Chiến lược Marketing của be: "Tân binh khủng long" của ngành gọi xe nhanh

29 Thg 11

Hiện nay thị trường đang chứng kiến "Tứ hùng" của ngành gọi xe nhanh tại Việt Nam bao gồm: Grab, Go-Viet, FastGo và be, trong khi Grab đang hướng tới là 1 siêu ứng dụng thì các thương hiệu còn...

Hiện nay thị trường đang chứng kiến "Tứ hùng" của ngành gọi xe nhanh tại Việt Nam bao gồm: Grab, Go-Viet, FastGo và be, trong khi Grab đang hướng tới là 1 siêu ứng dụng thì các thương hiệu còn lại đang có những toan tính để chiếm thị phần. Be là một trong số đó khi vừa chỉ xuất hiện từ cuối năm 2018 và đã có 1 năm đại thành công trong năm 2019 này, hãng đã vươn lên trở thành thương hiệu đứng thứ 2 tại Việt Nam về phân khúc gọi xe nhanh. Vậy những chiến lược Marketing của be đã làm những gì để khiến hãng được nâng tầm, trở thành một trong những brand lớn và có vị thế như hiện tại. Hãy cùng MarketingAI tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây!

Chiến lược Marketing của be - Quá trình Launching đạt được những thành công không tưởng

Vào những ngày giữa tháng 12 năm 2018, một ứng dụng gọi xe mang mác "Made in Vietnam" bắt đầu có tín hiệu trên truyền thông về sự ra mắt của mình. Và đúng ngày 13/12 ứng dụng gọi xe "be" được ra mắt trước truyền thông báo giới tại Việt Nam với dịch vụ tương đương với Grab và Go-Viet đã có trước đó. Hãng tuyên bố mục tiêu đạt 6,6 triệu lượt tải và 105 triệu chuyến sau 1 năm ra mắt và đi vào hoạt động. 17/12 là ngày mà hãng chính thức đi vào hoạt động với những chuyến xe đầu tiên trên 2 dịch vụ chính là beBike và beCar.

chiến lược marketing của be vô cùng thành công

Chiến lược marketing của be được xem như chiến lược thành công đột phá trong ngành (Nguồn: Vietnambiz)

Phía “be” cho hay, trên nền tảng ứng dụng dụng xe “be”, BeGroup sẽ phát triển thêm dịch vụ giao hàng, chương trình khách hàng thân thiết và ví điện tử. Be sẽ triển khai dịch vụ vận chuyển đầu tiên tại Hà Nội và TP.HCM từ 17/12 sau đó sẽ tiếp tục phát triển ở các tỉnh, thành phố khác từ sau tháng 2 năm sau khi có được sự chấp thuận của cơ quan quản lý Nhà nước. Dự kiến, trong năm 2019, be sẽ có mặt tại 15 tỉnh, thành phố trên cả nước và đến hết năm 2020 là tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Thêm vào đó, vào sáng ngày 1/8/2019 hãng đã thông báo tới thị trường rằng mình sẽ phát triển dịch vụ giao hàng với tên gọi beDelivery và beExpress. Cả 2 dịch vụ này sẽ cạnh tranh trực tiếp với 2 phân khúc mà Grab hay Go-Viet đã làm trước đó nhằm cạnh tranh "sòng phẳng" và đánh chiếm những thị phần đã rơi vào tay 2 cái tên này. Với những sự đầu tư nghiêm túc của mình, sau gần 1 năm hoạt động hiện nay thị phần của be tại nội địa đang đứng thứ 2 với 16% thị phần, xếp trên Go-Viet và dưới "chị đại" Grab. Có thể thấy được sau 1 năm triển khai, những thành công nhờ phần lớn vào chiến dịch Marketing của be đợt mới ra mắt. Cùng tìm hiểu xem những thứ khiến thương hiệu này đạt thành công lớn đến như vậy.

