Những điều bất ngờ từ chiến dịch marketing phim của Hollywood

12 Thg 07

Hằng ngày, đâu đâu bạn cũng sẽ thấy quảng cáo phim truyền hình và phim rạp, từ những poster khổng lồ đến những banner xuất hiện trên nhiều website, trên trạm chờ xe bus, những trailer hấp dẫn trên youtube hay trong tivi ở thang máy.

Bất cứ sản phẩm mới nào được tung ra thị trường cũng cần được quảng cáo để thu hút, riêng về phim nhà phát hành quảng cáo để lôi kéo người hâm mộ

Từ khi ra đời cho đến nay, điện ảnh đã tiếp thu các thành tựu khoa học kĩ thuật để đổi mới bản thân và dần biến mình thành một ngành công nghiệp hoàn chỉnh với 3 khâu: sản xuất, quảng cáo và trình chiếu. Tương đương với 3 khâu này là 3 nhà: nhà sản xuất, nhà đạo diễn và nhà phát hành. Tuy thường được biết đến là “bước đệm của thành công” nhưng khâu quảng cáo chưa bao giờ bị xem nhẹ.

Phim chưa ra mắt mà số lượng người quan tâm đã rất đông, kéo theo là doanh thu phòng vé khổng lồ trong tuần đầu công chiếu thì bộ phim ấy chắc thắng đến 90%. Người góp sức không thể thiếu, có thể nói là quan trọng thứ 2 sau nhà sản xuất, chính là các nhà phát hành phim. Nhờ họ mà công chúng mới biết được những thông tin cơ bản nhất như bộ phim ấy nói về cái gì, đạo diễn và dàn diễn viên là những ai và cả lịch chiếu nữa.

Việc quảng cáo phim được những nhà phát hành lên kế hoạch rõ ràng về tài chính. Họ sẽ xác định rõ đối tượng khán giả nào sẽ quan tâm đến bộ phim nhiều nhất và vì thế, hình thức quảng cáo nào sẽ là trọng tâm. Từ đó các chiếc lược quảng cáo sẽ được hoạch địch và triển khai trên tất cả các kênh quảng cáo đang tồn tại. Nhà phát hành sẽ giao cho đội ngũ chuyên viên, thường được gọi là những nhà tiếp thị, thực hiện các chiến lược quảng cáo đó. Nhà tiếp thị là người sẽ liên hệ trực tiếp với các tờ báo, các kênh truyền hình, đài phát thanh, các trang web giải trí và thậm chí là cả các chủ cửa hàng đồ chơi để kí kết hợp đồng quảng cáo.

Tận dụng bất cứ nơi đâu để quảng cáo miễn là gây được sự chú ý!

Hàng ngày đi qua các rạp chiếu phim, đi ngoài đường, lướt web, xem quảng cáo… bạn thấy có các băng-rôn phim, poster phim, các đoạn trailer phim, các hình ảnh ảnh độc đáo trong phim, các đoạn phim phía sau màn hình rất vui vẻ và thú vị, các cuộc phỏng vấn với các diễn viên trong phim… đó là kết quả cuối cùng của những chiến lược quảng cáo tỉ mỉ như vậy.

Marketing phim - cuộc tấn công tổng lực

Nếu trong thời kỳ đầu của công nghiệp điện ảnh, quảng cáo phim chỉ đơn giản là những tấm băng-rôn, những tấm poster thiết kế đơn giản… thì đến nay quảng cáo phim đã trở thành một mặt trận tổng hợp tất cả những sức mạnh nhà phát hành có thể tận dụng nhằm hút khán giả đến với phim của mình.

Vì lẽ đó, giờ đây người ta không đơn thuần gọi đó là quảng cáo phim mà là những chiến dịch tiếp thị phim với những chiến lược cụ thể cho từng loại hình quảng cáo nhất định và theo sau là những khoản ngân sách khổng lồ. Nếu như một hãng phim nghĩ rằng "bộ phim này có cơ hội thu về 150 triệu USD ở thị trường Bắc Mỹ", vậy thì số tiền bỏ ra cho một chiến lược quảng bá toàn cầu của bộ phim sẽ vào khoảng 100 triệu USD. Còn nếu ít hơn, khoảng 50 triệu USD, thì số tiền bỏ ra cũng vào khoảng 30-40 triệu USD.

