Động lực thúc đẩy thời trang Việt bùng nổ và thu hút các thương hiệu nước ngoài như Louis Vuitton, Uniqlo và Zara

03 Thg 11

Việt Nam từ lâu đã được biết đến là một “cường quốc” trong ngành sản xuất hàng dệt may toàn cầu. Tuy nhiên, đứng trước những thay đổi và tốc độ hòa nhập nhanh chóng của thế giới, nước ta còn đang cho thấy một vai trò mới trong kỷ nguyên thời trang hiện đại, đó là vai trò của một thị trường tiêu dùng phát triển nhanh. Tổng biên tập của Harper''s Bazaar Việt Nam cho biết, 10 năm tới chính là ''thời kỳ then chốt cho sự phát triển của ngành mua sắm xa xỉ trên cả nước''.

Sức hút của thương hiệu ngoại đối với giới trẻ Việt

Dạo quanh một con hẻm yên tĩnh ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, không khó để thấy rằng người mua sắm đang bị thu hút sự chú ý vào một thứ, đó chính là giày thể thao. Đây chính là nơi tọa lạc của G-Lab, nền tảng mua bán ký gửi sneaker hàng đầu Việt Nam. Tại đây, những đôi Adidas Originals và những dòng giày Nike “limited” được xếp dọc theo những chiếc kệ đặt sát chân tường, thu hút sự chú ý của không ít nhóm khách hàng trẻ tuổi đam mê thời trang đường phố và khiến họ háo hức mỗi khi đến đây thăm thú.

Quang Nhật Hoàng, một nhân viên tại G-Lab cho biết: “Mỗi ngày, cửa hàng chào đón rất nhiều vị khách trẻ tuổi. Có những “đứa trẻ” thậm chí chỉ có mười mấy tuổi thôi nhưng dường như chúng đều biết những câu chuyện đằng sau mỗi đôi giày ấy.”

Thành lập vào năm 2014, với mục tiêu đem đến các sản phẩm chất lượng từ góc nhìn của những người sáng lập Cộng Đồng THẦN KINH GIÀY VIỆT NAM, G-LAB thông qua Dịch vụ ký gửi đã mở rộng và phát triển thành một nền tảng để kết nối người bán và người mua ở lĩnh vực thời trang. Với quy trình kiểm tra nghiêm ngặt và cam kết có thể xác minh chính xác chất lượng của từng đôi giày, G-lab nhanh chóng trở thành trung tâm kết nối, nơi những người có cùng đam mê mua sắm, tìm kiếm phong cách đích thực và độc đáo có thể chia sẻ cùng với nhau.

Không chỉ hoạt động mạnh mẽ trong các cửa hàng bán lẻ truyền thống, G-lab còn tạo dựng thương hiệu thành công trên các phương tiện truyền thông online. Group Facebook họ lập ra giờ đây đã sở hữu tới 100.000 thành viên, quy tụ những người có đam mê về giày và thời trang nói chung, thường xuyên thảo luận về giày thể thao, quần áo và chia sẻ những kiến thức và tips mua bán hay ho.

Có một sự thật rằng, mặc dù sự quan tâm của người dân đặc biệt là giới trẻ Việt Nam đến thời trang đường phố, giày thể thao và văn hoá quanh nó rất cao, nhưng để tìm kiếm và mua được những sản phẩm chuẩn “auth” không phải lúc nào cũng là điều đơn giản.

Tuy nhiên, “Giờ đây, các bạn trẻ có thể dễ dàng kiểm tra trực tiếp xem sản phẩm là auth hay fake, vừa size hay không vừa size mà không cần bay đến tận Singapore hay chật vật tìm kiếm và kiểm tra trên các trang mua sắm online”, Hoàng cười, kể về quá khứ khó khăn trong việc mua hàng hiệu cách đây không lâu. Khi ấy, để sở hữu một đôi giày chuẩn “auth” đáng mơ ước, họ sẽ phải biết đúng người chuyên order hàng auth, hoặc là phải sang tận các nước khác nơi có đặt store chính hãng của các thương hiệu giày đó.

Nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng dần phát triển theo một chủ đề nhất quán và mở ra một tương lai đầy hứa hẹn không chỉ trong thị trường giày thể thao Việt Nam, mà còn hiện diện trên toàn bộ các thương hiệu nước ngoài đang hoạt động trong nước.

