Chiến lược marketing đưa doanh nghiệp vượt lên những “khắt khe” của ngành dược

15 Thg 09

Ngành dược phẩm luôn gắn liền với sự khắt khe qua các công đoạn từ nghiên cứu, sản xuất cho đến đến đưa ra thị trường. Marketing ngành dược đồng nghĩa với việc thương hiệu phải thuyết phục được các đơn vị bán lẻ, các bác sĩ kê đơn và người bệnh,... lựa chọn sản phẩm của mình. Trong bài viết này, Marketing AI sẽ giới thiệu tới bạn 11 chiến lược marketing hiệu quả cho các thương hiệu dược phẩm.

(Ảnh: Medium)

Chăm chỉ hiện diện trên mạng xã hội

Nội dung luôn là vấn đề then chốt nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng tiềm năng và thúc đẩy sự tương tác. Vì vậy, các marketer cần đảm bảo sự cân bằng giữa việc quảng cáo và cung cấp những nội dung mà khách hàng thực sự muốn xem trên các nền tảng mạng xã hội.

(Ảnh: wolverineair)

Để truyền tải những nội dung thu hút khách hàng, thương hiệu dược phẩm cần đến các công cụ social marketing, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại, người tiêu dùng có xu hướng trực tuyến nhiều hơn. Do đó, doanh nghiệp nên thường xuyên đăng tải nội dung mới trên mạng xã hội, cập nhật những thông tin hữu ích về phương pháp điều trị bệnh, mẹo bảo vệ sức khỏe,... để đảm bảo thỏa mãn nhu cầu thông tin và thuyết phục được đối tượng mục tiêu trong chiến dịch marketing.

Xây dựng mối quan hệ và gia tăng mức độ uy tín

Các thương hiệu dược phẩm xây dựng được mối quan hệ tốt với các bác sĩ, dược sĩ có uy tín sẽ là một điểm cộng lớn. Đây sẽ là những người trực tiếp marketing cho thương hiệu bằng cách giới thiệu các sản phẩm đến người bệnh, kê đơn cho người bệnh, đánh giá và đề xuất chúng trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Bên cạnh đó, thông qua các bác sĩ, dược sĩ, doanh nghiệp tận dụng được sự uy tín của họ để biến thương hiệu của mình giá trị hơn, chất lượng hơn trong mắt khách hàng.

Cung cấp sản phẩm mẫu miễn phí

Các sản phẩm mẫu được gửi tặng miễn phí thường được bác sĩ kê đơn nhiều hơn hoặc thậm chí, họ có thể phát trực tiếp cho bệnh nhân. Tuy nhiên doanh nghiệp cũng cần đảm bảo những sản phẩm mẫu luôn phải có chất lượng tốt, vì đây sẽ là ấn tượng ban đầu của khách hàng đối với một thương hiệu, cũng là khía cạnh để đánh giá chất lượng, mức độ uy tín cho doanh nghiệp.

Đây là một trong những phương pháp marketing truyền thống hiệu quả, vì nó tiếp cận được đông đảo người dùng. Nhưng chiến lược này cũng có thể vấp phải những khó khăn bởi nhiều đơn vị y tế không cho phép các bác sĩ nhận mẫu miễn phí.

Ứng dụng công nghệ

Y học được biết đến là ngành nghề phải ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tân tiến, hiện đại nhất. Các thương hiệu dược phẩm cũng vậy, phải liên tục cập nhật cách thức nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và quảng bá trên những nền tảng công nghệ mới.

(Ảnh: bluenovius)

Nhiều năm về trước, bác sĩ là những người đầu tiên sử dụng PDA khi chúng vừa ra đời, sau đó, họ cũng là những người đầu tiên sử dụng điện thoại thông minh và máy tính bảng. Những công cụ này hỗ trợ rất nhiều cho công việc bận rộn của họ. Chính vì vậy, doanh nghiệp cũng kinh doanh dược phẩm có thể kết nối và tương tác với bác sĩ thông qua những thiết bị công nghệ hiện đại này, thay vì chờ đợi rất lâu để được gặp trực tiếp.

Xây dựng nội dung Website chất lượng

Marketer cần đảm bảo trang web của doanh nghiệp luôn chứa những nội dung mà bác sĩ kê đơn hoặc bệnh nhân cần. Nội dung trên trang phải làm nổi bật được những lợi ích của thuốc, liều lượng khuyến cáo, dữ liệu thử nghiệm lâm sàng,...

Giao diện website của doanh nghiệp dược phẩm cũng phải dễ nhìn, dễ điều hướng và được xây dựng theo hệ thống để dễ dàng thu thập được địa chỉ email của những người truy cập. Đối với các doanh nghiệp dược phẩm, trang web là công cụ chính để giao tiếp với khách hàng, vì vậy phải đảm bảo đây là trang đích tốt cho khách hàng.

