Cẩm nang xây dựng chiến lược Social Media Marketing trong năm 2020

25 Thg 03

Hiện nay không ai có thể phủ nhận được sự phổ biến khủng khiếp của mạng xã hội trong đời sống hàng ngày của chúng ta, chính vì vậy đây được xem là một trong những kênh truyền thông hiệu quả nhất với Marketer ngày nay. Tuy nhiên, mạng xã hội đã và đang tiếp tục thay đổi rất nhiều, chính vì vậy mà chiến lược Social Media Marketing cũng trở nên phức tạp hơn xưa. Từ việc lựa chọn nền tảng mạng xã hội phù hợp, cho đến vạch ra một chiến lược nội dung, phân tích các chỉ số để đo lường mức độ hiệu quả, tất cả đều là những thách thức cho Marketer và doanh nghiệp. Chính vì vậy, MarketingAI sẽ giới thiệu đến bạn đọc cẩm nang xây dựng chiến lược Social Media Marketing 2020 thông qua bài viết dưới đây.

1. Thiết lập các mục tiêu có ý nghĩa với doanh nghiệp

Điều quan trọng đầu tiên mà doanh nghiệp cần xác định chính là biết được mục đích cuối cùng khi thực hiện chiến dịch Social Marketing là gì. Bởi lẽ việc lên một kế hoạch truyền thông trên mạng xã hội đồng nghĩa bạn phải hình dung được kết quả đạt được cuối cùng là gì. Bất kể đó là việc tăng trưởng doanh thu dựa trên độ nhận diện từ mạng xã hội, hay là tiếp cận đến nhiều khách hàng hơn, lượng người theo dõi tăng cao, tất cả đều phụ thuộc ở bạn. Quan trọng nhất là mục tiêu thiết lập cần phải thực tiễn. Vì vậy, hãy bắt đầu từ những mục tiêu nhỏ hơn rồi dần dần mở rộng hơn theo cách vừa hợp lý vừa có thể thực hiện được. Để dễ hiểu hơn, hãy thử tham khảo một số mục tiêu cho Social Media Marketing trong năm 2020 và sau đó. Những mục tiêu này được đưa ra dựa trên dữ liệu từ Sprout Social Index, đây là những mục tiêu ưu tiên hàng đầu với Marketer ngày nay.

Tăng độ nhận diện thương hiệu

Để tạo được độ nhận diện thương hiệu đáng tin cậy và lâu dài, doanh nghiệp cần lưu ý tránh việc đăng tải những nội dung quảng cáo thuần túy. Thay vào đó, tập trung vào những nội dung có thể giúp nổi bật được cá tính và giá trị của thương hiệu doanh nghiệp trước tiên.

Tạo ra doanh thu và Leads

Dù doanh nghiệp của bạn sở hữu cửa hàng truyền thống hay kinh doanh trực tuyến, những khách hàng trên mạng xã hội sẽ không thực hiện việc mua hàng một cách tình cờ. Thông qua mạng xã hội, doanh nghiệp có thể thông báo tới khách hàng của mình về sự ra mắt sản phẩm mới, hoặc chương trình khuyến mãi mới để thu hút họ và kích thích mua sắm.

Tăng lượng người theo dõi cho thương hiệu

Mục tiêu này khá dễ hiểu, nó chỉ đơn giản là tiếp cận thêm nhiều khách hàng mới - những người chưa từng biết đến thương hiệu của bạn. Ngoài ra, việc tăng lượng người theo dõi cũng đồng nghĩa với việc khám phá ra những cuộc thảo luận về doanh nghiệp bạn cũng như ngành đang hoạt động. Việc khai phá và đào sâu các kênh mạng xã hội, thông qua những từ khóa hoặc hashtag đặc trưng với sự giúp đỡ của các công cụ Social Listening sẽ giúp thương hiệu có thể tiếp cận những khách hàng tiềm năng một cách hiệu quả hơn.

