Cú “sảy chân” của Biti’s trong hành trình nâng niu giá trị văn hóa Việt

19 Thg 10

Gần 40 năm xây dựng và phát triển cũng chính là khoảng thời gian gắn liền với hành trình nâng niu những giá trị dân tộc Việt Nam của Biti's. Tuy nhiên, lùm xùm xung quanh nghi vấn dùng gấm Trung Quốc trong sản phẩm tôn vinh tinh thần Việt Nam gần đây của Biti's như một cú "sảy chân" lớn trong hành trình xây dựng thương hiệu bao nhiêu năm qua.

Hành trình gần 40 năm nâng niu giá trị dân tộc Việt của Biti's

Thành công của Biti's là kết quả của một hành trình trưởng thành đầy gian nan và thử thách

Trong giai đoạn đầu lập nghiệp, chỉ với vỏn vẹn 15 công nhân cùng thiết bị duy nhất là những chiếc máy gỉ sét năng suất thấp, Biti's vẫn cho ra đời những mẫu giày dép cao su chất lượng, đảm bảo tiêu thụ cho mọi đối tượng khách hàng, phân khúc từ trong nước đến xuất khẩu sang thị trường Liên Xô và các nước Đông Âu.

Cuối thập niên 80 đầu thập niên 90, sự sụp đổ của Liên xô và Đông Âu đã làm chao đảo hoạt động xuất khẩu của Biti's, khi đây vốn là thị trường chính của hãng. Ngoài ra, sự cạnh tranh khốc liệt từ các sản phẩm giày dép xốp Thái Lan , Trung Quốc tại thị trường nội địa lại càng làm chồng chất thêm khó khăn cho thương hiệu vốn còn non trẻ này.

Sau nhiều lần rẽ hướng xuất khẩu, tìm đường phát triển sang các thị trường mới và bắt đầu gặt hái được thành công, Biti's quyết định quay về thị trường nội địa và ghi dấu ấn mạnh mẽ với thế hệ người tiêu dùng 8x, 9x đời đầu với thông điệp quảng cáo nổi tiếng "Biti's - Nâng niu bàn chân Việt".

Thông điệp "Biti's - Nâng niu bàn chân Việt" đã in sâu vào trong tâm trí của nhiều thế hệ người dùng Việt

Thời điểm này, Biti's thực sự trở thành "thương hiệu quốc dân", gần như mỗi gia đình Việt đều có ít nhất một đôi dép hiệu Biti's. Nhưng sự nổi tiếng của Biti's dần rơi vào quên lãng và kéo dài trong suốt hơn 10 năm sau. Đọng lại trong ký ức của người dùng chỉ là những sản phẩm đã cũ và lỗi thời, không còn phù hợp với thị hiếu mới mẻ của khách hàng.

Tuy nhiên, màn "lột xác" ngoạn mục trong nửa đầu năm 2017 với chiến lược marketing khéo léo và hoàn hảo của Biti's đã thực sự làm "sống lại" thương hiệu quốc dân một thời này.

Sau màn trở lại đầy ngoạn mục và bất ngờ với sản phẩm Biti's Hunter thông qua chiêu thức truyền thông độc đáo qua hai MV "Lạc Trôi" của Sơn Tùng M-TP và "Đi để trở về" của Soobin Hoàng Sơn, Biti's bắt đầu triển khai nhiều chiến dịch mới không chỉ tập trung vào phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng mà còn hướng đến những giá trị văn hóa và tinh thần của dân tộc.

Sự xuất hiện của Biti's trong MV Lạc Trôi đã làm "sống lại" thương hiệu giày dép quốc dân một thời

Nâng niu văn hóa Việt với những “chất liệu” thuần Việt

Chuỗi dự án "Với Biti's, bé thêm yêu Văn Hóa Dân Gian"

Thành công của Biti’s Hunter đã tạo áp lực rất lớn cho dòng sản phẩm tiếp theo. Nhưng sự ra mắt của dòng sản phẩm dành cho trẻ em, với những thiết kế được in hình nhân vật bước ra từ truyện cổ tích Việt Nam đã nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng.

Bộ sưu tập Văn Hóa Dân Gian - dòng sản phẩm mới nhất của Biti’s
Bộ sưu tập Văn Hóa Dân Gian - dòng sản phẩm mới nhất của Biti’s dành cho trẻ em tiếp tục tạo được thành công lớn sau thành công của dòng Biti's Hunter

Năm 2017, chuỗi dự án "Với Biti's, bé thêm yêu Văn Hóa Dân Gian" được Biti's triển khai với khát vọng phát triển thế hệ tương lai thông qua hoạt động đưa văn hóa dân gian đến gần hơn với trẻ em Việt.