>> Xem thêm: Chiến lược marketing của Go-Viet

Những thành công nhìn từ chiến lược Marketing của be tại Việt Nam

"Không tăng giá giờ cao điểm" - Cà khịa đối thủ ngay từ khi ra mắt

Một trong những thế mạnh của thương hiệu này chính là "Cà khịa" đối thủ của mình, trong khi Grab có một năm đại thắng trong năm 2018 khi vừa thâu tóm được Uber tại Đông Nam Á, độc quyền thị trường, "ngáng đường" bất cứ đối thủ nào khi có ý định xâm chiếm thị phần của mình. Thì be lại chẳng sợ bất kỳ điều gì, một trong những thế mạnh của thương hiệu này ngay thời điểm ra mắt chính là khẳng định mình không "đội giá" lên quá cao như một số thương hiệu khác, và "thương hiệu khác" ở đây mà ai cũng hiểu được đó chính là đối thủ lớn nhất Grab. 

Chiến lược Marketing của be: "Tân binh khủng long" của ngành gọi xe nhanh- Ảnh 2.

Nhân chi sơ tính "cà khịa" phải gọi tên be (nguồn: Facebook)

Khi mà người dùng quá bất lực với những chính sách "dời ơi đất hỡi" mà Grab dành cho người dùng Việt khi tăng phí quá cao ở giờ cao điểm. Thì chiến lược Marketing của be đánh trúng vào điểm đau đó khi mà công ty Be Group khẳng định sẽ không tăng giá khi đi vào giờ cao điểm hay khi trời mưa lớn trong thời gian này. Chỉ cần mở app lên vào thử gọi xe vào các thời điểm khác nhau trong ngày, kể cả giờ cao điểm, tan tầm (5 - 6 giờ chiều), bạn sẽ thấy giá các chuyến đi không hề thay đổi. Giá cước của beBike và beCar thường rơi ở mức trung bình giữa 2 đối thủ của mình là Grab và Go-Viet. Thời điểm ra mắt, be cũng có những code giảm giá đậm với người dùng của mình nhằm kích cầu họ chuyển sang nền tảng của mình. Chính vì thế với chiến lược động chạm không thương tiếc này, một phần cũng vì hãng đang chơi trên sân nhà của mình nên danh tiếng của hãng được nâng cao ngay từ thời điểm ra mắt.

Có thể thấy, be có những chiến lược đúng đắn đánh trúng vào Insight của người dùng vào thời điểm đó với việc chi phí bị độn lên quá cao giờ cao điểm. Đây cũng chính là thời điểm Grab chấm dứt những cước phí vô lý của mình với giá cả cao cắt cổ, sự hiện diện của be như một làn gió mới chấm dứt chuỗi ngày độc tôn của thương hiệu này tại thị trường Việt Nam.

>> Xem thêm: Khái niệm chiến lược marketing

Sản phẩm của người Việt có nhiều tính năng "khá xịn"

Ngay từ khi ra mắt thị trường, be được ví như một thương hiệu khá thân thiện với người dùng, được truyền thông là một ứng dụng được người Việt phát triển ngay lập tức hãng được sự ủng hộ rất lớn đến từ người tiêu dùng trong bối cảnh Grab đang quá bành trướng tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đây là ứng dụng thuần Việt, từ ý tưởng sáng tạo, thiết kế đến vận hành đều được phát triển từ đội ngũ kỹ sư Việt – những người đã làm việc với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới. Phía be cho biết hoàn toàn tự tin có thể cạnh tranh với các ứng dụng gọi xe đang có trên thị trường hiện nay.

Sản phẩm của người Việt có nhiều tính năng

Be có rất nhiều tính năng hay phù hợp với người Việt (Nguồn: Techbike)

Một trong những yếu tố làm nên sự thành công trong chiến lược Marketing của be chính là sản phẩm, nền tảng ứng dụng này được đánh giá khá nhẹ khi đội ngũ phát triển đã tối ưu cho app chỉ gần 20MB, cài đặt nhanh chóng, cùng giao diện thân thiện với họ. Một điểm có thể nhận thấy là be xây dựng trải nghiệm người dùng khá tốt ngay từ khi ra mắt, ứng dụng mượt mà là điểm đầu tiên gây ấn tượng với người dùng, tiếp tới là phông chữ to và dễ hiểu, thao tác không cần quá phức tạp để có thể gọi được xe. Thêm vào đó, số lượng tài xế xe rất đông đảo và đây chính là điểm mà các ứng dụng xe công nghệ khó khăn ngay từ bước đầu khi chiêu mộ nhân viên về cho mình. Thế nhưng, với sự chuẩn bị rất tốt hãng đã xây dựng cho mình sản phẩm cực kỳ chuẩn chỉnh khi dù mới ra mắt người dùng chỉ mất 1-3 phút để có tài xế xác nhận. Customer Experience (Trải nghiệm người dùng) được hãng chú trọng và điều này khiến be nhận được khá nhiều thiện cảm, thu về 31 triệu cuộc xe sau 6 tháng ra mắt thị trường, một thành công không tưởng khi phải đối mặt với nhiều khó khăn tại thời điểm ra mắt.