Tăng lượng tương tác cộng đồng

Tìm cách thu hút sự chú ý của những người theo dõi hiện tại của bạn. Đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải thử nghiệm các nội dung và thông điệp truyền tải. Lấy ví dụ, liệu thương hiệu đã quảng bá nội dung do người dùng tạo ra (UGC) và các hashtag hay chưa? Ngay cả những hoạt động đơn giản như đặt ra câu hỏi cũng có thể giúp doanh nghiệp cải thiện được tỷ lệ tương tác. Khách hàng sẽ là nguồn “tài nguyên” nội dung vô giá của doanh nghiệp chỉ khi doanh nghiệp đưa cho họ “công cụ” để làm điều đó.

Tăng lượng truy cập trang web

Nếu doanh nghiệp đặt ra mục tiêu là tăng lượng truy cập vào trang web và tạo Lead, mạng xã hội hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu đó. Dù định dạng nội dung đó là chạy quảng cáo post hay quảng cáo social, doanh nghiệp cần phải quan tâm tới tỷ lệ chuyển đổi và lượt nhấp vào URL để xác định được tỷ lệ ROI từ kênh mạng xã hội.

2. Nghiên cứu khách hàng tiềm năng

Giờ đây với sự phong phú của dữ liệu nhân khẩu học cũng như các công cụ phân tích mạng xã hội, Marketer không còn phải lo lắng về việc tìm hiểu khách hàng của mình. Những điều bạn cần biết về khách hàng để lên kế hoạch marketing hoàn chỉnh đều được các công cụ cung cấp. Ví dụ như yếu tố nhân khẩu học trên các mạng xã hội, những con số này sẽ giúp các thương hiệu biết được mình nên sử dụng nền tảng nào và đăng nội dung gì trên đây.

  • Facebook và YouTube đều là hai nền tảng tuyệt vời cho quảng cáo do lượng người dùng khổng lồ.
  • Phần lớn người dùng Instagram đều thuộc thế hệ Millennials và Gen Z, chính vì vậy mà những nội dung bắt mắt, mang đậm dấu ấn cá nhân sẽ được ưu thích.
  • Nữ giới áp đảo hoàn toàn nam giới trên Pinterest, chính vì vậy sẽ giúp tăng giá trị đơn hàng trung bình cho khách hàng mua sắm trên đây.
  • Người dùng LinkedIn đều là những người có học thức, biến nền tảng này thành một trung tâm cho những nội dung chuyên sâu, cụ thể về từng lĩnh vực riêng biệt, thậm chí là phức tạp hơn cả những gì bạn thấy trên Facebook hay Twitter.

Có thể rút ra từ những nghiên cứu trên một điều: KHÔNG nền tảng mạng xã hội nào đáp ứng được tất cả tiêu chí. Dù cho những dữ liệu về nhân khẩu học ở trên giúp doanh nghiệp hiểu về từng nền tảng mạng xã hội, vậy còn về phía khách hàng của họ? Chính vì vậy, doanh nghiệp cần phải thực hiện việc nghiên cứu và phân tích chuyên sâu hơn để hiểu được chính xác nhân khẩu học về khách hàng của mình trên mạng xã hội.

3. Sử dụng những thang đo quan trọng nhất

Bất kể doanh nghiệp của bạn đang kinh doanh sản phẩm gì, chiến lược Social Media Marketing của bạn vẫn cần phải dựa trên các số liệu thực tế, đồng nghĩa rằng tập trung vào các thang đo trên mạng xã hội là cực kỳ quan trọng. Sau khi Facebook và Instagram đồng loạt thử nghiệm ẩn lượt “Like” trên nền tảng, đây được xem là động thái để doanh nghiệp thay đổi chiến thuật. Thay vì tập trung vào những thang đo ảo, các thương hiệu nên đào sâu vào những dữ liệu có liên quan trực tiếp đến mục tiêu của doanh nghiệp. Dưới đây là một số thang đo quan trọng mà Marketer cần chú ý đến:

  • Reach (Lượt tiếp cận)
  • Clicks (Lượt nhấp)
  • Engagement (Lượng tương tác)
  • Hashtag performance (Hiệu suất hoạt động của Hashtag)
  • Organic and paid likes (Lượt Like tự nhiên và trả phí)
  • Sentiment (Cảm xúc)

Có thể nói, một chiến lược Social Media Marketing hiệu quả là khi nó dựa trên những con số. Điều đó nói rằng, những con số đó cần phải được đặt vào một bối cảnh xoay quanh các mục tiêu ban đầu của bạn. 

