Định dạng Instagram Story nào đang thật sự thu hút người dùng?

10 Thg 03

Năm 2019, Instagram đánh dấu một con số ấn tượng khi đạt 500 triệu người dùng trên toàn thế giới. Kể từ khi ra mắt vào năm 2016, chỉ riêng tính năng Stories đã giúp Instagram "đánh bật" các đối thủ sừng sỏ khác. Tính năng này cũng được xây dựng trên nền tảng video hay di động như Snapchat, TikTok hay nền tảng của chủ sở hữu: Facebook Stories .

Nghiên cứu mới: Instagram sẽ được nâng cấp vào năm 2020

Dù đã thành công trong việc tạo dựng thương hiệu cho Instagram Stories, nhưng các nhà sản xuất vẫn đang cố gắng nâng cấp tính năng này lên mỗi ngày, với mong muốn biến chúng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt người dùng. Sự ra đời của Instagram Stories đem đến những lợi ích tích cực cho cá nhãn hàng, từ việc tăng sự quan tâm của khán giả (audience engagement), độ nhận diện thương hiệu (brand awareness) cho đến việc cải thiện tỷ lệ chuyển đổi mua hàng (purchase-related conversions).

Mặc dù các tính năng của Instagram Stories vẫn đang làm tốt và cho thấy hiệu quả  tích cực đối với các thương hiệu, nhưng rõ ràng, việc tạo ra một nội dung tốt vẫn cần rất nhiều thời gian, năng lượng và sự động não. Nỗ lực hết sức để tạo ra một Story độc đáo nhưng kết quả lại “fail” và nhận lại về tương tác “thảm hại” không phải chuyện xa lạ gì đối với nhiều nhãn hàng. 

Kết hợp nhiều định dạng khác nhau tạo nên một Story hấp dẫn (Nguồn: Bota.vn)

Điều đó khiến tôi không khỏi tò mò, khi xây dựng chiến lược nội dung truyền thông xã hội cho năm 2020, bạn đã bao giờ tự hỏi: “Khách hàng thực sự quan tâm đến định dạng Instagram Story nào?” hay chưa. Hubspot đã thực hiện cuộc khảo sát với 350 người để tìm hiểu thêm về các định dạng Story yêu thích của họ, cả về âm thanh cũng như độ dài lý tưởng cho các Stories. Giờ thì hãy cùng MarketingAI tìm hiểu về các định dạng Stories được mọi người yêu thích và ví dụ tương ứng từ các nhãn hàng nhé. 

Các định dạng Story được ưa thích trên Instagram

Nhiều thương hiệu và người dùng tập trung hoàn toàn vào sự tương tác trên Stories, họ cho rằng, các Stories càng ngắn thì càng thu hút được lượng reach cao. Nhưng cũng không ít nhãn hàng lại muốn mang đến một câu chuyện bằng hình ảnh, có thể là một mẩu tin ngắn nhưng cũng có thể là một câu chuyện video dài, tựa như một bộ phim tài liệu hấp dẫn. Vậy thì rút cuộc, định dạng Stories nào mới được người dùng ưa chuộng nhất? Định dạng nào sẽ khiến bạn xem từ đầu đến cuối mà không muốn để lỡ bất cứ một giây nào?

Nghiên cứu chỉ ra rằng các Sticker tương tác, như Câu đố, Thăm dò ý kiến hay Câu hỏi nhận được sự quan tâm cao. Nhưng bên cạnh đó, những nội dung hậu trường từ các thương hiệu hay người có ảnh hưởng trên Story cũng cũng không kém phần hấp dẫn. Vậy cuối cùng mọi người đã chọn gì?

Kết quả khảo sát cho thấy chỉ 15% mọi người đã chọn nhãn dán Quiz hoặc Poll là một trong những định dạng được yêu thích nhất. Tuy nhiên, có tới tận 35% người dùng thật sự thích những Stories có tính kể chuyện ngắn với sự kết hợp của hình ảnh, văn bản và video. Tiếp theo là 10% lựa chọn kết hợp giữa các yếu tố trên, 5% chọn nội dung demo hoạc hướng dẫn, 4% chọn hình ảnh/video hậu trường về cuộc sống thường nhật của một ai đó.

