Chi phí truyền thông toàn cầu tiếp tục giảm, khu vực châu Á khởi sắc với mức tăng dự báo 4.1% trong cuối năm 2020

23 Thg 11

Chi phí truyền thông tại APAC đi ngược với xu hướng toàn cầu.

Tổng quan

ECI Media Management vừa phát hành bản cập nhật Báo cáo Lạm phát Truyền thông cho Quý III/2020, trong đó chỉ ra rằng đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến chi phí truyền thông trên toàn thế giới. Báo cáo cho thấy tỉ lệ giảm phát trên các phương tiện truyền thông đã giảm bớt kể từ quý II, tuy nhiên chi phí được dự báo sẽ vẫn giảm phát ở mức -0.9% trên toàn cầu do ảnh hưởng của suy thoái truyền thông truyền thống.

Cơ quan Kiểm toán Truyền thông Toàn cầu cũng dự đoán chi phí truyền thông sẽ tiếp tục giảm trên tất cả các châu lục, ngoại trừ khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC), với chi phí truyền thông dự kiến có lạm phát nhẹ ở mức 4.1%

ECI Media Management đã tiến hành theo dõi tỉ lệ lạm phát của 7 kênh truyền thông quan trọng trên 61 quốc gia tại tất cả các khu vực trên thế giới kể từ năm 2012.

7 kênh truyền thông quan trọng đó bao gồm:

  • Truyền hình (TV)
  • Hiển thị kỹ thuật số (Digital Display)
  • Video kỹ thuật số (Digital Video)
  • Báo chí (Newspaper)
  • Tạp chí (Magazines)
  • Quảng cáo ngoài trời (OOH)
  • Phát thanh (Radio)

Nhận xét

Nguồn: brandinginasia.com

Qua biểu đồ trên ta thấy, trong số 7 kênh được theo dõi chỉ có hai kênh Digital Display và Digital Video có dấu hiệu phục hồi, với tỉ lệ lạm phát lần lượt là 2.6% và 4.1%. Các kênh truyền thông truyền thống đều ghi nhận mức lạm phát âm, trong đó -11.5% với kênh Magazines, -9.5% với kênh Newspaper, -7.6% với kênh Radio, hai kênh TV, OOH có tỉ lệ giảm phát lần lượt là -5.1% và -2.7%. Đây vốn là xu hướng tất yếu đối với hoạt động truyền thông - quảng cáo trong tương lai. Có thể nói, nhờ tác động của dịch Covid-19, tốc độ chuyển dịch sang phương tiện kỹ thuật số, cũng như sự bùng nổ của các nền tảng trực tuyến đã được đẩy nhanh hơn, ECI Media Management cho biết thêm.

Sự phát triển của internet và ứng dựng công nghệ hiện đại tại APAC đã giúp gia tăng tỉ lệ lạm phát tổng thể của lĩnh vực Digital trong khu vực. Cùng với đó, sự thích nghi liên tục với nền tảng nội dung chất lượng cao sẵn có đã góp phần rất lớn cho kết quả này. Tuy nhiên, làn sóng dịch bệnh lần thứ hai đã bắt đầu tác động xấu đến hoạt động truyền thông của khu vực. Đã có sự suy giảm đáng kể của kênh truyền hình (TV) vốn không nằm trong dự đoán trước đó.

Tuy nhiên, đây vẫn là khu vực có hoạt động truyền thông qua kênh truyền hình phát triển mạnh mẽ nhất. Nhật Bản vốn là thị trường chủ chốt của kênh TV trong khu vực, với việc bị giảm phát đáng kể tại đây đã khiên cho vị trí chung của APAC bị giảm sút. Nhật Bản thường áp dụng chiến lược giá cố định, do vậy bất kỳ sự sai lệch nào so với mức giá này đều được coi là một tác động nghiêm trọng đối với thị trường. Tại khu vực Đông Nam Á, nhiều thị trường lớn đang có mức lạm phát đối với kênh TV thấp hơn so với tháng 4. Tuy nhiên, xem xét tỉ lệ lạm phát trong khoảng thời gian tiếp theo cho thấy tiềm năng phục hồi của các thị trường này.

Báo cáo cho biết thêm, việc kiểm soát tốt đại dịch Covid cho phép Trung Quốc kỳ vọng về sự tăng trưởng tích cực trong quý cuối năm 2020. Việc mở cửa trở lại hoạt động kinh tế đã làm thay đổi dự báo chung khiến chúng vẫn đạt được lạm phát mặc dù không được cao như dự đoán.

“Năm 2020 là một năm đầy biến động đối với ngành quảng cáo và toàn thế giới” ông Fredrik Kinge – CEO toàn cầu của ECI Media Management cho biết.

“Chúng tôi kỳ vọng số liệu quý 3 sẽ tích cực hơn quý 2, đặc biệt là khi việc đóng cửa nền kinh tế đã giảm bớt, các doanh nghiệp mở cửa trở lại và niềm tin của người tiêu dùng tăng lên, nhưng với mùa đông đang đến gần ở Bắc bán cầu và làn sóng đại dịch thứ hai đang nổi lên trên toàn thế giới, vẫn còn phải xem sự phục hồi này có thể được duy trì hay không”.

Nguồn: brandinginasia.com

Mặc dù không dự báo cụ thể trong báo cáo này, ECI Media Management cho biết thêm: “chúng tôi đã thấy rằng các phương tiện truyền thông xã hội và phương thức mua bán quảng cáo tự động đã đi theo quỹ đạo tương tự như Digital Display và Digital Video, chống lại xu hướng giảm phát của các loại phương tiện truyền thống. Khả năng phục hồi này chắc chắn một phần là do vị trí của chúng ở cuối kênh, thúc đẩy doanh số bán hàng - luôn là trọng tâm trong khủng hoảng hơn là xây dựng thương hiệu. Chúng cũng nằm trong số các loại phương tiện linh hoạt nhất - khoản đầu tư có thể bị hủy bỏ ngay lập tức nên chúng có rủi ro thấp hơn trong những thời điểm không ổn định.”

Kết luận

Tất cả các phương tiện truyền thông, bao gồm mạng xã hội và phương thức mua bán quảng cáo tự động, đã trải qua sự sụt giảm vào năm 2020, nhưng khi các nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại và niềm tin của người tiêu dùng tăng lên, dòng vốn đầu tư đã bắt đầu chảy trở lại. Hơn nữa, nhiều nhà quảng cáo đang đầu tư chậm lại vào OOH và radio, giải phóng tiền quảng cáo cho các nền tảng kỹ thuật số mà người tiêu dùng đang dành nhiều thời gian hơn.

Lương Hạnh - MarketingAI

Theo: brandinginasia.com

>> Có thể bạn quan tâm: 5 chiến lược quảng cáo để tăng mức độ hiển thị trong thế giới không có cookie
Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.