Facebook ra mắt tính năng "Shops" trên cả Facebook và Instagram, chứng minh cho tham vọng tại thị trường e-Commerce

20 Thg 05

Sau nhiều năm “đi đường vòng” và cố gắng tìm cách nhúng sâu hơn vào thị trường Thương mại điện tử rộng lớn, cuối cùng Facebook cũng đã đợi được đến ngày "thời cơ vàng" của họ xuất hiện, với việc đại dịch COVID-19 bùng nổ khiến nhiều quốc gia phải phong tỏa và cách ly, tạo cơ hội cho gã khổng lồ này tạo ra bước tiến mới quan trọng trên thị trường cạnh tranh này. Và ngày 19/5 vừa rồi, Facebook đã cho ra mắt tính năng “Cửa hàng - facebook shop” trên cả Facebook và Instagram.

Facebook shop - (Nguồn: Facebook)

Facebook shop là gì?

Facebook chia sẻ rằng: “Facebook Shop sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng xây dựng một gian hàng trực tuyến độc lập để khách hàng có thể truy cập trên cả 2 nền tảng là Facebook và Instagram. Việc tạo Facebook Shop rất rất đơn giản và hoàn toàn miễn phí. Các doanh nghiệp có thể chọn các sản phẩm nổi bật nhất trong toàn bộ danh mục của họ và sau đó tùy chỉnh giao diện và cảm quan của cửa hàng với ảnh bìa và màu sắc đặc trưng của thương hiệu. Điều này có nghĩa là bất kể doanh nghiệp hay cá nhân nào, dù là lớn hay nhỏ, dù có ít ngân sách hay nhiều, thì đều có thể bán hàng trên 2 kênh trực tuyến này, đồng thời kết nối được với khách hàng mọi lúc mọi nơi miễn sao thuận tiện nhất cho họ.

Sắp tới, Facebook cũng sẽ cho ra mắt một nền tảng mới mang tên “Trình tạo cửa hàng” (Shop Builder), nằm trong loạt công cụ quản lý Trang hiện có của ứng dụng này. Các doanh nghiệp có đủ điều kiện mở gian hàng sẽ được Facebook gửi đường dẫn liên kết đến “Trình tạo cửa hàng” này. Sau đó, họ có thể tự đăng sản phẩm hoặc kết nối với các nhà cung cấp Thương mại điện tử hiện tại của mình để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Facebook hiện đang hợp tác với Shopify, BigC Commerce, WooC Commerce, ChannelIDIA, CedC Commerce, Cafe24, Tienda Nube và Feedonomics để tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp trong quá trình này.

Dưới đây là ví dụ về giao diện của “Trình tạo cửa hàng” hiện tại:

giao diện của facebook shop
Giao diện của facebook shop - Ảnh: Internet

Mục đích chính của Facebook sẽ là làm cho quá trình này trở nên đơn giản nhất có thể, nhằm tối đa hóa hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp khi chọn tính năng Cửa hàng này. Từ một nền tảng duy nhất, các thương hiệu sẽ có thể xây dựng Cửa hàng cho chính họ trên Facebook và Instagram - tuy nhiên, hiện tính năng này chưa khả dụng cho tất cả mọi người ngay bây giờ.

Facebook chia sẻ rằng: “Bắt đầu từ hôm nay, chúng tôi sẽ bắt đầu triển khai các cửa hàng cho tất cả các doanh nghiệp trên toàn cầu trên Facebook và Instagram Shopping. Nhưng trước mắt, chúng tôi sẽ chỉ bắt đầu với các doanh nghiệp có đủ điều kiện - các doanh nghiệp đã sở hữu Hồ sơ cửa hàng trên Instagram thôi. Quyền truy cập sẽ được mở rộng thêm trong vài tháng tới. Các doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ nhận được email khi cửa hàng của họ đã sẵn sàng để bắt đầu chỉnh sửa.”

