Động lực tăng trưởng trong Khu vực Châu Á: Nền kinh tế Anyware

19 Thg 04

Mới đây, Sharon Soh, Trưởng bộ phận Marketing & Chiến lược Tích hợp tại UM, APAC đã nhấn mạnh sự phát triển của khu vực trong phần 1 của loạt bài phân tích gồm 4 phần của bà. Trong phần 1 này, Sharon Soh đã đề cập đến động lực tăng trưởng của Châu Á Thái Bình Dương chính là nền kinh tế Anyware. 

Thế kỷ 21 - Thời kỳ kinh tế hưng thịnh của châu Á đã trở lại?

Trong hai thập kỷ vừa qua, khu vực Châu Á Thái Bình Dương đã chứng kiến tốc độ phát triển nhanh chóng và vượt bậc, vượt qua nhiều khu vực sừng sỏ khác để vươn lên như một trung tâm kinh tế, thương mại và văn hóa mới của thế giới, nhờ vào mức tiêu thụ tăng vọt và vai trò trung tâm trong nền thương mại và đổi mới toàn cầu. Ngay cả trước đại dịch, Châu Á cũng đã vượt lên dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực khác nhau, tạo ra tiềm năng phát triển lớn đến nỗi các chuyên gia đánh giá thị trường còn đang chờ xem khi nào “Thế kỷ Châu Á” sẽ bắt đầu.  

Dữ liệu do tạp chí tài chính Financial Times cung cấp cho biết, năm 2020 đánh dấu cột mốc đầu tiên nền kinh tế Châu Á vượt qua tất cả các khu vực kinh tế khác trên thế giới cộng lại kể từ thế kỷ 19. Trong khi đó, còn nhớ vào năm 2000, kinh tế APAC chỉ chiếm hơn một phần ba sản lượng kinh tế thế giới.

Việc APAC đang dần lấy lại vị thế trung tâm của kinh tế thế giới không chỉ đến từ việc khu vực này sở hữu hai nền kinh tế lớn nhất là Trung Quốc và Ấn Độ, mà còn nhờ vào sự tăng trưởng ở các quốc gia vừa và nhỏ ở Đông Nam Á như Indonesia, Việt Nam và Philippines. Cùng với đó, các cường quốc trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia - cho dù gần đây đã bị Trung Quốc làm lu mờ đi phần nào - thì vẫn là những nền kinh tế lớn và có tầm ảnh hưởng cao. Nói chung, các thị trường này sẽ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy sự phát triển ngày càng cao của khu vực trong tương lai, với mục tiêu hướng đến là thay đổi trật tự nền kinh tế thế giới trong các lĩnh vực chính như dòng chảy và mạng lưới thương mại, hệ sinh thái doanh nghiệp và động lực tiêu dùng.

Có một sự thật khó có thể chối cãi đó là, đại dịch đã làm đẩy nhanh quá trình phát triển của các xu hướng trên thế giới, khiến hành vi của người tiêu dùng thay đổi với tốc độ chưa từng có, nhanh hơn tới 5 năm hoặc lâu hơn so với dự kiến.

Một trong những bước phát triển mạnh mẽ nhất của Châu Á trong thập kỷ qua là tốc độ chấp nhận kỹ thuật số (tức là tốc độ tiếp thu và sử dụng công nghệ số mới) của người tiêu dùng nơi đây. Khu vực này đã chiếm một nửa số người dùng Internet trên thế giới và tốc độ tăng trưởng này sẽ còn tiếp tục vượt xa trên thế giới ở một số thị trường khác nhau trong khu vực. Lượng người dùng kỹ thuật số tăng cao sẽ là động lực lớn cho sự phát triển và hưng thịnh của thị trường, đồng thời tạo cảm hứng cho lĩnh vực công nghệ sáng tạo trong khu vực, nhất là khi Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore đang là một những quốc gia có nền tảng kỹ thuật số tiên tiến nhất trên thế giới.

Châu Á chiếm một nửa số người dùng Internet trên thế giới

Thị trường này cũng đang thúc đẩy cả cung và cầu cho nhiều lĩnh vực khác nhau trên thế giới trên quy mô toàn cầu, như: thương mại điện tử, thanh toán di động, VR, AI, xe tự hành và robot. Đồng thời, người tiêu dùng châu Á cũng đang trở thành một lực lượng quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, nhất là khi hành vi và sở thích mua hàng hằng ngày của họ đang ngày càng tạo ra xu hướng cho phần còn lại của thế giới.