(Nguồn: HubSpot)

Các câu chuyện ngắn

Các câu chuyện ngắn về cơ bản là các bài viết được tùy chỉnh sao cho trực quan và ngắn gọn hơn để đưa lên Stories. Họ kể một câu chuyện qua các slide gắn kết với nhau, dựa trên các đoạn văn ngắn kèm gạch đầu dòng và hình ảnh minh họa. Dưới đây là một ví dụ tuyệt vời về định dạng Câu chuyện ngắn trong chiến dịch của Harvard Business Review, khi điểm qua các đoạn nội dung chính trích từ một bài viết dài trên trang web, chính là một cách tuyệt vời để thu hút nhiều người quan tâm tới nội dung trên blog của bạn mà không cần phải rời khỏi Instagram.

Kể một câu chuyện bằng sự kết hợp của hình ảnh, văn bản và video (Nguồn: HubSpot)

Ngoài việc đem tới cho khách hàng một thông tin hữu ích, bạn cũng có thể sử dụng Instagram Story như một công cụ đường dẫn, giúp tăng lượng truy cập trên trang web. Ví dụ bạn có thể điều chỉnh một bài viết dài thành một dạng Story ngắn, sau đó đính kèm bài đăng hoàn chỉnh ở cuối dưới dạng liên kết vuốt lên.

Với cách làm này, Instagram Story đóng vai trò như một teaser, nếu người xem có quan tâm đến chủ đề này sẽ vuốt lên và tìm hiểu thêm trong bài viết được dẫn tới. 

Câu đố (Quiz) hoặc Poll thăm dò ý kiến

Một định dạng Story rất được yêu thích khác đó là QuizPoll. Về cơ bản, những Story này được các thương hiệu tận dụng để tổ chức các cuộc thăm dò ý kiến, từ đó, hiểu hơn về nhu cầu khách hàng của họ. Những định dạng Story như thế này khá hấp dẫn và mang tính giải trí cao vì chúng cung cấp cho người xem bài test về một chủ đề nào đó, cũng như giúp họ biết về những người khác nghĩ gì về chủ đề đó thông qua phần kết quả. Đây là một ví dụ Story từ Hubspot, khi chúng tôi làm 1 bài khảo sát theo kiểu Poll và tiết lộ câu trả lời ở cuối.

(Nguồn: HubSpot)

Bạn cũng có thể sử dụng nhãn dán Quiz, rồi đưa ra câu trả lời ngay lập tức cho người xem. Chiến lược của Hubspot cũng bao gồm điều này vì nó giúp người xem có được cái nhìn tổng quan về những gì người khác đoán và xem câu trả lời thực tế ở cuối. Định dạng này vừa kéo người dùng tương tác với Stories, vừa giải trí cũng như “giữ chân” họ được lâu hơn khi biết rằng sẽ có đáp án giải đáp ở trang cuối cùng. 

Mặc dù có khá ít người bình chọn cho định dạng Câu hỏi (Questions) trên Stories, nhưng tính năng này vẫn là một trải nghiệm tuyệt vời giúp bạn có thể hiểu thêm về những khách hàng của mình thông qua các câu hỏi mở. Hãy nhìn ví dụ về Story đã sử dụng nhãn dán Câu hỏi của HubSpot dưới đây. Sau trang này sẽ tiếp tục là những Stories chia sẻ về câu trả lời của người xem. 

Lẽ dĩ nhiên, mặc dù Câu hỏi (Questions) là một cách tốt để tìm hiểu và tương tác với khán giả, nhưng họ vẫn mất thời gian để nhập câu trả lời thay vì chỉ mất vài giây để nhấn vào nhãn dán như định dạng Poll hoặc Quiz. Vì vậy, nếu bạn đưa ra một câu hỏi hay chủ đề không đủ hấp dẫn người xem, đôi khi bạn gặp vấn đề trong việc thu thập câu trả lời mong muốn.