Số lượng chuyến xe trong nửa đầu năm 2019

BE nằm trong top những ứng dụng gọi xe ở Việt Nam (Nguồn: Zing.vn)

Quảng bá thương hiệu và lời khen cho sự chú trọng vào Branding trên nền tảng Social

Be là một trong những thương hiệu có Content cực chất trên thị trường hiện nay khi đem ra so sánh với Grab hay Go-Viet. Một trong những điểm mạnh của be là xuất phát điểm là từ Việt Nam, nên hiểu được những giá trị văn hóa Việt là điểm khiến hãng có chất liệu để truyền thông tới người tiêu dùng. Chiến lược Marketing của be thời điểm mới ra mắt chú trọng vào Social Media, hãng đã đăng những bài Post trên Fanpage của mình tiếp cận được nhiều người cũng như tạo ra được tỷ lệ tương tác khá cao. Đặc điểm trong những nội dung mà be đề cập tới thiên về hướng "ẩn ý" và khiến người đọc phải suy luận ra, một sự thâm nho được cho vào đây là chiêu trò rất tinh tế của hãng khi học tập những gì mà Durex đã rất thành công trước đó. Nhưng với be hãng tạo lập những gì xoay quanh ngành của mình, đưa vào những content "Cà khịa" một cách có duyên khiến khán giả phải bật cười khi đọc chúng. 

Quảng bá thương hiệu và lời khen cho sự chú trọng vào Branding trên nền tảng Social
Những màn bắt Trend khá nhanh của be (Nguồn: Facebook)

Những màn bắt Trend khá nhanh của be (Nguồn: Facebook)

Thêm vào đó, hãng còn đẩy mạnh Branding cực tốt khi bắt trend nhanh và cực chất. Cứ sự kiện nào "HOT" hãng đưa ra để gắn với chúng để tăng được lượng chú ý từ phía người tiêu dùng, hãng đã đồng hành cùng đội tuyển U23 Việt Nam trong nhiều chiến dịch và Quang Hải cũng là "đại sứ hình ảnh" trong nhiều bài đăng mà be đăng tải lên trên mạng xã hội. Chưa dừng lại ở đó, hãng còn gây ấn tượng khi kết hợp với ngân hàng VP Bank tạo ra một quảng cáo OOH ngoài trời khi tận dụng tòa văn phòng của ngân hàng nằm tại ngã tư Láng Hạ - Thái Hà khiến ai qua đây cũng phải ngước nhìn lên. Được biết, giờ cao điểm tại ngã tư này có lưu lượng người qua lại rất đông, nên đây cũng là một phương thức truyền thông rất tốt để hãng "ghim" hình ảnh thương hiệu của mình với người dùng. Có thể thấy, chiến lược Marketing của be đạt được rất nhiều thành tựu lớn khi chú trọng về Branding trên nền tảng Social Media, với những điều trên hãng đã ghi nhận được nhiều cột mốc đáng tự hào sau gần 1 năm có mặt trên thị trường Việt.

Tạm kết

Chiến lược Marketing của be hiện tại được đánh giá rất tốt về mặt truyền thông lẫn thương hiệu, dù sinh sau để muộn nhưng hiện tại thị phần của be đang ở vị trí thứ 2 trong số "từ hùng" gọi xe nhanh tại Việt Nam. Sắp tròn 1 tuổi, những thành tích mà be đạt được xứng đáng được khen khi mà hãng ra đời trong hoàn cảnh khó khăn khi cả Grab và Go-Viet có những màn tranh đấu rất gay gắt. Ở thời điểm đó khó ai có thể nghĩ be lại có thể đấu lại được với Go-Viet chứ đừng nói đến là Grab, thế nhưng tất cả đã nhầm và be đã chứng minh hãng hoàn toàn xứng đáng là một đối thủ tiềm năng trên thị trường gọi xe công nghệ Việt!

Thắng Nguyễn - MarkeitngAI

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.