Các thương hiệu du lịch nên làm gì để xây dựng niềm tin cho khách hàng trong mùa dịch?

04 Thg 08

Khi một số quốc gia dần nới lỏng các lệnh hạn chế đi du lịch, người dân bắt đầu thận trọng xem xét việc có nên mạo hiểm đi du lịch nước ngoài hay không. Trước tình hình đó, các thương hiệu du lịch và khách sạn nên tận dụng sự gia tăng trong nhu cầu tìm kiếm du lịch an toàn của người dùng như thế nào để có thể xây dựng niềm tin cho họ về các chuyến du lịch an toàn? 

(Nguồn: Publicis Spacient)

Mới đây hai hãng hàng không “kỳ phùng địch thủ” Easyjet và Ryanair đã quyết định nối lại các chuyến bay, chính phủ Anh nhiều khả năng sẽ sớm dỡ bỏ các lệnh cấm du lịch không cần thiết tới 90 quốc gia và một số quốc gia thậm chí còn đề nghị hoàn tiền nếu du khách bị nhiễm COVID-19 trong thời gian đi du lịch trong các ngày lễ. Điều đó cho thấy, ngành du lịch rõ ràng đang thực hiện rất nhiều chiến dịch để khuyến khích những người dân yên tâm hơn khi đi du lịch.

Tuy nhiên khi các quy định về việc giãn cách xã hội vẫn đang tiếp tục, và nỗi sợ về nguy cơ lây lan diện rộng vẫn không giảm, do đó trên thực tế, khả năng người dân sẽ bị thu hút bởi các kỳ nghỉ hè vẫn còn rất thấp so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù tất cả chúng ta đều đồng ý rằng đây là quãng thời gian đầy thách thức, nhưng các thương hiệu vẫn hoàn toàn có thể dành ra một khoản đầu tư hợp lý cho các chiến lược Marketing ngay lập tức nhằm mang lại sự yên tâm cho khách hàng du lịch tiềm năng, đồng thời đẩy mạnh mức độ quan tâm của người dùng về các ý tưởng kỳ nghỉ mới. Đặc biệt, các thương hiệu nên sử dụng khoảng thời gian “tĩnh lặng” này để đầu tư củng cố nền tảng cho các chiến lược Digital Marketing của họ - ví dụ như SEO và Content Marketing - trở thành nguồn thông tin du lịch đáng tin cậy cũng như góp phần vào việc xây dựng thương hiệu, hướng đến mục đích cuối cùng là thu hút khách hàng vào cuối năm khi mọi người đã cảm thấy an toàn hơn.

Hãy nhớ rằng, thông tin mà bạn đưa ra càng hữu ích và có liên kết chặt chẽ đến nhu cầu tìm kiếm của người dùng thì nội dung của thương hiệu sẽ càng được đánh giá cao. Khi nội dung được đánh giá cao hơn, hiệu quả hiển thị trên các trang kết quả của công cụ tìm kiếm (SERPs) cũng sẽ tốt hơn, lưu lượng truy cập website và doanh số theo đó mà cũng được cải thiện tốt hơn. Tất cả những kết quả này đều bắt nguồn từ quá trình nghiên cứu từ khóa nghiêm ngặt từ càng nhiều điểm dữ liệu cũng như tiến hành phân tích các tìm kiếm theo các tiêu chí sau:

  • Sự liên quan đến thương hiệu - tức là bạn bán các gói du lịch trong kỳ nghỉ ở nước ngoài hay chỉ ở Anh?
  • Cạnh tranh - đặt ra mục tiêu thấp sẽ giúp bạn có thể dễ dàng nhắm mục tiêu?
  • Doanh thu - điều gì sẽ thúc đẩy doanh số lên cao nhất cho doanh nghiệp?

Từ việc phân tích dữ liệu tìm kiếm, chúng tôi đã nhận thấy rằng có một số xu hướng mà các thương hiệu du lịch có thể tận dụng trong thời điểm hiện nay.

>> Xem thêm: Hướng đi nào cho các thương hiệu du lịch thời Covid-19?

Thông tin và sự bảo đảm là chìa khóa

Dữ liệu tìm kiếm gần đây cho thấy cụm từ “kiểm dịch du lịch” đang nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng. Điều đó có nghĩa là người dân đang có nhu cầu tìm hiểu cao về nơi họ sẽ đến và mức độ khả thi của các kỳ nghỉ tại nước ngoài trong thời điểm hiện nay.