Các bản demos và video hướng dẫn

Các thương hiệu cũng có thể xây dựng các tuyến nội dung story liên quan đến clip hướng dẫn hay các bản demo sản phẩm. Đây là định dạng Story phổ biến thứ năm trong bảng xếp hạng, đặc biệt hữu ích nếu doanh nghiệp của bạn quan tâm hay hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử hoặc chuyển đổi liên quan đến mua hàng, vì ngày càng nhiều người thích tìm hiểu thêm về các sản phẩm qua video. 

Thực hiện các story tutorial để người dùng hiểu thêm về sản phẩm của bạn (Nguồn: hublaagram)

Có thể thấy, các định dạng Stories như các bản demo hoặc video hướng dẫn giúp ích cho các thương hiệu không nhỏ khi thể hiện được cách thức mà các sản phẩm của họ hoạt động. Ngoài ra, nếu bạn có hơn 10.000 người theo dõi trên Instagram cá nhân, hoặc là người dùng đã được xác minh (có dấu tích xanh), thì bạn hoàn toàn có thể liên kết những Stories này với trang web thương mại điện tử của mình, hoặc trang mua hàng trực tuyến có mặt các sản phẩm đó. Bằng cách này, nếu người dùng bị ấn tượng bởi một clip hướng dẫn hay một bản demo, họ chỉ cần vuốt lên để tìm hiểu thêm về sản phẩm và mua hàng.

Sự kết hợp giữa các định dạng nội dung

Nếu bạn không phải là người đặc biệt thích một định dạng nào, hoặc thích kết hợp nhiều định dạng trong một Stories, thì bạn cần một chút sáng tạo khi xây dựng chiến lược nội dung. Ví dụ, hãy thêm nhãn dán Quiz hoặc Thăm dò ý kiến vào các video kể chuyện, video hướng dẫn hoặc các định dạng Stories khác. Sự kết hợp thú vị giữa các định dạng Stories sẽ tạo ra một lớp nội dung mới hấp dẫn cho thương hiệu của bạn, gây hứng thú cho người dùng.

Hãy tham khảo một ví dụ Story đến từ thương hiệu đình đám Starbucks. Thương hiệu này đã kết hợp nhiều Sticker để kể chuyện và câu hỏi tương tác để thông báo về sự trở lại của một loại đồ uống theo mùa rất nổi tiếng.

Một ví dụ tiêu biểu đến từ Starbucks (Nguồn: HubSpot)

Các định dạng Stories Instagram khác

Các nội dung hậu trường, phim tài liệu ngắn hay các Stories liên quan đến cảm nhận/feedback từ khách hàng là những định dạng Story ít được người dùng quan tâm hơn. Điều đó có nghĩa là nếu thương hiệu của bạn muốn dùng các định dạng này để quảng bá sản phẩm, thì hãy nên “động não” và sáng tạo thêm cho nó hay ho hơn.

Sáng tạo mỗi ngày với Instagram Story (Nguồn: 99firms)

Thay vì chỉ tập trung vào những cảm nhận về sản phẩm hay khách hàng của bạn, hãy thử tạo ra các câu chuyện ngắn hàm chứa thông tin hữu ích hoặc các định dạng Stories tương tác liên quan mạnh mẽ đến thương hiệu của bạn. Điều này không chỉ thu hút người dùng trên Instagram mà còn thể hiện được chuyên môn của công ty bạn trong ngành.

Mặc dù những định dạng Stories này ít được người dùng quan tâm, nhưng cũng đừng nên bỏ qua mà hãy kết hợp và thử nghiệm chúng với nhau nếu nó phù hợp với thương hiệu của bạn. Hãy cùng xem một vài gợi ý dưới đây nhé:

Video cảm nhận/feedback từ khách hàng

Mặc dù chẳng có mấy khách hàng hứng thú với các clip feedback, nhưng không có nghĩa là bạn nên “loại chúng khỏi cuộc chơi”. Trên thực tế, cách thức trên vẫn được sử dụng bởi nhiều thương hiệu và ngành công nghiệp khác nhau - giống như cách mà Planet Fitness thực hiện trong ví dụ dưới đây:

Feedback từ khách hàng chính là động lực cho nhiều người (Nguồn: HubSpot)

Trong kịch bản mà Planet Fitness xây dựng phía trên, feedback từ những khách hàng thành công chính là những lời động viên tốt nhất, giúp nhiều người không còn sợ hãi và có thêm động lực khi nghĩ đến việc đi tập thể dục mỗi ngày. Vậy nên, nó hiệu quả là điều có thể dễ dàng nhận thấy.

