Chiến lược giữ chân học viên của Coursera: Tận dụng hiệu ứng Goal Gradient & Positive Reinforcement

26 Thg 03

Phát triển mạnh mẽ từ đại dịch Covid 19, tới nay Coursera vẫn là một trong những thương hiệu dẫn đầu trong mảng dịch vụ cung cấp các khóa học trực tuyến trên toàn thế giới. Ngay cả khi đại dịch qua đi, Coursera vẫn duy trì được mức độ tăng trưởng đều đặn trong suốt những năm vừa qua nhờ vào một chiến lược giữ chân người dùng rất đặc biệt. Vậy Coursera đã làm gì để khiến cho user mê mẩn từng khóa học đến vậy?

Coursera là một nền tảng thuộc nhóm MOOCs - Khóa học trực tuyến mở - với vai trò cung cấp các khóa học học trực tuyến được thành lập vào năm 2012 bởi giáo sư Andrew Ng và Daphne Koller. Nền tảng này mang tới những khóa học, chứng chỉ đa dạng cho nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghệ thông tin, kinh doanh, marketing, ngôn ngữ,... đến từ những tổ chức giáo dục và trường đại học hàng đầu trên thế giới như: Stanford, Penn, Duke, Princeton, Michigan, Peking,....

Chiến lược giữ chân học viên của Coursera: Tận dụng hiệu ứng Goal Gradient & Positive Reinforcement- Ảnh 1.

Tuy nhiên, phải tới giai đoạn đại dịch Covid 19 bùng nổ trên toàn cầu (2019-2022), cái tên Coursera cũng như mảng MOOCs mới thực sự trở nên phổ biến nhiều hơn. Yêu cầu cách ly khiến cho người dùng bắt đầu tìm kiếm những giải pháp học tập và phát triển trực tuyến như Coursera. Kết quả là nền tảng này đã từng tăng tới 10 triệu người dùng mới chỉ trong khoảng thời gian hai tháng đầu năm 2020, đạt mốc tăng trưởng 59,16% trong năm 2020.

Mặc dù vậy, ngay cả khi đại dịch đã qua đi, Coursera vẫn tiếp tục duy trì mức tăng trưởng đều đặn trên 2 con số trong suốt những năm vừa qua: 2022 tăng 26,12%, 2021 tăng 41,49%. Năm 2023, nền tảng này đạt mốc doanh thu lên tới 635,76 triệu USD, tăng trưởng 21,39% so với cùng kỳ năm trước và tiếp tục là một thương hiệu TOM trong mảng MOOCs toàn cầu.

Khách hàng bỏ học giữa khóa - Vấn đề nan giải của Coursera và các doanh nghiệp MOOCs

Một trong số những lý do quan trọng cho sự phát triển bền vững của Coursera là khả năng giữ chân người dùng hoàn thành hết các khóa học.

Việc người dùng bỏ cuộc giữa khó học là vấn đề phổ biến và rất nan giải đối với doanh nghiệp trong mảng MOOCs. Vào năm 2020, một nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã chỉ ra rằng, các khóa học trực tuyến có tỷ lệ bỏ học trung bình lên tới 96%. Một nghiên cứu khác của Researchgate cũng cho thấy tỷ lệ hoàn thành các khóa học MOOCs chỉ rơi vào mức 3 đến 6%.

Nhìn chung, tỷ lệ hoàn thành các khóa học online như Coursera thường duy trì ở mức rất thấp. Bởi quá trình học online rất dễ bị phân tâm, không có sự ràng buộc nhất định,... khiến cho user thường cảm thấy chán nản và có xu hướng bỏ giữa chừng.

Đối với Coursera, theo một báo cáo của nền tảng này, những người học trả phí có tỷ lệ hoàn thành khóa học trung bình là 55,4%. Khi các khóa học được tích hợp vào chương trình giảng dạy của trường đại học, tỷ lệ hoàn thành tăng lên 76% và khi các công ty trả phí cho nhân viên thì tỷ lệ hoàn thành lên tới 92%. Như vậy, có thể thấy mức độ hoàn thành các khóa học trên Coursera nhìn trung tương đối cao so với trung bình mảng MOOCs.

1. Cho phép người dùng theo dõi tiến trình - Tận dụng hiệu ứng Positive Reinforcement và Goal Gradient effect

Coursera kích thích mong muốn hoàn thành khóa học của người dùng bằng cách xây dựng một tiến trình học tập cụ thể vào cho phép người dùng tự theo dõi tiến trình của mình.

Trước tiên, nền tảng này sẽ cho phép người học tự đặt ra những mục tiêu học tập và lộ trình cho riêng mình. Ví dụ như: Học bao nhiêu bài trong một tuần, Cài đặt mục tiêu tuần,... Từ những lộ trình mà người học đã tự xây dựng, Coursera sẽ gửi thông báo nhắc nhở về việc học để thúc đẩy người dùng đạt được những mục tiêu nhỏ theo từng tuần. Các mục tiêu học tập này thường không quá lớn, không tạo nên áp lực lớn đối với người học.

