Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam: Cơ hội vàng cho doanh nghiệp Việt

21 Thg 07

Chỉ số niềm tin phản ảnh rất nhiều về hành vi mua sắm của người dân mỗi quốc gia. Với việc tăng 9 điểm so với quý cuối năm 2017 thì chỉ số niềm tin người người tiêu dùng Việt Nam đạt mức cao nhất trong thập kỷ qua và là nước lạc quan thứ 4 trên thế giới. Liệu đây có phải là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp?

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng là gì?

Trong kinh tế học, Chỉ số niềm tin người tiêu dùng (tiếng Anh: Consumer Confidence Index) là chỉ số đo niềm tin của người tiêu dùng trong một nền kinh tế. Niềm tin tiêu dùng được thể hiện qua mức độ lạc quan về nền kinh tế, về thu nhập, và mức độ chi tiêu của người dân. Nếu người dân lạc quan vào tương lai, họ sẽ tiêu dùng nhiều hơn, và ngược lại. Từ đây có thể thấy nền kinh tế sẽ mở rộng hay thu hẹp. Tổ chức nghiên cứu Conference Board, đo chỉ số này dựa trên khảo sát 5.000 hộ gia đình.

chi-so-niem-tin-ngươi-tieu-dung
(Nguồn: Asiabriefing)

Báo cáo này rất có ích trong việc dự đoán những thay đổi bất ngờ trong những mẫu khảo sát tiêu dùng. Và khi người tiêu dùng sử dụng 2/3 tài khoản của mình vào nền kinh tế, nó giúp chúng ta hiểu thấu được hướng đi của nền kinh tế đó. Tuy nhiên, chỉ khi những chì số đó thay đổi ít nhất 5 điểm thì mới nên được xem xét cẩn thận.

Đông Nam Á là khu vực có chỉ số niềm tin người tiêu dùng ấn tượng

Đông Nam Á và Bắc Mỹ là 2 khu vực có mức độ niềm tin người tiêu dùng cao nhất. Người tiêu dùng ở khu vực Đông Nam Á rất lạc quan, với chỉ số niềm tin tăng 2 điểm từ mức 119 ở quý 4 năm 2017 lên 121 điểm trong quý 1 năm nay. Ba trong sáu quốc gia đạt điểm số cao nhất bao gồm Việt Nam, Philippines và Indonesia. Tuy Philippines có sự sụt giảm lớn nhất trong khu vực về chỉ số niềm tin, giảm 3 điểm, nhưng Philippines vẫn trụ ở vị trí thứ hai trong danh sách top 10 các quốc gia lạc quan trên toàn cầu với 128 điểm. Trong quý này Malaysia tăng 10 điểm, đạt 104 điểm. Và Việt Nam và Malaysia là hai quốc gia được xếp trong số 5 nước tăng hàng đầu trên thế giới. Singapore chứng kiến ​​mức tăng 3 điểm trong khi Thái Lan đã kết thúc quý đầu năm nay ở mức 110 điểm, giảm 1 điểm.

chi-so-niem-tin-ngươi-tieu-dung
Chỉ số ấn tượng của khu vực Đông Nam Á theo khảo sát quý I năm 2018 (Nguồn: Nielsen)

Việt Nam có chỉ số niềm tin người tiêu dùng cao thứ 3 tại Đông Nam Á chứng tỏ thị trường của Việt Nam đang phát triển và đó là một tín hiệu tích cực với các doanh nghiệp hoạt động tại thị trường 90 triệu dân. Chỉ số của Việt Nam còn cao hơn các nước phát triển, điều này được lý giải là do việc tăng thu nhập hộ gia đình và chính sách định hướng tăng trưởng của chính phủ dẫn đến sự lạc quan của người tiêu dùng trong quý đầu năm 2018.

"Tuy nhiên, tâm lý tích cực của người tiêu dùng tại Việt Nam lại không dẫn đến sự tăng trưởng mạnh mẽ của doanh thu ngành hàng tiêu dùng nhanh, với mức tăng trưởng trong quý 1 chỉ đạt 1,8%. Tốc độ tăng trưởng này chậm hơn dự kiến ​​và phản ánh sự biến động của ngành FMCG ở Việt Nam, có thể do thay đổi hành vi tiêu dùng."

Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh - Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam tác động như thế nào?

Chi tiêu người tiêu dùng cũng tiết kiệm

Khi nhu cầu cơ bản của người tiêu dùng Việt Nam đã gần như được chi trả hết thì họ sẵn sàng chi cho những mục đích lớn hơn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo tháp nhu cầu Maslow thì một khi con người nâng cao chất lượng cuộc sống thì dĩ nhiên họ muốn những thứ cao hơn để chi trả về cuộc sống của họ trong cuộc sống hàng ngày. Và mong muốn này dần trở nên mạnh mẽ trong quý IV vừa qua:

chi-so-niem-tin-ngươi-tieu-dung
Xu hướng chi tiêu của người Việt có sự thay đổi rõ rệt so với quý IV năm 2017 (Nguồn: Nielsen)
  • 51% người tiêu dùng sử dụng tiền để mua cho quần áo mới (+2 điểm)
  • 46% người tiêu dùng chi tiêu cho các ngày nghỉ lễ (+2 điểm)
  • 46% người tiêu dùng chi cho các sản phẩm công nghệ mới (+6 điểm)
  • 43% người tiêu dùng chi hoạt động vui chơi giải trí bên ngoài (+2 điểm)
  • 42% người tiêu dùng chi hoạt động vui chơi giải trí bên ngoài (+2 điểm)
  • 42% người tiêu dùng chi có sửa chữa nâng cấp nhà cửa
  • 38% chi cho bảo hiểm y tế cao cấp tăng tận 9 điểm trong quý này

Tuy nhiên, người tiêu dùng Việt Nam vẫn có xu hướng tiết kiệm mạnh mẽ. Gần ba phần tư người Việt được hỏi (73%) cho biết họ sử dụng tiền nhàn rỗi để tiết kiệm (so với mức 72% trong quý trước). Báo cáo cũng tiết lộ rằng tiết kiệm là một phần không thể thiếu trong việc quản lý tài chính của người tiêu dùng Đông Nam Á, với 67% số người được hỏi sử dụng tiền nhàn rỗi để tiết kiệm.