4. Đào sâu tìm hiểu những gì đối thủ đang thực hiện

Trước khi bắt tay vào việc tạo ra nội dung, doanh nghiệp nên có một cái hiểu chính xác những gì đối thủ của mình đang dự định. Mặc dù một số thương hiệu có thể muốn xem xét các công cụ phân tích đối thủ của bên thứ ba để tìm hiểu sâu hơn về số lượng đối thủ cạnh tranh của họ, doanh nghiệp của bạn cũng có thể thu được những Insight hữu ích từ đánh giá khá đơn giản về sự hiện diện trên mạng xã hội của đối thủ. Việc nhìn vào các kênh mạng xã hội của đối thủ sẽ giúp doanh nghiệp hiểu được chiến lược Social Media Marketing của họ. Mục đích ở đây không phải sao chép hay ăn cắp ý tưởng của đối thủ. Thay vào đó, Marketer xác định những yếu tố hiệu quả cho doanh nghiệp đối thủ, từ đó rút ra những thông tin hữu ích để áp dụng cho doanh nghiệp của mình

Cùng ngành nhưng khác chiến lược

Hãy nhìn vào ví dụ về hai thương hiệu sau khi họ cùng hoạt động trong một lĩnh vực, tuy nhiên hai thương hiệu đã có hai cách thức tiếp cận khác nhau về chiến lược Social Media Marketing của họ và đều đạt được thành công. Cụ thể, ở đây là hai thương hiệu kinh doanh sản phẩm chăn ga gối đệm. 

Casper thường sử dụng nội dung nhẹ nhàng nhưng đầy cá tính, đôi khi nhấn mạnh sự thoải mái đi kèm là một chút hài hước. Nói ngắn gọn, thương hiệu này đã thành công trong việc tạo ra nội dung hấp dẫn khán giả, khiến nó không bị khô khan miễn cưỡng như là một tài khoản mạng xã hội của một doanh nghiệp thông thường.

Trong khi đó, hãng Purple lại được biết đến nhờ những nội dung vô cùng hài hước và những hình ảnh meme độc đáo. Chính vì vậy, thương hiệu này đã kết hợp những nội dung hài hước của mình với những bài đăng quảng cáo “truyền thống” với sự xuất hiện của Influencer.

Điều quan trọng ở đây chính là, các thương hiệu có rất nhiều lựa chọn và hướng đi khi nói về sự sáng tạo trong nội dung, cũng như tìm cách để trở nên nổi bật và khác biệt so với đối thủ. Dĩ nhiên, doanh nghiệp của bạn cần biết đối thủ là những ai trước khi bắt đầu vào việc sáng tạo nội dung, chính vì vậy mà việc nghiên cứu và phân tích vô cùng quan trọng.

Làm thế nào để tìm ra đối thủ trên mạng xã hội

Cách đơn giản nhất để tìm kiếm đối thủ trên mạng chính là thông qua công cụ Google tìm kiếm. Hãy tìm đến những từ khóa, định nghĩa và các cụm từ chứa nhiều giá trị và xem kết quả trả về. Lấy ví dụ, doanh nghiệp của bạn kinh doanh sản phẩm xà phòng, vậy hãy tra cứu cụm từ “xà phòng thủ công tự nhiên”. Trừ những nhà bán lẻ lớn như Amazon hay Bath & Body Works, hãy quan sát xem những cái tên nào xuất hiện trên cả phần kết quả tự nhiên lẫn trên quảng cáo.

Từ đây, hãy để mắt tới những cái tên thường xuyên hoạt động trên mạng xã hội. Cụ thể ở trường hợp này, thương hiệu Wild Soap có quy mô nhỏ hơn nhưng lại rất năng nổ hoạt động trên mạng xã hội. Đồng nghĩa đây là một cái tên sáng giá để bạn để mắt tới.