"Phát pháo" mở màn cho chuỗi dự án của Biti's là MV ca nhạc "Bước chân cổ tích", tiếp đó là hai dự án phim hoạt hình "Con Rồng Cháu Tiên" ra mắt ngày 04/11/2017 và tập truyện tranh "Sự tích đi rước đèn Trung Thu" đã nhanh chóng tạo được tiếng vang lớn và chiếm được nhiều tình cảm của khán giả nhí trên toàn quốc.

MV "Bước chân vào cổ tích" là hoạt động mở màn cho chuỗi dự án dành cho trẻ em của Biti's

Nối tiếp những thành quả ban đầu, Biti's tiếp tục hành trình "làm mới" vẻ đẹp trong thế giới cổ tích Việt qua bộ trò chơi "Cuộc Đua Cổ Tích". Bộ trò chơi mang cốt truyện hoàn toàn thuần Việt, với sự xuất hiện của các vật cổ tích quen thuộc với nhiều thế hệ như Mai An Tiêm, Lang Liêu, sự tích Táo Quân,... Thông qua bộ trò chơi này, Biti's không chỉ khéo léo tôn vinh những nét đẹp trong văn hóa Tết của người Việt cho con trẻ mà còn giúp gia đình thêm gắn kết, cùng chơi, cùng cười và cùng chia sẻ những giá trị nhân văn về văn hóa tốt đẹp ngày Tết.

Biti’s đã luôn chứng minh cho khách hàng thấy sứ mệnh “nâng niu giá trị Việt” sẽ là một hành trình dài hơi với rất nhiều bất ngờ và thú vị phía trước qua từng dự án. Bộ trò chơi Cuộc Đua Cổ Tích chính là lời khẳng định cho tinh thần sáng tạo đó của Biti’s khi nhận được sự đón nhận nhiệt tình từ khách hàng. Không chỉ trẻ em mà chính cả bố mẹ, người lớn cũng vô cùng hào hứng với những bài học từ những câu chuyện kể này.

Dòng sản phẩm đậm chất Việt

Sản phẩm của Biti’s không chỉ được chú trọng về chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã mà còn gắn với những giá trị và ý nghĩa thực. Năm 2018, hòa chung không khí tự hào, quả cảm của đội tuyển U23 Việt Nam trên sân vận động Thường Châu tuyết trắng, Biti’s nhanh chóng ra mắt thị trường phiên bản #theREDsnow. 

Năm 2020, để tiếp nối tinh thần #ProudlyMadeinVietNam, Biti’s đã cho ra mắt bộ sưu tập Hanoi Culture Patchwork nhân kỷ niệm 1010 Thăng Long – Hà Nội với nguồn cảm hứng từ những thái cực văn hóa của Hà Nội đầy chất thơ, hoài cổ nhưng không kém phần đổi mới.

Hình tượng Rồng Việt đương đại
Hình tượng Rồng Việt đương đại, tiếp nối sứ mệnh Kế thừa, Sáng tạo và Lan tỏa những giá trị của Biti's Hunter

>>>Xem thêm: Từ lùm xùm sử dụng vải gấm Trung Quốc đến câu chuyện thương mại văn hóa có trách nhiệm

Lùm xùm dùng gấm Trung Quốc trong sản phẩm tôn vinh văn hóa miền Trung

Ngày 10/10/2021, Biti's cho ra mắt bộ sưu tập mới cùng lời giới thiệu lấy cảm hứng tự hào và tôn vinh văn hóa miền Trung với tên gọi "Blooming Central" (kết hợp cùng Việt Max). Tuy nhiên, một người dùng Facebook sau đó đã lên bài tố cáo bộ sưu tập mới được giới thiệu này sử dụng loại gấm rẻ tiền, chất lượng trung bình, độ bền thấp trên Taobao - một website thương mại điện tử nổi tiếng của Trung Quốc.

Bộ sưu tập mới của Biti's
Bộ sưu tập mới của Biti's "Blooming Central" vừa ra mắt đã vướng phải tranh cãi

Sự việc này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội và nhận được vô số ý kiến trái chiều từ người dùng. Phần đông cho rằng, đây là một sai lầm nghiêm trọng và thương hiệu có ý "lừa dối" người dùng. Bởi Biti’s tự tuyên truyền rằng thiết kế được lấy "cảm hứng miền Trung", "được đầu tư sáng tạo, tìm tòi đa dạng vật liệu và tốn nhiều công sức sản xuất" nhưng thực chất lại sử dụng loại gấm được thiết kế theo kiểu "mì ăn liền", được bày bán tràn lan trên Taobao.

