Giải mã sức hút của hiện tượng game toàn cầu "Animal Crossing"

17 Thg 07

Tựa game này được Nintendo giới thiệu vào hồi tháng 6/2019 và dự kiến phát hành vào cuối năm 2019, thế nhưng nó đã bị trì hoãn cho đến tận tháng 3/2020 vừa rồi. Đây là hướng đi mà chính giám đốc của Nintendo cho là “đảm bảo tựa game này được ra mắt khi mọi thứ ở trạng thái sẵn sàng nhất”. Thế nhưng điều mà Nintendo không thể lường trước được chính là thời điểm ra mắt của tựa game này lại trùng với thời gian bùng phát đại dịch Covid-19. Chính điều này đưa Animal Crossing đã thành công tới mức trở thành hiện tượng bùng nổ toàn cầu. 

Chỉ tính riêng tại Nhật Bản đã có tới 1,8 triệu bản game đã được bán ra chỉ trong 3 ngày ra mắt và trở thành tựa game bán chạy thứ ba của Nintendo tại thị trường Mỹ, vượt qua cả những  cái tên đình đám như Mario, Zelda và Pokemon. Tính đến giữa tháng 5 vừa rồi, đã có tổng cộng 13,4 triệu bản game đã được bán ra trên toàn cầu, một nửa trong số đó được bán dưới hình thức Digital, bán chạy hơn tất cả các phần tiền truyện của nó cộng lại ở một số thị trường. 

Dù vậy, thành công của hiện tượng Animal Crossing không hoàn toàn đến từ sự ngẫu nhiên, bởi lẽ suy cho cùng thì thương hiệu Nintendo đã tồn tại trên thị trường gần 20 năm nay. Chắc chắn thành công của Animal Crossing phải là sự kết hợp của hoạt động truyền thông Marketing, cũng như các yếu tố về lối chơi và thiết kế để có thể tạo nên một tựa game đình đám như vậy và tất cả được hưởng lợi thêm từ sự việc đại dịch Covid-19 bùng phát. Trong bài viết này, hãy cùng MarketingAI đi tìm hiểu cụ thể điều gì đã tạo nên sức hút cho hiện tượng toàn cầu: Animal Crossing.

Định vị thương hiệu của trò chơi cực kỳ phù hợp với hoàn cảnh và thời điểm

Như đã đề cập ở trên, tựa game Animal Crossing được ra mắt vào tháng 3/2020, trùng với thời điểm toàn thế giới bước vào giai đoạn cách ly xã hội và phong tỏa. Trò chơi này sở hữu một định vị thương hiệu phù hợp đến bất ngờ khi đặt vào bối cảnh toàn thế giới phải hứng chịu đại dịch. Điều đầu tiên, giống như nhiều tựa game khác của Nintendo, Animal Crossing sở hữu một sức hấp dẫn vượt qua mọi rào cản về tuổi tác, ngôn ngữ hay kinh nghiệm chơi game - những yếu tố đòi hỏi ở các tựa game thông thường khác như Liên minh huyền thoại hay game bắn súng góc nhìn thứ nhất. 

Ngoài ra, Animal Crossing còn là một trò chơi cực kỳ thân thiện với gia đình khi sở hữu Đánh giá PEGI chỉ là 3+, điều này đã khiến trò chơi trở thành một kênh giải trí lý tưởng để giết thời gian khi mọi người phải cách ly tại nhà.

Trò chơi sở hữu một thiết kế cực kỳ sặc sỡ, cơ chế điều khiển đơn giản, dễ dàng, đảm bảo rằng ai cũng có thể chơi được kể cả những người chưa từng chơi game trước đây. Hơn nữa, chế độ chơi nhiều người của Animal Crossing cũng là một điểm độc đáo khác, cực kỳ phù hợp khi chơi theo nhóm hoặc gia đình và đây là điểm khác biệt khi người ta nhắc đến các trò chơi dạng tay cầm nhưng đây chính là thứ đã làm nên thương hiệu trò chơi của Nintendo: Vui nhộn - Đơn giản - Phù hợp với số đông.

