đồng thuận cao rằng các thương hiệu nên sử dụng giọng điệu trấn an, đưa ra một viễn cảnh tích cực và truyền đạt các giá trị thương hiệu tích cực trong thời điểm này. Hơn 50% người tiêu dùng cho rằng các thương hiệu không cần thay đổi tính cách thương hiệu trong thời điểm này, trong khi 50% cũng nghĩ rằng họ nên sử dụng giọng điệu một cách vô tư và nhẹ nhàng. Chỉ có 41% nghĩ rằng các thương hiệu nên tránh sử dụng những tông giọng thể hiện tính cách hài hước.

Nghiên cứu về một vài trường hợp của các thương hiệu danh tiếng. Ví dụ như, truyền thông của Ikea tập trung vào tầm quan trọng của việc ở nhà và thông điệp của Nike xoay quanh nhu cầu hiện tại phải ở trong nhà, đó được coi là hành động ủng hộ cho thông điệp của chính phủ và các tổ chức y tế, trong khi họ vẫn trung thành với giá trị thương hiệu.

(Nguồn: IKEA España)

Tuy nhiên, đã có nhiều phản ứng trái chiều đối với việc ra mắt sản phẩm nước rửa tay từ công ty bia BrewDog. Trong khi một mặt nhiều người hoan nghênh động thái này, thì số khác lại tỏ ra hoài nghi về cách làm thương hiệu này. Người tiêu dùng cũng đang kiểm chứng các thương hiệu trong việc họ hỗ trợ nhân viên, chính phủ và người tiêu dùng như thế nào. Gần 80% tin rằng sức khỏe của nhân viên nên là ưu tiên chính của các công ty, trong khi gần hai phần ba tin rằng làm việc linh hoạt nên là ưu tiên hàng đầu.

(Nguồn: The Guardian)

Khoảng 45% người tiêu dùng muốn thấy các công ty đưa ra kế hoạch bảo vệ nguồn cung cấp dịch vụ hoặc sản phẩm, trong khi hơn 40% muốn thấy các công ty quyên góp sản phẩm, như nước rửa tay hoặc khẩu trang.

Chỉ 30% người dùng muốn nhận các voucher giảm giá và khuyến mãi, 19% muốn các thương hiệu thiết lập các trung tâm chăm sóc khách hàng để giúp đỡ, giải đáp câu hỏi và thắc mắc của người dùng. Điều này cho thấy người tiêu dùng hiểu được vị trí khó khăn mà nhiều công ty đang gặp phải.

Mặc dù kết quả khảo sát cho thấy, nhiều công ty đang giảm bớt các chiến dịch quảng cáo và cân nhắc ngân sách quảng cáo của họ. Gần đây nhất là một cuộc khảo sát của gần 900 nhà tiếp thị ở Anh, thực hiện bởi Marketing Week và Econsultancy cho thấy, 55% doanh nghiệp đã hoãn hoặc đang xem xét các chiến dịch quảng cáo, trong khi 60% đang cắt giảm hoặc xem xét ngân sách.

(Nguồn: TalentLMS)

Tuy nhiên, dữ liệu của Kantar cho thấy điều này có thể gây bất lợi về lâu dài cho thương hiệu. Họ đã tiến hành thử nghiệm một bài kiểm tra lý thuyết trên một thương hiệu bia không tên. Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng nếu thương hiệu cắt giảm tất cả chi tiêu quảng cáo trong cuộc khủng hoảng, nó sẽ có tác động 13% đến doanh số trong thời gian dài và khiến thị phần khó phục hồi. Việc giảm 50% chi tiêu quảng cáo sẽ dẫn đến giảm 1% doanh số.

Dữ liệu từ BrandZ cũng cho thấy sau khủng hoảng tài chính vào tháng 9/2008, các thương hiệu lớn sẽ có khả năng phục hồi nhanh hơn gấp 9 lần về giá trị thị trường chứng khoán so với các hãng khác. Chuyên gia truyền thông toàn cầu của Kantar Insights, Jane Ostler cũng cho biết: "Độ phủ của thương hiệu sẽ bị mờ nhạt khi các công ty ngừng quảng cáo. Nếu họ làm điều này lâu hơn sáu tháng, nó sẽ khiến những nỗ lực của doanh nghiệp trước đó bị phá huỷ, cả về ngắn hạn lẫn dài hạn".

Thay vào đó, cô khuyên các thương hiệu nên thay đổi phương tiện truyền thông, cũng như thay đổi thông điệp và các điểm chạm của họ để đảm bảo tiếp cận người tiêu dùng thông qua các hình thức mà người dùng quan tâm nhất. Các nhà tiếp thị nên cân nhắc ngân sách chi tiêu cho hiệu quả để duy trì sự hiện diện của mình trên các phương tiện truyền thông xã hội và cắt giảm những chi tiêu không cần thiết.

Phương Thảo - MarketingAI

Theo Socialmediatoday

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.