Cho phép người dùng theo dõi tiến trình - Tận dụng hiệu ứng Positive Reinforcement và Goal Gradient effect

Tiến độ học tập của mỗi user cũng sẽ được Coursera cập nhật thường xuyên theo một lộ trình riêng. Từ đó, người xem có thể dễ dàng theo dõi những thành tích học tập mà mình đã đạt được, cũng như những cột mốc mà bản thân chưa thể thực hiện. Chiến thuật này tạo nên hai hiệu ứng tâm lý khá đặc biệt của mỗi người:

  • Positive Reinforcement: Củng cố tích cực là hành động đưa ra những kích thích, phần thưởng, nhằm thỏa mãn đối tượng sau khi đối tượng thực hiện một hành vi, khuyến khích hơn nữa hành vi đó. Điều này cũng giống như việc nhìn thấy những cột mốc học tập đã hoàn thành trên Coursera, giúp cho người học cảm thấy đã đạt được một thành tựu, kết quả nào đó, giúp họ không cảm thấy chán nản trong quá trình học tập.
  • Hiệu ứng Mục tiêu Gradient: Hiệu ứng này chỉ ra rằng khi một người tiến gần hơn đến phần thưởng, họ sẽ có xu hướng tăng tốc hành vi của mình để đạt được mục tiêu nhanh hơn. Những cột mốc học tập mà Coursera xây dựng cho từng người dùng cũng giống như vậy. Nó cho thấy người dùng biết được rằng, họ cần vượt qua bao nhiêu bài học nữa để đạt được tới mục tiêu - kết thúc khóa học & nhận chứng chỉ.

2. Triển khai các khóa học có tính phí để gia tăng tỷ lệ hoàn thành

Nghiên cứu thực tế từ chính Coursera đã cho thấy, những khóa học tính phí có tỷ lệ hoàn thành vượt trội hơn hẳn so với những khóa học miễn phí. Mặc dù những khóa học miễn phí có khả năng thu hút học sinh, sinh viên rất cao bởi họ sẽ không phải lo ngại về mặt chi phí. Tuy nhiên, cũng chính sự “dễ dãi” này lại tạo nên tâm lý thờ ơ và ít coi trọng khóa học của người dùng.

Từ phát hiện đó, Coursera bắt đầu chuyển hướng tập trung nhiều hơn vào các khóa học có trả phí. Mức phí này vô hình đã trở thành một sợi dây gắn kết giữa người học và nền tảng. Khi đã bỏ tiền ra cho khóa học, người học sẽ có thêm động lực phải hoàn thành và nhận chứng chỉ để xứng đáng với những chi phí đã bỏ ra đó.

3. Tối ưu sản phẩm dựa trên hành vi người dùng

Không chỉ đảm bảo chất lượng khóa học, mà Coursera còn tập trung rất nhiều nỗ lực vào việc phân tích hành vi người dùng để tối ưu trải nghiệm của họ. Từ những yếu tố như: Thời gian học phù hợp, Khối lượng bài giảng,... đều được thiết kế dựa trên hành vi và tâm lý của người học. Tiêu biểu như:

  • Cân đối thời lượng khóa học: Theo thống kê của Coursera, tỷ lệ hoàn thành khóa học giảm 8% khi chuyển thời lượng của khóa học từ 4 tuần sang 6 tuần và giữ nguyên tất cả các yếu tố khác. Tương tự, số giờ học mỗi tuần cũng tỷ lệ nghịch với tỷ lệ hoàn thành khóa học. Từ đó, Coursera nhận thấy rằng, người dùng hoạt động tích cực hơn trong những học phần nhỏ hơn, vì vậy nên thiết kế các khóa học trong vòng 4 hoặc 5 tuần. Đồng thời, nền tảng này cũng cung cấp nên mô hình Guided Project - Dự án học trong vòng 2 tiếng, giúp người học tập trung vào các kỹ năng thiết yếu phù hợp với danh mục học tập.
  • Kết hợp video ngắn trong các khóa học: Coursera cũng tìm ra rằng các khóa học có nhiều % video hơn trong danh mục học và trong tổng thời gian học tập sẽ đạt được tỷ lệ hoàn thành khóa học trung bình cao hơn. Trong đó, độ dài video trung bình thấp hơn có thể dẫn đến tỷ lệ hoàn thành khóa học cao hơn 3,6%. Vì vậy, nền tảng này bắt đầu tối ưu thông qua việc thay thế các video dài bằng nhiều video có thời lượng dưới 10 phút, giúp người học tiến bộ theo từng đợt ngắn hơn.

>>> Xem thêm: Hiệu ứng tâm lý “Random Reinforcement” - Công thức “gây nghiện” cho khách hàng

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.