Một điểm nữa khiến Animal Crossing trở nên hấp dẫn đến vậy chính là trò chơi này giống như một “mạng xã hội” thu nhỏ khi không hề có tính cạnh tranh, ganh đua và khuyến khích mọi người hợp tác với nhau và cùng nhau trải nghiệm thế giới đầy màu sắc của Animal Crossing. Bạn có thể dễ dàng liên tưởng Animal Crossing tới những tựa game như Hay Day, Nông Trại Vui Vẻ,... Do đó, điều này làm cho trải nghiệm chung của trò chơi rất thư giãn và nhẹ nhàng, người chơi có thể chơi theo tốc độ của riêng bản thân mà không phải lo về việc thắng thua, làm nhiệm vụ để hoàn thành trò chơi hay không.

Trò chơi được tạo ra để tồn tại lâu dài

Khó có thể phủ nhận rằng Animal Crossing được Nintendo chăm chút rất kỹ lưỡng về mọi mặt với những cải tiến, mở rộng vượt xa các phiên bản trước đó để tạo ra một trò chơi hấp dẫn mọi người cả về phần nhìn lẫn phần nội dung bên trong. 

Một trong những USP (Unique selling point: Điểm bán hàng độc nhất) của tựa game này chính là nó được tạo ra để tồn tại lâu dài. Điều này giúp Animal Crossing trở nên khác biệt so với các tựa game truyền thống với các cốt truyện, màn chơi và số giờ chơi giới hạn cùng hệ thống lên cấp. Lối chơi của Animal Crossing là mô phỏng, người chơi sẽ thực hiện những công việc như trồng cây, thu thập vật phẩm và chúng đòi hỏi tính kiên nhẫn và đôi khi là vài ngày mới có thể hoàn thành. Không chỉ vậy, phía nhà phát hành là Nintendo cũng sẽ đưa ra các bản cập nhật để bổ sung các tính năng và vật phẩm mới trong trò chơi, giúp người chơi có thể trải nghiệm và khám phá thêm nhiều điều mới lạ.

Với lối chơi của mình, Animal Crossing sẽ đòi hỏi người chơi phải thường xuyên mở trò chơi và thời gian lại là thứ dường như mọi người có nhiều nhất trong giai đoạn cách ly xã hội. Khi điều này diễn ra trong một thời gian, nó sẽ hình thành một thói quen và điều này sẽ cực kỳ có lợi cho tựa game này nói riêng và phía Nintendo nói chung. Về lâu dài, ngay cả khi xã hội dần trở về với nhịp sống bình thường sau khi nới lỏng cách ly xã hội thì Animal Crossing vẫn sẽ trở thành nguồn giải trí cho mọi người sau giờ học, giờ làm căng thẳng. Điều này mở rộng cơ hội cho Nintendo phát triển tựa game nhiều hơn nữa trong tương lai, hoặc các chiến dịch Marketing mới hoặc hợp tác với thương hiệu khác.

Mở ra cơ hội mới cho các thương hiệu với Virtual Marketing

Trong vài tháng vừa qua, các Marketer đã phải bắt buộc nghĩ ra những cách mới mẻ để thực hiện các chiến lược Marketing của mình. Với tình trạng ngân sách eo hẹp hơn, mức chi tiêu cho quảng cáo giảm sút, dù vậy cơn sốt toàn cầu Animal Crossing đã mang đến một cơ hội hoàn toàn mới cho các thương hiệu. Minh chứng là việc các thương hiệu thời gian như Marc Jacobs hay Valentino đã tổ chức một buổi trình diễn thời trang ảo ngay trong chính trò chơi. Những nhà thiết kế đã tạo ra các bộ sưu tập quần áo mà người chơi có thể mặc miễn phí.

(Nguồn: Vogue)

Hay là mới đây, KFC Philippines đã hợp tác với Ogilvy, tạo ra một hòn đảo KFC trong game và cho phép số lượng giới hạn khách ghé thăm. Những vị khách may mắn này sẽ có cơ hội nhận được những phiếu giảm giá KFC ngoài đời thực khi ghé thăm hòn đảo này trên Animal Crossing.

Không chỉ vậy, các thương hiệu hoạt động trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng cũng nhanh chóng tận dụng thời cơ này để làm Marketing. Suy cho cùng, du lịch cũng là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Tiêu biểu nhất phải kể đến Đảo Sentosa của Singapore khi thương hiệu này đã hợp tác với Agency BBH Singapore để tạo một bản sao ảo của khu nghỉ mát giải trí trong Animal Crossing chỉ với vỏn vẹn 12 ngày.