Sau khi xác định được một số đối thủ cùng ngành, bạn có thể sử dụng các công cụ phân tích mạng xã hội để so sánh mức độ hoạt động của từng bên với chính doanh nghiệp của mình. Xem những nội dung họ đăng tải trên Facebook, xem chỉ số tương tác cũng như cách họ gắn thẻ trên nội dung Instagram. Từ đó rút ra những nhận định để tối ưu chiến lược cho doanh nghiệp của bạn.

5. Tạo ra những nội dung hấp dẫn trên mạng xã hội

Hiển nhiên chiến lược Social Media Marketing của doanh nghiệp sẽ xoay quanh nội dung là chủ yếu. Ở thời điểm này, doanh nghiệp đã hiểu được nội dung gì cần đăng tải dựa trên mục tiêu và nhận diện của thương hiệu. Tương tự vậy, chắc chắn doanh nghiệp cũng đã xác định được nền tảng mạng xã hội phù hợp để sử dụng. Vậy như nào là một nội dung hấp dẫn và thu hút trên mạng xã hội? Làm thế nào để doanh nghiệp có thể tạo ra nó?

Gắn liền với chủ đề nội dung

Một trong những khó khăn lớn nhất với nội dung trực quan chính là việc sáng tạo ra nó mỗi ngày. Theo một khảo sát bởi Venngage, có tới một phần ba Marketer gặp khó khăn trong việc tạo ra những hình ảnh trực quan hấp dẫn. Yếu tố này đã minh họa cho mức độ quan trọng của nội dung trực quan tới Marketer và đối tượng khách hàng họ muốn tiếp cận. Chính vì vậy, xây dựng những chủ đề nội dung là một hướng đi cần thiết để phân loại nội dung.

Hiện nay, nền tảng Instagram được xem là kênh tốt nhất cho những chủ đề nội dung liên quan tới hình ảnh trực quan. Lấy ví dụ, Postmates là thương hiệu đã rất thành công trong việc vừa duy trì trang Instagram của mình được nhất quán, vừa khiến những hình ảnh trở nên bắt mắt và mang tính thẩm mỹ cao.

Việc duy trì và gắn liền với chủ đề nội dung giúp Marketer xây dựng lịch trình nội dung dễ dàng hơn. Đơn cử, bạn có thể thay đổi tuần tự giữa định dạng Meme, hình ảnh sản phẩm và nội dung do người dùng tạo ra (UGC) trong khi duy trì được bố cục màu sắc tuần tự. Đây cũng chính là cách mà thương hiệu Profitec đã và đang áp dụng cho trang Instagram của họ.

UGC và nội dung tương tác

UGC - Nội dung do người dùng tạo ra cho phép những Follower (Người theo dõi) của thương hiệu có thể tương tác với nội dung, cũng như mang lại cho họ một số ưu đãi khi tương tác. Bất kể đó là sử dụng hashtag hay đăng tải một hình ảnh, việc khuyến khích khách hàng tương tác với nội dung là một cách thông minh để tăng tỷ lệ tương tác trên trang của bạn lên nhanh chóng.

Tương tự, đừng bao giờ bỏ lỡ cơ hội để tương tác với sự tò mò của khách hàng. Ngay cả một bài đăng với nội dung đơn giản như đặt một câu hỏi hoặc đăng một cuộc thăm dò ý kiến đều sẽ phát huy được hiệu quả.

Stories và nội dung nhạy cảm với thời gian

Hãy tận dụng yếu tố FOMO (Fear of missing out - Cảm giác sợ bị bỏ lỡ) từ những Follower của bạn. Cũng chính vì vậy, định dạng nội dung Stories trên Instagram và Facebook sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn. Đơn cử, Stories đều sở hữu yếu tố tính tương tác cao và không thể bỏ lỡ. Điều này sẽ giúp nội dung xuất hiện trên bảng tin những Follower một cách tự nhiên nhất, chưa kể định dạng nội dung này sẽ giúp tài khoản thương hiệu được người xem ưu tiên hơn, và luôn được làm mới trong tâm trí khách hàng.