Không chỉ vậy, nhiều người còn chỉ ra những thông tin sai lệch của Biti's trong việc gắn mác văn hóa Việt Nam và văn hóa vùng miền. Hoa văn thổ cẩm được Biti's sử dụng vốn có nguồn gốc từ họa tiết hoa văn chân chó trong Thổ cẩm người Chăm chứ không phải Thổ cẩm Tây Nguyên như thương hiệu này đã truyền thông.

Trước sức ép của làn sóng dư luận, vào ngày 12/10/2021, Biti's chính thức lên tiếng, làm rõ sự việc. Trên Fanpage chính thức của Biti's Hunter, thương hiệu đã thẳng thắn thừa nhận sai sót trong việc chưa tìm hiểu kỹ càng về nguồn gốc họa tiết trên vải thổ cẩm và nguồn gốc chất liệu vải gấm trong bộ sưu tập lần này. Đồng thời thương hiệu cũng nhanh chóng đưa ra phương án khắc phục cụ thể và hướng giải quyết rõ ràng.

Lời xin lỗi từ Bitis Hunter
2 ngày sau khi vướng phải tranh cãi, Biti's đã đưa ra thông báo chính thức trên Fanpage chính thức của Biti's Hunter

Theo đó, Biti's thừa nhận rằng:

Sau khi lắng nghe các ý kiến, cũng như tìm hiểu thêm về các vấn đề mà người tiêu dùng đặt câu hỏi, Bitis Hunter xin chính thức có phản hồi như sau:
Về nguồn gốc của hoa văn vải thổ cẩm, Biti’s Hunter thật sự bất ngờ với sự khám phá Thổ cẩm Tây Nguyên mình đang sử dụng có nguồn gốc từ họa tiết hoa văn chân chó trong Thổ cẩm người Chăm. Biti’s Hunter ghi nhận sự khám phá này và sẽ chỉnh sửa ngay lập tức trong phần truyền thông để ghi nhận hoa văn Thổ cẩm của dân tộc Chăm. Cảm ơn các bạn trong Mạng lưới Tiên Phong Việt Nam đã chia sẻ thông tin quý báu này, và giúp chúng tôi nhìn thấy sự thiếu sót về chi tiết sản phẩm vải thổ cẩm này.
Về vấn đề chất liệu vải gấm thể hiện trong bộ sưu tập lần này, Biti’s Hunter đã chọn lựa vải gấm đến từ Trung Quốc để thể hiện ý tưởng sản phẩm. Trước đó, Biti’s Hunter đã cố gắng tìm kiếm nguồn nguyên liệu vải trong nước, nhưng chưa tìm được nhà cung cấp có vải dệt phù hợp. Khi mà bối cảnh ngành công nghiệp phụ trợ cho giày dép trong nước còn nhiều hạn chế, cũng như dịch bệnh hoành hành trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, Biti's Hunter xin hoàn toàn thừa nhận trách nhiệm về sự lựa chọn chưa thấu đáo này và cần nỗ lực nhiều hơn nữa để đáp ứng được sự kỳ vọng của người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt đối với dòng sản phẩm “Proudly Made in Vietnam” đầy tính tự hào. Chúng tôi vô cùng biết ơn sự chia sẻ và đóng góp quý báu của bạn La Quốc Bảo đối với BST lần này.

Dưới phần bình luận trong bài chia sẻ của Biti's, đông đảo khán giả bày tỏ sự tán thành với lời xin lỗi cũng như cách xử lý quyết liệt của thương hiệu. Có thể nói, Bitis đã thẳng thắn và nhanh chóng đối mặt với dư luận khi thương hiệu gặp khủng hoảng. Tuy nhiên, sự việc lần này như một cú "sảy chân" của Biti's trong hành trình xây dựng hình tượng nâng niu những giá trị Việt mà thương hiệu này đã ấp ủ và xây dựng trong suốt nhiều năm qua.

Đây sẽ là một bài học lớn cho nhiều thương hiệu khác. Khi người tiêu dùng ngày càng trở nên độc lập và có tiếng nói hơn, các thương hiệu cần phải thực sự nghiêm túc và chú trọng hơn nữa trong từng phát ngôn và hành động của mình. Khi nhận được ý kiến phản hồi của người tiêu dùng, hãy luôn bày tỏ sự cầu thị và chân thành rút kinh nghiệm. Nếu không, cái giá phải trả rất có thể là sự quay lưng của những người tiêu dùng đã trung thành với thương hiệu suốt nhiều năm.

Lương Hạnh - MarketingAI

>>> Có thể bạn quan tâm: Nhìn lại chiến dịch Hanoi Culture Patchwork của Biti`s Hunter nhân dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long Hà Nội 

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.