Dù Sentosa không chính thức hợp tác với Animal Crossing, thế nhưng đây vẫn là một case study tiêu biểu cho việc thích nghi trong khủng hoảng bằng cách mở rộng chiến lược Marketing tới những nền tảng Digital mới, qua đó bổ sung được tính độc đáo cho trải nghiệm tổng thể của người chơi

UGC kết hợp với WOM

Chúng ta đang sống trong thời đại mạng xã hội phát triển mạnh mẽ nhất, như với bất kỳ xu hướng nào khác thì UGC (User generated content) - Nội dung do người dùng tạo ra đã được tạo ra rất nhiều với trò chơi này. Dạng nội dung này đóng vai trò như một hình thức Marketing thứ cấp, dù cho Nintendo có quyết định ghi nhận chúng trên kênh chính thức của họ hay không. 

>>> Có thể bạn quan tâm: UGC là gì

Trên những nền tảng mạng xã hội video như TikTok và YouTube cũng trở thành những nguồn cực kỳ phổ biến cho dạng nội dung UGC. Các video về chủ đề Animal Crossing, từ các video hướng dẫn cho đến mẹo trang trí hay các video giới thiệu những hòn đảo hoành tráng, tất cả đều trở nên cực kỳ viral và thịnh hành. Trên TikTok, các bài đăng có gắn hashtag #animalcrossing hiện đã vượt hơn 3,2 tỷ lượt xem. 

@sierra_18Damn bees ##animalcrossing ##animalcrossingnewhorizons ##fountain♬ original sound - maybe.itsmk

Không chỉ vậy, ngay cả những ngôi sao nổi tiếng như Chrissy Teigen hay Brie Larson và rất nhiều người nổi tiếng khác đã rất năng nổ trong việc chia sẻ những kinh nghiệm, cũng như quá trình chơi Animal Crossing của họ trên các kênh mạng xã hội.

Sự phổ biến của Animal Crossing trên mạng xã hội là sự góp phần của cả những người chơi thông thường và các ngôi sao nổi tiếng, cả hai đều đã giúp nâng cao độ nhận diện của trò chơi lên một tầm cao mới, qua đó tiếp cận được nhiều khán giả mới mà thông thường Nintendo không chủ động tìm đến. Dĩ nhiên, điều này một phần cũng đến từ việc các hoạt động trên mạng xã hội và mức độ tiêu thụ nội dung đã tăng lên đáng kể do tình trạng cách ly xã hội và ở nhà. 

Nhờ vào những nội dung liên quan tới Animal Crossing liên tục được mọi người chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội, kết quả là tựa game này đã tạo ra sức hút lớn hơn rất nhiều so với những gì Nintendo dự tính ban đầu. 

Tạm kết

Với tất cả những ý được đề cập ở trên, liệu cái tên Animal Crossing có trở nên đình đám như bây giờ nếu đại dịch Covid-19 không diễn ra trùng thời điểm hay không? Câu trả lời có lẽ sẽ là không. Thay vào đó, tựa game này vẫn sẽ được những fan hâm mộ của Nintendo Switch nói riêng và những người muốn trải nghiệm tựa game này vì các phiên bản tiền nhiệm nói chung. Dĩ nhiên, nói như vậy không có nghĩa là tựa game này không thành công. Dù cho không có đại dịch thì Animal Crossing vẫn có thể dễ dàng trở thành một trong những tựa game phổ biến nhất trong năm, nhưng để trở thành hiện tượng toàn cầu như bây giờ thì có lẽ là điều rất khó, đó là chưa kể việc các thương hiệu sẽ khó lòng nhận ra cơ hội để hợp tác và quảng cáo trong trò chơi này. Dù việc chơi game đã trở thành hoạt động cực kỳ phổ biến trên toàn thế giới kể từ thời điểm dịch bệnh bùng phát, không phải tựa game nào cũng có thể hưởng lợi từ điều này giống như những gì Animal Crossing đã làm được. 

Tuấn Anh - MarketingAI

Theo Econsultancy

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.