Chiến lược marketing của hãng hàng không làm thay đổi cục diện ra sao?

20 Thg 10

Nếu như trước đây Vietnam Airlines gần như th​ống trị ngành hàng không thì sự ra đời của Vietjet Air vào năm 2011 đã thay đổi cục diện.

4, 5 năm trước đây, khi nhắc đến các hãng hàng không tại Việt Nam, người ta chỉ nhớ đến Vietnam Airlines – hãng hàng không Quốc gia Việt Nam do vị thế có thể nói là độc quyền trong ngành. Nhưng ngày nay, cái tên Vietjet Air – một hãng hàng không tư nhân đã trở nên nổi bật hơn. Không chỉ bởi chiến lược marketing đặc sắc và màu đỏ biểu tượng rực rỡ của họ, cũng không chỉ bởi họ hoạt động trong phân khúc giá rẻ khiến cho những người bình dân cũng tiếp cận được, mà còn bởi vì tốc độ tăng trưởng vô cùng ấn tượng về doanh thu và lợi nhuận.

Sự tăng trưởng của Vietjet Air đã tạo nên một cuộc đua tỷ đô trên bầu trời Việt với “ông lớn” Vietnam Airlines.

Thị phần nội địa của Vietjet Air (VJA) đã vượt qua Vietnam Airlines (VNA)

Trong buổi roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư tổ chức tuần qua, lần đầu tiên, những con số về hoạt động kinh doanh của hãng hàng không bikini được đưa ra một cách cụ thể.

Theo đó, căn cứ trên số lượng hành khách di chuyển trong Việt Nam được vận chuyển bởi các hãng hàng không (thống kê bởi Cục Hàng không Việt Nam), thị phần nội địa của Vietjet Air đã vượt qua Vietnam Airlines.

Tại Việt Nam, Vietjet Air là một hãng hàng không giá rẻ được xây dựng dựa trên mô hình của Air Asia và Virgin Atlantic, từ khía cạnh đầu tư, nhận diện thương hiệu cho tới quảng bá, marketing,... Sau khi ra đời, Vietjet Air cũng gặt hái được thành công không nhỏ khi cạnh tranh và thậm chí là lấn lượt cả Vietnam Airlines trong thị trường nội địa.

Có thể thấy trong 4 năm qua, VJA đã lấy mất thị phần nội địa của VNA như thế nào khi "hãng hàng không bikini" liên tục tăng trưởng từ mức dưới 10% lên hơn 40%. 6 tháng đầu năm nay, VJA đã cân bằng sức mạnh với ông lớn VNA và thậm chí đã nhỉnh hơn.

Theo Vietnam Airlines, mô hình hợp tác giữa Vietnam Airlines và Jetstar là chiến lược “thương hiệu kép”, tương tự như mô hình Singapore Airlines và Tiger Airways. Thực tế các hãng hàng không truyền thống trên thế giới đều tự thâu tóm hoặc phát triển riêng những hãng bay giá rẻ. Vietnam Airlines mở rộng đường bay đến các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, trong khi Jetstar mở rộng đường bay nội địa và khu vực. Vietnam Airlines đưa ra thông điệp “hàng không 4 sao” trong khi khẩu hiệu của Jetstar là “giá rẻ mỗi ngày”. “Nếu quý khách tìm thấy giá vé bán trên internet của hãng hàng không nào thấp hơn giá vé tương đương hiện đang mở bán của Jetstar, chúng tôi sẽ bán cho quý khách giá thấp hơn 10% so với giá vé quý khách tìm thấy (có điều kiện áp dụng)”, Jetstar công bố trên website.

Trong khi Vietnam Airlines và Jetstar kết hợp để chiếm mọi phân khúc, thì mô hình mà Vietjet Air đang hướng đến được xem là “lai” giữa hàng không giá rẻ và truyền thống bằng cách hạn chế những nhược điểm và tận dụng ưu điểm của mỗi mô hình. Trên thế giới, đây cũng là một mô hình mới trong vài năm gần đây.

Nhưng liệu đây là bước đi khôn ngoan của Vietjet Air? Tại một sự kiện tổ chức ở TP.HCM mới đây, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết: “Có đến 20-30% khách của Vietjet là những người lần đầu tiên đi máy bay. Chúng tôi tạo cơ hội cho hàng triệu người đi máy bay. Chúng tôi không lấy khách hàng của hãng nào cả”. Tuy nhiên, thị phần nội địa chiếm đáng kể và thương hiệu giá rẻ định vị tốt trong tâm trí người dùng giúp Vietjet Air tự tin hơn trong việc mở rộng các đường bay quốc tế và tiến vào phân khúc của người giàu. “Với đường bay quốc tế, chúng tôi hướng đến những khách hàng mới chưa từng đến Việt Nam bao giờ. Có hơn một nửa đường bay quốc tế Vietjet Air mở mà chưa hãng hàng không nào khai thác”, bà Thảo nói.