Năm 2003, tính trung bình, 6 “đại gia” trong ngành công nghiệp phim ảnh Hollywood là Disney, Warner Bros., Sony, 20th Century Fox, Universal, và Paramount đã dành khoảng 34,8 triệu USD để quảng cáo cho mỗi bộ phim mà mình phát hành. Những con số đó ít nhiều nói lên rằng chính tiếp thị phim, chứ không phải điều gì khác, đã trở thành yếu tố quyết định sự thành công của rất nhiều bộ phim Hollywood.

Vì thế các nhà phát hành phim sẵn sàng tiếp thị phim trên bất cứ kênh nào với bất cứ hình thức nào có thể và sẵn sàng chi một khoản tiền lớn cho việc này. Theo thông tin từ AdAge, để quảng cáo trong khi chiếu chương trình American Idol phải bỏ ra 360.000-490.000 USD cho 30 giây. Với hai bộ phim truyền hình ăn khách là Grey''s Anatomy là 240.000 USD và Những bà nội trợ kiểu Mỹ là 228.000 USD.

Các nhà phát hành còn bắt tay với nhà sản xuất đồ chơi để cho ra đời những chú gấu bông hay búp bê theo kiểu mẫu nhân vật trong phim. Ví dụ điển hình cho việc này là bạn có thể dễ dàng thấy và tìm mua chú gấu bông Kungfu Panda hay những chú sóc chuột Chipmunks xinh xắn.

Một công cụ đắc lực hỗ trợ cho Marketing phim đó chính là mạng xã hội

Với tốc độ phát triển chóng mặt của Internet, đa số các nhà tiếp thị phim thời nay sử dụng mạng internet như công cụ hữu hiệu nhất cho việc quảng cáo. Thông thường một phim Hollywood trước khi ra lò khoảng một năm sẽ được tung lên mạng Youtube trailer và website của mình.

Khán giả khi vào những trang phim đó sẽ được thưởng thức nhiều phiên bản trailer khác nhau, những cảnh quay hậu trường, đọc tóm tắt cốt truyện, tải về nhạc chuông di động, màn hình máy tính, chơi game và cả tán gẫu trên diễn đàn hay thậm chí là đặt vé trước. Ngoài ra những trang tin tức giải trí khác còn đăng những thông tin bên lề như diễn viên nữ chính đóng cặp với ai, cảnh này hay cảnh kia sẽ được quay ở đâu….

Facebook là nơi có đến 700 triệu con người đang giao tiếp và tương tác với nhau, vậy theo bạn chúng ta có nên tận dụng cơ hội để khán giả chú ý đón nhận bộ phim sắp được ra mắt của mình ko?

Một chương trình trên Facebook có thể giúp những nhà phát hành phim đưa video của mình vào hơn 300 tựa game trên mạng xã hội này (và những người xem sẽ được cấp một khoản Facebook Credits phục vụ cho việc chơi game của họ).

Một ví dụ nổi bật khác là chiến dịch quảng cáo cho bộ phim Super 8. Những nhà quảng cáo đã đưa hẳn một đoạn quảng cáo dưới dạng một màn chơi vào tựa game bom tấn mới ra mắt Portal 2, một cách vô cùng khôn ngoan để đưa một bộ phim tới cộng đồng game thủ đông đảo.

Quảng cáo trên mạng xã hội còn lợi thế hơn nhiều về thời gian so với quảng cáo trên truyền hình. Trung bình 1 đoạn quảng cáo trên TV chỉ được chiếu từ 15 đến 30 giây ngắn ngủi, còn trailer trên mạng xã hội như facebook hay Youtube thì thời gian không giới hạn. Những nhà làm phim tại Hollywood đã tận dụng điều này để tạo ra những đoạn giới thiệu hấp dẫn.

