Dropshipping là gì? Tại sao nhiều người đầu tư theo hình thức 'Kinh doanh 0 đồng'?

Nổi lên trong những năm gần đây với tên gọi 'Kinh doanh 0 đồng', bạn không phải bỏ nhiều vốn và đầu tư nhiều chi phí để có mặt bằng kinh doanh nhưng vẫn mang về lợi nhuận tốt. Là...

Nổi lên trong những năm gần đây với tên gọi 'Kinh doanh 0 đồng', bạn không phải bỏ nhiều vốn và đầu tư nhiều chi phí để có mặt bằng kinh doanh nhưng vẫn mang về lợi nhuận tốt. Là hình thức kinh doanh đang được nhiều người đầu tư, Dropshipping thực sự có 'màu hồng' như nhiều người vẫn hay nghĩ? Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây của MarketingAI để hiểu rõ hơn về Dropshipping là gì? và những nguyên nhân khiến nhiều người lựa chọn kinh doanh theo hình thức này nhé!

Dropshipping là gì?

Dropshipping là phương thức quản lý chuỗi cung ứng, trong đó nhà bán lẻ không giữ hàng trong kho mà thay vào đó chuyển đơn đặt hàng và chi tiết giao hàng của khách hàng cho nhà sản xuất, nhà bán lẻ khác hoặc nhà bán buôn, sau đó họ sẽ chuyển hàng trực tiếp đến khách mua.

Dropshipping là gì? Tại sao nhiều người đầu tư theo hình thức 'Kinh doanh 0 đồng'?- Ảnh 1.

Dropshippng là gì? (Nguồn: aw-dropship)

Sự khác biệt lớn nhất giữa Drop Shipping và các mô hình bán lẻ khác là người kinh doanh không cần có kho hàng cũng như không tốn công lưu trữ hàng trong kho bởi với mô hình kinh doanh Dropshippng, các nhà bán lẻ sẽ mua hàng khi cần của một bên thứ 3 (thường là những người bán buôn hoặc nhà sản xuất) rồi bán cho người tiêu dùng.

>>> Có thể bạn quan tâm: Amazon là gì

Ưu điểm của Dropshipping

Kinh doanh không vốn hoặc ít vốn

Một trong những lợi ích của hình thức bán hàng Dropshipping chính là lược bỏ được yếu tố sở hữu hàng hóa. Nhà bán lẻ chỉ cần kết nối nhu cầu hàng hóa của mình với kênh bán của nhà cung cấp và bán chúng tới trực tiếp người mua mà không cần nhập hàng sẵn về lưu kho. Khi có đơn hàng, hệ thống kỹ thuật dropshipping sẽ tự động đẩy đơn và nhà cung cấp sẽ giao sản phẩm đó với thông tin của người bán. Do những lợi ích mà chúng mang lại và cắt giảm được phần lớn ngân sách về kho hàng nên mô hình này rất được các bên bán sỉ (đổ buôn) và các nhà bán lẻ ưa chuộng.

Dropshipping là gì? Tại sao nhiều người đầu tư theo hình thức 'Kinh doanh 0 đồng'?- Ảnh 2.

Lợi ích của nền tảng Dropshipping là gì? (Nguồn: Uplevo)

Ngoài cắt giảm chi phí nguồn hàng, người bán chỉ tốn chi phí vận hành (bao gồm xử lý đơn hàng dropshipping và giao hàng đến người mua) khi có đơn đặt hàng trên kênh bán. Bên cạnh đó, bạn sẽ không mất phí nhân công hoặc thời gian xử lý đơn hàng, đóng gói, giao hàng. Những chi phí bán hàng được cắt giảm tối đa nhằm giúp người bán có nhiều thời gian và nguồn lực tập trung đẩy mạnh hoạt động bán hàng và tiếp thị sản phẩm.

