Cuối năm và những băn khoăn: Cố làm đợi thưởng Tết hay chọn nhảy việc môi trường mới

24 Thg 10

Trong những ngày tháng cuối năm này, người người nhà nhà ai nấy đều tất bật chạy chỉ tiêu, 1 phần để đảm bảo chất lượng công việc, phần còn lại vì 1 cái tết ấm no. Còn đối với dân công sở cũng chia ra làm 2 trường phái: hoặc là cố gắng nỗ lực hết mình vì công việc cuối năm hoặc là băn khoăn xem cố làm nốt để hưởng thưởng tết hay chọn nhảy việc mới vào thời điểm nhạy cảm này. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm câu trả lời thỏa đáng nhất, giải tỏa nỗi lòng bản thân nha!

"Cố đấm ăn xôi" làm nốt vài tháng cuối để nhận thưởng tháng thứ 13?

Thời điểm cuối năm, dân công sở phải “đầu tắt mặt tối” với biết bao nhiêu dự định, kế hoạch còn dở dang cần phải hoàn thành trong năm cũ. Đa phần ai cũng mong có thể dành thật nhiều thời gian cho công việc để chạy cho “đủ số”, kiếm thêm vài đồng lương thưởng. Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng với những người thật sự đam mê và ham thích cũng như có lý do để theo đuổi công việc mình đang làm. Còn với những cá nhân đang cảm thấy mệt mỏi và chán nản thì khác, mùa cuối năm chính là thời điểm của những sự lựa chọn: cố làm thêm vài tháng để lấy thưởng hay cập nhật CV để bước vào cuộc đua tìm việc.

Và chắc hẳn khi đưa ra những phân vân đó của bản thân tâm sự với đồng nghiệp hay hội chị em thì sẽ thường nhận được những câu chuyện kiểu sau:

“Em cứ cân nhắc nhé, nếu một năm qua bản thân mình đã đóng góp rất nhiều cho công ty mà chưa nhận lại được gì thì nên “cố đấm ăn xôi” cho xong vài tháng nữa để nhận thưởng tháng thứ 13. Đó cũng là một khoản để em trang trải sau khi nghỉ việc"

“Ở lại đi, để nhận lương tháng thứ 13 nếu nó đáng. Chưa kể, kết quả kinh doanh công ty trong năm vừa rồi tốt thì có thể có lương tháng 14,15 cũng nên. Kiên nhẫn một chút nếu được nhé bạn”.

“Ai cũng nói đầu năm là mùa tuyển dụng, dễ cho ứng viên tìm được công việc mình ưng ý hơn. Tuy nhiên, ít người biết, thời điểm cuối năm chính là lúc sự cạnh tranh bớt căng thẳng, tỷ lệ chọi thấp nhất nên dễ dàng để ứng viên trúng tuyển hơn. Có khi công ty mới đang cần người nên bạn deal được lương tốt hơn công ty cũ nhiều lần cũng nên”.

"Tìm việc mới đi thôi em ơi. Đã mệt mỏi lắm rồi thì có ở lại cũng vậy, vừa hành xác bản thân mình và còn không công bằng với công ty. Làm gì thì làm, cầm đồng tiền cũng phải tự trọng”.

“Mình cũng đã từng phân vân như bạn, sau đó quyết định nghỉ việc khỏe, dành thời gian tập gym, học ngoại ngữ, ăn ngủ chơi hưởng thụ cuộc sống, thăm bà con nội ngoại tăng cường mối quan hệ”.

Vậy đó, những băn khoăn của bạn khi được trải lòng ra sẽ nhận được vô vàn những ý kiến trái chiều  xuất phát từ thực tiễn từng trải của những trong nghề, có khi còn làm bạn rối bời hơn cả lúc chưa mang câu chuyện của mình ra để hỏi.  Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, và ý kiến đó chung quy lại cũng chỉ là những ý kiến cá nhân được đưa ra dựa trên môi trường và điều kiện riêng của từng người. Không thể áp đặt lựa chọn chung này vào bất kỳ ai.

Chọn ở lại, bạn sẽ thực sự nỗ lực hay chỉ giả vờ cố gắng chăm chỉ?

Nếu như ở trên, quyết định của bạn là nghỉ việc và tìm hướng đi mới cho bản thân thì chúc mừng bạn đã được giải thoát bởi những suy nghĩ băn khoăn trước đó. Để chuẩn bị bắt kịp nhịp sống công sở ở môi trường mới tốt hơn, điều bạn cần là bạn nên chuẩn bị tâm lý thoải mái, những chuyến nghỉ ngơi ngắn ngày lấy lại tinh thần cho một công việc mới. Nhưng khi bạn quyết định chọn ở lại thì hãy cân nhắc thật kỹ, liệu bạn sẽ nỗ lực làm mới hình ảnh bản thân hay chỉ giả vờ chăm chỉ, đi làm "sương sương" ?

Đừng vội thay đổi công việc mà hãy thay đổi suy nghĩ của bạn. Không phải tự dưng người ta gọi là "công việc mơ ước", có người được làm công việc mình thích, có người không. Nhưng ít nhất là ở một thời điểm nào đó trong cuộc sống, chúng ta buộc phải hy sinh sở thích cá nhân vì những ưu tiên khác quan trọng hơn và cho cả mục tiêu tương lai nữa. Bạn không biết chính xác mình muốn làm gì trong thời gian tới: thường thì chúng ta xác định thứ mình không thích dễ dàng hơn là thứ mình thực sự mong muốn. Bạn biết mình không thích làm saler, không thích làm phiên dịch nhưng lại không biết chính xác mình muốn làm gì nhất. Vì vậy, bạn lựa chọn một việc mà mình không ghét, dù thiếu định hướng nghề nghiệp thì có thu nhập vẫn hơn là không. Hãy luôn xác định và thấy rõ được động lực làm việc của bạn là gì và bạn muốn thực hiện động lực đó bằng cách nào? Hãy luôn cố gắng, nhưng cũng đừng quá nóng vội, bởi không phải lúc nào chúng ta cũng có thể dễ dàng tìm được công việc mà mình mong đợi.

Khi muốn buông bỏ hãy nhớ lại lý do bắt đầu. Tại sao bạn lại chọn con đường này, hãy nhớ lại động lực để mình bắt đầu với nó và chính điều đó sẽ giúp bạn vượt qua thời gian khó khăn. Không ngừng nhắc nhở bản thân về điều quan trọng giúp bạn tồn tại với công việc này, bấy nhiêu động lực đó sẽ giúp bạn duy trì sự tập trung để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

>>> Xem thêm: Bị áp lực vì phải sáng tạo không ngừng trong công việc, bỏ túi 4 mẹo sau sẽ giúp dân marketing lấy lại nguồn cảm hứng

Tạm kết

Dù làm ở đâu và trong lĩnh vực nào, chắc chắn sẽ có đôi lúc bạn cảm thấy chênh vênh và muốn từ bỏ, đặc biệt là trong những tháng cuối năm, việc đứng giữa hai lựa chọn cố làm đợi thưởng Tết hay nhảy việc môi trường mới luôn là câu hỏi khó có lời giải nhất vẫn tồn tại trong giới công sở bấy lâu nay. Nếu không còn đủ đam mê với công việc hiện tại, hãy dừng lại và bắt đầu một công việc mới. Còn không, hãy làm hết mình để nhận thưởng về xứng đáng.

Phương Thảo - MarketingAI

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.