Vừa qua, cư dân mạng đã có dịp “phát sốt” với đoan trailer của bộ phim The Girl With the Dragon Tattoo. Những người sau khi xem đoạn trailer này đều rất thích phong cách truyền tải của Sony, hay nói đúng hơn là Columbia Pictures. Đoạn clip có vẻ như được một anh chàng nào đó quay trộm bằng máy quay trong rạp chiếu phim, khi góc máy và hình ảnh đều bị lệch và khá rung. Tuy nhiên âm thanh của đoạn quảng cáo này thì lại quá tuyệt vời so với một clip quay từ máy quay cá nhân, chưa kể những hình ảnh đều có tỉ lệ và bố cục hoàn hảo.

Chiến dịch marketing tiếp sau Sony càng làm cho người hâm mộ điện ảnh thêm “phát điên”. Bởi mới đây, họ đã lấy lý do tác quyền để xóa đoạn clip đó trên YouTube. Quả thực những nhà làm phim rất biết cách khơi dậy sự tò mò từ phía khán giả!

3 bước cơ bản của chiến dịch marketing phim

Nếu coi hình thức phim tự sự với kết 3 hồi: Thắt nút, cao trào và mở nút là lối kể chuyện điển hình của phim Hollywood thì việc triển khai một chiến lược quảng cáo cũng có thể được liên tưởng theo 3 bước như vậy.

Chiến dịch bắt đầu khi bộ phim mới khởi quay (thậm chí trong thời gian chuẩn bị) với những thông tin ban đầu, với hình ảnh tạo hình các nhân vật trong phim khơi dậy những hứng thú ban đầu từ phía khán giả; chiến dịch sẽ mạnh mẽ dần trong thời gian quay phim: các thông tin về quá trình quay (các sự kiện, các sự cố…), các hình ảnh về quá trình quay, đoạn phim giới thiệu ban đầu… liên tục được cập nhật trên tất cả các kênh.

Khi phim đi vào hoàn thiện và chuẩn bị trình chiếu, quá trình tiếp thị lúc này được đẩy lên mạnh nhất, các cuộc phỏng vấn, sự xuất hiện với tần suất cao của các diễn viên trong phim trên các chương trình ăn khách, các bìa tạp chí nổi tiếng, các đoạn phim quay hỏng, các buổi chiếu ra mắt…. Nhà phát hành phải chắc chắn rằng, khán giả sẽ bị “bủa vây” bởi thông tin và hình ảnh về bộ phim của họ. Làm thế nào để càng nhiều người nằm trong số lượng khán giả mục tiêu được tiếp cận một cách dễ dàng nhất với thông tin về bộ phim và từ đó muốn xem phim là mục đích cuối cùng của họ.

Khá nhiều bộ phim bom tấn của Hollywood đã và đang áp dụng “bí kíp” quảng cáo theo đúng những quy trình trên. Và kết quả doanh thu đã không phụ lòng những chiến lược gia thông minh của kinh đô điện ảnh. Hãy lấy bộ phim sử thi Cuộc chiến thành Troy làm ví dụ. Tổng ngân sách sản xuất là 175 triệu USD, nhưng hãng phát hành Warner Bros đã mạnh tay chi 50 triệu đô cho chiến dịch quảng cáo. Họ đã tích cực lan truyền tin tức, hình ảnh về bộ phim không những trong nước Mỹ mà trên toàn thế giới. Cuối cùng, Cuộc chiến thành Troy đã mang về gần 45 triệu USD trong tuần công chiếu đầu tiên tại Bắc Mỹ và làm mưa làm gió trên thị trường phim thế giới năm 2004. Tổng doanh thu trên toàn thế giới của siêu phẩm này lên đến hơn 497 triệu USD, một con số đáng mơ ước đối với những nhà làm phim thời điểm đó và thậm chí là cả bây giờ.

Không thể phủ nhận vai trò của marketing phim trong sự phát triển của công nghiệp điện ảnh. Đặc biệt là ở Hollywood, nó đã trở thành một bộ môn khoa học nghệ thuật.

Nguồn: Thế giới điện ảnh

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.