Các Stories phía sau hậu trường

Những câu chuyện hậu trường không nhất thiết là phải nói về sản phẩm của bạn. Thay vì thế, hãy cho các khách hàng thấy hình ảnh của công ty bạn, hoạt động bên trong ngành của bạn ra sao và những câu chuyện đến từ các nhân viên trong công ty. Các video hậu trường là nơi rất tốt để thể hiện sự chăm chỉ và đáng tin cậy của một doanh nghiệp, khiến cho người xem cảm thấy thoải mái và an tâm hơn khi sử dụng dịch vụ/sản phẩm từ phía bạn.

Giúp khách hàng hiểu hơn về công ty của bạn qua các story hậu trường thú vị (Nguồn: NBA)

NBA chính là ví dụ về thương hiệu đã áp dụng chiến lược này rất thành công. Giải đấu bóng rổ thường xuyên chia sẻ các video hậu trường của các cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp trong các trận đấu hoặc lễ kỷ niệm. Trong hình ảnh bên trên, NBA đã chia sẻ một video trên Instagram Story về những cầu thủ bóng rổ đang chụp ảnh kỷ niệm với rapper Drake.

Phim tài liệu ngắn

Giống như định dạng nội dung theo kiểu kể chuyện trên Instagram, phim tài liệu ngắn kể về một câu chuyện mang tính báo chí phức tạp hơn một chút và chủ yếu tập trung vào video - giống như một phim tài liệu ngắn. 

Các dạng video này thường sẽ chứa thông tin chất lượng cao và mang tính thông tin đối với nhiều người. Vì vậy, chúng thường được National Geographic sử dụng. Như ví dụ bạn nhìn thấy dưới đây, các story này chỉ là khởi đầu của một story dài theo phong cách phim tài liệu, nói về việc National Geographic đã đến thăm văn phòng của NASA để khám phá sự thật về hành trình đặt chân lên mặt trăng lần đầu tiên ra sao.

(Nguồn: HubSpot)

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi đang thúc đẩy các chiến lược nội dung trên Instagram của mình thường sẽ muốn xây dựng các dạng Stories ngắn mà phía trên đã đề cập. Những định dạng này sẽ giúp doanh nghiệp của bạn thể hiện được sự kết hợp giữa video, ảnh và văn bản mà không mất quá nhiều thời gian và công sức sản xuất. 

Tuy nhiên, nếu bạn là người sáng tạo nội dung hoặc muốn đưa tin về một sự kiện hoặc chủ đề đang hot trong ngành nhằm tăng nhận diện thương hiệu, thì bạn có thể thử sang phong cách kể chuyện trực quan, sâu sắc hơn với định dạng này. 

Độ dài Stories lý tưởng

Nhiều năm qua, các nhà quản lý truyền thông xã hội đã cố gắng xác định xem độ dài lý tưởng cho một Instagram Stories là bao nhiêu. Thực tế cho thấy, đây là một câu hỏi lớn mà các nhà sản xuất còn phải tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới. 

Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, độ dài các Stories là một vấn đề đáng xem xét, nhất là khi các bạn không có nhiều thời gian và nguồn tài nguyên (nhân lực, tiền bạc...). Ví dụ, nếu như bạn muốn giữ chân người tiêu dùng và mong tỷ lệ rời bỏ Stories giảm xuống mức thấp nhất, bạn không nên dành thời gian cho các nội dung kéo dài trong nhiều trang khi mà bạn biết thừa rằng khách hàng mục tiêu của mình chỉ xem vài trang đầu và không kiên nhẫn xem hết những thứ đó. 

Nếu thế thì, một Story trên Instagram nên có độ dài như thế nào thì tốt? Để hiểu thêm về điều này, Hubspot đã tiến hành khảo sát 350 người dùng và hỏi họ: “Trung bình, bạn sẽ lướt qua bao nhiêu trang của Instagram Story trước khi thoát?”