Hiện chưa có thông báo nào nói rõ về việc khu vực nào hay loại doanh nghiệp nào sẽ sớm được truy cập vào tính năng Cửa hàng này, nhưng như Facebook đã nói ở trên, họ sẽ thông báo cho người quản lý Trang biết.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho trải nghiệm mua sắm trên nền tảng mới, Facebook cũng sẽ giúp khách hàng dễ dàng nhắn tin cho các doanh nghiệp từ một danh sách các cửa hàng riêng của họ, thông qua WhatsApp, Messenger hoặc Instagram Direct. Và trong tương lai, khách hàng cũng sẽ có thể xem các cửa hàng và mua hàng từ một doanh nghiệp ngay trong các ứng dụng tin nhắn.

giao diện của facebook shop 01

Facebook cũng đang nỗ lực đẩy mạnh phát triển Thương mại điện tử thông qua ứng dụng tin nhắn ở thị trường Ấn Độ, và nền tảng cũng đang tìm cách mở rộng và kết nối giữa quy trình bán hàng tại tính năng “Cửa hàng” mới với các ứng dụng nhắn tin - giúp các doanh nghiệp có thể làm quen với tính năng mới này dễ dàng hơn, đồng thời tận dụng được lượng khách hàng tiềm năng khổng lồ đang có sẵn trên các ứng dụng khác nhau của Facebook, tương tác và gia tăng tỷ lệ bán hàng.

Ngoài ra, Facebook cũng bổ sung các công cụ kết nối video mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động Thương mại điện tử: "Mọi người đã sử dụng tính năng Live Video trên các ứng dụng của chúng tôi trong nhiều năm để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng: từ việc các cửa hàng giày livestream ra mắt sản phẩm giày thể thao mới, cho đến những người nổi tiếng livestream makeup và thử các loại son khác nhau. Giờ đây, chúng tôi sẽ khiến cho việc mua sắm trực tiếp trong thời gian thực diễn ra dễ dàng hơn. Các thương hiệu, người bán hay những nhà sáng tạo nội dung có thể gắn thẻ các sản phẩm từ Facebook Shop hoặc danh mục có sẵn của họ trước khi livestream và các sản phẩm đó sẽ được hiển thị ở cuối video để mọi người có thể dễ dàng nhấn vào để tìm hiểu thêm và mua hàng.

giao diện của facebook shop 02

Facebook cũng đang thử nghiệm thêm nhiều phương pháp để xây dựng các chương trình khách hàng thân thiết - đặc biệt là đối với các doanh nghiệp SMBs - bằng việc mang đến nhiều phương pháp tối ưu giúp các doanh nghiệp duy trì kết nối liên tục với khán giả của họ trên nền tảng mua sắm mới này.

giao diện của facebook shop 03

Vào tháng 3 vừa qua, Facebook đã cho ra mắt một chương trình thử nghiệm quy trình mới này với Sephora. Theo đó, Facebook cung cấp một cách khác để liên kết với hồ sơ hiện có của thương hiệu với khách hàng của thương hiệu đó thông qua danh tính Facebook. Từ đó tạo điều kiện thúc đẩy mua sắm trên nền tảng này, đồng thời giúp doanh nghiệp nhắm mục tiêu tốt hơn và đưa ra những gợi ý phù hợp cho mỗi khách hàng.

Thêm vào đó, trên Instagram, Facebook cũng thêm phần “Cửa hàng” mới trong mục Khám phá, nhằm khuyến khích mọi người nhấp vào và khám phá sản phẩm nhiều hơn. "Các bộ sưu tập từ @Shop sẽ tạo ra cảm hứng tuyệt vời cho bạn. Từ đó, bạn có thể tham khảo và đưa ra quyết định đối với các lựa chọn đến từ các thương hiệu và người sáng tạo yêu thích của mình, lọc nội dung theo các danh mục như Làm đẹp hay Nhà ở, và cuối cùng là mua sản phẩm mà bạn yêu thích. Cuối năm nay, chúng tôi sẽ cho ra mắt Tab “Cửa hàng” mới trên thanh điều hướng của ứng dụng, cho phép bạn có thể truy cập Instagram Shop chỉ bằng một cú nhấp chuột."