Động lực xúc tiến các thương hiệu ngoại đặt chân lên dải đất hình chữ S

Nếu như thoạt nhìn rất khó có thể nhận ra các cửa hiệu nằm khuất trong các con phố nhỏ như G-lab, thì các cửa hàng bán lẻ quốc tế nằm trong các khu trung tâm thương mại lại không như thế. Dọc theo con phố đi bộ Đồng Khởi, trải dài qua Quận 1 của Thành phố Hồ Chí Minh, hàng loạt các cửa hiệu thời trang quốc tế đã mọc lên như nấm trong vài năm qua. Điều đó cho thấy nỗ lực mà các thương hiệu phương Tây đang bỏ ra để có thể tạo dấu ấn cả về sự hiện diện lẫn tên tuổi tại thị trường Việt Nam.

Những đại lộ lớn không chỉ là nơi tập hợp những tòa nhà thuộc địa Pháp cổ, những khách sạn đã trải qua nhiều thăng trầm thử thách hay những địa danh nổi tiếng như Nhà hát Opera Thành phố, nó còn là nơi thu hút hàng loạt những thương hiệu nức tiếng thế giới như Gucci, Louis Vuitton và Saint Laurent. Logo của các thương hiệu này được trưng bày rải rác khắp các tòa nhà trên đại lộ, cùng với sự xuất hiện của các “gã khổng lồ” thời trang nhanh như H&M và Zara trong các trung tâm thương mại lớn nhất cả nước như Vincom Center, đã làm nổi bật cả một khu mua sắm sôi động.

Gucci Store tọa lạc tại đại lộ lớn TP. HCM (Nguồn: Internet)

Được biết đến từ lâu là một “cường quốc” trong ngành sản xuất hàng dệt may toàn cầu, Việt Nam giờ đây đang hướng tới đảm nhận một vai trò mới, đó chính là một thị trường tiêu dùng phát triển nhanh. Trong bối cảnh thị hiếu của người dùng thay đổi chóng mặt cùng với việc nền kinh tế ngày một mở rộng và bành trướng nhanh chóng, ngành thời trang gây sự chú ý khi ngày càng có nhiều nhà bán lẻ nước ngoài chạy đua ồ ạt vào các trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm chiếm lĩnh một phần thị trường và đặt nền móng cho việc trở thành trụ cột cho thế hệ tiêu dùng tiếp theo.

Bà Võ Thị Khánh Trang, Quản lý nghiên cứu thị trường Savills Việt Nam cho hay, ngành bán lẻ Việt Nam đã trải qua một giai đoạn tăng trưởng đặc biệt rõ rệt trong vòng ba năm qua. Nếu như trước đây, thị trường cho các thương hiệu nước ngoài chỉ gói gọn trong mạng lưới các nhà phân phối và buôn bán nhỏ, thì giờ đây, khi một số yếu tố của thị trường thay đổi, các nhãn hàng xa xỉ lẫn bình dân khi đến Việt Nam đều đã mở cửa hàng của riêng họ.

Bà nói: “Phải tự tin thế nào thì các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài mới quyết định đặt store tại Việt Nam và yếu tố thực sự thu hút họ trong trường hợp này là chuyện người Việt sẵn sàng ra nước ngoài để mua hàng hiệu. Họ nhận thấy rằng người tiêu dùng Việt Nam thường xuyên mua hàng ở những quốc gia như Singapore và Hồng Kông, rồi mang chúng về quê nhà.”

Sự tự tin được thấy rõ qua các hành động dứt khoát của các nhãn hàng. Không nói đâu xa,  trường hợp của Uniqlo là một ví dụ điển hình. Hãng thời trang nổi tiếng Nhật Bản này mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam trong tháng 12/2019, quy mô lên đến 3.000m2, chiếm 3 tầng trong một khu trung tâm thương mại tọa lạc ở đường Đồng Khởi.

Trong thông cáo báo chí được gửi từ công ty mẹ của Uniqlo, Fast Retailing, cho biết: “Uniqlo Đồng Khởi là một trong những cửa hàng Uniqlo lớn nhất của chúng tôi ở Đông Nam Á và chúng tôi hy vọng nó sẽ trở thành một tâm điểm mới trong thị trường bán lẻ sôi động tại Thành phố Hồ Chí Minh.”

Tadashi Yanai, Chủ tịch của Fast Retailing Group, nói thêm: “Tôi nghĩ Việt Nam có tiềm năng lớn và sẽ là một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất trên thế giới.”

Thực tế chứng minh, vào ngày khai trương cửa hàng tại Sài Gòn này, người hâm mộ đã rất hào hứng. Họ xếp hàng từ lúc 4 giờ sáng và “oach tạc” cửa hàng trong suốt những ngày sau đó. Trước sự thành công này, Uniqlo đã công bố kế hoạch mở cửa hàng tại Hà Nội vào mùa xuân năm 2020.