Xóa bỏ nỗi lo hàng tồn kho

Nếu như trong mô hình kinh doanh truyền thống người bán thường phải nhập hàng và lưu kho để sẵn sàng phục vụ nhu cầu người tiêu dùng khi cần. Và những mặt hàng lưu kho này luôn tốn chi phí rất lớn khi lữu trữ cũng như nhân sự, là gánh nặng với bất kỳ người kinh doanh nào bởi hàng tồn kho luôn chứa đựng nhiều rủi ro và phụ thuộc vào yếu tố mùa vụ, nhu cầu người dùng, hoạt động kinh doanh của các đối thủ cạnh tranh..... ảnh hưởng không nhỏ đến vòng vốn lưu động.

Chưa kể với những doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) đang phải đối mặt với những khoản vay ngân hàng hoặc kinh doanh gối đầu thì việc lưu trữ hàng tồn kho sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của họ. Bởi vậy nên hình thức kinh doanh Dropshipping dường như xóa bỏ mọi nỗi lo đó, bạn không cần nhập hàng lưu trữ mà vẫn có thể kinh doanh thuận lợi trên các nền tảng kinh doanh của mình. Cắt giảm được một gánh nặng chi phí kinh doanh lớn là một trong những lợi ích mà Dropshipping mang lại cho các nhà bán lẻ và được rất nhiều người ưa chuộng hiện nay.

Khởi nghiệp dễ dàng

Dropshipping là gì? Tại sao nhiều người đầu tư theo hình thức 'Kinh doanh 0 đồng'?- Ảnh 3.

Kiếm tiền với Dropshipping là gì? Khởi nghiệp với nền tảng Dropshipping (Nguồn: Vortex Bladeless)

Với những người trẻ đam mê kinh doanh mà có số vốn ít thì nên cân nhắc đến hình thức Dropshipping. Minh chứng đã cho thấy có rất nhiều nhà bán lẻ đi lên từ xuất phát điểm không nhiều kinh nghiệm, tiền vốn ít nhưng họ đã trưởng thành và dày dặn về thương trường hơn mỗi ngày, tăng doanh thu, mở rộng mô hình kinh doanh hiệu quả với hình thức Dropshipping. Cơ chế mở như hiện nay rất thuận tiện cho bất kỳ ai đam mê kinh doanh mở cửa hàng theo mô hình Dropshipping mà không tốn quá nhiều nguồn lực.

Bán hàng mọi lúc mọi nơi

Cũng giống như nhiều mô hình bán hàng online khác, Dropshipping hoạt động dựa trên sự phát triển của Internet và thương mại điện tử. Vì vậy, mọi giao dịch mua bán của bạn đều có thể diễn ra mọi luc mọi nơi, khi đã xây dựng website bán hàng dropshipping hoặc gian hàng trên kênh thương mại điện tử cho phép dropshipping, bạn có thể tiếp cận mọi khách hàng tại nhiều khu vực khác nhau tùy thuộc vào cách bạn thiết lập và nhắm đối tượng mục tiêu trong các chiến dịch quảng cáo. Với lợi thế địa điểm và thời gian linh hoạt, bán hàng dropshipping có thể giúp bạn tạo ra thu nhập thụ động ngay cả khi bạn đang không làm việc trực tuyến hoặc đang nghỉ dưỡng, giải trí.

Mở rộng quy mô nhanh chóng

Nếu như một doanh nghiệp bán hàng theo cách thức truyền thống muốn tăng trưởng doanh số bán hàng gấp 3 lần đồng nghĩa phải bỏ thời gian và công sức gấp 3 lần bình thường. Nhưng với mô hình bán hàng dropshipping, số lượng đơn hàng tăng thêm vẫn được giải quyết triệt để bởi các đơn vị cung cấp sản phẩm. Vì vậy, bạn sẽ mở rộng quy mô bán hàng nhưng không cần bỏ thêm nhiều công sức, chi phí và thời gian.

Hiện nay tại các sàn TMĐT cho phép dropshipping như Lazada, Shopee có cước phí hoa hồng khá rẻ, bạn có thể bắt đầu kinh doanh với mô hình này dropship này để tạo thêm thu nhập nhưng cũng cần lưu ý lựa chọn nền tảng toàn diện có thể hỗ trợ kinh doanh dropshipping để tránh xảy ra rủi ro về kinh tế.