Tất nhiên, Vietjet Air vẫn sử dụng chiến lược phân biệt giá với người mua, nhưng phần lớn là để kích thích khách hàng trên các chặng bay hiếm hoi, còn với những đường bay nội địa đã lấp đầy ghế, Vietjet Air cũng không cần thiết phải thực hiện điều này. Hãng cũng đặt ra mục tiêu rõ ràng: không cần phải bay những tuyến thiếu hiệu quả. Thực tế có nhiều đường bay hiện nay chỉ có mỗi Jetstar khai thác do Vietnam Airlines nhượng lại. Gần đây, Vietjet Air có đề xuất trở thành chủ đầu tư dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, dự kiến sẽ sớm được triển khai trong thời gian tới do tình trạng quá tải công suất nghiêm trọng tại cảng hàng không này. Đầu tư vào hạ tầng cảng là một lĩnh vực mới với Vietjet Air, nhưng nó là mảnh ghép quan trọng trong chiến lược giảm thiểu chi phí hoạt động trong tương lai, hiện vẫn đang phụ thuộc vào Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Theo bà Thảo, đầu tiên là để phục vụ cho nhu cầu khai thác của hãng, bên cạnh đó là kiểm soát và đảm bảo chất lượng dịch vụ đồng bộ dành cho hành khách và mang đến hiệu quả đầu tư cho doanh nghiệp.

Trên website của Trung tâm Hàng không châu Á – Thái Bình Dương (CAPA, có trụ sở ở Australia) vừa đăng tải bài viết phân tích hoạt động kinh doanh của hãng hàng không VietJet theo mô hình SWOT, chỉ ra những điểm mạnh,  cũng như các cơ hội và thách thức mà VietJet phải đối mặt trong tương lai.

Một số điểm mạnh và lợi thế cạnh tranh của Vietjet Air:

VietJet là có chi phí trên mỗi đơn vị sản phẩm thuộc hàng thấp nhất châu Á cũng như thế giới. Quý I/2017, chi phí cho 1 ghế cung ứng trên 1km (CASK) của hãng ở mức chưa đến 4 cent, loại bỏ chi phí nhiên liệu thì còn thấp hơn nữa. Điều này đặc biệt có lợi ở Việt Nam – thị trường nhạy cảm với giá và chỉ số biên lợi nhuận thấp.

CAPA dự báo chi phí của VietJet sẽ còn giảm xuống trong tương lai vì đội tàu bay hùng hậu sẽ giúp nâng cao lợi thế về quy mô và quan trọng hơn là VietJet đang bổ sung thêm nhiều máy bay thận rộng. Khi mà mức độ cạnh tranh trên thị trường hàng không Việt Nam trở nên khốc liệt hơn nữa, quy mô và mức chi phí thấp của VietJet sẽ là 1 lợi thế cạnh tranh quan trọng.

Một thế mạnh khác là hãng đã xây dựng được 1 thương hiệu mạnh và được nhận diện tốt ở Việt Nam nhờ công tác truyền thông tốt và mạng lưới phân phối qua các công ty lữ hành ở địa phương. Đây là yếu tố quan trọng vì ở hầu hết người Việt vẫn mua vé qua đại lý thay vì đặt trực tiếp trên Internet.

Cơ hội và thách thức:

Việt Nam đang nổi lên là 1 điểm du lịch được ưa thích, số lượt khách đã vượt mốc 10 triệu trong năm 2016, tăng 26% so với năm trước. 9 tháng đầu năm 2017 con số tiếp tục tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Xu hướng này được dự báo sẽ còn kéo dài. Đây chính là cơ hội cho VietJet. Hiện hãng đã có các chuyến bay đều đặn tới Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan và Campuchia. Trung Quốc – nguồn khách du lịch lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất – hiện mới có đường bay charter (chuyến bay thuê bao dành riêng cho du khách của một hãng lữ hành) nhưng sẽ sớm có đường bay chính thức.

Hãng đang bắt đầu theo đuổi thương quyền 6 (là quyền lấy hành khách, hàng hoá, thư tín từ một quốc gia thứ hai đến một quốc gia thứ ba qua lãnh thổ thuộc nước của nhà khai thác, ví dụ vận chuyển khách từ Campuchia sang Nhật Bản đi qua sân bay Tân Sơn Nhất). Nếu thành công, VietJet có thể mở ra 1 giai đoạn tăng trưởng mới khi mà thị trường nội địa bị bão hòa. Vị trí địa lý của Việt Nam rất thuận tiện cho việc vận chuyển hành khách đi từ Đông Nam Á tới Đông Bắc Á.

VietJet cũng đang tìm kiếm các hình thức hợp tác như xuất vé liên hãng (interline) hoặc bay liên danh (codeshare) với các hãng khác.

Hà Nguyễn / Marketingai.admicro.vn

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.