Thời tới cản không kịp” có lẽ là câu nói phù hợp với Châu Á trong thời điểm hiện tại. Ngay cả đại dịch cũng không thể ngăn cản đà tiến lên mạnh mẽ của APAC. Ngoại trừ Đài Loan, tất cả các quốc gia khác trong khu vực đều đã phải áp dụng các lệnh giới nghiêm và phong tỏa nghiêm ngặt trong thời gian dài bị ảnh hưởng bởi COVID-19, dẫn đến sự thay đổi lớn trong hành vi sử dụng kỹ thuật số của người dân trong khu vực và điều này đã diễn ra tương đối giống nhau ở các thị trường tại APAC.

Tất cả mọi người đã đồng ý rằng, đại dịch đã làm đẩy nhanh quá trình phát triển của các xu hướng trên thế giới, khiến hành vi của người tiêu dùng thay đổi với tốc độ chưa từng có, nhanh hơn tới 5 năm hoặc lâu hơn so với dự kiến. Trong các lĩnh vực như thương mại điện tử và giao hàng thực phẩm, các thị trường như Ấn Độ và những thị trường ở Đông Nam Á vốn dĩ có tốc độ tiếp nhận công nghệ chậm hơn so với các nước khác trong khu vực, nay đã nhanh chóng bắt kịp và sánh ngang với nhiều quốc gia phát triển.  

Trong khi đó, người tiêu dùng Trung Quốc đã nhanh chóng đẩy mạnh việc sử dụng các giải pháp y tế từ xa để biến nó trở thành xu hướng chủ đạo cho thị trường của họ. Các hành vi mới cũng được hình thành trên toàn khu vực, bao gồm cả việc áp dụng nhanh chóng các công cụ hỗ trợ học tập online và làm việc từ xa.

Trong tương lai, chúng tôi đã xác định được bốn hướng mà động lực tăng trưởng này sẽ tác động đến chúng ta, đó là qua cách chúng ta làm việc, vui chơi, mua sắm và sống - bắt đầu từ ngày mai, đồng thời giải thích các sắc thái của APAC. Các thương hiệu và các nhà tiếp thị vẫn sẽ có những cơ hội khai thác thú vị tại thị trường rộng lớn này khi APAC đang bắt đầu vươn mình lên sau đại dịch và nhanh chóng tìm cách lấy lại quỹ đạo tăng trưởng như trước đây.

Nền kinh tế Anyware

Tết Nguyên đán năm 2020 đã mở ra một thời đại làm việc theo phong cách mới, một thời đại mà BBC News đã “ưu ái” đặt cho cái tên đầy thú vị đó là “cuộc thí điểm làm việc tại nhà lớn nhất thế giới”. Sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 vào những tháng cuối năm 2019 tại Trung Quốc đã buộc Chính phủ nước này phải đưa ra các quy định nghiêm ngặt về giãn cách xã hội, đồng thời yêu cầu các công ty hạn chế cho nhân viên quay trở lại văn phòng sau những ngày nghỉ lễ. Sau đó, khi COVID-19 bùng phát và lan rộng ra khắp khu vực, các quốc gia khác cũng đã phải nhanh chóng thiết lập các lệnh giới nghiêm và phong tỏa tương tự, cũng như cho phép nhân viên được làm việc tại nhà.

BBC News đã gọi tên thời đại làm việc mới làcuộc thí điểm làm việc tại nhà lớn nhất thế giới

Có một điều đáng chú ý đó là, văn hóa kinh doanh và đạo đức làm việc tại Châu Á không khuyến khích các công ty thực hiện các biện pháp làm việc từ xa một cách dễ dàng, nó cũng không thoải mái như các nước phương Tây, nơi mà làm việc từ xa đã trở thành một xu hướng mới nổi được ưa chuộng trong nhiều năm gần đây. Các quốc gia như Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc đều có hệ thống phân cấp từ trên xuống dưới vô cùng chặt chẽ và chuyên nghiệp nhằm định hình sự tương tác giữa các bộ phận, khách hàng (clients) và người tiêu dùng (consumers), vì vậy, họ cũng không hề thoải mái với việc làm việc từ xa. 

Trớ trêu thay, văn hóa làm việc tập thể ngăn cản APAC chấp nhận phong cách làm việc từ xa mới này cũng chính là động lực giúp khu vực này nhanh chóng hạn chế hiệu quả sự lây lan của vi rút.

