Dolce & Gabbana bị tẩy chay vì quảng cáo mang tính kì thị người Trung Quốc

26 Thg 11

Các sản phẩm của Dolce & Gabbana đã bị các đại gia thương mại điện tử như Alibaba, JD và Yoox Net-A-Porter bỏ bán tất cả các sản phẩm sau khi thương hiệu dính phải những quảng cáo phân biệt chủng tộc dành cho người Châu Á. Với chiến dịch lần này, Dolce Gabbana bị tẩy chay vì quảng cáo mang tính kì thị người Trung Quốc. 

Dolce & Gabbana và quảng cáo mang tính kì thị

Thương hiệu thời trang cao cấp đã rơi vào khủng hoảng truyền thông nghiêm trọng trong tuần này vì một đoạn video quảng cáo cho thị trường Trung Quốc. Đoạn video quảng cáo này mô tả một cô gái Châu Á đang cố gắng thưởng thức ẩm thực phương Tây bằng đôi đũa. Điều đáng nói là, những món ăn này quá to so với đôi đũa như món mì Ý, món pizza vá bánh ngọt Italy khổng lồ. Ngay lập tức, thương hiệu gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ vì bị cáo buộc đã coi thường văn hóa ẩm thực của người Châu Á.

(Video: Entertainment is Fun)

>>> Xem thêm: 5 xu hướng quảng cáo của những thương hiệu cao cấp

Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi những tin nhắn của người sáng lập D&G Stefano Gabbana được lan truyền mang nội dung kỳ thị người Trung Quốc. Tuy nhiên, đại diện D&G cho biết tài khoản Instagram của hãng đã bị tấn công.

Trước làn sóng tẩy chay, D&G đã lâm vào hoàn cảnh cưc kỳ khó khăn trong bối cảnh các thương hiệu xa xỉ toàn cầu đang ngày càng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc để tăng trưởng. Năm ngoái, người tiêu dùng ở đất nước này đã chi hơn 100 tỷ USD cho hàng xa xỉ, chiếm gần 1/3 tổng chi tiêu những mặt hàng này trên toàn cầu. Có thể nói, việc khủng hoảng nghiêm trọng này chính là một trong số những làn sóng tẩy chay lớn nhất toàn cầu.

Vào tháng trước, nỗi lo nhu cầu hàng xa xỉ của Trung Quốc giảm do niềm tin người tiêu dùng suy yếu và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khiến giá cổ phiếu của nhiều thương hiệu xa xỉ lao dốc, thổi bay khoảng 160 tỷ USD vốn hoá.

Làn sóng tẩy chay từ phía người tiêu dùng

New York Times (Nytimes) đưa tin Xiang Kai, một đạo diễn và nhà văn ở Thượng Hải đã đốt cháy các sản phẩm Dolce & Gabbana (D&G) trị giá 20.000 USD, gồm áo khoác, áo vest và túi xách hôm 22/11. Trước đó, một fan khác của thương hiệu nói rằng anh ta ném giày và đồng hồ nhãn hiệu này vào thùng rác.

Chương trình D&G Thượng Hải đã bị hủy bỏ sau khi nhiều người nổi tiếng Trung Quốc quyết định tẩy chay thương hiệu này. Các đại gia thương mại điện tử như Alibaba và JD.com hay Yoox Net-A-Porter đồng loạt loại bỏ các sản phẩm của D&G khỏi nền tảng của họ trong bối cảnh những tranh cãi tiếp tục leo thang. Vấp phải những chỉ trích hết sức mạnh mẽ, thương hiệu xa xỉ lao đao như một lẽ đương nhiên.

Vào năm ngoái, chính D&G cũng buộc phải hạ các quảng cáo trực tuyến sau khi bị cư dân mạng Trung Quốc khẳng định thương hiệu này cố tình "dìm hàng" nước họ khi cho thấy một Trung Quốc nhỏ bé, bần hàn trong khi đất nước Nhật Bản hay Hàn Quốc lại được chụp với những tòa tháp chọc trời hiện đại, tân tiến.

Chiến dịch "DG Love China" cũng vấp phải làn sóng phản đối từ Trung Quốc (Ảnh: Snobette)

Cách xử lý khủng hoảng của Dolce & Gabbana 

Ứng phó với những làn sóng chỉ trích tột đỉnh, thương hiệu xa xỉ này có hai động thái. Stefano Gabbana khẳng định tài khoản của ông bị hack và những đoạn tin nhắn cá nhân kia hoàn toàn không phải do ông viết. Hãng cũng đã xóa video có nội dung bị cho là phân biệt chủng tộc trên trang chủ Youtube, Instagram của mình. Công ty đã liên hệ luật sư, nhờ pháp luật làm sáng tỏ sự việc. Thêm vào đó, bộ đôi nhà thiết kế đã đăng tải video nói lời xin lỗi người dân Trung Quốc. Tuy nhiên, Nytimes không đánh giá cao hành động này của D&G, cho rằng hãng dường như đánh giá thấp tầm quan trọng của bản sắc dân tộc Trung Quốc, thay vào đó đánh giá quá cao vị trí của họ trong nền công nghiệp thời trang.

Scandal lần này có thể dẫn đến cú sốc tài chính, làm sụt giảm doanh thu nghiêm trọng của hãng trong cuối năm - thời điểm người dân có nhu cầu mua sắm cao.

Theo Nytimes, lời xin lỗi của Gabbana gần như không có hiệu lực bởi nhà thiết kế từng dính nhiều scandal như chê Selena Gomez xấu, không thích bị gọi là "gay" dù là người đồng tính, đả kích những cặp đồng tính nhận con nuôi, nhờ mang thai hộ. Có thể nói rằng, một khi hai nhà thiết kế đã thể hiện sự kỳ thị với nhiều người, bằng tất cả sự cay độc, họ rất khó để mong được tha thứ và tin tưởng trở lại từ thị trường lớn nhất thế giới này.

Lời xin lỗi từ phía thương hiệu DG (Ảnh: The Drum)

Kết

Với thái độ cao ngạo và cách xử lý khủng hoảng truyền thông hời hợt, Dolce Gabbana còn khiến người tiêu dùng Trung Quốc giận dữ hơn. Một điều chắc chắn là khi mất đi thị trường Trung Quốc có 1,4 tỉ người, doanh thu của thương hiệu xa xỉ Dolce Gabbana chắc chắn sẽ không còn đứng vững trên thị trường.

Nguồn: Tổng hợp

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.