Nhược điểm của Dropshipping

Lợi nhuận thấp

Lợi nhuận thấp là nhược điểm lớn nhất của ngành dropshipping có tính cạnh tranh cao này. Bởi vì nó rất dễ để bắt đầu và chi phí rất thấp, nhiều cửa hàng  sẽ thiết lập cửa hàng và bán các mặt hàng với giá thấp nhất để cố gắng tăng doanh thu. Vì họ đã đầu tư rất ít vào việc bắt đầu kinh doanh, nên họ có thể đủ khả năng để hoạt động với tỷ suất lợi nhuận rất nhỏ.

Thông thường, những người bán hàng này sẽ có các trang web chất lượng thấp và dịch vụ khách hàng kém, bạn có thể cải thiện yếu tố này cho doanh nghiệp của mình. Nhưng khách hàng vẫn luôn so sánh giá của họ với giá của bạn. Sự gia tăng cạnh tranh khốc liệt này sẽ nhanh chóng làm xấu tỷ suất lợi nhuận tiềm năng trong một thị trường ngách.

Quản lý hàng từ nhiều kho khác nhau

Nếu bạn tự lưu trữ tất cả các sản phẩm của riêng mình, thì tương đối đơn giản để theo dõi những mặt hàng trong và ngoài kho. Nhưng khi bạn tìm nguồn cung ứng từ nhiều kho khác nhau, cũng đang thực hiện các đơn đặt hàng cho các thương nhân khác, hàng tồn kho có thể thay đổi hàng ngày. May mắn thay, những ngày này, có một số ứng dụng cho phép bạn đồng bộ hóa với các nhà cung cấp. Vì vậy, những người bán hàng có thể đưa các đơn đặt hàng tới các nhà cung cấp chỉ qua một lần nhấp, và có thể kiểm tra nhà cung cấp có bao nhiêu hàng tồn kho theo thời gian thực.

Vận chuyển phức tạp

Nếu bạn làm việc với nhiều nhà cung cấp, các sản phẩm trên cửa hàng trực tuyến của bạn sẽ được lấy thông qua một số lượng người bán hàng khác nhau. Điều này làm phức tạp chi phí vận chuyển của bạn. Ví dụ như một khách hàng đặt 3 mặt hàng từ cửa hàng của bạn, và 3 mặt hàng này có sẵn từ 3 nhà cung cấp riêng biệt. Bạn sẽ phải chịu 3 khoản phí vận chuyển riêng biệt để gửi từng mặt hàng cho khách hàng, và cũng không khôn ngoan nếu bạn tính hết khoản phí này sang cho khách hàng.

Lỗi từ nhà cung cấp

Ngay cả những nhà cung cấp dropshipping tốt nhất cũng mắc lỗi khi đáp ứng đơn đặt hàng cho khách, khiến bạn phải chịu trách nhiệm và xin lỗi khách hàng. Và các nhà cung cấp tầm trung hoặc chất lượng thấp thường sẽ gây ra sự thất vọng với các mặt hàng bị thiếu, bị hỏng và đóng gói chất lượng thấp, có thể làm tổn hại đến danh tiếng doanh nghiệp của bạn.

Khó xây dựng thương hiệu

Không giống như các sản phẩm được sản xuất riêng hoặc in theo yêu cầu, dropshipping không cung cấp cho bạn nhiều quyền kiểm soát đối với chính sản phẩm đó. Thông thường, các sản phẩm dropshipping được thiết kế và làm thương hiệu bởi nhà cung cấp, bạn không thể can thiệp được.

Một số nhà cung cấp có thể điều chỉnh các thay đổi cho sản phẩm kinh doanh của bạn, nhưng ngay cả khi đó, nhà cung cấp có quyền kiểm soát chủ yếu đối với các sản phẩm đó. Bất kỳ thay đổi hoặc bổ sung sản phẩm thường yêu cầu số lượng đặt hàng tối thiểu để giảm chi phí cho nhà sản xuất.

Dropshipping phù hợp với đối tượng nào?