Văn hóa làm việc tập thể phổ biến của Châu Á được phản ánh rõ trong ranh giới mong manh giữa công việc và cuộc sống cá nhân của một người nhân viên trong công ty. Cụ thể, ở Châu Á, đồng nghiệp trong công ty thường coi nhau như bạn bè, hoặc thậm chí là người thân trong gia đình. Họ có thói quen xây dựng và củng cố mạng lưới các mối quan hệ trong xã hội bằng các hoạt động sau giờ làm, và đó cũng là một phần quan trọng trong cuộc sống công việc của họ. Điều đó khiến cho việc ôm đồm công việc về nhà và làm việc từ xa ngày càng khó khăn. Trong khi đó, ở nhiều thành phố tại châu Á, một không gian trống và rộng là điều vô cùng xa xỉ do mật độ dân số cao, đồng nghĩa với việc tìm kiếm một không gian yên tĩnh để làm việc, dù là ở trong hay ngoài nhà, cũng là một thách thức thật sự đối với nhiều người.

Do đó, thay vì nói rằng làm việc từ xa là một xu hướng được khuyến khích và phát triển ở APAC, thì đúng hơn nó chỉ là một hành vi mới mà nhiều người buộc phải chấp nhận mà thôi. Tuy nhiên, với việc nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật và sự hỗ trợ từ các nền tảng công nghệ tiên tiến, nhiều nhân viên văn phòng trong khu vực đã nhanh chóng áp dụng các công cụ mới trong công việc và thử làm việc từ xa.

Tại bang Kerala, miền nam Ấn Độ, chính quyền địa phương đã xây dựng sáng kiến ​​“làm việc gần nhà” để giải quyết những thách thức mà người lao động ở xa phải đối mặt, bao gồm sự cố mất điện, hạn chế trong các thiết bị làm việc và việc đi lại, cũng như áp lực khi phải gánh vác cả việc công ty và việc gia đình đối với nhân viên nữ.

Có lẽ, khi càng nhiều người dùng Châu Á chấp nhận xu hướng làm việc từ xa, thì sẽ có ngày càng nhiều người du mục kỹ thuật số xuất hiện tại thị trường này.

*Du mục kỹ thuật số hay còn gọi là Digital nomad” là khái niệm chỉ dân du mục kỹ thuật số - những người sử dụng công nghệ để làm việc ở bất cứ đâu và không gắn bó với nơi nào cụ thể.

Tại Trung Quốc, có 3 ứng dụng kinh doanh và làm việc đã được hưởng lợi từ làn sóng làm việc từ xa này, bao gồm Lark của ByteDance, DingTalk của Alibaba và Wechat Work của Tencent, trong đó, ứng dụng Lark đã tăng 6000% số lượt tải về trong khoảng thời gian từ ngày 22 tháng 1 đến ngày 20 tháng 2.

Trớ trêu thay, văn hóa làm việc tập thể ngăn cản APAC chấp nhận phong cách làm việc từ xa mới này cũng chính là động lực giúp khu vực này nhanh chóng hạn chế hiệu quả sự lây lan của vi rút. Do đó, nhiều quốc gia ở Châu Á đã trở lại văn phòng và tiếp tục làm việc bình thường như trước, sớm hơn cả các quốc gia ở Châu Âu hay Châu Mỹ. Tuy nhiên, việc làm việc từ xa cũng không hoàn toàn biến mất.

>>> Có thể bạn quan tâm: Alibaba là gì? Cách bán hàng trên Alibaba

Một cuộc khảo sát gần đây được thực hiện bởi agency MMoser Associates, 56% trong tổng số 120 khách hàng (clients) đến từ 15 trung tâm lớn trên khắp Châu Á Thái Bình Dương tham gia vào cuộc khảo sát đã nói, “rất có thể họ sẽ tiếp tục áp dụng các cuộc thảo luận và trao đổi theo các hình thức linh hoạt khác nhau”. 

Thống kê cho thấy, lượng đăng tuyển và ứng tuyển từ xa tại các thị trường trọng điểm cũng tăng lên. Singapore chiếm tỷ trọng tăng trưởng lớn nhất về tỷ lệ ứng tuyển cho các vị trí làm việc từ xa, theo sau đó là Ấn Độ, Úc, Trung Quốc, New Zealand, Malaysia và Philippines.

Có lẽ, khi càng nhiều người dùng Châu Á chấp nhận xu hướng làm việc từ xa, thì sẽ có ngày càng nhiều người du mục kỹ thuật số xuất hiện tại thị trường này. Tại Nhật Bản, quốc gia nổi tiếng với phong cách làm việc kéo dài thời gian và thời gian nghỉ phép không được sử dụng, khái niệm ''workcation'' (work + vacation: xu hướng du lịch kết hợp làm việc) đang dần trở nên phổ biến.