Định dạng Stories là cực kỳ có ích để đưa Follower của bạn đi vào những bối cảnh hậu trường của thương hiệu, từ đó giúp trang cá nhân của thương hiệu có thêm yếu tố cá nhân vào đó. Lấy ví dụ, cân nhắc việc sử dụng Stories để truyền tải lại bối cảnh của một sự kiện nào đó, hoặc đưa người theo dõi của bạn đi theo một hành trình câu chuyện liền mạch.

Định dạng video là “át chủ bài” cho chiến lược Social Marketing

Mức độ phổ biến của định dạng video trên mạng xã hội đang không ngừng tăng lên mỗi ngày. Bất kể đó là video dài hay ngắn thì cả hai đều đang thống trị không gian mạng xã hội trên mọi nền tảng khác nhau. Các thương hiệu ngày nay vẫn đang không ngừng tạo ra những nội dung video mới mỗi ngày, tùy theo mục tiêu và tính chất nội dung của từng bên thì họ sẽ lựa chọn thời lượng video khác nhau. Quan trọng hơn cả, các thương hiệu nếu muốn thành công trong hoạt động truyền thông ngày nay, chắc chắn họ sẽ phải thích nghi và làm quen với định dạng video khi sáng tạo nội dung, nhất là khi ngày càng có nhiều công cụ và ứng dụng để hỗ trợ Marketer trong công việc này.

6. Đưa yếu tố kịp thời lên ưu tiên hàng đầu

Có thể nói, yếu tố kịp thời nó là một con đường hai chiều. Bạn sẽ không thể lúc nào cũng mong chờ khách hàng sẽ thực hiện “đúng giờ” như những gì đã dự tính. Ngược lại, việc tiếp cận và phản hồi tới họ kịp thời lại rất quan trọng. Vậy làm thế nào để thương hiệu có thể đáp ứng được cả hai yếu tố trên cùng một lúc? 

Đăng bài vào thời điểm phù hợp nhất để tăng tương tác

Câu hỏi nhanh: Khi nào thì thương hiệu của bạn sẽ sẵn sàng để tương tác với khách hàng?

Có thể bạn sẽ lướt thấy nhiều bài viết chỉ ra những khung giờ, khoảng thời gian “lý tưởng” để đăng bài. Tuy nhiên, liệu vào những khung giờ đó thì thương hiệu của bạn đã sẵn ở đó để trò chuyện, tương tác với khách hàng hay chưa? Vậy việc đăng tải bài vào khung giờ “lý tưởng” đó sẽ còn nghĩa lý gì nữa?

Thay vào đó, đảm bảo rằng tài khoản thương hiệu trên các trang mạng xã hội sẽ luôn có người trực và sẵn sàng trả lời bất kỳ câu hỏi nào liên quan tới sản phẩm, hay giải đáp các thắc mắc khi đăng tải các nội dung. Việc tìm hiểu các khung giờ đăng bài hợp lý là điều cần thiết, tuy nhiên việc tương tác sau khi đăng bài còn quan trọng hơn. Chính yếu tố này đã dẫn đến luận điểm tiếp theo.

>> Xem thêm:

Phản hồi thắc mắc hoặc câu hỏi từ phía khách hàng nhanh nhất có thể

Khách hàng không chỉ trông chờ vào việc phản hồi nhanh chóng từ thương hiệu, họ còn cần những cuộc thảo luận mang lại giá trị một cách thường xuyên. Chính vì vậy, thương hiệu không được quên những yếu tố cốt lõi này của việc Networking (tạo mối quan hệ). Nó đòi hỏi nỗ lực để đảm bảo những cuộc thảo luận, hay các cơ hội tương tác với khách hàng không bị lãng phí. Thông qua mạng xã hội, thương hiệu sẽ nhận được sự tôn trọng bằng việc xuất hiện và trò chuyện với khách hàng của mình. Chính vì vậy chăm sóc khách hàng trên mạng xã hội đang ngày càng trở nên quan trọng hơn với các thương hiệu, đặc biệt là với những thương hiệu muốn gia tăng độ nhận diện của họ. Tất cả đều phục vụ chung một mục đích là sự tương tác.