giao diện của facebook shop 04

Trong bối cảnh Thương mại điện tử đang đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ do những tác động của COVID-19, thì đây chính là thời điểm để Facebook tạo ra một cú nhảy lớn trong lĩnh vực này. Như đã nói ở phần đầu bài viết, Facebook đã nỗ lực trong nhiều năm liền bằng cách “đi đường vòng” - dần dần xây dựng nhiều hơn các tính năng mua sắm trên ứng dụng. Quay trở lại năm 2015, Facebook cũng đã nỗ lực đưa tính năng mua sắm trên nền tảng trở nên khả dụng hơn bằng việc đưa vào quảng cáo Canvas, nút “Mua” và tính năng “Shopping Feed” chuyên dụng, có thể truy cập nhanh qua thanh chức năng.

giao diện của facebook shop 05

Nhưng sau đó, những thay đổi về đường hướng phát triển cũng như chiến lược của Facebook đã trì hoãn sự thúc đẩy này theo thời gian, bao gồm sáng kiến Messenger bots, hợp nhất các chức năng nhắn tin, tích hợp Instagram vào mạng lưới chung và cả dự án tiền điện tử Libra. Tất cả những yếu tố đó chứng tỏ tham vọng lấn sân vào thị trường Thương mại điện tử của Facebook ngày một rộng lớn hơn. Nhưng thật không may cho ứng dụng này, trên mỗi một giai đoạn phát triển, đều có một vấn đề không hay xảy ra khiến cho Facebook buộc phải xem xét lại cách tiếp cận trong lĩnh vực này.

Và ngay bây giờ, chính là “thời điểm vàng” của “gã khổng lồ” này. Như đã nói ở trên, Facebook đang tìm cách đẩy mạnh Thương mại điện tử hơn vào các thị trường như Ấn Độ và Indonesia bằng cách tạo ra Facebook Pay, điều này sẽ tạo điều kiện cho giao dịch thương mại sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trên nền tảng này, khi sự gia tăng hoạt động Thương mại điện tử do tác động của COVID-19 có thể sẽ tiếp tục kéo dài, gây ảnh hưởng đến xu hướng thay đổi hành vi của người dùng.

giao diện của facebook shop 06
>> Xem thêm: E-commerce là gì? Kênh Digital Marketing hiệu quả cho thương mại điện tử

Doanh số thương mại điện tử đã tăng liên tục trong một thời gian và dù nói thế nào đi nữa thì việc cách ly sẽ chỉ khiến cho những thay đổi trong hành vi mua hàng trực tuyến trở nên mạnh mẽ hơn. Một khi người tiêu dùng nhận ra rằng việc mua sắm tại nhà có thể được thực hiện dễ dàng, nhanh chóng và đáp ứng đủ nhu cầu của họ thì họ sẽ dần quen và phụ thuộc vào hình thức này, và kết quả là, nhiều người sẽ tiếp tục sử dụng hình thức mua hàng đó thay vì quay trở lại thói quen mua hàng tại cửa hàng như trước đây.

Và Facebook - nền tảng có lượng người dùng lớn nhất trên thế giới - có thể tận dụng điều này. Những điểm mạnh sẵn có của Facebook là: khách hàng, nguồn cung cấp và nhiều chức năng.

Facebook có lượng người dùng rất lớn, với gần 3 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng trên các tiện ích của nền tảng này. Điều cốt lõi cũng là thách thức lớn nhất ở đây chính là chức năng. Facebook đã tìm cách thay thế để hợp lý hóa các khoản thanh toán, thông qua tiền điện tử Libra và các phương tiện khác. “Gã khổng lồ” này cũng đã nỗ lực hết sức để cải thiện các chức năng trong danh sách Marketplace của mình để đẩy mạnh các hoạt động Thương mại điện tử.

Trên thực tế, nếu các Cửa hàng trực tuyến mới của Facebook (facebook shop) có thể được tạo dễ dàng, và các doanh nghiệp có thể thông qua đó để cung cấp trải nghiệm khách hàng tuyệt vời, thì rất có khả năng trong tương lai, Facebook sẽ tạo ra sự thay đổi lớn trong không gian thương mại trực tuyến. Điều này ngay lập tức sẽ đem lại một thay đổi có ý nghĩa đối với các thương hiệu, nhưng cũng có thể, tác động rộng hơn đến thị trường trực tuyến.

Tô Linh - MarketingAI

Theo SocialmediaToday

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.