Theo đó, người tiêu dùng đang trong thời điểm cần lời khuyên, và họ sẽ đi tìm giải pháp có thể giải quyết được “pain point” du lịch của họ - những vấn đề mà họ có thể không nhận được lời giải đáp từ chính chính phủ hay các phương tiện truyền thông khác. Đây chính là lúc mà các thương hiệu du lịch cần chớp lấy cơ hội và cung cấp cho khách hàng thứ họ cần. Ở thời điểm này, việc mang đến thông tin hữu ích cho người dùng tương đương với việc xây dựng tài sản thương hiệu và niềm tin cho doanh nghiệp khi tần suất di chuyển đang dần tăng lên.

Vậy làm thế nào các thương hiệu du lịch có thể thực hiện điều này? Một nghiên cứu được thực hiện vào năm ngoái cho thấy 50% tìm kiếm của Google kết thúc mà không cần nhấp vào nội dung, do đó, các thương hiệu cần viết nội dung theo cấu trúc cho phép họ tận dụng càng nhiều đất diễn trên SERP càng tốt, thông qua việc sở hữu các hộp trích dẫn nội dung phong phú (kỹ thuật tối ưu kết quả tìm kiếm mới xuất hiện 1 box trả lời nhanh (Quick answer) ngay trên vị trí đầu tiên của kết quả Search Engine để người tìm có thể xem ngay được nội dung mà không phải click chuột vào website) - đặc biệt dành cho các từ khóa đuôi dài. Hãy tập trung xây dựng các nội dung có thể dễ dàng trích ra và sử dụng cho các câu trả lời nổi bật bằng cách trả lời chính xác các câu hỏi cốt lõi, chẳng hạn như, đâu là nơi tôi có thể đi nghỉ trong thời gian giãn cách xã hội?

Khi người tiêu dùng đang tìm kiếm các câu hỏi như ''ở đâu'', ''làm thế nào'' và ''cái gì'', hãy đảm bảo rằng nội dung phải thật cô đọng, tiêu đề rõ ràng và cung cấp một định dạng trả lời nhất định để người dùng có thể hiểu rõ và dễ dàng hơn trong quá trình thu thập thông tin trên công cụ tìm kiếm, dựa trên mối quan hệ giữa tìm kiếm (tiêu đề) và câu trả lời (nội dung).

Dạng nội dung như trên sẽ có khả năng nhận được tỷ lệ tiếp xúc cao hơn trong SERP, từ đó gia tăng độ nhận diện thương hiệu và cho phép doanh nghiệp chia sẻ thông tin hữu ích cho người dùng, xây dựng sự quen thuộc và khả năng kết nối với thương hiệu.

Tận dụng nhu cầu gia tăng để khuyến khích người dùng đến các khu du lịch mới

Người dân nước Anh đang tìm kiếm nơi mà họ có thể đi trong khoảng thời gian này. Cụm từ khóa “Nên đi đâu để ngắm mặt trời vào mùa đông” đang nhận được lượt tìm kiếm cao nhất trong 12 tháng qua, đúng thời điểm mà các quy định về việc giãn cách xã hội đang dần được nới lỏng và chuyến bay đầu tiên của hãng Easyjet cũng cất cánh từ sân bay Gatwick.

Cùng với việc đem đến những thông tin hữu ích liên quan đến những điểm đến an toàn trong du lịch mùa dịch, loại tìm kiếm này cũng cung cấp cho các thương hiệu cơ hội để quảng bá thêm về các điểm du lịch ít ai biết đến, nhằm đem đến cho họ cơ hội trải nghiệm các địa điểm yên tĩnh hơn. Để giảm bớt những bất ổn xoay quanh sự an toàn và trấn an mọi người rằng họ vẫn có thể thực hiện giãn cách xã hội ngay cả khi ở nước ngoài, các thương hiệu du lịch có thể tìm đến những lời khuyên phù hợp để khuyến khích người dùng du lịch đến những nơi mới mà ít ai biết đến.