Khi xem xét các xu hướng kinh tế rộng hơn tại Việt Nam, không khó để hiểu được tại sao các nhà bán lẻ nước ngoài lại cảm thấy lạc quan với việc kinh doanh tại đây đến thế. Một báo cáo thị trường từ Savills cho thấy sức mua của người tiêu dùng đã tăng 14%/năm kể từ năm 2014, trong khi GDP thực tế (tổng sản phẩm quốc nội) của nước ta được ước tính tiếp tục tăng với tốc độ trên 6%. Với quy mô dân số lên đến hơn 97 triệu người cùng với cơ cấu dân số trẻ (theo Ngân hàng thế giới, vào năm 2019, 70% dân số Việt Nam có độ tuổi dưới 35), Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành một thị trường tiềm năng cho các thương hiệu thời trang nước ngoài và triển vọng cho tương lai tươi sáng đó đang được hết mực đầu tư.

“Thật sự rất tiện khi có một cửa hàng ở đây”, Hoa, một người tiêu dùng 20 tuổi đang lựa chọn áo phông tại Uniqlo Đồng Khởi trong kỳ nghỉ lễ dài ngày cho hay, “Tôi học ở Úc nên đã quen với việc mua sắm ở đó rồi. Giá cả ở đây có vẻ đắt hơn một chút, nhưng tôi nghĩ nhiều người đã rất vui khi cửa hàng được mở tại đây.”

Rào cản xuất hiện và những chính sách thay đổi để thành công

Dù bước đầu thành công nhưng ngành thời trang xa xỉ vẫn vấp phải những khó khăn trong việc định giá và những thách thức trong việc điều hướng các định mức tiêu dùng khác nhau giữa các thành phố. Bà Trần Nguyễn Thiên Hương (Venus Tran), Tổng biên tập của tạp chí thời trang Harper''s Bazaar Việt Nam và Chủ tịch của Sunflower Media, lưu ý rằng việc mua hàng xa xỉ ở thủ đô đã trở nên phổ biến hơn so với trước đây, trong khi thị trường TP.HCM vẫn còn nhạy cảm với mức giá cao hơn trung bình của các nhãn hiệu nước ngoài này.

“Mặc dù các thương hiệu cao cấp rất coi trọng việc đầu tư vào quảng cáo và xây dựng các cửa hàng tại Việt Nam, nhưng sự thật là giờ đây vẫn có rất nhiều người tiêu dùng Việt mua túi Dior ở Paris hoặc New York. Nguyên nhân được cho là giá tại Việt Nam vẫn thường cao hơn từ 10-20% so với giá gốc.”

Tuy nhiên, bà cũng nói rằng, các thương hiệu cao cấp đang nỗ lực không ngừng để tạo ra không gian mua sắm cho cả người già và giới trẻ và điều này sẽ tạo tiền đề cho sự thành công trong tương lai của họ. Bà cũng coi thập kỷ tới chính là thời kỳ quan trọng mang tính bước ngoặt đối với sự phát triển của ngành hàng mua sắm xa xỉ tại Việt Nam, đặc biệt là khi các hiệp định thương mại mới dự kiến sẽ thay đổi điểm giá và giảm thuế đối với các mặt hàng EU nhập khẩu về Việt Nam.

Bà nói: “Sẽ sớm có những chính sách mới giúp cho giá hàng hóa xa xỉ nhập khẩu vào Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn nhiều trên phạm vi toàn cầu. Khi điều đó xảy ra, tôi nghĩ thị trường hàng xa xỉ sẽ thật sự cất cánh. Phần lớn các hoạt động mua sắm trước đây từng diễn ra tại Châu Âu, Châu Mỹ hoặc Hồng Kông, nay sẽ chuyển về đây.”

Những lợi ích đem lại từ du lịch nội địa cũng đóng vai trò then chốt. Bà Võ Thị Khánh Trang của Savills dự báo sự chuyển dịch tiềm năng từ thị trường dành cho giới thượng lưu sang thị trường thời trang đại chúng phụ thuộc vào tình hình du lịch tại Việt Nam, đặc biệt là khi độ nhận diện thương hiệu tiếp tục tăng và tầng lớp trung lưu được mở rộng.

Bà nhận định: “Ngay cả khi khách du lịch quốc tế hiện nay không chiếm nhiều thị trường bán lẻ, thì vẫn còn một lượng lớn khách du lịch Việt Nam đến và ở qua đêm tại các thành phố lớn mỗi năm.”

Tô Linh - MarketingAI

Theo SCMP

>> Có thể bạn quan tâm: Local Brands Marketing: Khi “bầy sói hoang” bung sức oanh tạc thị trường
Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.