Giống như những quốc gia phát triển thì nhu cầu của người dân Việt Nam tăng lên, những nhu cầu về bảo hiểm y tế đang dần tăng cao lên. Người tiêu dùng Việt Nam có những khoản chi tiêu nhiều hơn cho bảo hiểm sức khỏe, xu hướng này đang dần thay đổi theo thu nhập và xã hội của một quốc gia, và Việt Nam đang có sự thay đổi tích cực trong những năm vừa qua. Sự phát triển là điều hiển nhiên, theo nhận định của bà Nguyễn Hương Quỳnh thì " xu hướng này phản ánh một trong những thay đổi trong suy nghĩ và hành vi của người tiêu dùng. Khi người tiêu dùng tự trang bị cho mình với các dịch vụ bảo hiểm, họ sẽ có được một cảm giác bảo vệ và an toàn mà họ cần".

Công việc ổn định và sức khỏe là mối quan tâm của người tiêu dùng Việt Nam

Theo báo cáo của Nielsen thì top 5 mối quan tâm lớn nhất của người Việt vẫn giống như quý trước:

chi-so-niem-tin-ngươi-tieu-dung
Top 5 mối quan tâm của người tiêu dùng không có sự xáo trộn nhiều (Nguồn: Nielsen)
  • Công việc ổn định dẫn đầu với 43% sự quan tâm từ người tiêu dùng tại Việt Nam
  • Sức khỏe đứng thứ 2 với 41% sự quan tâm
  • Công việc, cuộc sống và sự phát triển của nền kinh tế đứng vị trí tiếp theo với cùng 23%
  • 16% người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe và hạnh phúc của bố mẹ

Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc điều hành của Nielsen Việt Nam, mặc dù người tiêu dùng tiếp tục lạc quan về tương lai của họ nhưng sự ổn định về tài chính cá nhân vẫn là một trong những ưu tiên lớn nhất. Cả việc ổn định công việc lẫn triển vọng của nền kinh tế đều có ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ ổn định tài chính của người tiêu dùng, và do đó đây vẫn là mối quan tâm chính.

Cơ hội vàng cho những doanh nghiệp tại Việt Nam

Theo những chỉ số này thì người tiêu dùng Việt Nam hiện nay càng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề công việc lẫn sức khỏe của bản thân. Điều này lại có lợi với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, và các công ty thực phẩm chức năng cho người tiêu dùng. Thêm vào đó đánh vào tâm lý của người Việt Nam ưa chuộng "cái đẹp" thì những phòng tập Gym xuất hiện và tạo ra ''ma trận" bao quanh họ. Việc sử dụng những Influencer giúp các doanh nghiệp sức khỏe tạo ra tâm lý người tiêu dùng rằng "Mình phải đẹp", chính vì tạo được suy nghĩ ấy nên càng ngày người tiêu dùng càng quan tâm đến những doanh nghiệp hoạt động đến sức khỏe, chăm chút về hình thể bản thân.

chi-so-niem-tin-ngươi-tieu-dung
Doanh nghiệp phòng tập sức khỏe đánh vào tâm lý của người Việt Nam (Nguồn: California Fitness)
chi-so-niem-tin-ngươi-tieu-dung
Các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam cũng đang hưởng lợi từ sự quan tâm của người dân Việt Nam (Nguồn: TCA)

Thế nhưng đây cũng là một mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực FMCG nếu thực sự biết khai thác. Chính vì khách hàng quan tâm đến lĩnh vực sức khỏe vì vậy, nhiều thương hiệu đang tạo ra những sản phẩm có lợi cho sức khỏe khách hàng của họ. Minh chứng như các sản phẩm sữa của Vinamilk, TH True milk hay sản phẩm dầu ăn thực vật Tường An, dầu đậu nành Simply tốt cho tim mạch.... Những doanh nghiệp này tiên phong trong vấn đề quan tâm đến sức khỏe của người tiêu dùng, họ nhận thức rõ được đây đang là những vấn đề mà người tiêu dùng mong muốn có được. Và đây chính là yếu tố góp phần vào chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam tăng vọt trong quý 1 năm 2018.

chi-so-niem-tin-ngươi-tieu-dung
Những sản phẩm tốt cho sức khỏe đang được tận dụng với ngành FMCG (Nguồn: TH Truemilk)

Kết luận

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam có một bước nhảy vọt trong vòng thập kỷ qua là một tín hiệu đáng mừng không chỉ với thị trường Việt Nam mà còn với doanh nghiệp kinh doanh tại thị trường này. Có thể nói đây chứng tỏ mức chất lượng của sản phẩm Việt ngày càng được nâng cao, và các doanh nghiệp đang tận dụng "cơ hội vàng" này để phát triển, dùng những chiến lược Marketing hiệu quả để tiếp cận tới khách hàng. Chính những tư duy khôn ngoan đó sẽ là điều kiện để đưa các doanh nghiệp nâng cao vị thế tại thời đại đầy sự cạnh tranh này.

Thắng Nguyễn - Marketing AI 

Theo Nielsen 

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.