Instagram Story dài bao lâu là đủ? (Nguồn: Buffer)

Trước khi nhìn vào kết quả, chắc hẳn bạn đã nghĩ “Các Stories nên càng ngắn càng tốt”, đơn giản là vì các nội dung trên nền tảng truyền thông xã hội hiện nay đều có nhịp độ rất nhanh. Nhưng, hãy nghĩ đến một số ấn phẩm như Harvard Business Publishing và The Washington Post đã tận dụng Stories như một cách chia sẻ nội dung bài báo hiệu quả như thế nào. Vậy, cách tiếp cận nào là đúng và cách tiếp cận nào là sai?

Theo một cuộc khảo sát, 63% người tiêu dùng sẽ chỉ lướt qua 6 trang hoặc ít hơn thế, 34% còn lại cho biết, trung bình, họ sẽ lướt qua bốn đến sáu trang. Tuy nhiên, hơn một phần ba người tiêu dùng sẽ xem hơn 7 trang Stories, và khoảng 20% thì cho biết họ sẽ lướt qua 10 trang hoặc nhiều hơn thế.

(Nguồn: HubSpot)

Các kết quả ở trên cho ra kết quả tương tự như nghiên cứu của Buffer khi cho rằng các Stories được tạo thành từ bảy trang trở xuống là hấp dẫn nhất. Tuy nhiên, trên thực tế cũng có khá nhiều người trả lời rằng họ vẫn sẽ xem các Stories nhiều hơn bảy trang nếu nó có nội dung hay, và nếu tự tin, thương hiệu của bạn đừng nên lăn tăn về việc rút ngắn nội dung xuống. 

Tất nhiên, điều quan trọng là các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu khách hàng mục tiêu thật kỹ, cả về độ tuổi, sở thích cũng như phong cách sống của họ để đưa ra kết luận rằng độ dài Stories nào là phù hợp nhất dành cho họ. Nếu khách hàng yêu thích các Stories ngắn mang tính tương tác thì bạn hoàn toàn có thể bỏ qua các Stories kể chuyện dài dòng.

Các định dạng Story ngắn mang tính tương tác cao (Nguồn: HubSpot)

Hay nếu bạn cảm thấy lo lắng khi phải giải thích quá khô khan và phức tạp về một chủ đề nào đó trên Stories thì hãy tạo một định dạng Story kèm theo liên kết vuốt lên, dẫn đến một trang nội dung dài hơn.

Tóm lại, dù là Stories dài hay ngắn thì bạn cũng phải nên thử nghiệm để xem định dạng nào phù hợp nhất với sản phẩm và doanh nghiệp của mình. Nếu như nhiều người bỏ qua một vài Stories dài chứ không phải tất cả, thì có thể là do chủ đề đó hay cách viết của bạn chưa đủ sức hấp dẫn. Còn nếu mọi người thường xuyên bỏ qua và có xu hướng thích xem các Stories ngắn hơn thì bạn nên giới hạn chúng trong một số trang nhất định.

Kể một câu chuyện trực quan hấp dẫn

Dù chủ đề hay định dạng Stories mà bạn lựa chọn là gì, thì quan trọng nhất vẫn là nội dung của Stories đó có đem đến giá trị gì cho khách hàng không? Nó có nói về điều khách hàng quan tâm, đem lại sự giải trí và làm nổi bật uy tín thương hiệu của bạn trong ngành hay không?

Chọn định dạng Story phù hợp với thương hiệu của bạn là điều quan trọng nhất (Nguồn: Pinterest)

Nếu bạn vẫn còn chưa chắc chắn về cách sử dụng Instagram Stories để quảng bá cho thương hiệu của mình như thế nào, thì hãy dành nhiều thời gian để xem và nghiên cứu cách thức mà các thương hiệu thành công khác đã làm. Cũng đừng quên bỏ qua các bài viết trên Marketing AI để khám phá thêm những cách quảng bá thương hiệu hay ho trên mạng xã hội nhé!

Nhật Linh - MarketingAI

Theo HubSpot

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.