Giải mã ý nghĩa tâm lý của màu sắc trong thương hiệu

05 Thg 11

Việc xây dựng một bộ nhận diện thương hiệu có vai trò cực kì quan trọng đối với mỗi thương hiệu. Chẳng ngẫu nhiên mà thương hiệu chọn một màu sắc đại diện cho doanh nghiệp của mình. Các nhà nghiên cứu khoa học đã có những chứng minh rằng màu sắc có tác dụng tâm lý cực mạnh đối với khách hàng. Màu sắc thương hiệu đại diện cho tính cách, những giá trị mà thương hiệu muốn mang đến với người dùng. Cùng MarketingAI tìm hiểu ý nghĩa tâm lý của màu sắc trong thương hiệu qua bài viết dưới đây.

Màu đỏ

Khi nghĩ tới màu đỏ, mọi người thường nghĩ ngay đến cảm giác nóng bỏng, gấp gáp hay nhiệt huyết cháy bừng. Do đó, màu sắc này thường được sử dụng trong các chương trình khuyến mãi, giảm giá hoặc khi thương hiệu cần thúc đẩy doanh thu bán hàng.

Chính vì lý do tạo cảm giác gấp gáp cho người xem, màu đỏ thường được sử dụng trong các thương hiệu sản xuất xe hơi hay các giải đấu thế thao quan trọng. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng màu đỏ còn có khả năng kích thích cảm giác thèm ăn cho khách hàng, do đó, đây là màu sắc chủ đạo của nhiều nhà hàng và các thương hiệu thực phẩm.

Một số cảm xúc gắn liền với màu đỏ

  • Cảm xúc tích cực: sức mạnh, đam mê, năng lượng, dũng cảm, hào hứng
  • Cảm xúc tiêu cực: cơn giận giữ, mối nguy hiểm, sự nổi loạn, nỗi đau

Màu sắc trong thương hiệu - màu đỏ
Đỏ là màu sắc chủ đạo của nhiều nhà hàng và các thương hiệu thực phẩm (Ảnh: Tổng hơp)

Màu cam

Màu cam tạo ra cảm giác ấm áp, vui tươi, gợi liên tưởng tới ánh mặt trời. Đây là một màu sắc khá trẻ trung nên không phù hợp với các tập đoàn, doanh nghiệp trong các lĩnh vực đòi hỏi uy tín cao như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm,… nhưng lại rất phù hợp với các doanh nghiệp đi theo định hướng giá bình dân hoặc sản xuất các sản phẩm dành cho trẻ em. Các tông đậm hơn của màu cam khá gần gũi với màu nâu, tạo cảm giác bình dị, đơn giản, thường được áp dụng cho các thương hiệu vì môi trường.

Một số cảm xúc gắn liền với màu cam:

  • Cảm xúc tích cực: dũng khí, sự tự tin, hơi ấm, sự sáng tạo, sự thân thiện, năng lượng
  • Cảm xúc tiêu cực: sự thiếu thốn, nông nổi, lười biếng, kiêu ngạo

màu sắc trong thương hiệu - màu cam
Màu cam tạo ra cảm giác ấm áp, vui tươi, gợi liên tưởng tới ánh mặt trời (Ảnh: The Design Love)

Màu vàng

Màu vàng đại diện cho sự trẻ trung, hạnh phúc, niềm vui và ánh sáng mặt trời. Cùng với cảm giác vui tươi là sự năng động, do đó, màu vàng thường được sử dụng trong các công ty chuyển phát. Các tông sáng của màu vàng thường khá chói chang, còn các tông trầm lại bắt sáng kém, mang lại cảm giác “xỉn”, do đó, màu vàng thường được dùng làm điểm nhấn, kết hợp với các màu sắc tương phản như đen, đỏ, xanh nước biển đậm…. Trong đó, vàng và đỏ là sự kết hợp phổ biến nhất trong ngành thực phẩm, nhà hàng, còn vàng và đen lại có thể được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Là một trong những màu sắc đầu tiên mà mắt trẻ nhỏ có thể nhận biết, lại nằm trong nhóm 3 màu cơ bản (vàng, đỏ, xanh nước biển) nên màu vàng còn xuất hiện dày đặc trong các thương hiệu đồ chơi.

Một số cảm xúc gắn liền với màu vàng:

  • Cảm xúc tích cực: Sự lạc quan, ấm áp, hạnh phúc, sáng tạo, trí tuệ, hướng ngoại…
  • Cảm xúc tiêu cực: Sự vô lý, nỗi sợ, cảnh giác (hay dùng trong các loại biển báo nguy hiểm), nỗi lo lắng, thất vọng.

màu sắc trong thương hiệu - màu vàng
Màu vàng đại diện cho sự trẻ trung, hạnh phúc, niềm vui và ánh sáng mặt trời (Ảnh: Internet)

Màu xanh lục

Xanh lục là một màu sắc mang lại cảm giác thư thái cho đôi mắt, gắn liền với thiên nhiên, sự sống nên được áp dụng phổ biến nhất trong các thương hiệu về sức khỏe, y tế, dược phẩm, nông nghiệp, môi trường,… Sự tươi mới của màu xanh khiến cho nó phù hợp với cả các thương hiệu theo định vị trẻ trung, đi đầu trong sáng tạo, đổi mới. Ngoài ra, xanh lục còn tượng trưng cho sự phát triển, thịnh vượng nên còn xuất hiện (mặc dù không nhiều) trong một số lĩnh vực như tiền tệ, quân đội, ngân hàng,…

Một số cảm xúc gắn liền với màu xanh lục

  • Cảm xúc tích cực: Sức khỏe, niềm hy vọng, sự tươi mới, thiên nhiên, sự phát triển, thịnh vượng…
  • Cảm xúc tiêu cực: Sự nhàm chán, ghen tị

màu sắc trong thương hiệu - màu lục
Xanh lục là một màu sắc mang lại cảm giác thư thái cho đôi mắt, gắn liền với thiên nhiên (Ảnh: The Design Love)

Màu tím

Trong lịch sử, màu tím thường được sử dụng trong hoàng tộc, thể hiện sự cao quý. Do đó, màu tím phù hợp với các thương hiệu muốn khẳng định vị thế hay uy tín hàng đầu của mình.

Các sắc đậm của màu tím thường mang lại cảm giác u buồn, trong khi đó các sắc sáng có thể sử dụng cho các sản phẩm dành cho phụ nữ.

Một số cảm xúc gắn liền với màu tím:

  • Cảm xúc tích cực: trí tuệ, sự giàu có, tâm linh, trí tưởng tượng, sành điệu
  • Cảm xúc tiêu cực: U buồn, ức chế, sa sút

màu sắc trong thương hiệu - màu tím
Trong lịch sử, màu tím thường được sử dụng trong hoàng tộc, thể hiện sự cao quý (Ảnh: Tổng hợp)

Kết

Màu sắc đóng vai trò thể hiện cá tính và đẳng cấp của thương hiệu. Do đó, lựa chọn màu sắc cho thương hiệu cần kỹ lưỡng và mang tính khái quát cho những thông điệp mà thương hiệu muốn truyền tải.

>>> Có thể bạn quan tâm: 

Nguồn: Tomorrow marketer

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.