Trước khi lệnh giãn cách xã hội được áp dụng, khoảng 2,3 triệu người Anh đã đổ về Majorca mỗi năm, chiếm hơn một phần tư lượng khách du lịch. Trong khi đó, thời hậu giãn cách xã hội, hành vi người dùng nhiều khả năng đã thay đổi, với việc nhiều người có xu hướng tránh khỏi các “điểm nóng” du lịch vì lo sợ sự tiếp xúc quá gần nhau sẽ khiến họ không thoải mái. Mặc dù vậy, họ lại không biết quá nhiều về các địa điểm du lịch khác để thử, vừa có thể tránh xa đám đông, vừa có thể trải nghiệm những điều mới lạ. Nếu những địa điểm đó có liên quan đến doanh nghiệp của bạn, hãy tạo nội dung để truyền cảm hứng du lịch cho người dùng, để họ có thể đến những nơi không quá “xô bồ” và khiến họ cảm thấy an toàn hơn khi đi du lịch.

Xây dựng cấu trúc trang để đẩy mạnh khả năng hiển thị và trình bày các nội dung đáng tin cậy

Có lẽ không có gì ngạc nhiên khi mối quan tâm của người dùng dành cho xu hướng “Staycation” (một khái niệm du lịch mới của dân du lịch - du lịch mà không cần đi đâu xa) đã tăng 200% mỗi năm và đang ở vị trí thứ hai kể từ tháng 11/2019, với nguyên nhân chính đến từ những bất ổn xoay quanh vụ việc Brexit.

Vậy làm thế nào các thương hiệu du lịch có thể nhắm mục tiêu cho người tiêu dùng thực hiện các tìm kiếm cụ thể cho các từ khóa như thế này?

Hãy đưa vào trang web của bạn những loại nội dung được xây dựng để nhắm mục tiêu cho các từ khóa này, và không chỉ đơn giản là thêm vào cho có hay mang tính chất bổ sung. Nếu bạn chỉ “ném” các bài đăng này vào một xó trong trang web và không hề quan tâm đến cách chúng kết nối với trang web của bạn, tất nhiên, bạn sẽ không nhận được hiệu quả hiển thị như mong muốn.

Nội dung của bạn càng chất lượng thì Google càng đánh giá cao nó và cho rằng đây là những thông tin giá trị mà người dùng muốn xem.

Đảm bảo rằng các liên kết nội bộ sẽ được chèn một cách hợp lý vào trong bài đăng và đừng quên đính kèm các CTA rõ ràng nhằm thúc đẩy đối tượng mục tiêu của bạn thực hiện một chuyển đổi - cho dù đó là cung cấp thêm thông tin, tìm hiểu nhu cầu về sản phẩm hay thực hiện yêu cầu của bạn.

Điều này có thể đạt được bằng cách tận dụng mô hình phân phối hub and spoke (hub and spoke là một hình thức tối ưu hóa mạng lưới vận tải, trong đó các tuyến vận tải được tổ chức như là một loạt các “spoke” kết nối các điểm xa với một “hub” trung tâm. Hub-and-spoke được tạm dịch là mô hình "trục bánh xe-và-nan hoa") như sơ đồ bên dưới.

Khi sử dụng phương pháp này, một thương hiệu có thể thể hiện quyền hạn của mình đối với một chủ đề nhất định (trung tâm), bằng cách trả lời các tìm kiếm đuôi dài từ khách hàng trong các phần nội dung chuyên dụng (cụm) mà tất cả đều cung cấp tín hiệu nội bộ (thanh ray - spokes) trở lại trung tâm (hub). Mô hình này cung cấp những insights rõ ràng về các mối quan hệ giữa nội dung với các trình thu thập thông tin của công cụ tìm kiếm và hiển thị mức độ sâu rộng của nội dung mà các doanh nghiệp cần có trong một chủ đề nhất định.

Trong bối cảnh sự bất ổn vẫn còn đang ngự trị tại nhiều quốc gia, chúng ta có thể mong đợi vào một sự hợp nhất chưa từng có trong lĩnh vực này sẽ xảy ra, bên cạnh những thay đổi nhanh chóng trong hành vi của người tiêu dùng.

Những thương hiệu có thể giúp khách hàng trả lời được những câu hỏi liên quan đến kỳ nghỉ sắp tới của họ sẽ được người dùng yêu thích, đồng thời trở thành nguồn cảm hứng cho các chuyến du lịch an toàn và đặc biệt, thúc đẩy người dùng đặt chỗ cho những tháng cuối  hè, và trong mùa đông sắp tới.

Tô Linh - MarketingAI

Theo Econsultancy

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.