Tùy thuộc vào nguồn lực tài chính cũng như thời gian bạn đầu tư cho lĩnh vực kinh doanh mà có thể coi công việc dropshipping là part-time hoặc fulltime. Ngoài những người coi dropshipping là nghề chính dành trọn vẹn tâm huyết và thời gian để theo đuổi thì còn có rất nhiều người muốn kiếm thêm nguồn thu nhập từ dropshipping. Có 3 nhóm đối tượng phù hợp với công việc này như:

  • Dân văn phòng: Nếu bạn là dân văn phòng, có thời gian rảnh rỗi 2-3 tiếng mỗi ngày và muốn kiếm thêm nguồn thu nhập thì việc bán hàng online dưới hình thức dropshipping là sự lựa chọn không tồi, bạn nên cân nhắc.
  • Sinh viên: Đây là nhóm đối tượng có nhiều thời gian rảnh cũng như không có quá nhiều vốn để kinh doanh nên việc đầu tư kinh doanh theo mô hình Dropshipping là rất phù hợp và là nền tảng ban đầu chắp cánh sự nghiệp kinh doanh.
  • Người kinh doanh online: Dành cho những người bước đầu 'lấn sân' sang kinh doanh, vốn kinh nghiệm còn ít chưa có kiến thức sâu về thị trường, khách hàng vậy nên hình thức dropshipping sẽ là phù hợp nhất và tránh nhiều rủi ro nhất.

Cách để tối ưu lợi nhuận khi kinh doanh trên nền tảng Dropshipping

Mô hình dropshipping tạo ra lợi nhuận chủ yếu dựa vào sự chênh lệch giữa giá thành và giá bán sản phẩm. Giá thành trong mô hình dropshipping có sự khác biệt so với các mô hình bán hàng khác, bao gồm:

  • Giá nhập trực tiếp từ các nhà cung cấp trên sàn Thương mại điện tử bán đổ như Lazada, Shopee, 1688,…
  • Chi phí vận chuyển
  • Chi phí xử lý đơn hàng dropshipping.
  • Chi phí duy trì gian hàng trên sàn TMĐT cho phép làm dropship.
  • Chi phí quảng cáo và các chi phí phát sinh khác.

Khi mức chênh lệch giữa 2 yếu tố này càng lớn, lợi nhuận của người bán sẽ càng cao bởi vậy nên cách để tối ưu lợi nhuận khi kinh doanh trên nền tảng Dropshipping là bạn cần tối ưu tất cả các chi phí kể trên để tạo nguồn thu nhập tốt.

Các bước thực hiện Dropshipping

Dropshipping là gì? Tại sao nhiều người đầu tư theo hình thức 'Kinh doanh 0 đồng'?- Ảnh 4.

(Nguồn: CNewsbiz)

  • Bước 1: Chọn sản phẩm, nhà cung cấp có mức giá phù hợp, thương lượng về giá cả và hình thức vận chuyển hàng hóa với nhà cung cấp. Bước đầu tiên có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định việc kinh doanh hàng hóa có uy tín và lợi nhuận của bạn thu được, có thành công với mô hình Dropshipping hay không.
  • Bước 2: Lựa chọn kênh bán hàng. Bạn có thể đăng bán sản phẩm lên các trang TMĐT như Shopee, Tiki, Amazon... hoặc trên các phương tiện truyền thông xã hội.
  • Bước 3: Khách hàng sẽ vào cửa hàng của bạn để mua hàng và trả bạn tiền qua tài khoản Paypal, Payoneer hoặc một hình thức khác do bên bạn cung cấp và chấp nhận.

    Bước 4: Mua hàng và gửi cho khách. Bạn dùng tiền khách hàng trả cho bạn sau đó đến các cửa hàng cung cấp để mua sản phẩm và yêu cầu nhà cung cấp vận chuyển sản phẩm tới tay khách hàng của bạn.

  • Bước 5: Nhà cung cấp đóng gói, gửi hàng. Bạn hoàn toàn có thể theo dõi quy trình đơn hàng vận chuyển và chăm sóc khách hàng cho đến khi họ nhận được hàng.
  • Bước 6: Theo dõi hoạt động kinh doanh, tính toán lợi nhuận và điều chỉnh kế hoạch bán hàng sao cho phù hợp với thị trường cũng như nhu cầu của người tiêu dùng.
>> Xem thêm: Payoneer là gì? Điều bạn cần biết về Payoneer

Các hình thức Dropshipping

Dưới đây là 2 hình thức Dropshipping cơ bản, thường gặp. Tùy theo mục đích kinh doanh và nhu cầu của bản thân mà bạn lựa chọn hình thức Dropshipping cho phù hợp.

