Chiến lược marketing đẳng cấp và khác biệt của Hermès - Nơi không có bộ phận mang tên Marketing

13 Thg 08

Thương hiệu thời trang Hermès được xem là một trong những “tượng đài” của ngành thời trang trên thế giới. Rất nhiều suy nghĩ cho rằng, để tạo nên thành công vang dội ấy, phần lớn nhờ vào đội ngũ marketing của thương hiệu này. Tuy nhiên thực tế, tại Hermès không hề tồn tại bộ phận Marketing.

Vậy, những chiến lược marketing đưa tên tuổi thương hiệu này đình đám thế giới xuất phát từ đâu và được triển khai như thế nào? Hãy cùng Marketing AI tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

> Xem thêm: TOP các Local Brand nổi tiếng Việt Nam 2020

Từ cửa hàng nhỏ vô danh đến “luxury brand” đình đám toàn cầu

Tên thương hiệu này được lấy từ họ của Thierry Hermès - người sáng lập, và cũng là tên của một trong 12 vị thần ngự trên đỉnh Olympia.

Năm 1837, Hermès bắt đầu với một cửa tiệm nhỏ chuyên bán đồ dùng cho người đi ngựa tại Paris. Cửa hàng này nhanh chóng được giới thượng lưu Pháp để ý đến. Cũng từ đấy, thương vụ lớn đầu tiên của Hermès đã chính thức khai màn với một hợp đồng độc quyền sử dụng khóa khéo cho các mặt hàng da, may mặc.

(Nguồn: Hermes)

Trải qua gần hai thế kỷ, từ một cửa tiệm nhỏ, Hermès đã có mặt trên toàn thế giới với 307 cửa hàng cùng hơn 13.000 nhân viên. Năm 2017, Hermès từng công bố doanh thu đạt hơn 6,6 tỷ USD và lợi nhuận lên đến 2,3 tỷ USD. Thương hiệu xa xỉ này được xem là tượng đài vĩ đại trong giới thời trang cao cấp, Hermès luôn nhận được sự ngưỡng mộ với doanh thu khủng.

Tuy nhiên, bên trong thương hiệu 183 tuổi này lại không hề có bộ phận tiếp thị. Thay vào đó, Hermès sử dụng một nhóm truyền thông để quản lý việc quan hệ báo chí và truyền thông và một nhóm sáng tạo để hình thành các chiến dịch theo mùa. Và đặc biệt, tất cả mọi người ở Hermès đều phải chịu trách nhiệm cho marketing.

Chiến thuật tâm lý, đánh vào tư tưởng “đồ càng khó mua càng quý”

Tư tưởng “hiếm có thì khó tìm” đã ăn sâu vào nhận thức của nhiều người. Đánh vào tâm lý này, Hermès không lựa chọn quảng cáo đại trà mà làm marketing theo chiến lược rất riêng

Các sản phẩm Hermès không hề dễ mua bởi chúng luôn được tung ra thị trường một cách hạn chế. Cũng chính về thế, khi nhắc đến thương hiệu này, người tiêu dùng nghĩ ngay đến “độ hiếm” và “độ hot”.

Khác với chiến lược marketing của Gucci, Chanel, Louis Vuitton. Trong khi những “luxury brand” này lựa chọn những chiến dịch quảng cáo mạnh mẽ, dồn dập hoặc mở cửa hàng ở khắp nơi trên thế giới. Hermès lại giới hạn số lượng sản xuất và các cửa hàng của mình. Do đó, các tín đồ Hermès phải mất một đến một vài năm trong danh sách chờ để được mua hàng. Thậm chí có những sản phẩm mà khách hàng dù chờ đợi rất lâu hay bỏ ra nhiều tiền bạc cũng khó có thể sở hữu.

“Một số trường hợp phải chờ đợi từ 7 đến 10 năm. Nếu khách hàng muốn một cái túi da thằn lằn hay cá sấu thì sẽ mất nhiều thời gian hơn”, Robert Chavez – CEO Hermès Mỹ nói.

Marketing dựa trên chất lượng sản phẩm - giá trị cốt lõi của thương hiệu

Là một thương hiệu xa xỉ, Hermès đặc biệt chú trọng vào chất lượng sản phẩm. Thương hiệu này nói không với các dây chuyền may hay lắp ráp, Hermès chỉ sử dụng các thợ thủ công lành nghề. Hầu hết sản phẩm của Hermès đều lấy cảm hứng từ chất liệu da, khâu xử lý được đảm nhiệm bởi hơn 3000 nghệ nhân lão luyện.

