Facebook đổi tên: Bước đi dũng cảm hay chiếc mặt nạ khéo léo che giấu bê bối đằng sau?

29 Thg 10

Động cơ của Facebook trong việc tái cấu trúc và thay đổi thương hiệu doanh nghiệp của mình như đã được đồn đại là gì? Dưới đây là những chia sẻ thẳng thắn của Adam Sefton, giám đốc chiến lược kỹ thuật số của Superunion.

Thông tin Facebook lên kế hoạch đổi tên thương hiệu đang trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội. Tuy nhiên, đây không phải là điều quá ngạc nhiên với những ai thường xuyên theo dõi và cập nhật thông tin về thương hiệu này. Trước đó, vào tháng 7, Mark Zuckerberg đã từng chia sẻ với The Verge rằng anh ấy muốn mọi người biết đến Facebook như một trung tâm vũ trụ ảo - Metaverse chứ không đơn giản chỉ là một phương tiện truyền thông xã hội và “ứng dụng màu xanh” vốn đã in sâu trong tâm trí khách hàng.

Mark Zuckerberg
Mark Zuckerberg đã rất nhiều lần chia sẻ về tham vọng chinh phục vũ trụ Metaverse

Metaverse được mô tả như “một vũ trụ do máy tính tạo ra”, tại đó mọi người có thể di chuyển giữa các thiết bị khác nhau và giao tiếp trong môi trường ảo. Metaverse đã được Facebook “đánh tiếng” từ lâu và điều này càng được khẳng định khi Mark Zuckerberg nhắc đến nó nhiều hơn vào khoảng thời gian cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa qua.

>> Xem thêm: Metaverse là gì? Tại sao Facebook lại đặt cược lớn vào nó?

Để phục vụ cho kế hoạch chuyển đổi này, Facebook đã đầu tư rất nhiều vào các công nghệ thực tế ảo VR, thực tế tăng cường AR (kính AR, tai nghe Oculus AR) và công nghệ dây đeo cổ tay. Gần đây nhất, hơn 10,000 vị trí làm việc đã được tuyển dụng trên khắp châu Âu để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu lĩnh vực mới mẻ này. Bloomberg ước tính rằng, vào năm 2024, ngành công nghiệp Metaverse sẽ đạt giá trị 800 tỷ USD. 

Hãng tin Reuters lý giải khái niệm Metaverse

Theo đó, động thái đổi tên của Facebook sẽ đưa ứng dụng này trở thành một trong những sản phẩm của công ty mẹ, giống như Instagram và WhatsApp hiện đang thuộc quyền quản lý và giám sát bởi Facebook. Do đó, người dùng mạng xã hội này sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi quá trình tái cơ cấu của Facebook. 

Sự “cải tổ” này của Facebook được dự đoán sẽ tạo nên một siêu doanh nghiệp mới với một tầm vóc lớn hơn.

Các công ty công nghệ không phải là những người tiên phong trong việc thực hiện thay đổi kiến trúc thương hiệu, những công ty FMCG đa quốc gia mới là “bậc thầy” và là người đi đầu trong hoạt động này. Unilever và P&G đã dành nhiều năm để cố gắng giảm thiểu và hợp lý hóa số lượng các thương hiệu mà họ đang sở hữu bởi việc quản lý nhiều thương hiệu khác nhau là rất tốn kém. Xây dựng và duy trì thương hiệu đòi hỏi tiềm lực kinh tế lớn và năng lực quản lý mạnh mẽ.

Tái cơ cấu là việc đã có tiền lệ trong giới công nghệ. Vào năm 2015, Google tái cơ cấu để hoạt động dưới trướng của một công ty mẹ mang tên Alphabet, cho phép công ty vượt ra khỏi lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo trên internet để trở thành một tập đoàn hàng đầu về công nghệ. Ô tô không người lái, công nghệ y tế, điện thoại di động,... đều là sản phẩm của Alphabet hay nói cách khác, những sản phẩm này cũng thuộc về Google.

tái cơ cấu thương hiệu
Giới công nghệ cũng đã từng chứng kiến sự thay đổi trong việc tái cơ cấu thương hiệu công ty 

Theo Adam Sefton, tại một số thời điểm nhất định, các startup công nghệ có quyền lựa chọn: giữ lại những ý tưởng, quy tắc về thương hiệu từ ngày đầu thành lập hoặc thay thế, loại bỏ chúng cho sự phát triển của công ty.

Chẳng hạn, “Don't be evil” (Tạm dịch: Đừng trở nên xấu xa) là một cụm từ được Google sử dụng trong bộ quy tắc ứng xử và trở thành châm ngôn hoạt động của cả công ty. Tuy nhiên, trong bối cảnh xu hướng thị trường mới và nhiều sự kiện về tính đạo đức ngày càng được quan tâm, ban lãnh đạo của Alphabet quyết định thay đổi câu khẩu hiệu quen thuộc này thành “Do the right thing” (Hãy làm điều đúng đắn).

Những từ ngữ này có thể không ảnh hưởng quá nhiều đến Google, nhưng lại là thay đổi cần thiết đối với Alphabet, khi họ phải quản lý nhiều công ty con hơn, ngoài Google.

Tương tự, việc chuyển đổi thương hiệu của Facebook cũng sẽ giúp tách biệt tham vọng về vũ trụ ảo Metaverse khỏi sự giám sát gắt gao của các bên. Điều này càng trở nên cấp thiết sau khi Frances Haugen - cựu quản lý tại Facebook tiết lộ những sự thật “khủng khiếp” của nền tảng này trong việc lỏng lẻo kiểm soát thông tin sai lệch, phớt lờ những tác động tiêu cực đến trẻ vị thành niên, khiến niềm tin của công chúng vào hoạt động của Facebook ngày càng giảm sút. 

Theo quan điểm của Adam Sefton, sự thay đổi này của Facebook có vẻ như đang tìm cách tạo một lớp màn che giấu cho những “hoạt động ngầm” của nền tảng này.

Kết

Mục đích của Facebook khi quyết định “thay tên đổi họ” là gì vẫn còn là một ẩn số. Vì vậy, hãy cùng chờ đợi những hành động của Facebook trong tương lai để có đánh giá chuẩn xác hơn.

Lương Hạnh - MarketingAI

>>>Xem thêm: Không phải Horizon, Meta mới là cái tên được Facebook lựa chọn

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.