Hình thức cơ bản nhất 

Hiện nay, mô hình kinh doanh dưới dạng Dropshipping đang rất phổ biến và phát triển ở Việt Nam tuy nhiên đa phần đều ở hình thức nhỏ lẻ, chưa có hệ thống bài bản.

Các hình thức Dropshipping

Bạn có thể dễ dàng nhận ra hình thức này thông qua các thông báo tuyển cộng tác viên từ các cửa hàng kinh doanh online, các đơn vị bán hàng sỉ lẻ. Trong đó, các đối tượng đăng ký tham gia làm cộng tác viên chính là các dropshipper cơ bản ở mức thấp nhất. Với mỗi đơn hàng thành công, CTV sẽ nhận chiết khấu % theo tuần, tháng hoặc theo mỗi  đơn hàng nhận được.

Hình thức Mạng Lưới Internet Online

Hình thức dropshipping này được đánh giá là bài bản và chuyên nghiệp hơn bởi người thực hiện có thể tạo các khu vực bán hàng và có kế hoạch bán hàng cụ thể để tạo ra lợi nhuận doanh thu cao. Để theo hình thức này, bạn cần đầu tư nghiêm túc và đúng cách, triển khai trên các kênh tiếp thị online lẫn offline cũng như xây dựng mạng lưới bán hàng trên các phương tiện truyền thông xã hội sao cho tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng tiềm năng nhất.

Có nên kinh doanh Dropshipping không?

Về bản chất, kinh doanh theo mô hình dropshipping được xem là an toàn, tốn ít chi phí và có nhiều tiềm năng để phát triển, phù hợp với những người mới bắt đầu và chưa có kinh nghiệm nhiều để buôn bán lớn. Hơn thế nữa, hoạt động mua bán kinh doanh online tại Việt Nam đang ngày càng phát triển và là hình thức được nhiều người dùng ưa thích trong thời đại 4.0 nên kinh doanh dropshipping hoàn toàn khả thi, giúp bạn tạo thêm nguồn thu nhập, tránh được nhiều rủi ro so với các hình thức bán hàng truyền thống khác.

Tuy nhiên bạn cũng cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định tham gia kinh doanh theo mô hình này bởi đi kèm với lợi ích thì cũng có không ít những vấn đề phức tạp khác đầy rủi ro trong kinh doanh, hầu hết đều có thể giải quyết được và không cản trở hoạt động kinh doanh của bạn, theo dõi hoạt động bán hàng và tính toán kỹ lưỡng để có những điều chỉnh phù hợp với sự thay đổi từ người tiêu dùng. Cũng cần lưu ý những mặt hàng sau để khi kinh doanh dropshipping để tránh tổn thất và gặp phải rắc rối, rủi ro cao:

  • Tất cả những sản phẩm Thương hiệu (Trademarks), Bản quyền (Copyright)
  • Đồ nội thất, hàng cồng kềnh
  • Hàng dễ cháy nổ, gây nguy hiểm
  • Các loại sản phẩm khó bảo quản, cẩn trọng với quần áo lót, quần áo có size để tránh khách hàng không vừa và phải đổi trả nhiều lần.

Kết

Trên đây là những thông tin chung về Dropshipping là gì cũng những lợi ích, rủi ro khi bạn kinh doanh theo hình thức này. Với những người đam mê kinh doanh nhưng chưa dám mạo hiểm, chưa đủ vốn to hoặc những bạn sinh viên muốn kiếm thêm thu nhập, hình thức này rất đáng để bạn đầu tư và thử sức. Hãy xác định mục đích của bản thân và khả năng hiện tại để  lựa chọn hình thức kinh doanh đúng đắn.

Phương Thảo - MarketingAI

Tổng hợp

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.