Nhận thấy nhu cầu đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản - ông Yoshihide Suga đã đề xuất giải pháp này trong cuộc họp chiến lược du lịch của chính phủ như một cách để xây dựng lại ngành du lịch đang tan rã của Nhật Bản. Và kể từ đó, chính quyền ở các địa phương khác nhau cũng đã thực hiện các biện pháp tương tự để khuyến khích nhân viên của mình làm việc.

Trong bối cảnh các công ty châu Á hiện đang sẵn sàng chuyển sang các phương thức làm việc hiện đại hơn, địa điểm làm việc sẽ trở nên linh hoạt hơn và mô hình làm việc cũng sẽ khó dự đoán hơn, điều đó nghĩa là hành vi sử dụng và tiêu dùng các phương tiện truyền thông cũng sẽ thay đổi nhiều hơn.

Ví dụ, chính quyền tỉnh Mie, đã thiết lập hệ thống internet tốc độ cao và thông báo nâng cấp cơ sở hạ tầng ở một số khu vực du lịch nhất định để thúc đẩy khả năng làm việc ở các khu vực đó. Trong khi đó, tỉnh Wakayama lại tập trung vào mục tiêu dài hạn bằng cách xây dựng các văn phòng với tầm nhìn hướng thẳng ra bờ biển Shirahama. Chính phủ Nhật Bản cũng đang nỗ lực để loại bỏ nhu cầu sử dụng Hanko, một con dấu truyền thống mà theo quy định sẽ phải xuất hiện trong các văn bản quan trọng khi thực hiện thủ tục kinh doanh.

Các nhân viên của Fixer đã làm việc trong tuần tại một nhà trọ kiểu Nhật Bản ở trung tâm quận Mie. Vào cuối tuần, họ đã đi du ngoạn.

Xu hướng có thể làm việc từ bất cứ đâu cũng đã xóa bỏ biên giới về việc tuyển dụng nhân tài và các vị trí. Các chuyên gia công nghệ ở Ấn Độ hiện đang nhận được nhiều lời đề nghị cho các vị trí làm việc từ xa từ các nhà tuyển dụng toàn cầu. Các công ty tuyển dụng như Instahyre, Interviewbit, Rocket và Pesto Tech đều đã báo cáo rằng các công ty từ Mỹ, Châu Âu, Úc và Trung Đông đã tích cực tuyển dụng, đặc biệt là cho các vị trí tuyển theo hợp đồng ngắn hạn. 

Trong khi đó, ở Úc, nhiều người đã rời khỏi các thành phố lớn vì họ không muốn phải chịu giá thuê nhà cao cắt cổ và tình trạng giao thông tắc nghẽn mỗi ngày vì mục đích của họ là được làm việc gần nhà. Cuộc di cư thành thị này đã khiến Sydney và Melbourne chịu thiệt hại ròng lần lượt là 14.000 và 10.000 cư dân trong nửa đầu năm 2020, và hầu hết người di cư đều đã chuyển đến các vùng nông thôn và khu vực trên khắp đất nước.

Nhiều người dân Úc đã rời khỏi các thành phố lớn vì họ không muốn phải chịu giá thuê nhà cao cắt cổ và tình trạng giao thông tắc nghẽn mỗi ngày vì mục đích của họ là được làm việc gần nhà

Trong bối cảnh các công ty châu Á hiện đang sẵn sàng chuyển sang các phương thức làm việc hiện đại hơn, địa điểm làm việc sẽ trở nên linh hoạt hơn và mô hình làm việc cũng sẽ khó dự đoán hơn, điều đó nghĩa là hành vi sử dụng và tiêu dùng các phương tiện truyền thông cũng sẽ thay đổi nhiều hơn. Việc xác định chính xác thời điểm người dùng tương tác với các phương tiện truyền thông sẽ ngày càng khó khăn hơn vì khó có thể phân biệt họ truy cập vào đó để làm việc hay giải trí.

Để giải quyết vấn đề này, các thương hiệu nên học cách kích hoạt nhiều dữ liệu và phát triển chiến lược nhắm mục tiêu nhiều hơn để định hướng hiệu quả các hoạt động marketing của doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là tiếp cận đúng đối tượng trong môi trường và ngữ cảnh phù hợp, vào đúng thời điểm và với thông điệp phù hợp sẽ gây được tiếng vang với người tiêu dùng.

Tô Linh - MarketingAI

Theo Brandingasia

>> Có thể bạn quan tâm: Bài học rút ra từ cuộc đua live commerce tại thị trường Châu Á
Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.