Phá vỡ các quy tắc marketing “du kích”

Marketing du kích trong ngành dược được triển khai theo những cách bất ngờ, đôi khi các marketer có thể nhắm mục tiêu trực tiếp đến các đối thủ cạnh tranh của họ theo những cách khó lường. Nhiều doanh nghiệp coi đây là phương pháp hữu ích để nổi bật giữa đám đông, vượt lên các đối thủ cạnh tranh của mình. Đây cũng là một trong những hình thức marketing dược phẩm chứa nhiều yếu tố rủi ro bởi nó vượt lên mọi tiêu chuẩn thông thường.

Kết nối với khách hàng thông qua trải nghiệm cảm xúc

Các thương hiệu dược phẩm có thể xây dựng chiến lược marketing tập trung vào trải nghiệm cảm xúc của khách hàng. Ví dụ như, thương hiệu của bạn đang phát triển sản phẩm thuốc chống trầm cảm, marketer có thể tạo ra chiến dịch marketing đặc biệt, khuyến khích mọi người chia sẻ cảm xúc của họ nhiều hơn trên các nền tảng mạng xã hội, các địa điểm trực tiếp, nhà thuốc, phòng khám,... Thông qua hành động này, doanh nghiệp có thể gia tăng khả năng tiếp cận khách hàng một cách hiệu quả.

(Ảnh: bluenovius)

Trong quá trình tạo ra trải nghiệm để kết nối với khách hàng về mặt cảm xúc, các marketer phải triển khai chiến dịch dựa trên sự tôn trọng và có trách nhiệm với thông điệp của chính mình.

Tiếp cận bác sĩ thông qua các cộng đồng trực tuyến

Chiến thuật tiếp cận các bác sĩ thông qua cộng động trực tuyến thường bị các marketer ngành dược bỏ quên. Các bác sĩ là người áp dụng công nghệ sớm, thậm chí họ còn chủ động tìm kiếm và kết nối với các chuyên gia khác trên cộng đồng trực tuyến. Chính vì vậy, những cộng đồng này là nơi hoàn hảo để tiếp cận với các bác sĩ. Marketer có thể trò chuyện cùng họ như những bệnh nhân, để tìm hiểu thêm về những gì mà người bệnh cũng như các chuyên gia y tế mong muốn.

Tạo ra những giá trị hỗ trợ cho bác sĩ

Những đồ vật nhỏ hoặc công cụ trợ giúp cho các bác sĩ sử dụng trong văn phòng của họ cũng là chiến thuật marketing mà các nhãn hàng dược phẩm nên lưu ý. Ví dụ như một tấm áp phích, một bảng hướng dẫn hoặc nội quy thăm khám,... có in kèm logo, thương hiệu sẽ giúp khách hàng biết đến doanh nghiệp, thu hút sự quan tâm của khách hàng.

Tham gia các hội nghị và sự kiện

Những người hoạt động trong lĩnh vực Y, Dược luôn có xu hướng học hỏi những kiến thức mới. Do đó, nhiều hội nghị chuyên ngành đã ra đời và thu hút đông đảo người tham gia. Những hội nghị, sự kiện này mở ra cơ hội cho các thương hiệu dược phẩm được tiếp xúc và làm quen với những chuyên gia đầu ngành. Với sự đóng góp, đánh giá từ họ, doanh nghiệp có thể điều chỉnh thông điệp truyền thông để được các bác sĩ quan tâm đến hơn.

Các hội nghị, sự kiện cũng là nơi để thương hiệu dược phẩm quảng bá cho tên tuổi của mình, có cơ hội xuất hiện trước đông đảo công chúng.

Đừng bỏ lỡ các công cụ tìm kiếm

Phần lớn những khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp thường sử dụng công cụ tìm kiếm Google để giải đáp những thắc mắc về dược phẩm cũng như sức khỏe. Nếu thương hiệu của bạn không làm SEO tốt sẽ khiến phạm vi tiếp cận trực tuyến bị thu hẹp, thậm chí bị các đối thủ cạnh tranh lấn lướt.

Marketer cần lưu ý, cốt lõi của làm SEO là xây dựng những trải nghiệm nội dung phù hợp, đầy đủ và hữu ích tới người dùng, để người dùng tìm thấy sản phẩm của doanh nghiệp, cảm nhận được các giá trị mà doanh nghiệp mang đến cho họ.

Kết luận

Để biết được các chiến lược marketing của mình đang hoạt động tốt hay không, các doanh nghiệp dược phẩm phải xem xét đến các chỉ số, doanh thu. Các chiến lược marketing phải đi đôi với cách mà doanh nghiệp triển khai ra sao. Có rất nhiều chiến lược marketing doanh nghiệp có thể cân nhắc đến, vì vậy các marketer cần linh hoạt hơn, nếu chiến lược này cho hiệu quả không tốt, hãy nhanh chóng áp dụng những chiến lược khác. Tuy nhiên cũng cần đảm bảo sự nhất quán bên trong một thương hiệu, để dễ dàng đạt được nhiều thành tựu hơn.

Huyền Nguyễn - Marketing AI

Theo linchpinseo

>> Có thể bạn quan tâm: Marketing ngành F&B: “Thiên biến vạn hóa” cùng TikTok
Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.