Bất kể đó là tận dụng lời khen hay trả lời câu hỏi, doanh nghiệp không nên bỏ mặc khách hàng. Thông qua những công cụ quản trị trang mạng xã hội, thương hiệu có thể tìm thấy các cách khác nhau trên toàn bộ các kênh để tương tác, phản hồi và khiến khách hàng có thiện cảm với mình. Theo một nghiên cứu, thời gian phản hồi trung bình của một thương hiệu là khoảng 10 tiếng. Tuy nhiên, hầu hết người dùng mạng xã hội tin rằng các thương hiệu nên phản hồi tin nhắn của họ trong khoảng 4 tiếng.

Khi thuật toán trên mạng xã hội trải qua nhiều lần cập nhật và thay đổi, nội dung tự nhiên sẽ rất khó để tiếp cận được lượng lớn khách hàng của thương hiệu. Chính vì vậy, đừng bao giờ phớt lờ những người đang tương tác với nội dung trên trang của mình.

7. Tìm hiểu những gì đang hiệu quả, những gì còn thiếu và cải thiện

Đến phần này, chắc hẳn bạn đã hình dung trong đầu một cái hiểu tổng quát về chiến lược Social Media Marketing của mình. Tuy nhiên, điều quan trọng là Marketer có thể điều chỉnh chiến lược của họ khi chiến lược đi vào hoạt động trong suốt thời gian. Nếu không liên tục phân tích hiệu quả của những nỗ lực và hoạt động, Marketer sẽ không thể biết được liệu chiến dịch lần này tốt hơn lần trước hay không. Có một cái nhìn tổng quát về những gì bạn đang làm trên mạng xã hội sẽ giúp đưa mọi thứ vào trong một khuôn khổ. Điều này đồng nghĩa với việc nhìn vào những nội dung có hiệu suất cao nhất, cũng như những chiến dịch có kết quả tốt nhất.

Không thể phủ nhận rằng làm Marketing trên nhiều nền tảng mạng xã hội đồng nghĩa với việc thử nghiệm và thất bại. Theo dõi các số liệu đằng sau mỗi chiến dịch của bạn theo thời gian thực cho phép bạn thực hiện các điều chỉnh nhỏ cho chiến lược tiếp thị truyền thông xã hội của mình thay vì những thay đổi quy mô lớn, tốn thời gian. Phương thức tiếp cận này với Marketing dần trở nên hợp lý trong thời đại ngày nay khi mạng xã hội không ngừng phát triển và thay đổi. Marketer có thể hoạt động tích cực trong ngắn hạn để phân tích và thu về nhiều nhất từ chiến dịch đang chạy, sau đó chủ động sử dụng những thông tin này để có những thay đổi phù hợp cho chiến lược lớn tiếp theo.

8. Chia sẻ mục tiêu truyền thông, thách thức cho đội ngũ của bạn

Để kết thúc, lưu ý rằng việc hợp tác trong một team đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết với Social Marketer. Theo dữ liệu nghiên cứu từ phía Sprout Social chỉ ra rằng các marketer đang có kỳ vọng ngày càng tăng trong việc báo cáo về kết quả và ROI với cấp trên của họ. Làm như vậy không chỉ giúp những nỗ lực của nhân viên trở nên có giá trị, nó đồng thời nhấn mạnh vai trò và kết quả mà chiến lược Social Media Marketing có thể tạo ra. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần tìm cách để truyền đạt các thông tin qua các báo cáo dễ đọc, dễ chia sẻ, cũng như các công cụ hợp tác tích hợp để đội ngũ có thể vận hành và làm việc cùng nhau suôn sẻ hơn trong mọi chiến dịch.

Tạm kết

Vừa trên là tất cả những lời khuyên, mẹo hữu ích mà MarketingAI đã tổng hợp từ Sprout Social để làm nên cẩm nang xây dựng chiến lược Social Media Marketing trong năm 2020. Hy vọng bài viết đã cung cấp tới bạn đọc những thông tin hữu ích, hẹn gặp các bạn trong những bài viết chuyên sâu tiếp theo trên MarketingAI.

Tuấn Anh - MarketingAI

Theo Sprout Social

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.