(Nguồn: diaoconline)

Các sản phẩm của Hermès luôn có sự nhất quán và hài hòa đến từng chi tiết bởi mỗi một sản phẩm được gia công bởi một nghệ nhân duy nhất. Nói về các nghệ nhân Hermès, họ đều phải trải qua một khóa huấn luyện 3 năm về tính chất sản phẩm, thủ thuật cắt may,... Do đó, những sản phẩm này toàn bộ đều được khâu tay tỉ mẩn, quét sáp ong và dùng búa đinh tán nhỏ. Tất nhiên, quy trình gia công này khiến thời gian sản xuất kéo dài thêm, cũng chính vì thế mà “độ hiếm” và “độ quý” của Hermès xuất hiện trong tất cả những bộ sưu tập họ từng tung ra.

Hermès không tìm người nổi tiếng để khẳng định giá trị. Người nổi tiếng tìm tới Hermès để khẳng định bản thân

Hầu hết các thương hiệu thời trang đều không tiếc thời gian lẫn tiền bạc đầu tư cho các chiến dịch marketing. Họ mở ra các chương trình bán hấp dẫn, mời ca sĩ, diễn viên, người nổi tiếng làm đại diện cho hình ảnh của mình. Hermès lại làm ngược lại những điều ấy, bởi thương hiệu thời trang này hoàn toàn tự tin về chất lượng sản phẩm, đẳng cấp sang trọng và cả sự khan hiếm.

Không có bộ phận marketing, mỗi cá nhân đều đảm nhận vai trò và trọng trách đối với hoạt động marketing, do đó hình ảnh sản phẩm được chú trọng đặc biệt. Điều này luôn khiến khách hàng mãn nhãn với các bộ sưu tập và hài lòng trong quá trình sử dụng. Do đó, nhiều ngôi sao nổi tiếng đã tìm đến thương hiệu này, cũng từ đấy, hình ảnh của Tất cả mọi người ở Hermès chịu trách nhiệm cho marketing gắn liền với những tên tuổi nổi tiếng và tầm cỡ.

(Nguồn: advertisingvietnam)

Thay vì quảng bá rầm rộ trên các kênh truyền thông, Hermès chọn cách gây dựng chất lượng, khiến các sao hạng A như Beyoncé, Lady Gaga, Kim Kardashian,... lần lượt trở thành tín đồ của dòng túi này.

Cách đây không lâu, Victoria Beckham đã chia sẻ về bộ sưu tập túi Birkin trị giá hơn 2 triệu USD. Sự việc này khiến người tiêu dùng gia tăng nhận thức về giá trị sản phẩm của Hermès, đồng thời cũng “PR miễn phí” cho thương hiệu này.

Ngoài ra, hãng còn tổ chức các sự kiện quảng cáo ngoài trời như các show trình diễn thời trang hay nhận phản hồi từ phía khách hàng. Đây đều là những phương thức trong chiến lược marketing của Hermès, giúp khách hàng thấy được giá trị của sản phẩm, đồng thời cũng mang lại cảm giác được quan tâm, chăm sóc trong quá trình sử dụng sản phẩm.

Hermès không quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông, nhưng lại chọn cách lồng ghép khéo léo để đưa sản phẩm vào phim ảnh. Trông bộ phim “The proposal” , Sandra Bullock đã sử dụng sản phẩm của Hermès. Điều này giúp thương hiệu âm thầm xây dựng hình ảnh đẹp và thu về những tín hiệu tích cực.

Thời trang gắn liền cùng cuộc sống, chính vì thế, các thương hiệu thời trang không những phải đưa ra chiến lược marketing có lợi cho mình mà còn phải cung cấp trải nghiệm tốt cho người dùng, duy trì được “chất” riêng của mình. Hermès được coi là một ví dụ điển hình cho sự thành công của một “luxury brand” với chiến lược marketing thông minh, đẳng cấp.

Huyền Nguyễn - Marketing AI

>> Có thể bạn quan tâm: Chiến dịch “Hệ thống cảnh báo dịch bệnh tự động” của Lifebuoy đã “đi trước thời đại” như thế nào?
Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.